Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Chùm bình thơ cho các em của Vũ Nho



  

CHÙM BÌNH THƠ CHO CÁC EM của Vũ Nho

HOA SEN
    Lê Hồng Thiện

Bông vươn lên trời
Bông soi mặt nước
Bông chìm bông nổi
Trông đẹp cả đôi

Mặc mưa mặc nắng
Không gì chở che
Thắp suốt mùa hè
Thơm tròn ba tháng

Lấy thân làm bấc
Lấy nước làm dầu
Hoa thành ngọn lửa
Đỏ hồng bên nhau

Lời bình của Vũ Nho
Bài thơ hoa sen không ca ngợi vẻ đẹp của sen lá xanh bông trắng, nhụy vàng. Bài thơ thú vị ở chỗ nhà thơ phát hiện ra hoa Sen chính là một ngọn đèn, ngọn đèn thiên nhiên thắp suốt mùa hè. Đèn cháy nhưng lại phát ra mùi thơm thật dễ chịu. Điều kì lạ nữa của loại đèn này là không cần chao, không cần bóng, không cần bất cứ thứ gì chở che. Đèn cháy lúc nắng, đèn cháy cả khi mưa… Tuy đặc biệt vậy, song  bông sen giống như cây đèn dầu mà ta vẫn dùng từ xưa, và cả bây giờ khi mất điện. Ấy là cần có bấc. Chính cuống hoa làm bấc đèn. Còn dầu thì tha hồ. Nước đầm hay nước hồ chính là dầu để cho đèn cháy. Cái đèn sinh học này không  tỏa muội đen, không tỏa mùi hôi của dầu, mà chỉ tỏa hương thơm thôi. Thật là quá đặc biệt! Và sự phát hiện, so sánh của nhà thơ làm chúng ta thích thú.
          Tuy vậy nếu chặt chẽ, chi li ra thì thấy khổ thơ đầu là hơi thừa, là không cần thiết. Bởi vì nó không góp phần vào tả cái Đèn – Sen. Đó là một điều đáng tiếc.





CÂY ĐÈN THẦN
       Đặng Hấn

Nhà em có cây đèn thần
Bóng đèn bằng sắt, không cần thủy tinh
Đặt xoong rau hoá xoong canh
Bắc nồi gạo nếp hoá thành nồi xôi
Khách của bố mẹ lại chơi
Ấm nước lạnh hoá nước sôi pha trà

Cái bếp dầu lửa ấy mà
Có tay em đã hoá ra đèn thần

Lời bình của Vũ Nho


Bạn đọc nhỏ tuổi ham truyện cổ tích chẳng ai lạ gì câu chuyện cây đèn thần. Thần đèn có thể làm những việc phi thường nhờ phép lạ. Bây giờ lại nghe kể nhà nọ có cây đèn thần ai mà chả tò mò.
Cây đèn thần này có vẻ giản dị. Nó khác đèn thường là bóng bằng sắt chứ không phải bóng thủy tinh. Phép thần của nó chính là sự biến hoá.
Xoong rau hoá xoong canh.
Nồi gạo nếp thành nồi xôi
Nước lạnh hoá nước sôi
Đến đây thì bạn đọc đã phần nào đoán ra cây đèn thần là đèn gì rồi. Tác giả bật mí rằng đèn thần chính là “Cái bếp dầu lửa ấy mà”! Cái bếp dầu chính là cây đèn thần. Nhưng bếp dầu có phép “biến hoá” chính là nhờ “có tay em”. Không có tay người – tay em thì mọi sự “biến hoá” không thể xảy ra được. Tay em chính là “thần chú”, là “phép màu” làm cho bếp dầu lửa “hoá ra đèn thần”! Bàn tay chăm chỉ và khéo léo của em kì diệu biết bao!


LỜI CHÀO ĐI TRƯỚC
     Nguyễn Hoàng Sơn

Đi đến nơi nào
Lời chào đi trước
Lời chào dẫn bước
Chẳng sợ lạc nhà
Lời chào kết bạn
Con đường bớt xa
Lời chào là hoa
Nở từ lòng tốt
Là cơn gió mát
Buổi sáng đầu ngày
Như một bàn tay
Chân tình cởi mở

Ai ai cũng có
Chẳng nặng là bao
Bạn ơi đi đâu
Nhớ mang đi nhé
               11/1978

Lời bình của Vũ Nho
Chào hỏi là một nghi thức quan trọng trong cuộc sống. Các cụ xưa dạy: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” chính là muốn đánh giá cao việc chào hỏi. Với các em nhỏ thì chào hỏi lại càng cần thiết, vì trong giao tiếp, người nhỏ tuổi bao giờ cũng chào hỏi trước để tỏ sự lễ phép và kính trọng người lớn. Nhà thơ không bàn về điều đó, mà nói lợi ích của việc có lời chào - có lời chào đi trước. Hãy xem:
          Chẳng sợ lạc nhà
          Con đường bớt xa
          Lời chào là hoa
Là cơn gió mát
Như một bàn tay
Chân tình cởi mở

Lời chào có ích như thế đấy. Lời chào đẹp và thân thiện thế đấy. Mà mang theo lời chào chẳng vất vả, chẳng nặng nhọc gì. Nhà thơ khuyên các bạn:
Bạn ơi đi đâu
Nhớ mang đi nhé!
Phải nhắc nhở thế vì không ít bạn trẻ tính nhút nhát, mà cũng có thể vừa nhút nhát, vừa hay quên nên không chào hỏi. Một sự nhắc nhở vui vui, nhẹ nhàng chắc sẽ làm các bạn nhỏ nhớ mãi!

Trích trong cuốn Thơ cho tuổi thơ, nxb Hội Nhà Văn, 2017
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét