Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Thuốc lá, Nỗi buồn


Những kỉ niệm về X.Exenhin

N.Vonpin
Vũ Nho dịch

THUỐC LÁ
Mùa hè năm 1920.
Tôi thú nhận với Gru-di-nov :
- Thật là sợ thay cho E-xê-nhin. Có cảm giác hệt như anh ấy nhắm mắt đi trên dây cáp. Chỉ gọi giật một cái là rớt xuống.
- Nhưng không phải chỉ mình chị nghĩ thế - Gru-di-nov trả lời ngắn gọn, xác đáng.
Sau một dạ hội văn học, tôi và E-xê-nhin đi dạo song đôi rất lâu. Hết đại lộ Tơ-ve-rơ-xki lại theo phố Tơ-ve-rơ-xki…Chúng tôi “thăm hỏi Puskin”.
- Tôi cảm thấy sao đói thế. Chúng mình rẽ vào Hiệp hội các nhà thơ ăn tối nhé ?
Chúng tôi vào. Chương trình đã kết thúc từ lâu. Hoàn toàn vắng người. Trong phòng thứ hai, nơi các thành viên Hiệp hội ăn uống chẳng có ai. Chỉ ở hàng ghế giữa có người ngồi một mình nhả khói – Mai-a-cov-xki.
Chị phục vụ thanh minh rằng chẳng còn món thịt nào, và nói chung chẳng còn gì – Chỉ còn mỗi khoai tây rán, mà rán bằng dầu hướng dương.
- Nhưng tôi thì tôi lại thích khoai tây rán dầu hướng dương- Xéc-gây nói dịu dàng.

Chúng tôi tiếp tục mạn đàm. Mai-a-cov-xki nhìn chúng tôi bằng cái nhìn quở trách. Có thể, nhà thơ nhớ lại hai năm trước trong hiệu Cà phê các nhà thơ ở Na-xtan-xki, anh đã nhìn qua vai tôi và thấy tôi chép thơ vào những chỗ trống trên cuốn sách của anh (“Con người”) và anh đòi xem ; còn tôi thì hoảng sợ từ chối. Còn chuyện này nữa : Khi mặc áo ở phòng gửi, người đồng hành với tôi là Vla-di-mir Ma-xơ cố ý hỏi tôi thật to để Mai-a-cov-xki nghe thấy “Chẳng lẽ chị có thể đọc thuộc lòng tất cả các trường ca của Mai-a-cov-xki ư ? “. Còn tôi thì làu bàu đáp : “ Có thể. Trí nhớ tôi rất tốt”.
Trong khi người ta rán khoai cho chúng tôi, Xéc-gây bỗng nhớ ra là thuốc lá của anh đã hết. Bây giờ thì muộn rồi. Những đứa trẻ bán rong thét lên những tên gọi thuốc lá “ Ira, Ira, Iava thuốc lá điếu !” đã kết thúc ngày của mình. Bối rối nhìn quanh. Anh gật đầu hất sang Mai-a-cov-xki “ Vay anh ta”. Anh đứng lên, đi tới.
Rành rọt, thậm chí trang trọng, Mai-a-cov-xki không nói mà phát âm : - Không dám ! – Rồi mở hộp thuốc lá. Tuy nhiên anh ta nói thêm, trêu chọc và liếc xéo con mắt bò vào tôi :
- Tôi sẽ không cho anh thuốc lá !
Trên mặt E-xê-nhin lộ sự ngơ ngác và bực dọc trẻ thơ (Vâng, đúng là trẻ thơ ! Tôi nhớ lại cho mình “ Nào, hỡi chị em phụ nữ, hãy tìm trẻ thơ trong người đàn ông !” Nhà thông thái nào nói câu đó nhỉ ?). Anh nói với tôi, trước khi ngồi xuống chiếc ghế đã bị gạt ra :
- Tôi sẽ không bao giờ quên anh ta chuyện này !
Anh biết rằng tôi thành kính giữ gìn sự trung thành với lá cờ Mai-a-cov-xki, rằng tôi nhiệt tình luôn luôn dạy những người khác đọc “thơ tự do” đặc biệt của anh ấy có nhịp điệu được chăm chút kĩ lưỡng ! Rằng trong Mai-a-cov-xki, thế hệ trẻ tôn kính nhà thơ thứ nhất của thời đại. Còn ở đây, trong Hiệp hội các nhà thơ, tất cả kết thành vòng, đặc biệt là những người theo phái tượng trưng (trừ có mỗi E-xê-nhin) vội vã hạ bệ Maia : “ Nhà thơ gì anh ta ! – Ivan Gru-di-nov lớn tiếng – Anh ta là kẻ to mồm !”. Còn tôi thì thường xuyên phản đối, rằng họ bị đè bẹp bởi sức mạnh của thơ Maia, và chỉ gào kêu thảm thương dưới đế giày của anh ấy.
Bữa tối được đưa ra và ăn xong. Chúng tôi uống chè. Chè thật cần thiết trong đêm ấm áp này sau một ngày quá nóng ! Sau khi bắn ánh mắt sang bàn bên cạnh ( Mai-a-cov-xki đang buồn bã đứng lên), Xéc-gây dằn từng tiếng :
- Chị sẽ thấy, không đầy một năm, tôi sẽ vượt anh ta !
Vào những năm ấy, đối với rất nhiều nhà thơ, tự khen mình dường như là một thủ pháp văn chương. “ Tôi là Igo Xe-ve-ra-nhin thiên tài !” – Một người kêu lên. “ Hãy ngợi ca tôi ! Vĩ đại không xứng với tôi” – Mai-a-cov-xki yêu cầu. Những dòng chữ đề tặng tự khen của Ma-rien-gov trên sách tặng : “ Ma-rien-gov thông minh, xinh đẹp, tài năng tặng Nadejda Vonpin”. Tất cả những thứ đó không phải là sự huênh hoang, mà như là một thứ mốt. E-xê-nhin không chạy theo mốt đó. Anh cẩn trọng mang trong mình tầm vóc một nhà thơ lớn bẩm sinh nhưng chưa lớn hết tầm. Và tất nhiên, ngay từ hôm nay, trước “Lễ cầu nguyện bốn chục ngày”, trước “Sự xưng tội của kẻ du đãng”, trước “ Pu-ga-chov”- anh đã biết giá trị của mình. Và đã vạch ra thời hạn chính xác : một năm !
                                          NỖI BUỒN
Thời kì nặng nề đối với tôi. Em gái ốm. Khó khăn kinh tế, gia đình suýt lâm vào đói khát. Tôi tha những thùng nước từ tầng một lên tầng bốn của chúng tôi. Tôi cưa gỗ, bổ củi cho “cô tư sản” ( tên một loại lò sưởi). Mới tháng mười mà đã lạnh cóng. Rồi chạy theo các bài học, thăm trường bồi dưỡng viết văn ! Dường như tôi hoàn toàn bị nghiền nát. Và tôi chẳng biết người bà con của thơ ca làm sao có thể lách qua.
 …Quán đóng cửa, nhưng đống lửa ở hẻm chưa cháy tàn. Hai chúng tôi ngồi sưởi lửa. E-xê-nhin bỗng nói - Lần đầu tiên trước tôi – về nỗi buồn không lối thoát, không vượt qua nổi.
- Chị có nỗi buồn thế không ? Sự trống rỗng bên trong ? Tựa như là chán không thiết sống ?
Tôi đáp rằng tôi có nỗi buồn khác : như khát vọng cái mới, hoặc như đau khổ, nhưng vì nó mà tâm hồn tôi đầy đặn hơn. Sự trống rỗng bên trong ư ? Không, tôi không hề quen biết. Tôi thuyết phục Xéc-gây rằng anh không phải như vậy. Anh dốc hết sức lực vào thơ ca – anh đã viết nhiều đến mức có hiệu suất cao nhất ! Nên không thể không có cảm giác ( tôi cố ý dùng chữ “cảm giác” chứ không phải “cảm thấy”) trống rỗng. Tôi nói như thế, nhưng tôi lại không tin. Thậm chí tôi biết rằng cảm giác trống rỗng làm tổ vững chắc trong anh từ lâu !
- Giá mà yêu thật sự ! Hoặc là sốt phát ban, đằng nào cũng được.
“Giá mà yêu” – Cái đó là trách cứ tôi ( tôi yêu nhưng không thú nhận). Còn về sốt phát ban…Khi đó người ta  cho rằng bện sốt phát ban dường như mang đến sự phục sinh chẳng những cho các tế bào cơ thể mà cho cả cơ cấu tinh thần.
Những hòn than cũng đã lụi từ lâu, đã đến lúc chúng tôi chia tay đống lửa. Chúng tôi đi với nhau. Chúng tôi qua các hẻm Tơ-ve-rơ-xcai-a, Di-mi-trov. Chúng tôi tạm biệt nhau ở đây. Xéc-gây rẽ trái, tôi đi thẳng. Sau khi ném lời “chào tạm biệt”, tôi sẽ đi tắt qua cầu. Tôi thấy loáng thoáng : một chiếc xe chạy như điên, người xà ích đứng trên.
Móng ngựa trượt qua đầu. Ánh vó ngựa đập vào mắt. Hơi thở ngựa nóng trên má, những ngón tay siết chặt vai của bạn. Giật mạnh. Chúng tôi lại cạnh nhau trên vỉa hè.
Con ngựa, cỗ xe, người xà ích đứng trên lao vụt qua bên cạnh.
Anh nhìn vào mắt tôi thật buồn và vô cùng thông cảm !
- Em làm sao thế ? Chính em nhìn thấy thế mà không tránh. Mới mấy ngày trước, khi trong nhà, những ống máng ập đổ xuống đầu, than cháy rắc xuống người em , em cũng đã chẳng nhúc nhích lông mày.
Đúng, từng có chuyện xảy ra như thế. Và anh đã nhanh như chớp túm lấy tôi từ dưới những ống máng đổ.
- Em nói không đúng sự thật làm gì ? Em có biết nỗi buồn và sự trống rỗng đó. Dù sao cũng thế thôi, sống hay không sống.
Tất cả những chuyện đó được nói ra với ngôi “em”, hệt như được rút ra từ trái tim.
- Ấy không, không ! Đó chỉ là…chỉ là sự đãng trí.
Tôi không thể giải thích cho anh sự thật. Trong tôi không phải nỗi buồn của tôi mà là nỗi buồn của anh. Tôi gắng hiểu nó chính xác, để sau khi hiểu, vượt qua được nó và sau đó giúp đỡ anh.
Cảm xúc mạnh mẽ và vui sướng. Tôi vui mừng không phải vì trong những ngày đó E-xê-nhin đã hai lần cứu tôi khỏi tai nạn. Tôi thấy rõ rằng sự chiến thắng nguy hiểm dường như thức dậy trong anh niềm vui sống và nâng cao thêm sức mạnh tinh thần.
(Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét