Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

TRẢ LẠI TIỀN THỪA




TRẢ LẠI TIỀN THỪA

                                                                          Doãn Toàn Sinh
                                                                         Vũ Công Hoan dịch

Ông chủ mỏ lái chiếc xe ngựa quí mới thay bóng lộn của mình đi hóng mát trên đường quốc lộ, đến gần thị trấn huyện thì bị chặn lại trước ba ri e của một trạm thu phí khai trương ngày đầu tiên. Cô gái có khuôn mặt non choẹt thò đầu ra khỏi cửa sổ thu phí yêu cầu ông nộp mười đồng tiền lộ phí.
Ông chủ mỏ là một nhà tỉ phú, giầu nhất huyện này, mười đồng đối với ông không là cái gì hết. Nhưng trước kia khi xe con của ông đi qua các trạm thu phí khác trong huyện đều được miễn thu phí. Đặt ba ri e  thu lệ phí trên đường quốc lộ thường bị người ta mắng nhiếc, bòn rút của dân, nuôi béo nhà quan, nhưng ông lại rất có cảm tình đối với việc này: Trong khi các xe khác bị chặn lại thu phí, thì xe của mình cứ việc ung dung đi qua, ông cảm thấy tự hào khó tả. Còn hôm nay xe của ông cũng bị chặn lại, cho nên ông không muốn bỏ ra mười đồng.
Cô không biết ta là ai, thì cũng nên nhận ra xe của ta chứ?
Từ nông thôn xa xôi, cô gái mới được tuyển vào, lần đầu tiên đi làm không biết ông là ai, cũng không nhận ra xe của ông, chỉ biết nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm chỉnh qui chế của trạm và chỉ thị của cấp trên:
Lãnh đạo của chúng cháu nói, chỉ trừ xe con của lãnh đạo huyện...
Thực tình ông không coi trọng mười đồng bạc nhỏ nhoi, ông vốn đã móc túi lấy tiền, nhưng nghe cô gái nói thế, ông lại bỏ tiền vào.
Lãnh đạo huyện không trả tiền, tại sao bắt ta phải trả?
Đây là quy định của trạm thu phí, thưa ông!
Quy định ư? -  Mép ông nhếch sang một bên khinh miệt-  Cô nên biết toàn bộ số người ăn lương nhà nước của huyện này, mỗi năm có đến sáu tháng do ta nuôi sống họ!

Tiền thuế ông giao nộp cho nhà nước hầu như chiếm một nửa số tiền thuế của huyện nghèo rớt mồng tơi cấp nhà nước này. Do đó ông có tư cách tỏ ra vênh váo nói như vậy.
Cô gái nghe không hiểu, vẫn cố tình không cho qua, lại còn đem văn bản đóng dấu đỏ chót ra giải thích. Ông chủ mỏ chả thèm nghe, rút ra tờ một trăm đồng đưa cho cô, bình thản nói:
Trả lại tiền thừa.
Trả lại tiền thừa là chuyện đương nhiên, cô gái hiểu. Sau khi trả lại tiền thừa, sự việc coi  như đã chấm dứt. Nhưng ông chủ mỏ cứ ấm ức trong lòng. Hơn hai mươi năm trước, ông vẫn còn là thứ cặn bã xã hội sống qua ngày bằng cách ăn cắp chó bắt trộm gà, thuận theo" khí hậu", với thủ đoạn hãm hại lừa gạt, đầu tiên ông ta thực hiện "tích luỹ nguyên thuỷ", hình thành một trung tâm tư bản, sau đó bắt đầu " bùng nổ hạt nhân " tư bản, mở ra cho mình một con đường vàng được cả danh lẫn lợi. Bây giờ ông chủ mỏ đã không chỉ là một "Tài chủ địa phương"giầu nứt đố đổ vách, mà còn là tổng giám đốc xí nghiệp  lớn nhất huyện, trên đầu đội toàn những chiếc "mũ đỏ" đếm không xuể, như "uỷ viên", " đại diện", " ban chấp hành ..., hay nói một cách khác đã trở thành một nhân vật  mà ngay đến ông chủ tịch huyện nhìn thấy cũng phải vồn vã chào hỏi là người  anh em. Do đó, ông chủ mỏ cho rằng qua trạm có thu phí hay không hoàn toàn không phảỉ chuyện tiền nong, mà là vấn đề thân phận, vấn đề địa vị xã hội, con người thuộc tầng lớp nào của xã hội. Chặn đường thu phí là sự khinh bỉ và coi thường đối với địa vị của mình, là một thứ nhục mạ và bức hại tinh thần
Nếu lúc đó ông gọi điện thoại cho chủ tịch huyện, trạm thu phí sẽ miễn phí cho xe qua ngay, không có chuyện gì. Nhưng ông chủ mỏ không làm như thế. Đối với ông, há mồm xin xỏ người khác đã trở thành lịch sử từ lâu. Kẻ cầu xin và người được cầu xin đã thay đổi vị trí từ bao giờ bao giờ. Ông phải dùng một phương thức khác, chứng tỏ tài năng quát gió gọi mưa và bản lĩnh nghiêng sông dốc biển của mình, nhằm ra oai và củng cố địa vị xã hội của mình, để bù lại “sự tổn thất tinh thần”.
Ông chủ mỏ lái một vòng hóng gió rồi lại trở về trạm thu phí, liếc mắt hỏi:
Còn thu tiền nữa không?
Cô gái vẫn tươi cười đáp:
Cám ơn sự hợp tác của ông, vẫn là mười đồng, thưa ông!
Ông chủ mỏ lại móc ra tờ một trăm đồng đưa trả, vẫn bình thản nói:
Trả lại tiền.
Nhận xong tiền thừa, ông chủ mỏ lái chiếc xe ngựa quí ra khỏi trạm thu phí, dùng máy điện thoại di động gọi cho chánh văn phòng mỏ:
Ra lệnh cho tất cả các loại xe ngừng vận chuyển bình thường, lái đến trạm thu phí đường quốc lộ, cứ mười phút đi về một lần, qua lại như con thoi.
Tiền chi qua trạm do các lái xe lên phòng tài vụ mỏ tạm ứng, sau về thanh toán một thể. Ông đặc biệt nhấn mạnh:
Tiền tạm ứng qua trạm thu phí dứt khoát đều phải là loại tiền có mệnh giá một trăm đồng!
Trong chốc lát, gần một trăm xe con xe tải của mỏ đã ầm ầm kéo đến qua trạm thu phí như mắc cửi. Lái xe nào cũng đưa tiền to một trăm đồng bắt trả lại. Trạm thu phí lập tức bị dồn vào thế không có tiền lẻ.
Không có tiền lẻ trả lại, xe buộc phải ùn tắc tại chỗ, nhoáng một cái tắc đường những mười mấy ki lô mét.
Thế là một tuyến đường quốc lộ bằng phẳng thênh thang bị tê liệt, một huyết quản của nước Cộng hoà đã bị “tắc động mạch”.
Cách trạm thu phí không xa có một ao cá, ông chủ mỏ và một lũ nhân viên dưới quyền hiện đang ngồi câu cá, cười nói rôm rả....
Sau chuyện này, ông chủ tịch huyện đã thân chinh đến tận nơi xin lỗi chủ mỏ và trả lại toàn bộ số tiền đã thu của ông chủ mỏ và cánh lái xe chi trả ngày hôm đó. Ông chủ tịch huyện vừa cười vừa nói đùa:
Tôi chẳng đào đâu ra tiền lẻ để trả lại người anh em!
Cô gái của Trạm thu phí bị thanh lý hợp đồng trở về nhà quê làm ruộng.Từ đó trở đi, chiếc xe ngựa quí của ông chủ mỏ cứ việc ung dung phóng như bay trên đường quốc lộ, không hề bị ách tắc.

                                                           Vũ Công Hoan dịch

                                ( Theo “ Vi hình tiểu thuyết tuyển san” số 12 năm 2007)




3 nhận xét:

  1. He he he...Các tư tưởng lớn gặp nhau!
    Vụ trả tiền lẻ ở Cai Lậy hay quốc lộ 5. các bác tài cũng giống y chang ông chủ mỏ bên Tàu Có điều, hai chuyện cách nhau đúng 10 năm.

    Trả lờiXóa
  2. Ồ ồ, cụ Hoan vẫn khỏe chứ bác Nho? cụ vẫn dịch đều tay phết bác nhể

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ấy khá hơn sau đợt ốm.
      Bây giờ ngưng mọi chuyện vi tính và dịch dọt!
      Những truyện này là bác ấy gửi tôi, làm "kho" đăng dần!

      Xóa