Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Bài thơ VỚI...VU VƠ và lời bình của Vũ Nho





VỚI…VU VƠ
            Quốc Anh
Chân trần khỏa nước mạn thuyền
Miệng cười rơi cặp đồng tiền xuống sông
Tôi mò đằm tận đáy dòng
Nước thì có nước, tiền không có tiền
Rủi tôi về chốn cửu tuyền
Xin em đốt vía đồng tiền được không!
Lời bình của Vũ Nho
Sáu câu ba cặp lục bát này mà có cả một câu chuyện của hai người, với mở truyện, cao trào và kết thúc. Thật kiệm lời nên dồn nén. Và chính vì thế nên thú vị.
Nhân vật nữ không hề được tả chi tiết, chỉ có chân trần và miệng cười có lúm đồng tiền. Đôi chân trần khỏa nước mạn thuyền  thật  hồn nhiên nên gợi cảm.  Có sự tươi mát của làn da hòa hợp sự mát trong của  dòng nước. Miệng cười có lúm đồng tiền là một nét chứng tỏ rằng người đẹp có  nụ cười tươi trên khuôn mặt  đẹp. Cặp đồng tiền ở trên má làm sao mà có thể lại rơi xuống sông được? Có lẽ là  nhìn cái bóng in xuống  mặt nước sông mà chàng thi sĩ đa tình tưởng tượng ra chăng? Có thể. Nhưng mà cô nàng đang khỏa nước bằng chân trần thì mặt nước xao động, có phải mặt nước bằng phẳng đâu mà đồng tiền “in bóng”. Nói đồng tiền rơi xuống sông là nói để có cớ thể hiện sự nhiệt tâm.  Đồng tiền vừa thực lại cũng vừa ảo. Có ai nhờ mượn tìm kiếm đâu? Ấy thế mà chàng thi sĩ đa tình xung phong làm cái việc tựa như “đáy bể mò kim” ấy là tìm đồng tiền ở đáy sông cho người đẹp. Trường hợp này làm  chúng ta nhớ đến việc tìm lá diêu bông trong bài thơ của Hoàng Cầm, hay xa hơn nữa là chàng hiệp sĩ si tình trong bài thơ của M. Lecmontov. Nhưng chỉ là gợi nhớ thế thôi. Chàng trai trong bài thơ Lá diêu bông luôn luôn tìm thấy lá đem cho chị. Còn thi nhân ở đây cố gắng hết mực nhưng không đạt kết quả gì:
          Tôi mò đằm tận đáy dòng
          Nước thì có nước, tiền không có tiền
Chắc là phải lặn, phải công phu  xuống tận đáy dòng tìm kiếm. Chắc chắn là mất nhiều công sức lắm.

                           Vũ Nho chủ trang


Cái chuyện mò tìm  ấy chẳng rõ là thực hay hư, liệu người đẹp có biết cho hay vẫn vô tình, vô tư không biết đến?
Nhưng đây là cái cớ để anh chàng kể công và  nêu lên nguyện vọng:
          Rủi tôi về chốn cửu tuyền
          Xin em đốt vía đồng tiền được không!
Giả định vậy thôi. Nếu chẳng may  thì thế nào? Liệu người chủ của nụ cười có cặp đồng tiền có rộng lòng, “đốt vía đồng tiền” cho người thầm say mê mình hay không? Nếu không được đốt vía thì sao?  Chắc chắn hình bóng đồng tiền “mang xuống tuyền đài không tan!” Ước chết để biết được tình cảm của đối tượng không phải là mới mẻ cả trong thơ ta lẫn thơ Tây.  Vì thế mà người viết này chỉ “giả định rủi ro” khi lặn ngụp nơi sông nước. Ở đây có lẽ sợ chủ nhân của má lúm đồng tiền không rõ tình cảm của mình cho nên người viết xưng “tôi” mà lại  vội gọi “xin em”. Cứ như người bình thì có lẽ nên xưng hô “xin người” vừa khách quan mà vừa chừng mực! Bởi vì đây cũng chỉ mới là “vu vơ”, chỉ là sự  si tình,  xúc cảm bột phát, tức thời  một phía mà thôi. Muốn đến được với nhau, họ còn phải đi một chặng đường dài với bao trắc trở hay thuận lợi nữa ai mà biết trước?  
Bài thơ cứ  từa tựa như là một bài ca dao với các tình tiết thực hư. Nhưng  như thế  cũng đủ, cũng đáng ghi nhận sự  chân tình  của một tấm lòng, một trái tim!
                                              Hà Nội, 28 tháng 6 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét