Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

HAI THẾ HỆ ( truyện ngắn)





HAI THẾ HỆ



                                                                             Quách Kim Long

                                                                            Vũ Công Hoan dịch



           Khi Hà Lưu Viễn dẫn con trai từ thôn Đèo Thảo Bạch về đến thôn Vĩ Tử Câu, trời vẫn chưa tối. Bố anh từ trong nhà ra đón, thân thiết hỏi.



-         Có thành không?



Hà Lưu Viễn trả lời bố một cách vắn tắt và chắc chắn.



-         Không!



          Đây là lần đầu tiên bố ra đón khi anh đi khỏi nhà. Chiếc xe con santana mới mua đỗ ở ngoài cửa lớn đang mở cửa, bố vội vàng ra đóng lại.



          Ông bố về nghỉ hưu đã mấy năm, thấy con trai bước vào nhà mặt buồn thỉu buồn thiu. Cháu đích tôn Hà Thành Cương đương nhiên không cùng bố nó bước vào nhà, mà lao luôn vào buồng ngủ của nó, không hề nói chi.



          Hà Lưu Viễn mặc kệ tâm tư con trai như thế nào, anh ngồi lặng thinh trong nhà, nghĩ đến chuyện đi xem mắt dạm hỏi của mình.
                                                                Dịch giả Vũ Công Hoan





          Đó là buổi sáng một ngày thu hơn hai mươi năm trước.Đối tượng xem mắt của anh là một cô gái anh ưng ý nhất. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng, cặp mắt to đen lay láy, thân hình cao cao, một con người xinh đẹp, có thể nói tám xã mười thôn cũng khó tìm đâu ra.

         

          Ngày đó cũng là bố dẫn con đi, bố anh thời đó diện mạo đáng tiền, là một công nhân mỏ của nhà nước ở ngoài hai mươi dặm, hạn hán úng lụt đều không lo mất mùa. Sự có mặt của bố và người làm mối, lễ ăn hỏi đã xác định, Hà  Lưu Viễn không rời được cô gái kia.

         

          Ngược lại cô gái kia đã hỏi Hà Lưu Viễn:

         

          - Liệu anh có thể thừa kế bố anh đi làm thợ mỏ không? Đó là một cái bát sắt.



Hà Lưu Viễn không biết nên trả lời thế nào. Đây là vấn đề nguyên tắc của một gia đình, anh phải xin ý kiến của bố, liền về hỏi ông.



-         Con có thể thừa kế bố không?



Bố anh trả lời:

          - Năm nay bố bốn mươi tuổi, còn gần hai mươi năm nữa mới nghỉ hưu, nghĩ xem, hai mươi năm sau con bao nhiêu tuổi?

         

          Hà Lưu Viễn không biết nói thế nào. Từ đó anh không bao giờ gặp lại cô gái đó. Nhưng anh đã ngấm ngầm đi gặp con gái nhà người ta không biết bao nhiêu lần. Trong thâm tâm, anh thích cô gái ấy, nhưng cô gái ấy thích thợ mỏ. Anh không có điều kiện.

         

          Về sau nghe đâu cô gái ấy đã lấy một công nhân mỏ, từ đó anh mới hết vương tơ lòng, thề không bao giờ đi xem mặt ai, không lấy ai.



          Chuyện trôi qua đã lâu lắm, bố anh tìm mọi cách khuyên con trai, vẫn không có hiệu quả. Ông kéo con trai đi xem mắt, Hà Lưu Viễn đối phó một cách tiêu cực. Sau đó thôn Vĩ Tử Câu  đón về một cô dâu xinh gái, nhưng Hà Lưu Viễn  đều tỏ ra tê dại đối với tất cả, anh coi vợ mình như là cô gái kia để sống, đẻ ra con trai mình. Mấy năm sau nhà nước cho phép tư nhân khai mỏ, được sự giúp đỡ của bố và họ hàng bên vợ, anh đã có hầm lò riêng của mình. Cuộc hôn nhân không như ý khiến con người thông minh như anh dốc toàn bộ tâm tư của bản thân vào khai mỏ  kiếm tiền. Trong vòng có mấy năm, Hà Lưu Viễn ở Vĩ Tử Câu đã trở thành một phú ông nức tiếng gần xa.

         

          Con trai khôn lớn, thi đỗ đại học quản lý kỹ thuật mỏ, tốt nghiệp ra trường anh giữ con ở lại mỏ của bố.

         

          Sự việc không ngờ lại xảy ra, cũng do người khác giới thiệu đối tượng cho con trai, một cô gái vừa tốt nghiệp đại học.

         

          Hà Lưu Viễn nhằm vào học lực của con dâu tương lai. Vẫn là cái thôn Đèo Thảo Bạch, hình như không phải anh đi tìm đối tượng cho con trai, hình như là để hoàn thành một nguyện vọng hơn hai mươi năm về trước. Hà Lưu Viễn diện  rất oách, lái xe đưa con và người làm mối đi vào cái thôn mình đi ăn hỏi hơn hai mươi năm trước. Khi bước vào ngôi nhà nhỏ thấp lè tè, Hà Lưu Viễn vừa nhìn đã nhận ra ngay bà chủ của gia đình mặt đầy vết nhăn, lại chính là người yêu mối tình đầu của anh. Một cô gái giống y hệt mẹ hơn hai mươi năm trước, đang đứng bên cạnh chị. Anh bỗng chột dạ, hồi ức tốt đẹp bỗng biến mất. Anh không biết con trai mình đã tỏ tình với người ta như thế nào. Anh giả đò không nhận ra bà chủ gia đình kia. Nhưng chị rõ ràng đã nhận ra anh, định nhắc lại chuyện ngày xưa, người đàn bà đã cảm thấy không thích hợp. Thì ra chồng chị đã bị chết trong một cuộc sập lò. Gia đình này chỉ còn lại mẹ goá con côi. Hà Lưu Viễn hận mối tình đầu lạnh lùng ấy, nhưng lại động lòng trắc ẩn đối với gia đình đáng thương này.

         

          Từ đó về sau Hà Lưu Viễn cực kỳ tốt đối với vợ. Khi vợ nhìn anh bằng ánh mắt hoài nghi, anh nói người ta yêu rồi mới cưới, còn mình cưới rồi mới yêu. Vài ngày sau, anh không thăm dò tình hình con trai. Anh ngại bóc vết sẹo của mình, cũng ngại bóc vết sẹo trong lòng con trai.

         

          Cuối cùng có một hôm, Hà Lưu Viễn vẫn không nhịn nổi, hỏi con trai việc dạm hỏi.

-         Khi tỏ tình, cô bé hỏi con thế nào? Tại sao không thành?



Con trai đáp:



- Cô ấy hỏi có phải anh kế thừa hầm lò của bố anh?



Hà Lưu Viễn hỏi dồn:



- Con trả lời thế nào?



- Đương nhiên không thể, bởi vì bố anh tuổi còn trẻ sức còn mạnh.



          Hơn hai mươi năm đã trôi qua, không ngờ hai bố con lại đứng trước kết cục như nhau, cuộc đời giống nhau đến kinh khủng. Cuộc sống đã thay đổi to lớn đến như vậy. Quan niệm tư tưởng của con người tại sao vẫn dừng lại ở trình độ của hơn hai mươi năm trước? Tuy vấn đề con trai phải chịu đựng và vấn đề chính mình phải chịu đựng có khác nhau về nhận thức. Nhưng bản chất của vấn đề thì giống nhau. Hà Lưu Viễn lại hỏi con trai:

-         Con có thích nó không?



Con trai đáp:

-         Thích!



Hà Lưu Viễn nói:

          -  Con gái lớn lên có xinh đẹp đến mấy đi chăng nữa, nếu cô ta lấy chiếm hữu được gì làm điểm xuất phát, thì vẫn không nên lấy loại đàn bà như vậy.



Con trai anh im lặng. Nhưng Hà Lưu Viễn đã nhận ra, cậu rất khổ tâm.



                                                                            Vũ Công Hoan dịch

                                                                    (Theo “Ao trời”số 9 năm 2008)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét