Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

NGẪU CẢM- BA KHÚC HAI KU VIỆT



               

NGẪU CẢM- BA KHÚC HAI KU VIỆT

                                                   Trần Trung
   Đã từ khá lâu, tôi tâm đắc đến mức ngưỡng mộ, một trong những phẩm chất-rất Nhật Bản, rất Á Đông...Đó là sức gợi, sức lan tỏa đa chiều của thơ Hai-Ku. Mà, có lẽ cũng chính vì đó, thơ Hai-Ku lại mở tiếp cho chiều hướng chuyển dịch và khả năng tiếp nhận về loại thơ kiệm lời này.
   Với bài “Ngẫu cảm-Ba khúc Hai-Ku Việt”, người viết những lời ngẫu hứng này, chỉ muốn đọc và “Chộp” ba khúc(bài) của ba tác giả. Mà, chẳng cần quan tâm tới “chức danh” hoặc tài giỏi này nọ. Thích thì ngẫu bình, cho vui, tìm vui!

  Khúc một:
            “Dưới bánh xe tăng
              những bông hoa dại
              nở trắng ban mai”
                          (Lưu Đức Trung).
   Mở ngay ra dòng thơ thứ nhất, Nhà thơ Hai ku Việt này đã  gợi ra những chiều, kích từ không gian, thời gian và sự thật đầy ám ảnh bởi chiến tranh (dẫu là đã qua đi!).Một hình ảnh nặng nề, nghiền nát là đây: “Dưới bánh xe tăng”. Ấy thế mà, từ Cái-Thực-Tại, thơ Lưu Đức Trung, bất ngờ và đột khởi khi những sự lạ, vượt lên hiện thực,bởi mắt nhìn. Thật tự nhiên.Thật bất ngờ. Từ hình ảnh hiện thực nền, như vút lên , vươn lên hình ảnh của sự sống. Bất diệt:
          “những bông hoa dại
            nở trắng ban mai”
  Thật thú vị, từ mấy chữ “hoa dại”, “trắng ban mai”...

                            Tác giả Trần Trung

 
   Thì ra sức mạnh của vũ khí, của sự đè bẹp từ “xe tăng”, bất ngờ lại phải “cúi đầu” trước vẻ “hoa dại”, trước sắc “nở trắng” của một ban mai “trắng”. Chữ “trắng” mà nhà thơ dùng ở đây, không chỉ dừng lại là tính từ chỉ màu sắc.Mà, đã nghiêng sang động từ-gợi tả và gợi cảm về sự bừng dậy, lan tỏa của một (và nhiều, và mãi mãi!) ban mai ngày mới-Ban mai  của niềm tin, hi vọng. Bởi, nguyên hình khối lộ ra trong mắt nhìn của “bánh xe tăng”, lại được chiếu từ điểm nhìn cụ thể và gần (dưới), là hai hình ảnh kế nối, chồng tiếp lên nhau, giúp tác giả nâng lên vẻ đẹp của tầm nhìn, của sự sống tự nhiên, mạnh mẽ ngỡ không gì cưỡng được, không thế lực và sức mạnh vật chất nào khuất phục nổi.
  Khúc hai:
   Một giọng khác, ấy là khúc Hai-Ku của Cao Ngọc Thắng-Tôi chủ quan mà “gọi” ra điệu hồn của thi sĩ họ Cao, nghiêng chao về Cái-Đẹp, Cái-Tình...Thoảng gió đưa hương mà ám ảnh lòng người:
              “Đóa hoa trắng muốt
                gương mặt đôi mươi
                mối tình đầu gió thoảng”.
  Hình như bản chất trong sáng tạo nghệ thuật chính là sự gặp gỡ của Cái-Chung, và liền đó-không thể thiếu là Cái-Riêng của từng nghệ sĩ. Khúc Haiku của Cao Ngọc thắng, là cách cảm về Vẻ-Đẹp thanh tân. Từ, sắc “trắng muốt” của hoa, mà đẩy tới gương mặt trẻ trung, tinh khiết đầy chất nữ tính. So sánh tương đồng đấy và mở ra trường liên tưởng cũng từ đấy. Thế nên, hình ảnh về hoa và về Người (thiếu nữ) vừa như tách bạch trong thế “độc lập”; lại vừa như nhập hòa, để mà tôn vinh Cái-Đẹp, cũng là Cái-Tình. Trên cái nền của thực tại với sự hiện hữu của thiên nhiên(hoa) và Người mang “gương mặt đôi mươi”, nhà thơ họ Cao vừa buông hạ câu thơ thứ ba mang sắc mầu Triết ngẫm trong hình ảnh của tình yêu: “Mối tình đầu gió thoảng”. Hình như từ chính cuộc đời: cái được cái mất, nhiều khi sóng đôi cùng nhau. Và, “mối tình đầu” cũng thế thôi-đẹp muốt như “đóa hoa trắng”, lại cũng dễ mong manh  vụt biến theo “gió thoảng”. Cao Ngọc Thắng muốn gửi tới Cái- Giá của ái tình  muôn thuở là đấy chăng !?
   Phải chăng chất kiệm lời và dư ba cảm suy của thơ haiku Nhật, được chuyển hóa sang Haiku Việt có sự gặp gỡ, “tương phùng”, cũng là từ đấy! Các thi sĩ Hai ku Việt (Hai jin) khi đặt bút viết trong cảm hứng đột khởi hoặc kết hợp tự nhiên với suy ngẫm, triết lí; hoặc nữa là sự hòa lại, tác hợp từ hai yếu tố cảm-thức.
  Khúc ba :
                 “Ngút ngát bằng lăng
                   Ngõ
                   Tím chiều”
                        (Đinh Nhật Hạnh)
   Với khúc Hai Ku này của tác giả Đinh Nhật Hạnh, tôi lại tìm đến sự ngẫu cảm từ dòng thơ, câu thơ thứ ba: “tím chiều”. Trong ấn tượng gắn với sở thích, tâm đắc của tôi-tôi coi trọng cái hay, sâu sắc của tứ thơ nói chung-thường kết đọng cảm xúc và ý tưởng ở những câu cuối bài(cũng có thể là khổ thơ kết hoặc câu thơ khép lại bài thơ...). Hai tiếng “tím chiều” trong khúc Hai ku của Đinh Nhật Hạnh, ngân nga dư vị của sắc mầu (tím) mà lại còn diễn tả, gợi tả sự dịch chuyển và tỏa lan từ không gian và cả thời gian (ngõ,chiều). Từ cảm nhận đó, nhà thơ giúp ta nhận biết vẻ đẹp của sắc tím “ngút ngát bằng lăng”; lại tiếp đánh thức vị trí, khoảng cách xa gần của không gian thật cụ thể-Ngõ. Mà, hình như không gian mang tính định vị này rất đỗi gần gũi với cuộc sống, với tâm lí của những người dân Đất-Việt,từ nông thôn thanh vắng cho  tới đô hội Thị thành. Đến đây, trong tôi chợt nảy ra sự liên tưởng, suy tư “Ý tại ngôn ngoại” gợi ra từ khúc Hai ku này: phải chăng với ba dòng thơ và rất kiệm lời này, tác giả vừa tâm tình về vẻ đẹp của hoa bằng lăng đang lan lan trong chiều tà nơi ngõ vắng...mà, hình như còn muốn trao gửi, nhắn nhủ cho ta biết gìn giữ vẻ đẹp bình dị, đáng yêu của “ngút ngát bằng lăng” đã và đang tỏa “tím chiều” nơi con “ngõ” bình dị, thân quen.
  Từ mấy lời bình-ngẫu cảm về ba khúc Hai ku Việt trên, tôi ngẫm thêm và muốn khái quát đôi điều-tất nhiên còn phải nghĩ tiếp, bàn tiếp:
  1/Trong sự sáng tạo Hai ku Việt, điều quan trọng với các Hai jin là cần quan tâm, phải quan tâm tới vẻ đẹp thuộc về giá trị định hình của thơ Hai ku (Nhật) từ ngôn từ, câu chữ cho tới đề tài, cảm hứng... Bởi, những yếu tố đó đã hình thành và phát triển mang Chất-Cổ-Điển của thơ Nhật Bản, từ xa xưa cho tới nay.Đồng thời, trên cái nền Tinh thần-Gốc đó, các nhà thơ Việt, đến với sáng tạo Hai ku Việt,phải chăng là đi tìm sự hòa hợp tự nhiên giữa điệu cảm, điệu hồn của hai dân tộc Nhật-Việt. Để rồi, từ sự gặp gỡ, hợp hòa đó mà tách ra và khẳng định được nét riêng mang điệu hồn dân Việt. Điệu hồn riêng ấy đã định hình theo thời gian và mang vẻ đẹp truyền thống từ trong hồn cốt: coi trọng  sự mộc mạc, giản dị mà tinh tế, sâu sắc; chuộng ưa Cái-Đẹp thanh sơ, hồn hậu từ thiên nhiên tới lòng người; Thấm thía và coi trọng Cái-Nghĩa, Cái-Tình...
  2/Giá trị đích thực của sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng chính là ở cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Nói điều đó, là tôi muốn khẳng định (dẫu là ngẫu cảm) cái được,cái riêng từ ba khúc Hai ku của ba tác giả Lưu Đức Trung, Cao Thắng và Đinh Nhật Hạnh. Tất nhiên, từ cái riêng mang màu sắc cá tính đó mà nâng lên, mà định hình thành phong cách-nghệ thuật mang “Nét mặt thơ văn” của người nghệ sĩ (chữ dùng của Chế Lan Viên) còn đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các Hai jin.
  Những lời ngẫu cảm trên của tôi, mong muốn tìm được tri âm, tri kỉ. Và, cả những lời phán xét mang tính giáo đạo của các thi nhân, các phê bình gia-những người hiểu biết và tâm đắc với thơ Hai ku.

                                                    HÀ NỘI-Tháng 9/2017.
 

1 nhận xét:

  1. Trộm nghĩ bài hai cu của bác Lưu Đức Trung. Hình như nhà thơ không quan sát xe tăng, hoặc tôi mơ hồ về loại xe tăng bánh hơi, bánh sắt? Xe tăng là loại xe chạy bằng bánh xích. Xích sắt của nói bám xuống mặt đất. Xe tăng nghiến các vật là nghiến bằng xích sắt đó. Nên chăng cần viết "DƯỚI XÍCH XE TĂNG"?

    Trả lờiXóa