Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

NHỮNG CÁNH BUỒM với lời bình





NHỮNG CÁNH BUỒM
          Hoàng Trung Thông
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước lòng vui phơi phới
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
Cha ơi! Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời
Không thấy nhà không thấy cây, không thấy người ở đó?
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ
Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa nói khẽ:
Cha mượn cho con buồm trắng nhé,
Để con đi…
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Lời bình của Vũ Nho
Bài thơ là lời kể lại của người cha về một buổi sớm mai đẹp trên bờ biển xanh, cát mịn, nắng hồng. Trước khung cảnh bao la của trời nước, người con hỏi khẽ về khoảng không vắng lặng trùng khơi. Sao chỉ thấy trời và nước, không thấy nhà, thấy cây, thấy con người? Nghĩa là bát ngát biển khơi, không thấy sự sống bằng mắt thường. Câu hỏi của con thật ngây thơ vì con chỉ biết những gì nhìn thấy. Người cha đã giải thích cho con bằng hình ảnh cầu nối “cánh buồm” :
           Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
          Sẽ có cây, có cửa, có nhà
          Vẫn là đất nước của ta
         Những nơi đó cha chưa hề đi đến
Đất nước ta rộng và lãnh thổ của ta không chỉ đất liền mà cả những đảo gần, đảo xa. Những Cát Hải, Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Luân,  Hòn Khoai, Phú Quốc… “Vẫn là đất nước của ta”. Người cha đã gieo vào lòng con tình yêu biển đảo, tình yêu đất nước một cách tự nhiên. Cha cũng chân thành nói với con rằng những nơi đó, người biết qua sách vở chứ “ chưa hề đi đến”.

          Những cánh buồm trên biển là phương tiện, nhưng cũng là hình ảnh tượng trưng cho những chuyến đi xa đất liền. Người con, như bao con trẻ muốn khám phá, muốn hiểu biết, đã nhờ cha :
          Cha mượn cho con buồm trắng nhé
          Để con đi…
Không phải là bước đi trên đất liền mà cha đang dắt. Người con muốn đi theo cánh buồm để đến những nơi xa, những nơi “ là đất nước của ta”. Khát vọng của người con  là khát vọng của tuổi trẻ. Đồng thời khát vọng đó cũng là tiếp nối khát vọng của cha. Người cha gặp lại mình trong “tiếng ước mơ con”.  Điều con ước mơ cũng là điều cha đã từng mơ ước. Đó là ước mơ tiếp nối của các thế hệ đi đến những nơi “đất nước của ta” để giữ gìn, bảo vệ. Đồng thời đi xa hơn đất nước mình nối vòng tay hữu nghị với bạn bè thế giới.
          Bài thơ viết đã lâu, nhưng khát vọng đi đến bến bờ xa, khát vọng đến các đảo khơi như chuỗi ngọc quý của Tổ quốc để khám phá, giữ gìn, bảo vệ thì vẫn luôn tươi mới!
                                                 Tháng 12 năm 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét