Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Lời bình bài thơ "Ta về với mẹ ta thôi"


Lời bình bài thơ "Ta về với mẹ ta thôi"
Ta về với mẹ ta thôi

Ta về với mẹ ta thôi
Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn
Cha thì đã khuất núi non
Con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba

Ta lo xây cửa xây nhà
Mẹ ra Hà Nội như là Ô-sin…
Làm người có một trái tim
Mà sao mình để mẹ mình mồ côi?

Ta về với mẹ ta thôi
Làm con của mẹ như hồi còn thơ
Sang giàu phú quý ngu ngơ
Mẹ con con mẹ sớm trưa ruộng đồng…

Nhà nông thì cứ nhà nông
Ham chi đổi phận qua sông lụy người…

Ta về với mẹ ta thôi
Chín phương đã nếm đủ mùi trầm luân
Cái xa thì đã đến gần
Người gần chừng cũng dần dần xa xôi

Ta về với mẹ ta thôi
Phù hoa xin gửi cho người phù hoa
Ta về bên mẹ của ta
Không làm chi nữa, cũng là làm con

Còn trời còn nước còn non
Ngày mai rồi sẽ chẳng còn mẹ ta!
Nguyễn Sĩ Đại
 
(Ảnh Internet)
Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú:
Thường, những bài thơ hay viết về Mẹ là viết về hình ảnh Mẹ với những chi tiết rất cụ thể ở những hoàn cảnh cụ thể. Sự xúc động bắt đầu từ tấm lòng người viết. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã có một tứ thơ hay với bao nỗi niềm trăn trở. Và ở đó “Thông điệp trái tim” yêu thương của ông đã bắc một nhịp cầu giàu chất nhân văn, nhân ái khi: “Ta về với mẹ ta thôi
Ta về với mẹ ta thôi” chính là trở về với cội nguồn sâu thẳm căn cốt hộ chiếu cuộc đời của mỗi con người - đó là mẹ. Mẹ chính là điểm tựa cuối cùng, niềm tin yêu cuối cùng cho đứa con qua bao trải nghiệm đắng đót. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết: “Ta về với mẹ ta thôi” khi ông đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh” đó là tự biết - vâng, tự biết chính là độ minh triết của cái ngưỡng giới hạn để con người trở về thanh thản điều chỉnh cuộc sống của mình.
Bài thơ hay không phải ở câu chữ mà ở tấm lòng ở sự tự vấn rất thành thật. Chính sự chân thành hết sức tự nhiên này đã thấm cả triết lý nhà Phật sâu sắc của cõi luân hồi qua bao biến đổi thăng trầm cuộc đời. Ngay dòng đầu tiên nhà thơ đã giới thiệu cảnh ngộ hình ảnh bà mẹ đã “Chín mươi mỏi mòn” và “Cha đã khuất núi non/ Con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba”. Ông không viết mẹ chín mươi tuổi mà chín mươi mỏi mòn. Một quãng thời gian đằng đẵng bao héo hon hon, câu thơ trải ra hun hút. Giọng thơ tự vấn níu kéo trăn trở “Mà sao mình để mẹ mình mồ côi” đã chạm được đến cõi lòng nỗi người khi: “Ta lo xây của xây nhà/ Mẹ ra Hà Nội như là Ôsin". Tôi bất chợt nhớ đến bài thơ “Mẹ ra Hà Nội thăm con” của nhà thơ Lê Đình Cánh có hai câu thơ trong trí nhớ ám ảnh lạ lùng: “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”.
“Ta về với mẹ ta thôi” như một điệp khúc luân hồi như một tiếng vọng thiết tha trong tâm tưởng được nhắc lại khi nhà thơ triển khai tứ thơ tuyến tính. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại là người có nhiều bài thơ hay viết về nông thôn về tâm thức đồng ruộng. Ở đây với nhịp thơ lục bát hồn hậu, được chắt lọc từ bao chiêm nghiệm: “Mẹ con, con mẹ sớm trưa ruộng đồng/ Nhà nông thì cứ nhà nông/ Ham chi đổi phận qua sông lụy người”. Đó là cứu cánh của bao trắc trở khi ta trở lại những gì bình dị nhất và thường trực nhất. Thường trực như cơm ăn, nước uống, như đất đai hồn quê làng mạc. Thường trực như trong tâm hồn của nhà thơ: Me, quê hương đó chính là bến đậu tin cậy và yên bình nhất.
Thơ Nguyễn Sĩ Đại thường có những triết lý gắn với minh triết dân gian: “Cái xa thì đã đến gần/ Người gần chừng cũng dần dần xa xôi”. Có lẽ ông nhà thơ - tiến sĩ văn học chuyên nghiên cứu thơ Đường luật này đã “học” được hay nói nói chính xác hơn đã “lọc” được cái hàm triết sâu sắc tinh túy của những áng thơ văn cổ điển
Hai câu thơ tôi thích nhất trong bài “Ta về với mẹ ta thôi”: “Ta về bên mẹ của ta/ Không làm chi nữa cũng là làm con”. Phải từng trải lắm và tự biết, tự tại lắm mới đủ bản lĩnh: “Không làm chi nữa cũng làm con thôi”. Vâng, được làm con của mẹ là điều đáng tự hào nhất, hạnh phúc nhất như nhà thơ Chế Lan Viên một thi sĩ sâu sắc trí tuệ cũng đã từng thốt lên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Hà Tĩnh, ngày 6/3/2016

2 nhận xét:

  1. Đọc bài thơ và lời bình , người vô tình nhất vẫn thấy bâng khuâng nhớ mẹ , nhớ quê nhà. Đúng là có hai câu " Ta về bên mẹ của ta / Không làm chi nữa cũng là làm con" cứ ngọ nguậy trong lòng người đọc.
    Cảm ơn bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác TAN_262 đã ghé trang và chia sẻ! Mọi thứ làm kia: làm cán bộ, làm Bí thư, Chủ tịch,... là xã hội phân công làm. Còn LÀM CON là Giời cho làm. Vứt bỏ mọi thứ kia thì LÀM CON vẫn cứ là một vinh dự và trách nhiệm của mỗi người, bất kể anh ta là Tổng thống hay người ăn xin!

      Xóa