Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Thân xác và từ ngữ trong đời sống, thi ca






Thân xác và từ ngữ trong đời sống, thi ca

                                      Vũ Nho

                             (Theo cách làm của Đỗ Anh Vũ)

Bạn Đỗ Anh Vũ đã trình chiếu tại Trụ sở Hội nhà văn Hà Nội 15  bộ phận thân thể và các từ ngữ về chúng trong đời sống, thi ca, ca khúc, một vài tác phẩm văn xuôi. Đó là : 1. Vú; 2. Tay; 3.Chân; 4.Tóc; 5. Mắt; 6.Môi; 7.Mũi; 8.Tai; 9.Răng; 10.Miệng ( mồm); 11.Lưng; 12.Má; 13.Mặt; 14. Eo, Móng; 15. Gáy, cổ, bụng, mép. Tác giả cũng nói về từ chỉ   bộ phận sinh dục nữ và nam. Điều thú vị là từ chỉ bộ phận sinh dục nữ nhiều hơn hẳn so với nam ( 14 so với 8).  Buổi thuyết trình cho thấy cách làm việc công phu, khoa học của diễn giả. Vũ Nho có gợi ý cho diễn giả nên thêm các bộ phận : VAI, CẰM, và RÂU (RIA) riêng với nam.

Theo cách làm đó,  Vũ Nho tôi thêm một bộ phận khác trên cơ thể là ĐÍT. Cái bộ phận dùng để ngồi rất quan trọng. Nhưng người Việt thấy nó thô chăng nên ít dùng từ ĐÍT. Cụ Nguyễn Đình Chiểu khi tả Lục Vân Tiên đã nói tránh từ này một cách khéo léo và không kém phần tinh tế:

          Vân Tiên đầu đội kim khôi

          Tay cầm siêu bạc, MÌNH ngồi ngựa ô

Dưới đây là tìm hiểu của tôi.

         

Từ ĐÍT.  Từ đồng nghĩa TRÔN, BÀN TỌA

Phần ở dưới cùng và đằng sau thân người hoặc động vật, nơi có cửa ruột già thông ra ngoài để thải phân ( gọi là lỗ đít). Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, 1992, trang 332.

ĐÍT

  1. Đít xoong, đít nồi, đít thớt, đít vịt, đít nhái, đít chai, xe com măng ca đít vuông…  Trôn niêu, trôn nồi, trôn trẻ, trôn quang, trôn kim
  2. Đít lồng bàn, đít nhái

Nhân tướng học :

Bụng ỏng đít beo : tướng ốm yếu

Má hồng trôn niêu : Phụ nữ má đen - người vất vả, xấu.

Biểu tượng:

-         Vất vả : đầu chầy đít thớt

-         Vị trí lãnh đạo : ghế ít, đít nhiều
      -        Ngoan cố, cố đấm ăn xôi : Cà cuống chết đến đít còn cay

-         Vô tâm : Ăn xong cắp đít về

-         Khinh bỉ : Nó nói nghe điếc đít ( hoặc điếc lỗ đít)

-         Nói rồi chối, cãi phăng, chùi mồm không ngượng : miệng quan trôn trẻ



Trong thành ngữ,  tục ngữ, thành ngữ, ca dao :

Mặt xanh như đít nhái

Má hồng trôn niêu

Tai lá mít, đít lồng bàn ( trâu nái tốt).

Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve

                                 Hồ Xuân Hương - Tát nước

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

                   Tú Xương

Vừa bằng hạt mít

Dưới ( Lỗ) đít có lông

Đến ngày giỗ ông

Đem ra làm thịt

          Câu đố về củ hành

Trạng chết Chúa cũng băng hà

Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn



TRÔN

Bán trôn nuôi miệng

Con nên khoa giáp cha mòn trán

Em được vinh hoa, chị nát trôn

                   Huyện Nẻ

Ăn rồi cắp đít ra về

Thấy hàng thịt chó lại lê trôn vào

             Ca dao

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

          Hoàng Cầm - Lá diêu bông

Các bạn nghiên cứu, tìm tòi bổ sung tiếp. Chắc còn nhiều câu thú vị!

3 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp TRÔN đồng nghĩa với ĐÍT, nếu nói về phụ nữ, thì từ TRÔN này lại đồng nghĩa với từ chỉ bộ phận sinh dục. Chúng ta thấy khi nói về gái điếm, gái mại dâm, dân gian nói đó là người làm nghề "Bán trôn nuôi miệng". Hoặc trong câu thơ : " Em được vinh hoa chị nát trôn" thì chữ TRÔN ấy rõ ràng không chỉ bộ phận ĐÍT, mà chỉ bộ phận sinh dục.
    Một đồng nghĩa khác của từ ĐÍT là PHAO CÂU ở gà. Phao câu không phải là đít. Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (1992) định nghĩa : Phao câu - Mẩu thịt có mỡ và xương mềm ở cuống đuôi các loài chim ( thường là các gia cầm). ( trang 757). Nhưng trong câu ca dao : Cô kia tội nợ về đâu/ Suốt ngày cô chổng phao câu lên giời? Phao câu tương đương với ĐÍT. Và hơn thế, có thể tương đương với bộ phận sinh dục. Cô gái đáp lại : Bây giờ nông vụ chí kì/ Em mà không chổng lấy gì anh xơi! Tiếng viết thường nói ăn (xơi) b., ăn l. cho nó. Không mấy ai nói ăn ĐÍT cho nó!

    Trả lờiXóa
  2. Tiếng Việt thật phong phú. Tìm hiểu cách sử dụng ngôn ngữ TV như thế thật công phu. Cảm ơn bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nguyễn Xuân lai đã ghé trang và chia sẻ! Tôi không phải người nghiên cứu ngôn ngữ chuyên, nhưng thích tìm hiểu tiếng Việt. Sau khi nghe Đỗ Anh Vũ trình bày, tôi nghĩ tiếp như vậy.

      Xóa