Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Vũ Nho trả lời phỏng vấn Báo Giáo Dục & Thời Đại



Vũ Nho trả lời phỏng vấn Báo Giáo Dục & Thời Đại
Nhà văn Chu Thị Thơm gửi câu hỏi, VN trả lời. Báo biên tập và cắt bớt. Đây là bản gốc.


VĂN CHƯƠNG VÀ GIÁO DỤC MỐI LƯƠNG DUYÊN ĐẶC BIỆT

Nhà văn-nhà giáo của chúng ta hiện nay đang quan tâm tới vấn đề gì nhất của xã hội, cuộc sống? Có những điều gì ký thác qua các tác phẩm văn chương? 

Vũ Nho: Thật ra khó mà gộp chung trả lời cho các nhà văn xuất thân từ nhà giáo. Mỗi người nói như nhà thơ Nga E.Evtusenko  là “một vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ”. Vậy thì chắc chắn sẽ có những mối quan tâm  riêng tư khác nhau. Ví dụ, người thì quan tâm đến mua nhà, người quan tâm đến sức khỏe,  người quan tâm đến chuyện nghỉ hưu, người quan tâm đến đổi xe, người trẻ quan tâm đến lập gia đình, người già quan tâm đến con cháu,… Vấn đề của xã hội thì cũng không thể “quan tâm nhất” giống nhau. Người quan tâm đến vấn đề môi trường, người quan tâm đến chống tham nhũng, người quan tâm đến chương trình giáo dục tổng thể mới mà Bộ  GD vừa đưa ra, người khác lại quan tâm đến thực phẩm sạch, đến vấn đề xuống cấp của đạo đức,  đến các đại án thất thoát hàng ngàn tỉ, đến sự “lạm thu” của một số nhà trường…

          Nhưng có lẽ, ai cũng có mối quan tâm đến việc chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, bảo vệ toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ. Với nhà giáo thì tất nhiên là quan tâm đến chương trình giáo dục, đến nhà trường.

          Nhà văn kí thác trong tác phẩm văn chương thì cũng mỗi người mỗi vẻ. Nhưng điều quan tâm, gửi gắm là làm sao cho xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Làm sao để dân giàu, nước mạnh. Làm sao để nước ta có thể “sánh vai với các cường quốc” trong tương lại gần.

Các nhà văn nói chung , các nhà văn GD nói riêng, có suy nghĩ gì về bức tranh đa chiều với các mảng màu sáng, tối của xã hội? Họ có thuận lợi, khó khăn gì khi sáng tạo văn học nghệ thuật không?

Vũ Nho: Nói chung, cuộc sống không phải chỉ toàn màu hồng hay toàn màu đen. Bao giờ cuộc sống cũng có những cái đẹp và cạnh nó là cái xấu. Chỉ có điều, trong một xã hội tiến bộ, tốt đẹp thì cái tốt, cái đẹp, cái tích cực  nhiều hơn so với cái xấu, cái không đẹp, cái tiêu cực. Khi mà cái tốt nhiều thì việc ca ngợi, khẳng định nó là điều hiển nhiên. Nhưng khi cái xấu, cái tiêu cực nhiều mà không phê phán, lên án đã là sai. Nếu lại  dửng dưng bỏ qua, hoặc tệ hơn nữa lại vô tình cổ vũ thì thật là vô cùng tệ hại.




          Nhà văn vốn là người nhạy cảm. Với sự sáng tối đan cài, thực hư lẫn lộn, nhà văn phải có  tâm, có tầm, có dũng khí để bóc trần sự giả nhân giả nghĩa, sự “mượn màu đạo đức” đánh lừa nhân dân. Việc nói lên mặt trái của cơ chế thị trường, việc phê phán lên án những phần tử cơ hội, mưu cầu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân,…là rất cần thiết. Nhưng vấn đề không hề đơn giản. Ranh giới giữa phê phán xây dựng và đả kích, phủ định, nhìn xã hội đen tối nhiều khi không rõ ràng. Có một số cuốn sách bị dừng phát hành để xem xét gần đây minh chứng cho điều này. Nhà văn hoàn toàn vì chân thiện mĩ mà viết ra đầy tâm huyết. Nhưng người đọc có nhận ra điều đó không. Rồi những nhà quản lí văn học nghệ thuật có nhận ra “lòng son” của nhà văn hay không? Đó là điều nổi cộm hiện nay. Thuận lợi là đời sống có vô vàn những chuyện để viết, những điều để nói. Nhưng khó khăn là nhà văn có dám nói không? Nói có được mọi người hưởng ứng không? Tâm huyết vài ba năm mới viết được một cuốn tiểu thuyết, lại phải tự bỏ tiền ra xuất bản. Làm thế nào để sách đến tay bạn đọc? Làm thế nào để phê phán mạnh mẽ cái xấu mà không bị…”thổi còi”? Đó là những điều mà các nhà văn nói chung, các nhà văn gốc gác giáo dục nói riêng phải đối mặt.

Thoát khỏi lối mòn cũ, dấn thân, đổi mới, khẳng định mình,  nhà văn cần bản lĩnh như thế nào?

Vũ Nho:  Bản thân sáng tạo văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi sự tìm tòi, đổi mới. Câu thơ cổ mà cụ Phan Bội Châu rất thích là “ Nhật nhật tân, hựu nhật tân” ( ngày ngày mới, ngày sau lại mới). Đổi mới cách viết, cách phản ánh là một nhu cầu của xã hội nhưng đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của mỗi người viết. Mỗi thời đại có bạn đọc riêng của nó. Thời chưa có nhà xuất bản, chưa có phương tiện in ấn, sáng tác “viết vào giấy dán ngay lên cột” ( Tú Xương)  người đọc khác với thời của chúng ta, thời in te nét, điện thoại thông minh, mạng xã hội phổ biến.  Rất cần dấn thân, đổi mới. Tuy nhiên cần đề phòng việc cực đoan, nhân danh cái mới, đua đòi theo mốt “hiện đại”, “hậu hiện đại” để tự ru mình, lòe mình và lòe bạn đọc. Nhà văn có tài, có tầm thì sẽ tự tìm được cách đến với bạn đọc nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Làm thế nào để các tài năng văn học trong nhà trường được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời để các em có cơ hội đóng góp cho văn học nước nhà?

Vũ Nho: Việc phát hiện các mầm non văn học trong nhà trường là việc của toàn xã hội, nhưng trước hết thuộc nhà trường, cụ thể là thuộc về các thầy cô giáo, mà phần lớn là các thầy cô dạy  môn  Văn học. Tôi nghĩ các Câu lạc bộ văn chương, câu lạc bộ  nghệ thuật kịch,…rất cần tập hợp, phát hiện các em có năng khiếu. Thầy cô giáo khuyến khích các em viết, bồi dưỡng cách viết, gửi bài viết tốt của các em cho các báo Văn nghệ của tỉnh, báo  Thiếu niên tiền phong, tạp chí Văn học tuổi trẻ, Văn tuổi thơ. Kinh nghiệm bồi dưỡng những Trần Đăng Khoa, Khánh Chi, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên,… chúng ta đã có. Vấn đề là tài năng, tâm huyết của các thầy cô trong nhà trường mà thôi. Có lẽ chi hội nhà văn Giáo dục cũng nên đỡ đầu về chuyên môn, mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trong dịp hè ở một số tỉnh, rồi nhân lên. Đó cũng là hoạt động thiết thực.

Vai trò của nhà trường trong sự phát triển nhân cách học sinh qua các tác phẩm văn học?

Vũ Nho: Bây giờ, phần lớn trẻ em của Việt Nam đều may mắn được đến trường học. Tùy hoàn cảnh vùng miền và hoàn cảnh gia đình cụ thể, có một số em chỉ học tiểu học, hoặc hết THCS, hết THPT, một số ít hơn học Đại học. Chương trình Văn học trong nhà trường góp phần rất quan trọng để bồi dưỡng, phát triển nhân cách cho các em. Các tác phẩm văn học dân gian, văn học viết Việt Nam và thế giới mở ra cho các em một kho tàng phong phú về cái thiện, cái đẹp, tạo điều kiện để các em hiểu biết, làm giàu tình cảm, làm giàu vốn sống, vốn hiểu biết. Chắc chắn nhà trường có vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển  nhân cách những công dân tương lai của đất nước.

          Việc lựa chọn một chương trình Ngữ văn phù hợp trong chương trình giáo dục tổng thể nay mai là một việc hết sức quan trọng, cần sự tham gia không chỉ các nhà giáo, nhà văn, các chuyên gia giáo dục mà của toàn xã hội.

Là nhà văn trong ngành giáo dục, nhà văn có kì vọng gì về lớp nhà văn trẻ hiện nay?

Vũ Nho: Tôi luôn luôn tin tưởng vào những người trẻ tuổi. Dù cho một số nhà văn có so sánh và đưa kết luận rằng những người trẻ có quá nhiều điều quan tâm, họ không “sống chết” với nghề văn như các bậc cha anh. Mỗi thời có các bạn đọc và cũng có các nhà văn riêng của họ. Sẽ có các nhà văn trẻ tài năng viết cho các bạn đọc trẻ. Tôi nghĩ rằng sẽ có các nhà văn Việt Nam ngang tầm thế giới, như các vị Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,…

Bài in báo GD&TĐ số 46 Chủ nhật đặc biệt kỉ niệm 20 tháng 11 năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét