Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Từ điển của Đan, Thi sĩ và nữ thi sĩ


NHỮNG KỈ NIỆM VỀ X.EXENHIN
                               
                                N. Vonpin
                               Vũ Nho dịch từ tiếng Nga

TỪ ĐIỂN CỦA ĐAN
Trong các nhà thơ trẻ của “ Hiệp hội các nhà thơ” xuất hiện “ viện sĩ hàn lâm”. Nó xem xét nghiêm khắc, bắt bẻ tỉ mẩn các trọng âm, hình thức từ ngữ. Ôi chà, nó sẽ khiển trách ra trò ngay cả Ni-co-lai Alec-xay-evit Ne-cra-xov chỉ vì chút xíu trọng âm ! Tê-o-do Le-vit được gọi là “viện sĩ hàn lâm” mà tuổi mới có mười sau. Trong nhóm chúng tôi còn có một người sành ngôn ngữ - Georghi Ni-co-lai-evit Obon-du-ev, nhạc công kiêm nhà thơ – bạn thân của tôi. Hễ khi tranh cãi với một trong số họ, tôi lại phải kiểm tra lại từ. Lại nhòm vào từ điển !
Ngày hôm sau, khi gặp E-xê-nhin, tôi bỗng nhớ cách đây không lâu, anh hết lời khen ngợi “sáng tạo thiên tài của Đan” với bạn bè. Thế là tôi hỏi :
- Anh có từ điển của Đan ?
- Không.
- Thế họ không bày bán ở chỗ anh à ?
- Lâu rồi người ta không mang tới. Vì sao chị lại hỏi ?
- Tranh cãi ấy mà, cần phải tra. Chẳng lẽ anh không bao giờ phải tra cái gì à ?
- Tra ư ? Để làm gì ? – và anh nói thêm kiêu hãnh – Ngôn ngữ - Đó là tôi !

THI SĨ VÀ NỮ THI SĨ

“Ngăn phi mã” năm hai mốt (1921). Chính giữa hè. Mùa hè nóng khủng khiếp kết thúc bởi nạn đói ghê gớm ở Povongie.
- Chị trốn vào đâu vậy ! – Tôi nghe giọng E-xê-nhin.
Anh tìm thấy tôi trong gian phòng lớn đằng sau bếp. Tôi ngồi và kiểm tra lại mình đã nhớ kĩ những bài thơ của mình chuẩn bị đọc trên sân khấu hôm nay chưa.
E-xê-nhin liếc lên chiếc giường cao có tấm chăn vải vụn, phê phán chân thành :
- Bao nhiêu lần tôi nài nỉ chị quẳng thứ của nợ này đi ! Thật như nước đổ lá khoai…
Rồi ngay lập tức, dịu giọng hơn, anh lại quay về phía tôi : - Buồn cười thật ! Hóa ra người chơi vi-ô-lông và người đệm nhạc nhảy của chúng ta là hai vợ chồng ! Thật là buồn cười, phải không ? Nhạc công nam lấy nhạc công nữ ! – Rồi như có điều gì đó vụt trong ý nghĩ, anh nói thêm : - Thi sĩ lấy nữ thi sĩ. Thật buồn cười !
- Chẳng lẽ thế ư ? Rô-be Bra-u-nhin cưới nhà thơ nữ Ê-li-da-bét Ba-ret. Lúc đó nữ sĩ đã rất nổi tiếng, còn nhà thơ thì chỉ sắp bắt đầu vinh quang.
Thế nhưng Giu-mi-lep thì lại tức giận vì An-nu-ska của anh ta “cũng làm thơ” - Chỉ vì thế mà vợ chồng A-khơ-ma-tô-va đã li dị.
Chuyện đó xảy ra vào thời kì “đoạn tuyệt” thường kì của chúng tôi : một bước ngoặt không ngờ đến hòa giải.
Còn sau mấy ngày cũng ở đây, sau bếp, Xéc-gây bỗng bảo tôi - chẳng liên quan gì đến chủ đề câu chuyện :
- Chị muốn để tôi suốt đời gánh chịu, như Lau-ra ! Trời đất ơi, như Lau-ra ! Hình như tôi bằng lòng với hạnh phúc ngắn ngủi nhất, nhưng hạnh phúc tròn đầy - không có sự tuẫn nạn cố ý vĩnh cửu. Nó luôn luôn xảy ra như vậy với chúng tôi : tôi kiếm cớ để đi đến cãi nhau, còn Xéc-gây là người làm lành trước (anh dễ dàng hơn vì biết : dù tôi cáu giận thế nào, nhưng tôi yêu bất di bất dịch …)
Cả hai cuộc nói chuyện này - về hai nhạc công và về Lau-ra gợi tôi nhớ lại trong một cuộc trò chuyện khác của chúng tôi : quãng hai tháng sau, nói riêng với nhau, trong căn phòng của anh ở hẻm Bô-gô-lốp-xki :
- Em không bao giờ lừa dối anh chứ ? Không, em lừa dối ! Xéc-gây trách móc - Em nói, rằng em quý anh hơn tất cả trên đời, rằng em yêu anh hơn cả cuộc sống. Không, hơn tất cả trên đời mà em yêu là thơ của em ! Vì em chẳng vì anh mà từ bỏ thơ đúng không ?
Tôi bỗng buồn cười. Khi nào tôi nói chuyện “tôi yêu anh hơn cả cuộc sống” nhỉ ? Mà tôi có nói thật không ? Đấy là anh tự nói với mình - cứ để anh tự biết, không cần những quả quyết của tôi. Tôi cân nhắc trong đầu rồi trả lời :
- Em yêu anh hơn mọi thứ trên đời, hơn cả cuộc sống, hơn cả thơ của mình. Nhưng em còn yêu thơ hơn cả niềm hạnh phúc với anh. Thế đấy !
- Thôi được, đó, có lẽ là, sự thật …
Còn tôi thì buốt trong đầu : vì sao, vì sao anh cần sự hi sinh ấy ? Để tôi phải vứt bỏ thơ ! Hệt như chúng không phải là một phần đời tôi ! Lẽ nào lại đòi hỏi tôi phải chặt tay mình ?
Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét