Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Vũ Nho viết về thơ HAIKU của Ngọc Căn






NGỌC CĂN VỚI TẬP HAIKU “CÁNH CHIM NHỎ LẠ”

          Cảm nhận tập “Cánh chim nhỏ lạ”, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016

                                      Vũ Nho

Câu lạc bộ “ Haiku Việt, Hà Nội” có nhiều thành viên làm thơ Haiku, có  một số người đã được in trên Tạp chí Haiku thế giới khi dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Các Haijin ( người sáng tác Haiku)  của câu lạc bộ Hà Nội  công bố sáng tác của mình trên Tạp chí, báo, và trang Web Haiku Việt, đồng thời in thành một phần trong tập thơ riêng như Cao Ngọc Thắng,  Phùng Gia Viên. Có người in cả tập như chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh với tập “Trăng bùa”  bốn thứ tiếng Việt Anh, Pháp Nhật. Các tác giả in thơ  thành tập riêng là Đinh Trần Phương,  Nguyễn Thị Kim, Phan Vũ Khánh. Ngọc Căn thuộc số ít hội viên in cả tập 352 bài Haiku. Phải chăng, tác giả vốn là người thích làm thơ ngắn nên dễ dàng tiếp cận và say sưa với thơ Haiku? Sáu tập thơ in riêng thì có 3 tập là thơ bốn câu là Người về (2006), Trăng (2010), Hoa(2016). Có lẽ đó là một phần của lí do. Phải chăng vì  còn có con dạy tiếng Nhật, cháu học tiếng Nhật nên ông làm thơ Nhật? ( 72. Con dạy tiếng Nhật/ Bố luôn ngỡ ngàng/ Cô gái Phù Tang; 73. Cháu vào học lớp tiếng Nhật/ Ông chờ ở ngoài/ Làm thơ Haiku). Lí do chính là tác giả say mê với một kiểu thơ du nhập từ Nhật Bản, ngắn, gọn, gợi mở nhiều về vạn vật xung quanh qua cảm nhận của cá nhân người viết.

Có thể thấy Ngọc Căn là người yêu mến thiên nhiên. Chẳng thế mà hai tập thơ 4 câu có nhan đề ngắn gọn là “Trăng” và “Hoa”. Trăng là vẻ đẹp của vũ trụ, còn hoa là vẻ đẹp của mặt đất. Qua những bài Haiku,  Ngọc Căn thể hiện tình yêu trăng của mình:

17. Đang làm thơ/ Sực nhớ rằm/ Ra ngắm trăng.

128. Mặt trăng/ Bông hướng dương/ Giữa trời đêm.

22. Tiếc đèn để suốt đêm/ Không ai tiếc?/ Trăng thâu  giãi ngoài thềm.

Cái ánh trăng  giãi ngoài thềm gợi ánh trăng trong ca dao, gợi ánh trăng giãi trên vườn chè trong thơ Nguyễn Bính. Ánh trăng còn có thể gợi nhớ đến câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm : Non Kì quạnh quẽ trăng treo/ Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò trong bài số 25 : Mộ viễn chinh/ Đồi hoang/ Trăng.

                                                                   Vũ Nho - chủ trang
Khi có điện thì trăng bỗng bị lu mờ, hơn thế nữa , trăng bị coi như người dưng trong thơ Nguyễn Duy: “Từ hồi về thành phố/ Quen ánh điện, cửa gương/ Vầng trăng đi qua ngõ/ Như người dưng qua đường” (Ánh trăng). Vì yêu trăng cho nên khi “mất điện” lại vào ngày rằm thì không phải tai họa, mà là may mắn, khiến lòng phấn khích vì được nhìn chị Hằng đi bán lụa  (91. Mất điện/ Chị Hằng/ Đi bán lụa):


68. Điện mất/ Trăng rằm mênh mông/ Lòng công đang múa.

72. Đêm rằm/ Mất điện/ Thi sĩ trong bị múa tay.

Yêu thích trăng, nhưng là vầng trăng trong không gian khoáng đạt, chứ không phải là vầng trăng nhìn từ song sắt  quây kín của phần lớn các nhà tầng ở Hà Nội. Nhìn trăng như thế, có khác nào cách ngắm trăng của cụ Hồ khi trong nhà ngục “ Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt”? Khác biệt là ở chỗ cụ Hồ bị bắt, bị nhốt vào ngục. Còn bây giờ, người ta tự làm ngục nhốt mình. Phải thế chăng mà tác giả viết:

          90. Sân thượng, song sắt/ Ngắm trăng/Như tù.

Về chủ đề hoa, Ngọc Căn cũng có những bài haiku đáng ghi nhận,  suy ngẫm.

          36. Mùa xuân/ Đưa cháu đi học/ Được cả mùa hoa

Hoa ấy là hoa thật tưng bừng mọi nẻo xuân, ở đâu cũng gặp. Nhưng lại cũng có những bông hoa không tự nhiên,  hoa tưởng tượng. Vì rau xanh cũng là  các loại cây có những bông hoa. Chẳng hạn  rau muống, rau cải, rau xúp lơ có hoa muống, hoa cải, hoa xúp lơ. Bởi thế mới có chuyện tưởng bất thường:

          32. Mắt không lóa/ Nhìn quầy rau/ Tưởng quầy hoa.

Đây chính là cái nhìn “xuyên thấu” thường gặp trong các bài Haiku Nhật Bản.

          Hoa là biểu tượng của cái đẹp. Cho nên yêu hoa, yêu người đẹp như hoa. Không tránh khỏi có lúc bất chợt buồn :  “151. Em đẹp như hoa/ Buồn/ héo mất thôi”. Nhưng không thể khác là yêu hoa mãi, như yêu  vợ, tình yêu chung thủy giúp con người bình an:

          45. Yêu vợ đến già/ Yêu hoa đến tàn/ Đời ta bình an

Và chàng thi sĩ đa tình theo cô nàng mặc áo hoa lưng ong cũng chỉ vì mê cái đẹp:

          93. Em mải đạp xe/ Tôi theo lưng ong/ Không! Vườn hoa di động.

Vườn hoa di động ấy có bông hoa to nhất, quyến rũ nhất là hoa người!

Hoa là niềm an ủi,  động viên, vẫy gọi người ta. Hoa quỳnh nở sau mưa thật đẹp , thật lãng mạn vì:

104. Chập tối mưa mát/ Hoa quỳnh nở/ Giấc mơ thơm.

Hoa giúp yên tâm đi tiếp đoạn đường xa còn lại:

          170. Ngắm hoa/ Đi nốt/ Chặng đường xa.

Nặng lòng vì hoa, nên người viết ngậm ngùi khi hoa nở mà không có người đoái trông. Ta hiểu vì sao  nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn viết “Đợi mắt nhìn mới nở”:

          302. Quê nhà bỏ không/Bao bông hoa nở/ Không người đoái trông.

Và tác giả phải buột kêu lên khi người ta phũ phàng với hoa, phũ phàng với cái đẹp:

          203. Hội nghị nửa buổi sáng/ Họp xong hoa vứt ngay/ cánh tươi giẫy đành đạch.

          Bài thơ này, nếu chặt chẽ theo tinh thần Haiku Nhật Bản thì nó thuộc loại thơ Senryu vốn là chị em với Haiku. Theo tác giả Lê Thị Bình một Haijin và cũng là người thông thạo tiếng Nhật thì đặc điểm khác biệt giữa Haiku và Senryu chủ yếu là Haiku thì gợi vẻ đẹp tự nhiên, còn Senryu thì  có mục đích trào lộng (warai) và châm biếm (ugachi). ( Thơ Senryu và thơ Haiku – trong Kỷ yếu : Tọa đàm thơ Haiku Việt nam - Nhật Bản lần thứ nhất, trang 147)

Phần 1 của tập thơ “ Cánh chim nhỏ lạ” gồm “ Thiên nhiên…Thế sự…”. Phần 2 của tập là “ Vui… Thoáng…”. Có thể nói rằng vì là Haiku Việt, cho nên tác giả cũng không cần phân chia rạch ròi Haiku và Senryu vốn là hai thể thơ chị em tách ra từ “Ren ga” ( Liên ca) của Nhật.

Có thể gặp một Ngọc Căn đa dạng, đa thanh trong những khúc Haiku Việt về nhiều  cảnh huống, nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày vốn vất vả và nhiều nỗi buồn, lắm niềm vui.

8. Cạnh hồ/ Tôi hít vào/ Hồ thở ra

Thì ra người với hồ đã nhập làm một để cùng duy trì sự sống bằng việc hít thở.  Phải chăng đây là một cách nhập “thiền”? Và cũng vì thế cho nên mới có thể quan niệm “ 56. Ngồi bên hồ thu/ Không làm thơ/ vẫn là thi sĩ”. Hồ thu là một bài thơ. Người ngồi bên hồ cũng nhiễm lây chất thi sĩ của thiên nhiên. Lại nhớ câu thơ của Chế Lan Viên : “ Bài thơ anh, anh viết một nửa thôi/ Còn một nửa để cho mùa Thu làm lấy”.

43. Toà nhà mới dựng xong/ Ta mất/ Một chân trời thăm thẳm.

Thì ra cuộc sống  không có được mãi. Mà khi được cái này thì phải chịu mất cái kia. Vấn đề là lựa chọn!

86. Cây đa vẫn còn/ Cô lái đò đâu mất/ Lem luốc  anh máy phà.

Một niềm hoài cổ, thương tiếc vẻ đẹp xưa. Bây giờ có nhiều cầu, con đò ngang trở thành dĩ vãng, cô lái đò cũng biến mất  với thời gian. “ 80. Cầu mọc nhiều, to/ Hiếm dần bến đò/ Thơ Nguyễn Bính thành đặc sản”.

Một niềm vui lắm bạn vì “ 7. Tôi/ Nối khố/ Với sách” cho nên “176. Trên giá đầy sách/ Trước mặt ti vi/ Một mình lắm bạn”.

Một nụ cười hài hước giễu mình:

317. Chợt mưa đêm mùa hạ/ Vợ nằm riêng đã già/ Ta thanh tịnh – thăng hoa.

Và giễu người:

332. Ra dáng quân tử/ Không ngó đàn bà/ Treo tranh mĩ nữ.

Cười giễu sự đời:

333. Vợ già, chồng trẻ/ Chồng trẻ, vợ già/ Hợp lí vì…tiền.

Về hình thức thơ, Ngọc Căn chú ý đến vần điệu, đến đối ngẫu, đến tương đồng, tương phản.  Anh đã học tập nhiều ở cách thể hiện trong thể loại tục ngữ của dân tộc.Trong tổng số 352 bài, không phải là không có bài còn chưa thật đặc sắc. Nhưng có cả một tập thơ Haiku thì đúng là tác giả đã đem vào bầu thời thi ca “cánh chim nhỏ lạ”!

Xin được chúc mừng tác giả cùng với Câu lạc bộ thơ Haiku Việt của thành phố Hà Nội!

                                             Ngày 3 tháng 5 năm 2017

Bài in trên Diễn đàn VNVN, số tháng 5/2017







         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét