Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

CHÙM THƠ TRIỆU LAM CHÂU VỀ NHÀ THƠ NGA PUSKIN





CHÙM THƠ TRIỆU LAM CHÂU VỀ NHÀ THƠ NGA PUSKIN

Lời tâm sự của Triệu Lam Châu:

Nhân kỷ niệm 218 năm ngày sinh nhà thơ Nga vĩ đại Puskin (6/6/1799 – 6/6/2017), tôi xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý chùm thơ tâm đắc của mình về Người. Mỗi độc giả đều có những tình cảm và hình dung riêng về nhà thơ Puskin, mặt trời của nền thơ Nga và thế giới.
Với quan niệm như vậy, tôi đã cố gắng thể hiện tình cảm của mình đối với Người, bằng những cảm hứng mang dấu ấn đậm đà của văn hoá Tày quê tôi ở vùng núi Khau Mi-à ( Bài Một mình lên hang núi đêm trăng). Khi nhớ đến hồn thơ của Puskin, mà một mình lặng lẽ lên hang núi đêm trăng, để sống lại cái cảm giác hạnh phúc tinh khôi đầu tiên của mấy chục năm về trước, khi nghe thầy giảng về thơ Người trong hang núi thời kháng chiến – Đó là một tình cảm hết sức mãnh liệt, lãng mạn và độc đáo của miền núi quê tôi chăng?
Và bài Puskin trên Núi Nhạn đêm trăng, lại phảng phất nét văn hoá của miền nam Trung Bộ, vùng Tuy Hoà, Phú Yên, nơi tôi công tác hơn ba chục năm qua – nơi tổ chức Đêm thơ đầu tiên trong cả nước, vào tháng giêng năm 1981 xa xôi đầy chứa chan.
Chùm thơ Một mình lên hang núi đêm trăng (gồm 6 bài) đã vinh dự nhận Giải nhất toàn quốc Cuộc thi thơ năm 1999 – 2000 do Trung ương hội hữu nghị Việt – Nga tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga (1950 – 2000).
Xin chúc bạn bè sức khoẻ và thắng lợi.
Tuy Hoà, ngày 4 tháng 6 năm 2017


Triệu Lam Châu
MỘT MÌNH LÊN HANG NÚI ĐÊM TRĂNG*

Một mình lên hang núi đêm trăng
Nghe lại tiếng gió trầm buổi ấy
Nghe lại giọng suối ngàn nóng chảy
Như năm nào Người đến nơi đây…

Người đến tinh khôi trong lời giảng của thầy
Một chất Nga nồng nàn lắng đọng
Một cánh chim tự do cồn lên như sóng
Ôi những ngày sơ tán núi hang sâu (2)

Bên những ngọn đèn dầu
Có giọt trăng ngời gửi từ nước Nga xa thẳm
Một chút gió Xibia sâu lắng
Một chút thu vàng nồng đượm nước Nga xưa


Chút tuyết nhẹ đầu mùa Xanh Pêtécbua
Chút gió thẳm hoang sơ miền Capcat
Những cô gái Nga sớm mai đi kín nước
Tiếng ca nồng trong trẻo bến bờ xa…

Bấy năm ròng trên núi Khau Mi-à
Giọt trăng hồn Người âm ỉ sáng
Thấm đẫm tiếng lượn sli năm tháng (3)
Của núi đồi Dân Chủ, Đức Long đây

Một mình lên hang núi đêm nay
Nghe tiếng vọng lòng sâu của đá
Những tiếng diệu huyền chẳng bao giờ cũ
Như nỗi niềm Nga lai láng ánh trăng ngân…
Cao Bằng 1999
------------------
* Chùm thơ này (cùng bốn bài nữa) đã được trao giải nhất toàn quốc Cuộc thi thơ về tình hữu nghị Việt - Nga, do Trung Uơng Hội hữu nghị Việt - Nga tổ chức năm 1999 - 2000
(1) A. Puskin (1799 - 1837): Nhà thơ Nga vĩ đại
(2) Những năm kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc tất cả các trường học đều sơ tán về vùng hẻo lánh ở rừng núi và hang sâu, để tránh bom đạn của giặc
(3) Lượn sli: Dân ca dân tộc Tày.

TÂM SỰ CỦA TRIỆU LAM CHÂU:

A. X. Puskin (1799 – 1837): Nhà thơ vĩ đại của nước Nga và thế giới. Di sản thơ văn của ông được cả nhân loại quan tâm và khai thác. Năm 1999 kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ.
Triệu Lam Châu nảy ra một tứ thơ: Một mình lên hang núi đêm trăng. Ở những nơi nào đó khắp thế gian người ta kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ  Puskin bằng những cuộc hội thảo về Người, tổ chức đọc và trình diễn thơ của  Người.
Song chủ thể của bài thơ Một mình lên hang núi đêm trăng (Cao Bằng), lại có hình thức kỷ niệm sinh nhật nhà thơ mình yêu quý bằng cách riêng. Vào ngày kỷ niệm 200 năm sinh nhật của nhà thơ Nga Puskin, một mình anh đi lên hang núi giữa đêm trăng, để SỐNG LẠI CÁI CẢM GIÁC TINH KHÔI ĐẦU TIÊN NHẤT TRONG ĐỜI MÌNH KHI TIẾP XÚC VỚI HỒN THƠ CỦA NGƯỜI – qua lời bình giảng của thầy giáo hồi những năm các trường học phải sơ tán lên núi rừng, để tránh bom đạn của  giặc thời chống Mỹ xa xưa.
Bài thơ có lẽ đã phần nào thể hiện được chiều sâu của sự ngưỡng mộ của bạn đọc Tày – Việt đối với di sản tinh thần quý báu của nhà thơ Nga vĩ đại Puskin – trong một bối cảnh riêng, rất đặc thù của miền núi vào thời điểm hào hùng của lịch sử Việt Nam xưa và nay. (Bài Một mình lên hang núi đêm trăng. Tập Ba vỉa hồn ngầm – 2015).


PUSKIN TRÊN NÚI NHẠN ĐÊM TRĂNG

Tấm áo dạ nâu còn thơm nắng thu Nga
Người lặng lẽ bên trời Nhạn Tháp
Gió biển đêm thổi về dào dạt
Tán lá rừng nghiêng ánh trăng ngân

Gió nhẹ vờn lên mái tóc xoăn
Vầng trán Người lồng lộng
Thoáng nghe điệu bài chòi xao động (1)
Ngỡ bản tình ca Cápcadơ

Mắt sáng lên, xúc cảm vô bờ
Nghe run rẩy, chập chờn én liệng
Hiện dần lên trên trang giấy trắng:
Lá phong vàng, tuyết đọng nước Nga xưa…

Và quả thật bất ngờ
Niềm ấp ủ tháng ngày đằng đẵng
“Bức thư tình Tanhia cháy bỏng” (2)
Bỗng vẹn tròn bên trăng núi chơi vơi

Sóng rì rào nhạc biển bồi hồi
Nửa vầng trăng trên trời ngời ngợi
Còn nửa vầng trăng kia trong tay Người bổi hổi
Những dòng thơ lấp loáng chiêm bao

Đêm ảo huyền bởi những chòm sao
Đậu nhẹ nhàng xuống trang giấy lạ
Hương táo mùa thu Nga êm ả
Quyện hương xoài đượm gió phương nam

Điệu bài chòi, trăng núi, Tháp Chàm
Sáng trong trái tim Người buổi ấy
Hồn thơ Nga xa xăm lộng lẫy
Nỗi niềm thân thiết của lòng ta.
Tuy Hoà 1997
-----------------------
(1) Bài chòi: Làn điệu dân ca ở nam Trung bộ
(2) Một chương trong tiểu thuyết thơ Epghenhi Ônheghin
của A. Puskin (1799 - 1837), thi hào Nga vĩ đại

TÂM SỰ TRIỆU LAM CHÂU:
Puskin, thi hào vĩ đại của nước Nga và thế giới. Tôi vốn yêu thơ ông qua các bản dịch tuyệt vời của nhà thơ Thúy Toàn. Rồi sau đó được đi du học ở Liên Xô, đọc được nguyên bản tiếng Nga, tôi lại càng ngưỡng mộ thơ ông. Puskin có tiểu thuyết thơ Epghenhi Ônheghin, trong đó có một chương hay nhất nói về “Bức thư tình Tanhia cháy bỏng”.
Tôi rất yêu đồi Nhạn Tháp Tuy Hòa. Kể từ năm 1990 đêm hội thơ xuân rằm tháng giêng hàng năm được tổ chức trên núi, thì nó liền thành một vầng thơ trong tâm hồn tôi.
Từ năm 1992 tôi đã theo đuổi bút pháp do mình sáng tạo ra. Đó là bút pháp Giao thoa văn hoà Tày – Việt – Nga.

Vậy bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt - Nga là gì? Đó là bút pháp sử dụng những giá trị tinh tuý nhất (Trong đó có ngôn ngữ) của ba nền văn hoá, bao gồm văn hoá Tày -  văn hoá Việt và văn hoá Nga,  để làm nên tác phẩm mới vừa mang hồn cốt Tày, hồn cốt Việt, lại vừa mang hồn cốt dân tộc Nga!

Bút pháp này được thể hiện trên hai bình diện Nội dung và Hình thức nghệ thuật như sau:
Trên bình diện nội dung:  Cần thể hiện những vấn đề chung được cả ba dân tộc Tày – Việt – Nga cùng quan tâm sâu sắc. Người đọc là dân tộc Tày – Việt hay Nga đọc vào tác phẩm loại này, đều thấy hình bóng của mình trong ấy. Hay nói cách khác Bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga, nhằm tạo ra những bài thơ có nội dung phục vụ cho đông đảo bạn đọc cả ba dân tộc Tày – Việt – Nga anh em.
Trên bình diện nghệ thuật: Cần sử dụng với liều lượng hợp lý những nét đặc thù của mỗi nền văn hoá Tày – Việt – Nga, cùng những tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán… riêng của mỗi dân tộc cùng những cảnh sắc thiên nhiên đặc thù của mỗi vùng… trong mỗi tác phẩm thơ của mình.
Và như vậy trong mỗi tác phẩm thơ của Bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga này sẽ là sự giao thoa hài hoà, bình đẳng, hữu nghị và tuyệt đẹp của tính cách Tày, tính cách Việt và tính cách Nga anh em.

Với bút pháp giao thoa văn hóa ấy, tôi muốn dựng lên một huyền thoại mới: Những vần thơ say đắm nhất về bức thư tình Tanhia, đã được Puskin sáng tác trên Núi Nhạn Tuy Hòa vào một đêm trăng lộng lẫy:

Đêm ảo huyền bởi những chòm sao
Đậu nhẹ nhàng xuống trang giấy lạ
Hương táo mùa thu Nga êm ả
Quyện hương xoài đượm gió phương Nam.

Cảnh trí, hương sắc và điệu bài chòi của một vùng nhiệt đới phương nam đã góp một phần nhỏ của mình với tâm hồn Puskin để hình thành nên kiệt tác văn chương. Cứ hãy nghĩ vậy mà tự hào, mà thêm yêu Puskin vĩ đại. Nào có sao đâu !

Chiều 12 - 11 - 2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét