Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

VỀ BÀI KÝ “ CỔNG TRỜI MÂY TRẮNG” CỦA VŨ THỊ TUYẾT MÂY




VỀ BÀI KÝ  “ CỔNG TRỜI MÂY TRẮNG”

CỦA VŨ THỊ TUYẾT MÂY
Nguyễn Thị Lan

            Trong những tác phẩm văn xuôi đăng trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương năm 2010, bút ký "Cổng trời mây trắng" của Vũ Tuyết Mây là một bài viết gây được ấn tượng đẹp trong lòng độc giả.

            Ký là một thể loại phản ánh sự việc và con người có thật trong cuộc sống. Tính chính xác tối đa là đặc trưng cơ bản của ký, do đó sức hấp dẫn, sức thuyết phục của ký một phần lớn do chính sự việc được phản ánh.

            Nhưng ký không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn khái quát cuộc sống thông qua ngôn ngữ, vì vậy việc lựa chọn đề tài, tìm ý tứ với người viết là một kỳ công. Cuộc sống quanh ta như một dòng chảy liên tục, có biết bao vấn đề, sự kiện tầng tầng, lớp lớp đan xen nhưng để chọn ra viết cái gì, viết như thế nào là không dễ. Là một thể loại vừa rộng mở vừa khắt khe, ký luôn đòi hỏi người viết phải đạt được những tiêu chí cơ bản của nó, không bao giờ được buông thả ngòi bút một cách chủ quan, hời hợt, dễ dãi.

            Bài ký "Cổng trời mây trắng" của Vũ Thị Tuyết Mây có nhiều thành công trước hết ở việc lựa chọn đề tài của tác giả.

            Cao nguyên đá Đồng Văn, một trong những Công viên địa chất toàn cầu, điểm chóp nón của dải đất mang hình chữ S, vùng cực bắc của Tổ quốc, vành đai biên giới phía bắc là đề tài vô cùng hấp dẫn với văn nghệ sĩ, một đề tài có tính điển hình, mang ý nghĩa chính trị xã hội và môi trường sinh thái sâu sắc. Đối với Vũ Thị Tuyết Mây, Đồng Văn còn là miền đất "lạ".
                                                           Tác giả Nguyễn Thị Lan


            Sinh ra từ một miền quê thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, suốt đời gắn bó với đồng bằng, lần đầu tiên được đặt chân đến nơi đây, một miền với núi đá cổ, với cao nguyên đá vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, tác giả không khỏi ngỡ ngàng, thích thú đến độ say mê, choáng ngợp. Và chị đã "thổi" vào bài ký niềm cảm hứng cho độc giả. Đó là thành công đầu tiên của tác phẩm.

            Thành công tiếp theo của tác phẩm là ở chỗ tìm ý tứ cho bài viết.

            Viết về cao nguyên đá Đồng Văn đã có rất nhiều người viết nhưng Vũ Thị Tuyết Mây đã tìm được những chi tiết điển hình để có thể phản ánh linh hoạt các sắc thái muôn màu của cuộc sống vùng cao biên giới, để dựng lên "chân dung" một Đồng Văn vừa trữ tình lãng mạn, vừa sống động mãnh liệt và khốc liệt, một Đồng Văn có chiều sâu văn hóa: với đá, với mây, với gió, với những tấm thổ cẩm, với chợ tình Khau Vai, với tiếng khèn réo rắt, với rượu Thanh Vân, với con đường Hạnh Phúc nối các bản làng cheo leo trên sườn núi đá xích lại gần nhau hơn... Đặc biệt Đồng Văn với núi Rồng, cột cờ Lũng Cú là điểm đến không thể thiếu với những ai đã đặt chân lên mảnh đất này.

            Không chỉ tìm được những chi tiết điển hình để phản ánh một cách chân thực, ở một mức độ nào đấy Vũ Thị  Tuyết Mây còn thành công khi chị khái quát cuộc sống thông qua ngôn ngữ. Nơi đây cao nguyên đá Đồng Văn từ thiên nhiên đến cuộc sống con người, cái gì cũng mang kích thước lớn. Và điều đó đã mang đến cho người đọc những "cú sốc" thẩm mỹ.

            Tác giả bài ký đã chớp được một câu nói mang tính khái quát của Bí thư huyện ủy Đồng Văn Sùng Đại Hùng (người dân tộc Mông) đó là "Đồng Văn có 5 cái nhất: Nhiều đá nhất, khát nước nhất, nghèo đói nhất, ít chữ nhất và nhiều đồng bào Mông nhất".

            Thiên nhiên nơi đây thật vĩ đại. Những dòng viết về đá, về mây là những dòng hay của bài ký. Đây là mây: "Mây quấn vào cây, trùm lên đá, phả vào những mái nhà ngói ống cheo leo trên sườn núi. Lắng tai nghe thấy tiếng mây âm âm trong đá, trong sương... Dưới mây là đá, đá lẫn vào mây."

            Rồi đá: "Một vùng cơ man nào lá đá. Đá ngạo nghễ vươn đến đỉnh trời, đá giấu mình trong sương, trong mây. Lớp lớp đá đứng, đá ngồi, đá trải dài nghiêng ngả. Đám tròn trịa như có bàn tay ai kỳ công mài giũa, đám sắc nhọn như bàn chông, tất cả đều một màu xanh xám, trầm tư..."

            Cũng như thiên nhiên, con người nơi đây cũng thật vĩ đại với sức lao động dựng xây.

            Sẽ còn mãi đến mai sau một con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc có độ dài 167 km vắt qua bao núi cao, bao vực thẳm và thung sâu, chỉ bằng đôi tay của hàng ngàn thanh niên các dân tộc 6 tỉnh nơi đây (Cao - Bắc - Lạng, Thái - Tuyên - Hà) xẻ núi, san nền làm nên.

            Sẽ còn mãi những ruộng đá, bờ rào đá, cầu thang đá, lối đi đá mà "kiến trúc sư" và thợ thi công là chính những người dân bản địa.

            Sẽ còn mãi cột cờ Lũng Cú, nơi đỉnh đầu của Tổ quốc, vùng đất thiêng trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

            Hiện thực trong ký "Cổng trời mây trắng" là một hiện thực đã được "chưng cất" được lựa chọn vì nó mang tính khái quát cao. Tính chân thực và điển hình là một thành công lớn của tác giả khi phản ánh hiện thực.

            "Cổng trời mây trắng" là một bài ký rất đậm chất trữ tình. Màu sắc trữ tình ở đây là sự mở rộng tâm hồn và giãi bày nỗi lòng với thiên nhiên, với con người và cuộc đời của tác giả. Những đoạn mang tính triết luận về con người vùng cao, về Tổ quốc là những đoạn có sức lay gợi, truyền cảm chân thành nhất của Vũ Thị Tuyết Mây.

            Đây là đoạn cuối của tác phẩm viết về cột cờ Lũng Cú: "... Đã có rất nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đến đây, có người chở cả bao tải đất ở quê nhà lên rắc dưới chân cột cờ, có ý gửi gắm một phần con tim và máu thịt của mình với biên cương, rồi lại nhặt một túi đá ở chính nơi đây mang về làm kỷ niệm. Có người cứ đứng lặng lẽ dưới chân cột cờ nhìn núi, nhìn mây, nghe gió mà rưng rưng nước mắt. Có người còn ôm lấy chân cột cờ mà khóc nức. Họ khóc vì thương một vùng biên cương hùng vĩ mà gian nan, khắc nghiệt. Cũng có thể họ khóc còn vì những kỷ niệm khó phai trong tâm hồn người Việt, khóc còn để thỏa mãn một lần trong đời được lên đến cổng trời, một vùng đất thiêng liêng đầy huyền thoại."

            Những dòng viết rung động, chan chứa tình yêu Tổ quốc ấy của tác giả thực sự gặp được sự "cộng hưởng" của người đọc.

            Nếu giọng điệu trần thuật được thiết kế bởi mối quan hệ giữa thái độ, lập trường tư tưởng của người kể chuyện với các sự kiện, hiện tượng được miêu tả tất cả hướng tới người nghe thì bài ký “Cổng trời mây trắng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho “giọng điệu trần thuật” của Vũ Thị Tuyết Mây, một giọng văn tự nhiên, giản dị, chân thành, đậm màu sắc trữ tình. Nhiều con số “biết nói” trong bài ký có sức nặng hiện thực nhưng cũng không làm bài viết khô khan bởi chất thơ bàng bạc khắp tác phẩm. Vũ Thị Tuyết Mây không có ý định “làm văn” khi viết. Chị càng không điệu đà vô lối, không làm dáng cầu kỳ nhưng tác phẩm của chị thấm đẫm chất thơ.

            Chất thơ đó có thể gặp ngay từ nhan đề bài viết “Cổng trời mây trắng”, ở đây có cái gì vừa thật, vừa ảo rất phiêu và rất nhiều chỗ chị “phiêu” cùng gió, cùng mây, cùng đá, cùng người… của cao nguyên đá Đồng Văn.

            Chất thơ ấy không chỉ được cất lên từ chính cảnh vật, con người chị gặp, mà sâu xa hơn từ chính tâm hồn người viết, một người yêu mến cái đẹp.

            Chất thơ đó nằm trong sự lặp lại của các cấp độ từ, những từ ngữ miêu tả hàm súc, những hình ảnh thấm tình người.

            Chất thơ còn được tạo nên từ những câu văn có cú pháp trùng điệp, nhịp điệu cân xứng. Chất thơ còn bởi cấu trúc nhịp nhàng giàu nhạc điệu:

            “… là những tấm thổ cẩm đẹp đến mê mẩn lòng người…

            … là chợ tình Khau vai thổi thêm lửa vào tình yêu cuộc sống

            … là tiếng khèn réo rắt, bổng trầm làm đá cũng phải rung động

            … là rượu làng Vân chưa uống đã say lệch núi đồi

            … là những cô gái người Mông, Lô Lô, Pà Thẻn xinh như trong mộng, khỏe như cây rừng…”

            Những đoạn văn trong trẻo đó đem đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người, nó đến từ sự phát hiện, tôn vinh cái Đẹp của cuộc đời gắn với một giá trị nhân văn, vì hạnh phúc, vì sự giải phóng và phát triển của con người.

            Ký chính là hơi thở của cuộc sống. Viết ký cần có cái nhìn sắc sảo của một nhà báo, trái tim và tài năng của một nhà văn.

            Bài ký “Cổng trời mây trắng” của Vũ Thị Tuyết Mây ở một bình diện nào đó đã đạt được tiêu chí ấy.

Hải Dương, ngày 08 tháng 03 năm 2011
Trích từ "Văn chương Hải Dương đương đại", nxb Hội Nhà Văn, 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét