Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

THƯ GỬI CON TRAI




THƯ GỬI CON TRAI
HOÀNG THỊ PHÚ
                                                          Hà Nội, đêm 2 tháng 10/2016
                       Hoàng Giang – con xa thương!

          Đã lâu lắm rồi, mẹ mới lại phải viết thư. Bởi vì, riêng việc này không thể nói dài, nói kỹ càng qua điện thoại; viết, gửi E mail thì mẹ cũng không rành! Mẹ đành viết thư cho con theo lối cổ điển vậy! Đêm nay, mẹ sẽ kể lại con nghe câu chuyện ngày xửa ngày xưa…, tuy mới cách xa gần nửa thế kỷ… con nhé!
          …Số là, con vừa đi công tác Thành phố Hồ Chí Minh được vài hôm, thì cô Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Văn Đức, huyện Gia Lâm đã gọi điện thoại cho mẹ, trân trọng và tha thiết mời mẹ về Văn Đức dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, được tổ chức vào ngày chủ nhật 12/11/2016 tới. Mẹ đã nhận lời và nhờ cô hỏi thăm tin tức cụ Nháy. Biết bà cụ vẫn còn sống, mẹ mừng lắm! Nói chuyện với cô Xuân, mẹ thấy cô ấy, tuy chưa gặp mà như đã thân quen, gần gũi, hiểu nghĩa, trọng tình, một trong những đức tính quý hiếm của những người lãnh đạo trẻ ngày nay. Cô ấy đã nói với mẹ:
          “ Ở mảnh đất này, thời nào cũng vậy, người dân và thầy trò vẫn sống với nhau tình cảm lắm! Trọng tình trọng nghĩa lắm! Cựu học sinh Văn Đức khóa những năm 1968 – 1972, cách đây gần 50 năm, vẫn đang da diết ngóng trông, đếm ngược từng ngày tới ngày lễ trọng để được gặp lại các thầy cô giáo cũ kính yêu của mình đó… cô ạ!”
           Một người lãnh đạo nhà trường đương nhiệm tâm huyết và tình cảm như vậy thật đáng quý, đáng trọng, phải không con?!
          Từ hôm ấy đến nay, tất cả tíu tít gọi điện, bàn bạc, hẹn hò cho chuyến hành hương lịch sử dối già này. Ai cũng nao nao đón đợi…
          Và mẹ chợt nghĩ đến con…
          Thật lạ! Cảnh - người sau 50 năm – cứ nhớ đến là ký ức cuộn về, là xúc động dâng trào. Mẹ cứ viết trong miên man, lộn xộn…
                                                         ***
          … Cuối thu năm 1968, mẹ tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội, được phân công công tác về dạy tại trường cấp 2 Văn Đức,  cuối huyện Gia Lâm, giáp huyện Văn Giang, Hưng Yên.
          Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, phần lớn học trò được sơ tán, chuyển ra học tập ở các trường ngoại thành. Vì thế, nhiều thầy cô cũng được điều ra ngoại thành giảng dạy.

          Một cô giáo trẻ - mới toe - lơ ngơ – xe đạp mượn, từ Lương Yên, quận Hai Bà Trưng (nhà mẹ) xuống Văn Đức khoảng 20 km, rồi sau này lấy bố con, từ làng Chèm xuống Văn Đức khoảng 30 cây số. Sáng thứ hai, mẹ phải đi từ 3h – 3h 30 sáng mới kịp vào tiết 1. Qua sông bằng đò gỗ, phải vác xe đạp đi trên cầu ván sóng sánh, đung đưa, chỉ sợ rơi tõm xuống sông thì xấu hổ chết được!
          Ngôi trường của mẹ nằm giữa những cánh đồng ngô, khoai và rau xanh tít tắp: cà chua, su hào, hành ớt, cà rốt…
          Qua cồng trường, bên trái là 4 phòng học lợp ngói cao ráo. Trước mặt, một nhà ngói thấp bé  3 gian vừa làm phòng họp hội đồng giáo viên vừa là nơi làm việc của Hiệu trưởng kiêm phòng khách và cuối cùng lại là cái kho cất chứa đồ dùng dạy học! Thật là “tiện lợi”! Phía sau là gian bếp tập thể giáo viên, lợp phên nứa. Bác cấp dưỡng, có lúc bí quá, lại thò tay lên mái, rút soạt một thanh nứa nhóm bếp! Sau này, phía tay phải, xã dựng dãy nhà tập thể, lợp giấy dầu, gồm 5 gian, bổ đôi theo chiều dọc, thành 10 phòng nhỏ hẹp, nhất là với những người có gia đình riêng. Ở đây, mùa đông cực lạnh, mùa hè cực nóng. Giường nằm là cái chõng tre, kê sát thêm chiếc ghế băng mới đủ chỗ cho hai mẹ con. Cứ mưa là dột! Trên giường, nào chậu, nào bát tô để hứng nước. Mẹ và Giang đã phải trải qua một mùa mưa bão kinh khủng ở nơi này. Bão giật đùng đùng đùng làm cả dãy nhà bị tốc mái. Chú Hải và cô Huấn người bế, người che nilon cho con chạy vội lên khu nhà ngói. Mẹ sấp ngửa chạy theo, bị gió quạt bay, ngã nhào xuống ruộng khoai… Giờ nhớ lại, vẫn thấy rùng mình!...
          Hiệu trưởng nhà trường những năm ấy là thầy Phan Hữu Thủy, người xã Xuân Quan bên kia Bát Tràng.. Tính thầy hiền lành, đôn hậu và ít nói.
          Các thầy cô sang Văn Đức dạy hồi ấy, mẹ còn nhớ: thầy Đạt nghiêm nghị, thầy Hiển cận hay cười, thầy Hoàng Thọ Thế dạy Toán – Lý (cùng học sư phạm với mẹ trên Lập Thạch, Vĩnh Phúc, mang theo sang cả đàn em đông đúc); thầy Năm hay chơi ghita, cô Dung, cô Tường, thầy Hải, cô Huấn, cô Quỳ, cô Thùy… và thầy Trường (ông Trường cùng học lớp Văn Sử với mẹ và bố con, từ trường Bát Tràng chuyển xuống).
          Trong những tháng năm chiến tranh gian khổ, ác liệt ấy, các thầy cô vẫn sống với nhau rất ấm áp nghĩa tình, chan hòa, ấm cúng và lạc quan.
          Mẹ đã làm quen với các lớp học sinh của mình trong những tiết học đầu tiên một cách tự nhiên, nhanh chóng, dễ dàng. Học sinh lớp 7 (lớp 9 ngày nay), có khi chỉ kém mẹ vài ba tuổi. Hồi ấy, mẹ thường hát các bài Bài ca cô giáo trẻ, Nổi lửa lên em! và những khúc ca phù hợp có thể minh họa thêm cho những tiết giảng văn của mình. Bây giờ, đã là bà lão bảy mươi mà mẹ đôi khi cao hứng, lại một mình lẩm nhẩm:
… “Tôi không quên những giờ lên lớp đầu tiên: cất bước về làng quê, bước vào đời làm một giáo viên. Trang sách đầu, tôi dạy các em thơ. Tay vụng về, từng nét phấn đơn sơ…”
          Thời kỳ đầu, chưa có nhà tập thể, xã sắp xếp giáo viên ở nhờ nhà dân. Mẹ được phân ở nhà bà cụ Nháy (thôn Trung Quan). Đó là một người phụ nữ nông dân đồng bãi, dáng nhỏ thó, nhuộm răng đen, hiền lành, chất phác. Cô Ước, con gái bà, là học trò của mẹ. Mẹ coi cô ấy như em gái trong nhà. Từ nhỏ đến bấy giờ, mẹ chưa từng ở nhà người lạ, qua đêm, chưa từng biết tới đồng đất, bãi bồi phù sa. Càng chưa từng biết người dân ở đây chỉ có khoai lang, ngô (xay thành miểng, giã thật nhẵn nhụi, thổi như thổi cơm) là lương thực chính.
          Có điều lạ, mẹ đã hòa nhập rất nhanh với cuộc sống ấy của gia đình bà cụ; cảm thấy ấm áp như ở nhà mình?! Cùng ăn, cùng ở. Tiêu chuẩn lương thực: gạo, mì sợi, thực phẩm của mẹ hằng tháng góp cùng với ngô, khoai của gia đình. Cứ đến bữa, vào bếp, đun nấu bằng thân cây ngô, cây đay khô. Bữa “cơm” khoai ngon, cơm ngô dẻo, thơm. Chẳng thế, con gái đất bãi thường xinh xắn, nõn nà.
           Làng chưa có chợ!? Ở đầu làng có một quầy thu mua rau mậu dịch quốc doanh. Giữa làng là một HTX mua bán nhỏ, hàng hóa lèo tèo, đơn điệu. Thi thoảng có bán ít cá đồng tiền khô bé bằng 2 ngón tay là đã xôm lắm. Muốn đi chợ, phải sang tận chợ Văn Giang (Hưng Yên) cách mươi lăm cây gì đó, chẳng thể đi bộ!
          Khó khăn, thiếu thốn rất nhiều, nhưng khổ nhất là trong muà nước lên. Nước sông Hồng dâng cao rất nhanh, tràn vào trong sân, lên hè, ngập nền, ngập giường, lưng tường, thậm chí mấp mé giọt gianh mái nhà. Người dân chỉ đành ngao ngán, bất lực, bất khả kháng!
          Lần ấy, mẹ không kịp về Hà Nội. Thế là 3 người trên một tấm phản kê cao ở giữa sân. Bếp cũng phải đặt trên phản luôn. Ngả một buồng chuối tiêu xanh. Trong vài ngày chỉ ăn toàn chuối luộc, chuối bung. Chiếc xe đạp của mẹ được treo cẩn thận lên xà nhà…
          Cuối mùa hè năm 1971, hết 2 tháng tiêu chuẩn nghỉ sinh Giang, hai mẹ con lại phải sang trường để chuẩn bị cho năm học mới. Bà nội đi cùng (bằng ô tô buyt xuống đến chợ Mơ). Từ đó, hai mẹ con ngồi xích lô xuống bến đò Khuyến Lương. Mưa đang giăng mờ mặt sông. Không bóng một con đò. Không thể gọi đò vì sông quá rộng! Không thể quay về vì bác xích lô đã quay xe từ lâu!… Mẹ đành cứ tay bồng con, tay xách lủng củng túi đồ, đứng thừ người, chết trân, bất lực!... Neo đậu gần bờ khi ấy có một chiếc tàu khá lớn, nhưng hình như bên trong chẳng có ai?! Trời vẫn mưa rả rích. Mà mẹ cũng ngại, không dám gọi!... Một lát sau, may quá, có vài chú bộ đội nhìn thấy, liền đưa ngay hai mẹ con lên tàu, lại quấy bột, giúp mẹ bón cho con (Quả là bộ đội Cụ Hồ bao giờ cũng thương quý nhân dân và làm những điều tốt đẹp!)
          Mãi tới chiều muộn mới có đò. Mẹ con được qua sông, nhưng đường ngập, không thể xuống trường, đành vào trong chùa làng trú tạm cùng với một số thầy, cô đã sang từ trước ít hôm. Sáng hôm sau, mẹ gửi con, cùng các anh chị lội bì bõm xuống trường dọn bàn ghế, thu gom sách vở lấm bùn bê bết. Mọi người hì hục, ra sức dội rửa, lau chùi, phơi, hong…
          Rồi… mọi chuyện cũng qua…
          … Có thời gian, UBND xã Văn Đức quyết định trưng dụng dãy nhà ngang của Đình thôn Trung Quan làm khu nhà tập thể giáo viên. Bác Dung với hai con Hồng Hạnh, Trung Hiếu ở gian phía trong. Mẹ và con ở gian giữa. Anh em, chú cháu thầy Thế: gian ngoài.
          Sau này, khi chuyển xuống nhà tập thể của trường mới được đông vui hơn. Nhưng, cuối tuần vẫn thường vắng ngơ vắng ngắt, vì anh chị em thanh niên về Hà Nội hết. Chỉ còn 2 mẹ con, hoặc thêm bố. Đêm. Tiếng côn trùng, ếch nhái ộp oạp, râm ran. Mẹ bỗng cảm thấy mình bé nhỏ, buồn và… hơi sờ sợ!...
          Có con, mẹ vất vả hơn nhiều. Giờ lên lớp sớm hơn giờ gửi trẻ nên mẹ phải thường xuyên bế con lên nhà gửi bà Nháy, nhờ bà đưa đi trẻ để mẹ kịp lên lớp. Buổi nào dạy tiết 2, 3… còn tranh thủ giặt quần áo tận dưới ao thôn Chử Xá. Nước sạch ở nơi sát bên dòng sông Mẹ mà khan hiếm!? Có hôm nhà trẻ nghỉ, bà lại bỏ việc đồng bãi để trông Giang, giúp mẹ…
          Trong lần về Văn Đức (2006), mẹ đã kết nối điện thoại để con được gặp và nói chuyện với bà Nháy. Bà cứ ngượng ngùng nép sau cây cột…?! Giang từng tâm sự:“ Bà yêu con thế mà con chẳng nhớ gì về bà cả?!”… Buồn cười! Con vừa tuổi rưỡi đã xa bà, thì làm sao mà nhớ được!?...
          Học sinh Văn Đức gần gũi với các thầy cô lắm! Buổi tối, các anh chị ấy thường đến chơi với mẹ, chuyền tay nhau bế con, âu yếm, nựng nịu. Nhiều hôm, vừa vào phòng đã thấy, khi thì túm cà rốt tươi roi rói, khi thì những bắp ngô mới bẻ, lần thì mớ khoai lang vừa giỡ…(các anh chị mở liếp cửa sổ, bỏ vào).
          Làng ven sông, một số gia đình phụ huynh làm nghề chài lưới. Những đêm hè trăng sáng, mẹ lên thuyền xem học trò đánh cá. Lưới kéo lên, những chú cá mòi lóng lánh nước, lao xao vùng quẫy… Đẹp vô cùng!
          Lại có đêm cắm trại đốt lửa ven bờ sông cùng lớp thầy Thế. Dựng lều, căng bạt, nhóm lửa, chuyện trò, ca  hát, nấu cháo cá mòi (món ăn đêm sáng tạo của thầy Thế). Nửa đêm, bỗng gió mạnh nổi lên. Lều bay tan tác - ồn ào - đau bụng… Lãng mạn phết!
          Lại nhớ những đêm văn nghệ ở trường, ở làng… (dựng sân khấu hẳn hoi!), mẹ lên hát. Cô Ước bế Giang ngồi dưới, nghe mẹ đơn ca, song ca… Lần biểu diễn trích đoạn kịch Nổi gió (Đào Hồng Cẩm), trong sách Văn lớp 7 (9): mẹ vào vai chị Vân (Chết cười! Chị Vân gì mà thấp bé thế?!), 10 đầu ngón tay, bị giặc quấn đầy băng, tẩm xăng, châm lửa đốt! Ông Trường đóng đại úy Ngụy Thất Linh, râu con kiến nhích nhích ra vẻ hách dịch và chú Năm vào vai trung úy Phương lầm đường lạc lối…
          Vui đến mức nhớ mãi, không thể nào quên!...
          Chết thôi!... Thư kể chuyện xưa đã quá dài! Mẹ ngừng ở đây, hôm nào về mẹ lại kể tiếp. Chào con!
                                                                                                   Mẹ Phú.
* Viết thêm, ngoài thư:

          Mấy hôm sau, cháu Giang bay ra Hà Nội. Vừa gặp mẹ, Giang đã hồ hởi: “- Lần này con nhất định đi cùng mẹ! Con còn định đưa cả vợ con và các cháu về với Văn Đức – nơi một thời của mẹ và của cả con nữa”.
          Mẹ cảm thấy mình như trẻ lại, như khỏe lên… Quyết phải đi!...
          Cầu trời cho chúng tôi mạnh khỏe để một lần nữa được trở về Văn Đức –mảnh đất nặng ÂN TÌNH./.

Chèm – Thụy Phương, 26 – 31/10/2016
HTP
* CHÚ THÍCH

- Hoàng Thị Phú, nguyên giáo viên trường cấp 2 Văn Đức từ 1968 – 1972.
- Địa chỉ:  Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội;
- Điện thoại:  Bàn: 04. 38386 276.      DĐ:  0166 733 8134

2 nhận xét:

  1. Bài viết hay vì nó chân thực , lấy tình cảnh làm chủ đạo . Nhiều bài viết lấy văn chương làm chủ đạo vô tình làm kỷ niệm lướt qua mà người đọc dễ quên.
    Em vẫn thích những bài viết , những câu chuyện ít hư cấu , trực diện vấn đề rất dễ đi vào lòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Tan_262 đã chia sẻ. Đây là bài viết của cô Hoàng Thị Phú, phu nhân của TS Nguyễn Văn Đường, cộng tác viên của trang vunhonb.blogspot.com.
      Bài viết này TS Đường gửi cho chủ trang. Tôi sẽ đăng tiếp bài thơ TS Đường tặng phu nhân và trường Văn Đức!

      Xóa