Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Viết lộn ngược


NHỮNG KỈ NIỆM VỀ X.EXENHIN
N.Vonpin
Vũ Nho dịch

VIẾT LỘN NGƯỢC
Thu muộn năm hai mươi mốt. Buổi chiều đó E-xê-nhin chờ tôi đến anh. Đã có thỏa thuận trước … Chúng tôi ngồi cạnh nhau bên lò sưởi. Trong lò là những thanh củi ngắn chưa khô lắm. Xéc-gây vội vã nhóm chúng - nhưng không cháy. Tôi coi mình là thợ nhóm lò có hạng. Tôi cố giành phần việc về mình. Anh không cho : “Chị sẽ làm bẩn mất chiếc áo dài đẹp !” Cái áo không phải là của tôi, mà là của mẹ. Tôi tự nhiên đỏ mặt. Tôi tự nhủ thầm trong đầu : “Tôi là đàn bà mà không phải lúc nào cũng nhận thấy đồ mới sắm ở người khác. Thế mà E-xê-nhin ! …”
Cái lò vẫn cứ bướng bỉnh. Xéc-gây cuối cùng phải chịu thua, lôi tất cả ra đưa cho tôi chất lại, vừa những thanh củi, vừa những thứ để nhóm. Tôi mang diêm xòe lên - và tất cả bén cháy nhẹ nhàng. Hơi ấm tỏa lan, câu chuyện tuôn chảy.

- Này chị hãy xem - E-xê-nhin tự cắt lời mình - tôi nhận được trong thư của Khơ-lép-nhi-côp.
Thơ. Bản viết tay, nhưng không rõ lắm. Ve-le-mi Khơ-lép-nhi-côp. Về Xchen-ka Ra-din-sa. Tôi đọc.
- Chị không nhận thấy gì ư ?
- ?
- Thế chị thử đọc từ phải sang trái. Từng dòng một.
- Ô hô ! Đây mới là nó thật !
- Tôi sẽ không in. Tôi sẽ gửi tiền - anh ta sẽ chết đói ở đó mất, nhưng tôi không thể in. Đấy không phải là thơ mà là ảo thuật.
Tôi lao vào cuộc tranh cãi kịch liệt. Trong thơ ca mọi thứ chỉ là ảo thuật. Vần ảo thuật. Nhịp ảo thuật. Luận cứ của tôi cứ thế trút ra. Còn xon-nê, còn ba lát hay rông đô, đoạn thơ onhê-ghin ư ? Hoặc là hãy nghĩ xem, chẳng có ảo thuật với người La Mã khi Hô-ra-sơ dâng tặng họ đoạn thơ la tinh sao ? Nhà thơ muốn viết “lộn ngược” - đó là quyền của anh ta, còn nhiệm vụ của chúng ta là đọc và đưa cho mọi người đọc.
Trong những ngày ấy tôi không biết một điều cơ bản : “viết lộn ngược” không phải là sự bịa đặt của Khơ-lép-nhi-côp, đó là một thủ pháp cũ, có một tên gọi bằng tiếng Hi Lạp Pa-lin-đrô-mon (có nghĩa là “chạy giật lùi”). Nó có từ cổ xưa. Những luận cứ của E-xê-nhin nhìn chung là giản dị.
- Ve-le-mi có quyền viết kiểu gì cũng được, còn tôi thì có quyền chọn vào tuyển tập hoặc vứt đi.
- Nhưng anh không có quyền - tôi vẫn giữ ý mình - Nhà thơ, nhà thơ lớn làm cho anh có vinh dự đề nghị in thơ của mình ! Nhưng lẽ nào thơ sẽ tồi hơn khi có thể đọc chúng ngược lại ?
- Tôi không làm phiền anh ta, anh ta có thể tháo rời, chơi từ ngữ … Theo tôi đó không phải là thơ. Ở đây thơ bị nghẹt. Chẳng có gì để thở … Tôi không có trách nhiệm in !
- Nhưng anh phải in !
- Vì sao nào ?
- Vì rằng anh ấy chịu trách nhiệm trước thơ mình.
Tôi hăng lên. Rất hùng hổ.
- Chúng ta hãy gửi tiền cho người đói. Như của bố thí ! Như ném xương cho con chó. Còn thơ thì chúng ta không tiếp nhận ! Bởi vì sẽ xúc phạm anh ta !
Tôi đã không nói nổi nữa mà kêu thét lên.
Cả hai chúng tôi đứng rất lâu. Mặt đối mặt nhau. E-xê-nhin xanh xám. Còn tôi thì phẫn nộ nói thẳng thừng :
- Chủ nhà xuất bản, chủ cửa hàng sách, chủ quán cà phê, anh muốn tỏ ra mình là ông chủ của của văn-ho…ọc !
- Tuy nhiên, chị có ý kiến rất tốt đẹp về tôi.
Cái đó là sự bình tĩnh ghê gớm của cơn cuồng nộ.
Tôi đã mặc áo khoác. Trong lòng cảm thấy hối lỗi. Tôi muốn nhảy tới ôm cổ anh, xin thứ lỗi. Nhưng tính tự ái vô lí và sự thích gây sự bướng bỉnh đã cản lại. Đã nguôi đi, tôi cố ý ném lại phía sau một câu nói cuối cùng với hi vọng vào điều tốt (xin hãy bỏ quá cho tôi tất cả những lời độc địa trên kia) :
- Tôi biết, với chuyện tiền nong anh chớ nên vội vã !
Dự định đã được thực hiện. Hai ngày sau, trong “Ngăn” tôi ngồi một mình, xa “lô ghế những người theo chủ nghĩa hình tượng”, khi đó E-xê-nhin - thông qua người phục vụ - đưa cho tôi xem mẩu giấy hóa đơn ghi số tiền gửi đi.
Còn “viết lộn ngược” của Khơ-lép-nhi-côp đã không được in vào trong tuyển tập thường kì của những người theo chủ nghĩa hình tượng.
Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét