Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

CỨ THÊNH THANG SỐNG CỨ BỒI HỒI THƠ





CỨ THÊNH THANG SỐNG CỨ BỒI HỒI THƠ

Đọc Phía sau tưởng tượng của Mã Giang Lân, nxb Văn Học, 2017

                               Vũ Nho

Quen với tên Mã Giang Lân từ lâu khi anh được giải thưởng thơ của báo Văn Nghệ 1969, biết GS TS Lê Văn Lân muộn hơn trong mấy cuộc chấm luận án, nhưng tôi  biết rất ít về cuộc sống riêng của  nhà khoa học kiêm nhà thơ này. Tôi cũng đọc khá kĩ những trang nhà thơ Vũ Từ Trang viết về anh. Song cũng chẳng có được nhiều thông tin ngoài chuyện nghèo và chuyện anh hài hước, say sưa, cần mẫn. Thành thử tôi không dám chắc cái vế “cứ thênh thang sống”. Nhưng vế thứ hai “cứ bồi hồi thơ” thì rõ rồi. Ở cái tuổi vượt ngưỡng “cổ lai hi” mà anh vẫn cho in tập Phía sau tưởng tượng, tập thơ thứ 7 trong mảng sáng tác là một minh chứng cho điều này.

          Người ta hay có thói quen nửa đời nhìn lại. Một thói quen tốt để nhận ra những được-mất, đúng-sai, thành-bại để đi tiếp nửa thời gian còn lại. Nhưng một nhà khoa học, một nhà thơ thì sao? Khi đã gần sát ngưỡng bát thập thì có cần nhìn lại để đi tiếp, sống tiếp? Muốn hiểu điều này chỉ có cách là xem tập thơ “Phía sau tưởng tượng” có những gì. Tôi đã hăm hở, tò mò khám phá phía sau những bài thơ của tác giả. Là nhà nghiên cứu thơ, lại là người thực hành – nhà thơ, Mã Giang Lân biết rõ “Thơ ẩn chứa những điều hơn những gì ta biết” ( Núi). Nhưng tôi, với sự hình dung và tưởng tượng  hữu hạn của mình, may lắm tôi chỉ có thể biết được đôi điều ít ỏi trong thơ, có lẽ còn ít hơn những gì tôi biết về anh cả trong sách lẫn ở ngoài đời.

          Trong tập thơ này tôi thấy được những gì?

Một con người luôn luôn nhớ quê hương, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vì mưu sinh, vì   nhiều lí do mà phải xa quê. Không biết bao lần trở lại. Mà mỗi khi trở lại quê xưa lại ngậm ngùi.

          Hơn ba mươi năm mấy lần quê cũ

          nhận không ra

                             ( Anh em)

         Sáu mươi năm về không nhận ra bến xưa

                             ( Sẩy chân một lần)

Không còn vật cũ, cảnh cũ. Mọi thứ đổi thay ( Tôi về chẳng thấy ao bèo/lơ thơ vài luống cải èo uột lên – Quê nhà;  Quê hương không còn bóng đa/không mảnh ao bèo chim choi choi bay nhảy/ Tổ tiên cũng phải dời xa – Nghĩa địa làng).  Chẳng những “thôn ổ họ hàng cũng đã khác xưa-  Đỉnh núi) mà cả phần mộ tổ tiên cũng  phải dời vào nghĩa trang thành phố. Bởi thế mà nhà thơ cảm thấy như mình có lỗi với quê hương, với tổ tiên:

          Dập đầu cúi lạy tổ tiên

         miếng cơm manh áo phải triền miên đi

                                          ( Quê nhà)

Cảm giác của riêng anh, nhưng cũng là cảm giác của bao người Việt, những “kiếp người nổi nênh con nước” (Sông) trôi giạt  trong cuộc sống những năm chiến tranh, khi về thăm quê cũ:

          Quê nhà mà quá xa xôi

          giữa bao thân mến mà côi cút người

          vẫn nhà ngõ vẫn là tôi 

          bơ vơ mới thấm thía trôi nổi này

                                   ( Quê nhà)

                               Nhà thơ GS TS Mã Giang Lân



Vâng! Bơ vơ, côi cút, mình thành khách lạ ngay giữa nhà mình. Những ai biền biệt xa quê hẳn là  thấm thía và cảm thông cùng người viết.

          Cảm giác bơ vơ, côi cút  chẳng những vì bạn bè ngày thêm vắng ( trước sau chẳng thấy một ai/ thâm giao bè bạn cũng vài ba thôi - Ngẫu hứng đầu năm). Mặt khác bạn bè lại  già yếu ( mắt đã nhập nhòe/ nói một đằng nghe một khác -  Ngày đông chí), lại tản mát mỗi người một nẻo. Nên khi viếng bạn nghĩa tử là nghĩa tận,  cũng chả có được mấy người ( bạn bè tản mát khắp nơi/ đến viếng chỉ được ba người- Ngày đông chí). Cảm giác cô đơn, đơn độc, lẻ loi thường thấy ở con người đã gần bát thập.

         Bây giờ còn lại một tôi

         một thương một xót một bồi hồi xa

                             (Ngẫu hứng đầu năm)

          Cứ đam mê cứ say sưa

          tôi soi gương vỡ thầy thừa thãi tôi

                                  (Xuân)

          Mới chiều cô đơn ập vào bủn rủn cả chân tay

bốn bề lặng ngắt

phía nào cũng trống hơ trống hoác

                              ( Cô đơn)

Ở cái tuổi chỉ tính tháng ( như thường lệ bảy mươi tính năm, tám mươi tính tháng- Gió lên rồi), con người “đăm đắm” với thời gian là điều bình thường. Nhà thơ cũng vậy:

          Bây giờ đăm đắm một điều

          còn bao thu nữa còn nhiều nhặn không

                                (Thu)

Nhưng không chỉ có thế. Người viết còn đau đáu với cuộc sống của “những cuộc đời lầm lụi” ( Sẩy chân một lần) lặng lẽ, những kiếp người, “những cuộc đời/ tháng ngày trôi lặng lặng” ( Gió lên rồi). Và  chỉ có một bài thơ nói về nỗi buồn ( Buồn như không cửa không nhà/ không thân thích cũng không hòa hợp ai/ buồn như một tiếng thở dài - Buồn) nhưng đó là nỗi buồn “dai dẳng” ẩn sau những câu chữ, sau những tưởng tượng. Một trong lí do sâu xa của nỗi buồn ấy phải chăng là  bởi tại “ Bây giờ”? 

Bây giờ mấy ai còn cặm cụi với lương tâm

mấy ai còn học thật làm thật nói thật

( Chắc là nhà thơ nói quá lên cho ấn tượng!)

  Bây giờ nhiều đổi khác, lòng người bất an. Một nỗi sợ làm con người rụt rè “nem nép lối đi/ sợ qua đường/ sợ xe điên người vô cảm – Ra phố). Bây giờ có những con đường lập thân, chạy chức nhiều chiêu trò  kì quặc lạ lùng:

Con đường lập thân

giở trò quấy càn che dốt nát 

mượn vẻ âm u thay uyên bác

chẳng cần tu thân

Con đường chạy chức

chạy như cháy nhà

chỗ nào cũng húc

miễn có nơi vinh thân phì gia

                (Đường phố)

Bây giờ có những kẻ hãnh tiến, mới có tí chức con con đã mặt dày, vênh váo:

           Chẳng cần X quang cắt lớp

           tôi thấy cái mặt dày thêm một phân

           lệch nghiêng chín mươi độ

           mà mới là viện, vụ.

                    ( Gặp hàng ngày)

Bây giờ hố sâu ngăn cách giàu nghèo quá lớn:

          Người không chỗ đặt lưng

bao căn nhà đắp chiếu

Lục lạc vàng kết nối những miền quê

vừa xem vừa lau nước mắt 

tắt màn hình

lòng ngổn ngang bão rớt

           ( Cô đơn)

Những điều trông thấy, nghe thấy đã làm cho người viết “lòng ngổn ngang bão rớt” và thậm chí thấy văn chương là vô tích sự, là thứ bỏ đi (!):

          tham nhũng buôn người cướp giật

nhởn nhơ

văn chương gì cũng vứt

cứ gì thơ

          (Cuối trời gửi Trang)

 Nhà thơ thường  giàu cảm xúc và cường độ xúc động mạnh mẽ khác thường. Buồn, giận, nhưng không bi quan, không chán nản. Trong sâu thẳm, anh vẫn tin:

Tinh mơ ngọn gió tươi quét dọn mặt đất

lau sạch bầu trời

kì vọng một ngày thanh thản hơn

                             ( Bây giờ)

 Và có niềm tin ấy mới có thể “thênh thang sống”. Bên anh còn có những bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; còn em dù cách xa “Em giờ ở tận cuối trời” còn có những “cơn mưa giải nhiệt”, còn thiên nhiên tươi tắn, trong trẻo “cỏ xanh ngăn ngắt cứ bời bời non” ( Ngẫu hứng đầu năm); “ Nắng rót mùa hè/ hoa xà cừ li ti trắng/ thơm nhẹ nhàng/ quên cả tiếng ve” (Nắng). Và những cơn mưa đêm như quà tặng của đất trời “Tiếng mưa đêm thơm nhẹ thanh tao” ( Mưa đêm).

Mã Giang Lân là nhà thơ, nhà nghiên cứu, bình thơ, vì vậy anh tự biên tập thơ  của mình trước khi gửi nhà xuất bản. Những bài thơ của anh được viết kĩ lưỡng. Tôi chỉ muốn nói đến những bài thơ lục bát khá lạ, khá riêng của anh trong tập này, Thông thường, lục bát thì  từ cuối của câu lục vần với từ thứ 6 của câu bát. Nhưng với Mã Giang Lân, không biết có phải là sự cố ý, hay là một “kiểu” nghĩ, chi phối kiểu gieo vần.  Chữ thứ 6 và thứ 7 của câu bát mới làm thành một từ. Và vì thế mà  chỉ có một nửa từ vần với từ cuối của câu lục. Phần lớn các cặp lục bát của 14 bài lục bát trong tập đều được gieo vần như vậy.

Cũng là một chốn nương thân/ ngày chưa cạn chi mới ngân ngấn chiều

                              ( Quê nhà)

Lên cao với nằng bời bời/với lam lũ gió với vời vợi xa ( Lên cao)

Bây giờ còn lại một tôi/một thương một xót một bồi hồi xa

                             ( Ngẫu hứng đầu xuân)

Anh về nằm với cỏ cây/ ngày đầu năm lạnh  mưa lây rây phùn

                             ( Khấn anh nước mắt khôn cầm)

Thời gian không định dừng chân/ hè lai rai nắng thu tân ngần đi ( Bất chợt)

Một  loại lục bát bắt vần kiểu Mã Giang Lân. Đọc thấy thú vị. Phải chăng đây cũng là một cách làm mới lục bát vốn quá quen?

Nhà thơ Vũ Từ Trang trong chân dung văn học viết về Mã Giang Lân băn khoăn “mất một nhà thơ hay được một nhà nghiên cứu”.  Công việc làm thơ và công việc nghiên cứu có vẻ  khó hòa hợp? Cuối cùng Vũ Từ Trang kết luận sự  trăn trở trở đã “đẩy anh (Mã Giang Lân) lên một một nấc thang mới : Phải phấn đấu hết mình cho cả hai công việc” ( Nhà văn độc hành độc bộ, nxb Phụ Nữ, 2013, tr.310). Vì thế chúng ta có nhà nghiên cứu GS.TS Lê Văn Lân  với nhiều công trình về thơ và nhà thơ Mã Giang Lân với 7 tập thơ. Có lẽ  ở Việt Nam, chỉ có GS Hà Minh Đức và GS TS Lê Văn Lân có được thành tựu cả trong hai lĩnh vực.

                                 Hà Nội, 10 tháng 9 năm 2017

Bài in trên Văn Nghệ Công An tháng 11/2017. Đây là bản gốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét