Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Người tinh vi, Nhà thơ và nhà phê bình


Những kỉ niệm về X. Exenhin
N.Vonpin
Vũ Nho dịch

NGƯỜI TINH VI
Ngày tháng tư ấm áp. Tôi đứng trước quầy sách trong Hiệp hội các nhà thơ. Tôi lựa chọn mấy cuốn. E-xê-nhin hiện ra phía sau, nhìn qua vai tôi :
- Sao chị lại vung phí tiền bạc cho bất cứ thứ đồ bỏ đi nào ?
Tôi lập tức cảm thấy vui thích.
- Tôi chẳng có bao nhiêu, giá như mua cái gì đó thì chẳng đủ. Nhưng giá sách thì lại quá rẻ.
Dầu sao thì nhận xét của E-xê-nhin cũng khắc sâu vào ý thức của tôi. Cái đó, anh hẳn là dạy tôi sự cẩn trọng ? Đặc điểm hết sức nông thôn so với thành thị.
- Không phải tất cả là đồ bỏ. Anh xem này – Tôi chìa ra cuốn sách của Kliuev “ Những tiếng chuông thông ngân”.
Câu chuyện chuyển sang các nhà văn.
- Kliuev…chị, chắc là chị nghĩ…một anh nhà quê từ xứ làng hẻo lánh. Nhưng anh ta là một tay tinh vi. Đến nỗi mình không nắm bắt được. Chị có muốn biết anh ta là gì không ? – Anh ta là Oxca Oai-lơ đi giày cỏ.
Oai-lơ đi giày cỏ ! Theo giọng nói thì không rõ đó là khen ngợi hay quở trách. Nhưng lại gợi ra sự kêu gọi tự bảo vệ : các người phán xét ta như là một kẻ làm giày cỏ nào đó…
Về sau, vào mùa thu năm hai mốt, E-xê-nhin bắt đầu kể cho tôi nghe với giọng giáo huấn về một nền văn học Nga cổ - một nền văn học vĩ đại mà “các trường đại học của chị không thể hiểu nổi, chỉ đào xới ngoài rìa”. Cần phải tìm kiếm nó ở các tầng hầm tu viện, ở những người lang bạt thoát li. Nó có những người săn lùng riêng, những nhà bác học sành sỏi riêng của mình. Cả đời, người ta cũng không thấu hiểu hết được nó. Rồi anh nói thêm như kết luận :
- Trong lĩnh vực  hiểu biết đó, Kliuev là một viện sĩ.

                                    NHÀ THƠ VÀ NHÀ PHÊ BÌNH
    Giữa nhiều thứ chủ nghĩa khi đó trong thơ ca, có một thứ chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa biểu hiện. Những người đề xướng nó là các nhà thơ trẻ : Ni-co-lai De-men-cov và Ip-po-lit Xo-co-lov ( Vâng, tôi còn nhớ thêm Gu-ri Xi-do-rov). Vào tháng Tám năm 1919, lần đầu tiên sau khi bước qua ngưỡng cửa Hiệp hội các nhà thơ, tôi đứng cạnh lối vào quầy sách mua cuốn sách trắng gồm 16 trang với nhan đề “ Ip-po-lit Xo-co-lov toàn tập tác phẩm”. Dù tôi không nhồi vào đầu óc non trẻ giàu sức chứa của mình, nhưng cả hai người ấn tượng chủ nghĩa, tôi chỉ nhớ được một nửa dòng thơ “…du thuyền môi”. Mà tôi chỉ nhớ mỗi trọng âm rơi vào âm tiết đầu tiên – như người ta thuyết phục tôi : rất là kiểu Ý.

    Anh chàng Xo-co-lov này thật kì quặc. Anh ta sợ chết khiếp bị dính vào dịch sốt phát ban ở Mat-xcơ-va đói khát. Anh ta không cho phép mình ngồi xuống ghế nơi công cộng. Một lần chính tôi thấy anh ta đứng nghe bài giảng của giáo sư Xa-cu-li-na suốt buổi không ghi chép gì. Nhưng đến mùa xuân năm 1920, Ip-po-lit bắt đầu đổi hướng từ nhà thơ sang nhà phê bình. Ngọn lửa pháo binh của mình, anh ta nhằm cái đầu thứ nhất là E-xê-nhin mà dội xuống.
    Hễ E-xê-nhin đọc cái gì đó ở sân khấu thì anh chàng Ip-po-lit xuất hiện ngay sau đó trước công chúng. Dáng vẻ bề ngoài anh ta không còn trẻ. Cao lớn, đẫy đà, hơi còng còng, khuôn mặt sần sùi nặng nề, trông anh ta già hơn chục tuổi so với tuổi mười tám. Anh ta bước lên sân khấu, rút ra chiếc cặp giấy tờ chuẩn bị sẵn, và với cái giọng rin rít như dao cắt vào đĩa ăn, anh ta giảng giải. Anh ta khẳng định rằng E-xê-nhin chẳng có cái gì của riêng mình. Toàn bộ hệ thống hình tượng, tất cả thánh mẫu cùng với bầy chiên đều bắt chước hoàn toàn theo nhà thơ người Đức Rai-ne-ra Ma-ri Rin-ke. Đúng, của Rin-ke vĩ đại !
    Rồi anh ta đọc to thoạt đầu là những dòng tiếng Đức, sau đó là bản dịch tiếng Nga sát ý từng chữ, và cuối cùng là những dòng rất giống với chúng của E-xê-nhin. Đặc biệt như là “Những đám mây sủa lên/ thinh không nhe nanh vàng gầm thét”.
    Công chúng nghe và buồn bã. Họ đến đây thưởng thức “không theo tiêu chuẩn”, nhìn các nhà thơ sống và lắng nghe họ đọc thơ. Dù E-xê-nhin không phát biểu, nhưng tất cả đều kéo lên sân khấu với “những lời tố cáo” của mình. Ai đó kêu to : “ Thôi đi nào, Ip-po-lit, E-xê-nhin không biết tiếng Đức !”. Ip-po-lit vẫn khăng khăng : “ Thế lại càng tồi tệ hơn. Nghĩa là không ảnh hưởng trực tiếp, mà thông qua sự học đòi thô bỉ, yếu ớt”.
    Lúc đầu, E-xê-nhin nghe với sự cười mỉa. Ip-po-lit nhắc hết lần nọ đến lần kia, cuối cùng nhắc đến từ “ăn cắp văn”. Bản thân Xéc-gây E-xê-nhin không nghe trực tiếp, nhưng khi chuyện đến tai anh, anh yêu cầu cảnh cáo Ip-po-lit rằng nếu anh ta còn lặp lại tương tự thì E-xê-nhin sẽ “đánh vỡ mõm”.
    Hai ngày sau, E-xê-nhin đưa tôi đến Hiệp hội nhà thơ để ăn tối. Chúng tôi ngồi ở “ Phòng các nhà thơ” cách xa chỗ vòm gương – không nhìn rõ sân khấu. Chúng tôi vừa cầm dĩa thì Da-kha-rov – Men-xki gầy và dài ngoẵng bổ đến bên cạnh E-xê-nhin, nói ngọt xớt với sự ham thích thấy trước vụ xì căng đan :
-       Ip-po-lit đã xuất hiện rồi, đang đọc những đoạn trích.
E-xê-nhin yêu cầu tôi đừng đứng dậy, còn anh băng đến chỗ vòm gương. Tôi cũng không thể ngồi.
Ip-po-lit đang nói rất rành rọt, nhấn mạnh : “…ăn cắp văn trực tiếp…”. Anh ta chưa kịp vê tròn cuốn sổ của mình, E-xê-nhin hệt như nghệ sĩ xiếc, bay thẳng lên sàn diễn. Một cú vung tay thẳng cánh. Một nhát tát…không, không có tiếng động. Trên khuôn mặt nhệu nhạo của nhà phê bình, vết bàn tay đỏ tấy.
Ồn ào, náo loạn. Chúng tôi không hiểu sao cũng ăn xong bữa tối. Đã rõ một điều : sẽ có phiên tòa công cộng.
Chúng tôi đi ba người : E-xê-nhin và nhà thơ chủ nghĩa hình tượng Gru-di-nov tiễn tôi qua đại lộ Tơ-ve-rơ-xki về nhà. E-xê-nhin rất xúc động. Anh hình như không bằng lòng với mình. Nhưng có vẻ như ngay bây giờ, anh  chuẩn bị đến thẳng tòa án bào chữa cho hành vi của mình. Sự không hài lòng bản thân càng sâu thêm khi anh nghe tôi nói rằng “Ip-po-lit mới nhìn thì như một ông chú đường bệ, nhưng thực tế thì anh ta chỉ mới mười tám tuổi”. Lập tức, Gru-di-nov, một tâm hồn hiền hậu bấm tôi dừng lại và tỉa nhẹ : - Sự tinh tế phụ nữ của chị ở đâu ? Chị không thấy hay sao ? Anh ấy đang phiền muộn như thế.
Nhưng Xéc-gây tỉnh táo và chứng minh – cho bản thân hơn là cho hai chúng tôi – rằng anh đã hành động theo lẽ công bằng.
- Không thể để yên sự trâng tráo của kẻ cuồng chữ quá đáng được ! Không, tôi sẽ không xin lỗi anh ta trước công chúng…- Và bỗng nhiên, anh tự cắt lời mình : - À, mà Rai-ne-rơ Ma-ri-a của anh ta có lẽ là nhà thơ lớn !
Chẳng phải đợi phiên tòa lâu. Nó diễn ra vào ban ngày ở phòng đầu tiên “ăn nóng” của Hiệp hội các nhà thơ. Bàn được dọn đi. Phòng chật ních. Tôi đứng nghe, cạnh bức tường, không đến được “vòm gương”. Gần hơn một chút là Mai-a-cov-xki. Những lời của E-xê-nhin bay đến chỗ chúng tôi :
- Mỗi người ở địa vị tôi cũng sẽ làm như thế.
Còn Mai-a-cov-xki, sau khi cân nhắc, khẽ khàng nhưng dõng dạc : “Tôi à ? Không bao giờ !”.
    Bản án cũng nhẹ nhàng : E-xê-nhin bị cấm xuất hiện trong “Hiệp hội các nhà thơ” một tháng.
( Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét