Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

THƠ TẶNG VỢ với lời bình





THƠ  TẶNG VỢ
HỒ DZẾNH
(1916 – 1991)

Mình vừa là chị, là em,
tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời.
Mai này, tới phút chia đôi,
Hai ta, ai sẽ là người tiễn nhau?!

Xót mình đã lắm thương đau,
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình.
Cuộc đời, đâu phải phù sinh!?
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!...
(1969)

·        ĐƯỜNG VĂN bình:

            CHAN CHỨA TÌNH NGHĨA, MÌNH ƠI!...

1.Trong kho tàng văn chương đông tây, kim cổ đã, đang và vẫn có hiện tượng toàn cầu này:  Thơ tình yêu lứa đôi, thơ tình tương tư trai gái thì bạt ngàn, hằng hà sa số...! So với loại thơ ấy, thi đề tình cảm vợ chồng, nhất là tình cảm của người chồng đối với người vợ, người bạn đời tấm mẳn, tào khang, thủy chung của mình, trong phạm vi đọc hạn hẹp của tôi, quả là thưa vắng hơn rất nhiều?! Ở nước ta, không kể ca dao dân ca, trong văn học viết Việt Nam từ trung đại tới nay, hình như chỉ còn đọng lại với thời gian khoảng dăm bài, có thể đếm trên đầu ngón tay: Câu đối khóc vợ - Nguyễn Khuyến, Thương vợ - Tế Xương, Khóc Bà Tú – Tú Mỡ, Em tắm (Cầm Vĩnh Ui – dân tộc Thái), Ngày Tết, mời vợ uống rượu – Nguyễn Duy... Thơ tặng vợ - Hồ Dzếnh.
Quả là mỗi bài mỗi vẻ! Ấy là sản phẩm sáng tạo tinh thần  của các chủ thể trữ tình khác nhau, được ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử và thế sự cũng như đời tư rất khác nhau. Đó là điều không lạ! Nhưng ở các bài thơ tình ấy, thảy đều thống nhất nơi cảm xúc chân thành, sâu sắc và cảm động của người chồng đối với nửa kia của mình, người đầu gối tay ấp thương yêu, quý trọng nhất của đời mình, từ mẫu của các con mình!...
Phải chăng, có thể coi đó cũng là một trong những nét đặc thù của tư tưởng chủ đề và bút pháp nghệ thuật nối dòng mạch thơ trữ tình Việt Nam, biểu hiện chân thật tính cách và tâm hồn người đàn ông phương Đông?! 

                                 Tác giả Đường Văn

 

2.  Vào những chiều thu vàng đầu tháng chín năm nay (2017), tôi muốn ghi lại một vài ấn tượng nổi bật và cảm luận chủ quan của mình nhân đọc kỹ lại bài THƠ TẶNG VỢ của cố nhà thơ Hồ Dzếnh, tác giả của những tuyệt phẩm Chiều, Rằm tháng giêng, Quê ngoạiChân trời cũ, những tác phẩm ưu tú từng vang bóng một thời ấy đã từ hơn nửa thế kỷ nay cứ lặng lẽ mà nổi tiếng, càng ngày càng găm sâu vào lòng người đọc Việt Nam bao thế hệ, với xiết bao mến yêu, thương cảm, tự hào!
Tôi cho rằng, khác hẳn với 5 bài thơ (và 1 đôi câu đối) xuất sắc vừa nêu: Thơ tặng vợ chỉ mang chở 1 giọng điệu trữ tình duy nhất chứ không đa thanh, đa giọng, đa sắc màu như các bài thơ về tình chồng vợ kia. Mà trong đó, nổi bật lên là sự hài hòa giữa trữ tình - tụng ca nghiêm túc và trào lộng hài hóm, cợt đùa, được thể hiện qua không ít từ ngữ, hình ảnh quen thuộc mà độc đáo. Từ: Bà Tam Nguyên Yên Đổ đi đâu vội mấy?...  đến bà Tú thành Nam lặn lội thân cò, nuôi đủ năm con với một chồng, qua tiếng khóc, lời nhắn, hẹn của Tú Mỡ tha thiết vợ mà như vẫn cười trong nước mắt: Bà nó ơi! đợi tôi sang bên đó, lại tôi với bà! Rồi: ngày tết, Nguyễn Duy mời vợ uống chén rượu mừng Tết, đón xuân mới, trịnh trọng: Mỗi năm, Tết có một lần/Mời vợ uống rượu, tay nâng ngang mày, với niềm tin năm mới: ngọt bùi thì nổi, đắng cay thì chìm! Và họ Cầm người tộc Thái nhất định hứa sẽ cắt đôi cái Bằng khen, mang tặng vợ một nửa! để nói lên tình yêu và lòng biết ơn cụ thể của mình...
Trong khi Thơ tình tặng vợ của thi sỹ gốc Hoa Kiều tuyệt nhiên không chen vào, dù thấp thoáng, cái giọng dí dỏm, đùa yêu đó, mà chỉ một mực thuần khiết, dịu dàng, chân chất, khiêm nhường, lại rất chi là nghiêm cẩn, rất thân mật, gần gụi, thực hiện đúng quan hệ phu phụ truyền thống phương Đông: dù đã sống bên nhau già nửa cuộc đời, cùng trải qua biết bao cay đắng, nổi chìm mà vẫn tương kính như tân, thật sự hết lòng quý trọng  nhau, kính yêu nhau, nhường nhịn nhau, giữ lễ với nhau... như khách, như đôi vợ chồng mới cưới.
Sự khác biệt về giọng điệu này có lẽ đã làm nên sự thú vị, hấp dẫn riêng của Thơ tặng vợ Hồ Dzếnh đó chăng? Cội nguồn sâu xa là nó được bắt nguồn từ tính cách, phong cách sống nghiêm túc, cẩn trọng, khiêm tốn nhất mực của nhà thơ chăng? Hay là từ dân tộc tính của dòng máu người Hoa hòa với dòng máu Việt – Kinh vốn từ xưa trọng nữ, trọng tình, đồng thời luôn có ý thức giữ lễ nghi nghiêm túc từ thời xửa xưa theo đạo Nho Khổng – Mạnh?

3.  Điều đáng chú ý thứ 2 là cách xưng hô. Nhà thơ không chọn cách xưng hô tình tứ, trẻ trung của các cặp vợ chồng trẻ tuổi (có những đôi giữ mãi đến già: anh – em). Cũng không  chọn cách xưng hô học theo lối Tây của các gia đình trí thức hay tầng lớp quan lại, quý tộc xưa (Phu nhân - Tướng công) hoặc buôn bán ở các thành thị thời Pháp thuộc: cậu  nó - mợ nó; Cũng không xưng hô theo kiểu các cặp vợ chồng nhà nông  ở nông thôn: Bố cu, mẹ đĩ, hoặc suồng sã của các cặp vợ chồng dân nghèo thành thị hoặc công nhân: ông xã, bà xã...
Hồ Dzếnh đã chọn cách xưng hô thật giản dị, mộc mạc, thân thiết, lịch sự, trong đó ẩn tàng bao nhiêu tình nghĩa chứa chan, nhưng cố giấu  kín hoặc nén ghìm: Mình – tôi (ta) Đại từ mình từng được sử dụng đặc biệt linh hoạt, đa nghĩa trong ca dao dân gian (Mình nhớ ta như cà nhớ muối /Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng); thơ Tố Hữu (Việt Bắc) sau này: Mình đi mình lại nhớ mình/Ta với mình, mình với ta... Trong toàn bài Thơ tặng vợ, từ mình (được lặp lại 4 lần) chỉ mang 1 nghĩa duy nhất: chỉ người vợ vô cùng yêu thương, gắn bó, trong khi người chồng tự xưng là tôi (1 lần) một cách có phần hơi xa cách, trung tính, nhưng chính là để tạo nên sự đăng đối, ngang vai, bình đẳng với từ mình. Trong tình cảnh cả hai đều đã trong, ngoài lục thập, bắt đầu bước vào tuổi già, con cháu đề huề... mà vẫn cứ xưng hô anh – em như hồi 18, đôi mươi thì không hiểu sao nó cứ ngường ngượng, không quen thế nào!... Đó là nét riêng đáng yêu thứ hai của bài thơ.

4.  Bài thơ gồm 4 cặp câu thơ lục bát liền mạch, nhưng mỗi cặp câu đảm nhận vai trò riêng trong quá trình nối kết cảm xúc, làm nên cấu trúc trữ tình của bài thơ. 
4.1. Cặp câu thứ nhất trả lời cho câu hỏi về vai trò của người vợ trong cảm quan của người chồng: 4 trong 1. Mỗi vai trò đều được định danh, chỉ ra bằng những từ ngữ, hình ảnh tương thích, đồng thời.
Câu thơ đầu: Mình vừa là chị, là em.
Câu thơ hơi tối nghĩa, bởi nó giấu đi một từ vừa trong kết cấu ngữ pháp chỉ quan hệ song hành, đồng thời: vừa là A, vừa B. Người Việt Nam đọc lên, thấy hơi gờn gợn vì sự nói tắt (rút gọn) ấy, bởi người viết buộc phải tuân thủ luật lệ và số tiếng/câu nghiêm ngặt của thể thơ lục bát (6/8); nhưng vẫn dễ dàng hiểu ngay dụng ý của nhà thơ. Nếu được phép viết lại câu thơ này, tôi sẽ viết:
                                   Vừa là chị, vừa là em!
có lẽ sẽ khắc phục được phần nào hạn chế trên chăng mà cách nói lại nhẹ nhõm, sáng rõ và hiện đại hơn?!
Câu tiếp theo cụ thể hơn trong miêu tả vai trò tổng hợp đặc biệt của người vợ bằng 2 hình ảnh ẩn dụ:
                  Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời.
Dưới con mắt, sâu hơn, trong quan niệm của người chồng, vai trò của người vợ vừa rộng lớn vừa thẳm sâu như vậy đó. Vợ là vợ, đồng thời là chị gái dịu hiền, bao dung, là em gái mến thương ruột thịt, là lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, và là trái tim phập phồng thương yêu đắm đuối của người bạn đời trăm năm chung thủy.
Thực ra, quan niệm này không mới, nhất là từ đầu thế kỷ 20 trở đi, khi các phong trào dân chủ, bình đẳng nam nữ ở nhiều nước được tôn trọng và đề cao. Thú vị là ở chỗ: nó được thể hiện  một cách hết sức giản dị, tự nhiên, hồn nhiên, khẳng định vững chắc như là sự tất nhiên phải thế, và đầy sức thuyết phục!

4.2. Cặp thứ hai nói lên nỗi băn khoăn canh cánh, đăm chiêu  lo lắng trước 1 quy luật khắc nghiệt của cuộc đời: phút chia đôi vĩnh viễn kẻ ở với người đi, bởi cái chết bất khả kháng. Tinh tế ở chỗ tác giả dùng từ chia đôi (chứ không phải chia phôi) trong trạng huống hiện thực – tâm lý, ở quan hệ ngữ pháp thơ này, không chỉ rất hợp vần chính mà còn rất chính xác về ngữ nghĩa. Đó là cuộc chia ly mãi mãi giữa hai vợ chồng, âm dương  sẽ ngàn trùng cách biệt. Ai mà biết trước được ai sẽ phải tiễn ai rời khỏi thế giới này?! Câu hỏi ấy, hiện tại hoàn toàn chưa có lời giải mà cả 2 người chỉ còn cách cứ để sự vật trôi theo dòng thời gian tự nhiên mà thôi! Nhưng sự hụt hẫng, bất lực và thắc thỏm của các cặp vợ chồng thực sự thương yêu, nặng tình với nhau, chính là xuất phát từ nỗi ám ảnh chia lìa hãi hùng, khủng khiếp đó.

4.3. Trong cặp thứ ba, câu lục là 1 câu tập Kiều rất ngọt:
                  Xót mình đã lắm thương đau!
(Xót người tựa cửa hôm  mai/, Xót ai góc bể chân trời) 
lời đánh giá rất cao, bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng của người chồng trước những thiệt thòi, hy sinh, thương đau mà người vợ phải gánh chịu suốt từ khi lấy chồng, về nhà chồng, hết lòng hết sức vì công việc nhà chồng như những ganh nợ đời trĩu nặng. Từ đó dẫn đến quyết định trọng đại mà hoàn toàn tự nguyện của người chồng, với tư thế của người chịu ơn và xin trả ơn:
                  Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình.
Để cầu mong mình sớm được thanh thanh thản, hạc giá tiên du nơi thế giới không màu. Gánh nặng cuộc đời trên cõi dương bụi bặm, nhiễu nhương này, chồng (tôi) xin gánh vác  nốt đỡ mình (vợ)!... Nghe trong lời thơ như có âm vang giọng điệu ngậm ngùi của những lời vĩnh biệt não nùng, non nỉ, thể hiện tấm chân tình đến tận đáy lòng của người chồng già đang thầm thì với bà vợ bất hạnh Trời bắt phải đi sớm, về trước, những lời gan ruột.

4.4. Cặp lục bát cuối cùng, bề ngoài tưởng chỉ là cách nói ngược một truyền ngôn, một quan niệm, vẫn lưu hành xưa nay bằng một câu hỏi phủ định: Sự thế nhược đại mộng (Đời là giấc mộng lớn. (Cổ thi); Cuộc phù sinh như hình bào ảnh/Cuộc đời có nghĩa gì đâu?/Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì! (Cung oán ngâm):              Cuộc đời đâu phải phù sinh?
Nhưng câu nối tiếp sẽ là lời giải thích nguyên cớ vì sao nhận xét như thế. Hóa ra đó chính là một quan niệm cốt lõi, bản chất làm nên ý nghĩa bất phù sinh, mà thực tiễn và chứa chan nghĩa tình, trong đó có tình sâu nghĩa nặng của tình vợ chồng, và cao rộng hơn nữa là tình nước non, tình quê hương đất nước.
Ở đây, rõ ràng suy nghĩ và tâm niệm đã mang xu hướng trừu tượng hóa, khái quát hóa của nhà thơ: Cái chung hòa với cái riêng. Trong cái chung có cái riêng. Trong mỗi cái riêng  đều thể hiện một phần nào đó của cái chung. Chung - riêng tương khắctương sinh trong quan hệ  biện chứng thống nhất, hài hòa. Quy luật về những mối quan hệ mang tính triết học khái quát thiêng liêng huyền ảo ấy, lạ kỳ thay, lại được nhắc nhở bằng tiếng gọi thiết tha, yêu thương nhỏ nhẹ như lời tâm tình thủ thỉ của cặp vợ chồng cao tuổi trong đêm sâu thanh vắng, tĩnh mịch, trong lặng lẽ, êm đềm, hạnh phúc: Mình ơi!...
                                                  ***
Tóm lại, theo ý tôi,  nét riêng đặc sắc và độc đáo của bài Thơ tặng vợ là ở giọng điệu, ngôn từ  xưng hô, là cảm xúc, tình cảm, thái độ, quan niệm ứng xử hết sức khiêm cung, chân thành, thương yêu, lòng biết ơn sâu nặng của người chồng đối người vợ - người chị - người em – người mẹ - người bạn đời chung thủy của mình, khi cả hai đã vào lớp anh chị cao tuổi, khi nghĩ về cuộc chia tay cuối cùng giữa hai người, lại càng muốn tha thiết tự nguyện hy sinh vì người ấy, người thiệt phận; vì nhau; lại càng ý thức rõ ràng hơn, mạnh mẽ và sâu lắng hơn, da diết, bồn chồn, khắc khoải hơn... ý nghĩa cao đẹp của tình nghĩa vợ chồng hòa trong chan chứa tình yêu và niềm tự hào bất tận với non nước quê hương.
Như thế, phải chăng Thơ tặng vợ, tự nó, từ bản chất  tư tưởng thẩm mỹ, đã vượt lên rất xa trên tầm mức và  ý nghĩa  xã hội cùng triết lý nhân sinh, từ một bài thơ tình về tình cảm riêng tư phổ biến trở thành một bản tình ca phổ quát, ngợi ca đạo đức và cuộc sống con người, đặng sống mãi với thời gian?!./.

·         PS – Chú giải bổ sung:  
Có một vài ý kiến cho rằng:  - Vợ là “4 trong 1” như ĐV phân giải vẫn chưa đủ! Nhất là trong giai đoạn chiến tranh - cách mạng: Vợ còn là người đồng chí, người bạn chiến đấu chung lý tưởng, người nữ chiến sỹ chung chiến hào! Như NTMK với LHP, CQ với ATR! ... chẳng hạn. Ý kiến khác lại dường như tếu táo: - Chẳng qua đây là bài thơ khéo nịnh vợ của những anh chồng giỏi đầu môi chót lưỡi mà thôi! ĐV nghĩ sao?
- Đó cũng là những cách hiểu riêng của mỗi người, mỗi cá thể đọc, trong mỗi thời điểm khác nhau. Tôi không có ý định tranh luận hay phản bác với bất kỳ ai! Riêng tôi, thú thật: dù xưa nay tuy rất yêu và chung thủy với vợ mình, và cũng từng viết được dăm bài thơ còm, nhạt, gầy, gắng thể hiện nỗi lòng thành thực, tình cảm vụng về của mình với bà ấy. Nhưng đọc tới bài “Thơ tặng vợ” của bác Hồ Dzếnh, thì thấy thơ tặng vợ của ĐV chỉ như “những bông hoa bằng vỏ bào mỏng tang, quăn queo, lồng phồng!” (Paotốpxki). Thơ thế, thà đừng viết nữa, còn hơn!

Trèm – Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội,
Mùa khai giảng năm học 2017 – 2018. 8/9/2017. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét