Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

VĂN HÓA NGA Ở VIỆT NAM



Giao lưu văn nghệ Việt Nga


VĂN HÓA NGA Ở VIỆT NAM

                                                                     Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG

VĂN HÓA NGA ĐẾN VIỆT NAM

Luận cương Lênin” (tên đầy đủ “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, đượctrình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, 1920) như mặt trời hiển hiện, biểu trưng cho ánh sáng của văn hóa Nga lần đầu tiên đến Việt Nam thông qua Ngyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau này Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta đây, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Báo Nhân Dân, ngày 22-4-1960, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lãnh tụ V.I. Lênin).Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Người đi tìm hình của nước(1960) đã viết: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin/Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”/Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga ngày 30-6-1923 và ở lại đây đến khoảng đầu tháng 10-1924. Khi đó Lênin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới, đã từ trần (ngày 21-1-1924). Nhưng ánh sáng của Luận cương Lênin vẫn mãi mãi như ngọn hải đăng sáng rực dẫn dắt con tàu cách mạng vô sản toàn thế giới cũng như Việt Nam xuyên qua bóng đêm và bão tố, tiến tới bờ thắng lợi và vinh quang. Sau này, trong những ngày hoạt động bí mật và gian khổ (1941-1945) ở Cao Bằng, trước hang PácBó, Người đã tạo dựng nên Suối Lênin và núi Các Mác như những biểu tượng của con đường giải phóng dân tộc: “Ai đã đến, ai chưa đến đó/Có hòn núi Mác, suối Lênin/Hãy về thăm quê ta Pác Bó/Nơi Bác về nguồn nước mới sinh” (Tố Hữu - Trường caTheo chân Bác). Trong những năm tháng bôn ba hoải ngoại tìm đường cứu nước, cũng như sau này trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh luôn tìm tòi trong nền văn hóa Nga những bài học quý báu để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đủ sức mạnh “soi đường quốc dân”.

TƯƠNG ĐỒNG VĂN HÓA NGA - VIỆT
                                                       Nhà giáo, nhà thơ Nga tặng tác giả tập thơ tiếng Nga


Tột cùng văn hóa là con người.Văn hào Nga M. Go-rki đã viết: “Con Người - hai chữ ấy vang lên mới tự hào biết bao!”. Và “Con Người viết hoa là con người chân chính đang từng ngày từng giờ xuất hiện trên đất nước Nga vĩ đại!”- cũng lời của M. Go-rki. Chúng ta thường nói đến “Tính cách Nga” (nhan đề một thiên truyện nổi tiếng của nhà văn Nga thời hiện đại A. Tôn-xtôi, được dịch ra tiếng Việt, in trên tạp chí Văn nghệ, 1949) như là một phẩm tính của một dân tộc có truyền thống lâu đời - nhân ái, vị tha, bao dung, cao thượng, dũng cảm, thông minh. Nói đến sự tương đồng văn hóa Nga - Việt là nói đến bản sắc mỗi dân tộc được khúc xạ chủ yếu qua văn học của mỗi đất nước. Nền văn học Nga vĩ đại đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Việt Nam qua những di sản bất diệt của các nhà cổ điển Nga thế kỷ XIX từ Pu-skin, Lec-môn-tôp, Gô-gôn,L.Tôn-xtôi, Đôt-xtôi-ep-xki, Sê-khôp,...đến các nhà cổ điển thời hiện đại như Go-rki, Mai-a-côp-ski, E-se -nhin,Bu-nhin, Sô-lô-khôp, Pa-stec-nac, Xôn-je-nhit-xin, Brot-ski, Gam-za-tôp, Ai-tơ-ma-tôp,...Không chỉ có văn học, văn hóa Nga còn được biết đến ở Việt Nam qua nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc (với các sáng tác bất hủ của các nhạc sỹ tài danh như Trai-côp-xki, Sôt-xta-khô-vich,..), hội họa (tranh của danh họa thế giới Lê-vin-tan), nghệ thuật ba-lê Nga (Cái chết của thiên nga), kiến trúc Nga (Cung điện Mùa đông ở S. Pê-téc-bua, Điện Krem-li ở Mat-xcơ-va),...Và đặc biệt là thiên nhiên Nga với biểu tượng cây thùy dương (bài hát Cây thùy dương), cây sồi (như một nhân vật trong kiệt tác Chiến tranh và hòa bình của L. Tôn-xtôi), tuyết (trong truyện Bão tuyết của Pu-skin), tuyệt tác Mùa thu vàng(tranh của danh họa Lê-vin-tan),...

Nhưng phải khẳng định rằng, giao lưu văn hóa qua giao lưu văn học là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để hai dân tộc hiểu biết và trở thành bè bạn của nhau. Người Nga và người Việt đều yêu sách, yêu văn chương. Tâm hồn Nga và tâm hồn Việt khúc xạ qua văn học.Tương đồng văn hoá Nga Việt còn thể hiện ở tinh thần bảo vệ tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc. Đầu thế kỷ XX, một học giả Việt Nam nổi tiếng đã quả quyết: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Tổng thống Liên bang Nga V. Putin gần đây đã ra sắc lệnh bảo vệ và phát triển văn hóa Nga, ngôn ngữ Nga không chỉ ở trên phạm vi lãnh thổ đất nước mình mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Quà tặng văn hóa của Tổng thống Liên bang Nga trong cuộc thăm chính thức cấp Nhà nước Việt Nam ngày 12-11- 2013 là 4 đầu sách văn học Nga được dịch ra tiếng Việt và 1 đầu sách tiếng Việt dịch ra tiếng Nga, trong đó có cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua của nhà văn Kan-ta I-bra-gi-mov. Rõ ràng, văn học chính là một nhịp cầu văn hóa đầu tiên và bền vững trong mối bang giao của các quốc gia có cùng lý tưởng nhân văn, hòa bình, hữu nghị.

LÀNG  NGA” Ở VIỆT NAM

Nếu người Trung Quốc hay người Hàn Quốc tập trung sinh sống đông đúc ở đâu đó trên thế giới hay Việt Nam thì người ta sẽ gọi đó là Phố Tàu (Chinatown), hay Phố Hàn. Nhưng với người Nga thì tình hình khác hẳn. Ở Việt Nam, họ sẽ được gọi với cái tên trìu mến là Làng Nga.Vào những năm 80 của thế kỷ trước đã có một Làng Nga ở Hòa Bình. Đó là nơi các chuyên gia Nga và gia đình của họ sinh sống trong thời gian giúp Việt Nam xây dựng công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình (khởi công xây dựng 6-11-1979), vào thời điểm đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Ở không gian văn hóaLàng Nga này đã vang lên tiếng đàn đặc trưng cho âm nhạc truyền thống Nga – đàn balalaica độc đáo. Nhà thơ Quang Huy đã sáng tác bài thơ Tiếng đàn balalaica trên sông Đà. Hình ảnh nổi bật trong thi phẩm này là cô gái Nga, đàn balalaica, nhưng hiển hiện là tâm hồn Nga:“Tiếng đàn balalaica/Như ngọn gió bình yên/Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt/Nghe rụt rè/Như tia mắt/Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng/Mùa thu/Nghe mơ hồ/Như tiếng hát/Trong bồng bềnh sương núi/Nghe vời vợi/Như cánh thiên nga/Bay khuất nẻo mây xa”. Trong những vần thơ trên độc giả đã cảm nhận được bằng tất cả các giác quan của mình về vẻ đẹp của thiên nhiên Nga, nghệ thuật Nga, con người Nga. Một lần nữa độc giả ấn tượng: “Trên sông Đà/Một đêm trăng chơi vơi/Tôi đã nghe tiếng đàn balalaica/Một cô gái Nga tóc màu hạt dẻ/ Ngón tay đan trên những sợi dây đàn/Lúc ấy.../Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông”. Làng Nga ngày ấy có nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân Nga và gia đình họ rời bỏ quê hương sang Việt Nam làm việc quên mình. Đã có không ít người Nga ngã xuống vì sự hiện diện của công trình thế kỷ này. Bây giờ Làng Nga này chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người Việt cũng như người Nga mỗi khi nói về thủy điện Hòa Bình. Nhưng đó là ký ức lương thiện được giữ gìn như viên ngọc sáng.

 Như mọi người đều biết, nhiều năm qua tồn tại bền vững một “micro- raion” (Tiểu Khu Một) hay theo cách người Việt Nam gọi thân mật là Làng Nga ở giữa thành phố Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) - thành phố sạch đẹp vào loại nhất Việt Nam, “thành phố đáng sống” như cách gọi của du khách, các chuyên gia nước ngoài cũng như chính người bản địa. Làng Nga tọa trên một diện tích 13 hec-ta, với hơn 1.200 cư dân Nga sinh sống. Ai một lần đến đây sẽ có ấn tượng về một không gian văn hóa Nga đặc trưng. Trường học, trung tâm văn hóa, thương mại, trạm xá, khu liên hợp thể thao, cây xanh, thư viện, khu dịch vụ, khu nhà ở. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là trường học Nga với 250 học sinh phổ thông và lớp mẫu giáo. Những mái tóc vàng, những cặp mắt xanh, những làn da trắng hồng và tiếng Nga vang lên ríu rít, nghe như tiếng chim vào một ban mai nào đó. Dĩ nhiên là có cả lớp tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Trong “Làng Nga” có 28 học sinh người Việt, bố mẹ các cháu đa phần đều học ở Liên xô (trước đây) và  Liên bang Nga hiện nay. Đến Làng Nga không thể không gặp những gia đình mà ở đó những cặp vợ chồng là người Nga - Việt/Việt - Nga. Chúng tôi đến thăm một gia đình của cặp vợ chồng trẻ tiêu biểu. Cô vợ trẻ người Nga, tên là Mar-tren-co Ep-ghe-nia (sinh 1986) tại Mat-xcơ-va. Tốt nghiệp Viện các nước Á - Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xôp. Nhận bằng Thạc sỹ năm 2011. Cùng năm đã “dấn thân” sang Việt Nam và hiện làm việc tại Phòng Phiên dịch của Liên doanh dầu khí Việt-Nga(Vietsovpetro). Tháng 9-2011 cô gặp chàng trai Châu Nhật Bằng (sinh 1985, quê Châu Thành, Bến Tre) trên một chuyến xe từ thành phố Hồ Chí Minh về Vũng Tàu. Người ta nói có “mối tình sét đánh” đã ứng nghiệm vào đôi trai gái này. Châu Nhật Bằng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Von-ga-grat, khoa Hóa-Dầu, năm 2010. Học tiếp thạc sỹ. Trở về Việt Nam và đầu quân cho Vietsovpetro. Sau 6 tháng quen biết đôi uyên ương kết hôn vào ngày 6-4-2012, họđã có một con trai mang hai dòng máu Việt-Nga (Tên: Châu Mi-khai-in Nhật Minh, 5 tuổi). Hiện Mar-tren-co Ep-ghe-nia tham gia một đề tài khoa học “Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội và lịch sử xưa và nay” (được tài trợ bởi Quỹ Khoa học nhân văn của Chính phủ Nga, 2015-2017). Cô gái Nga này đam mê lịch sử nói chung, lịch sử Việt Nam nói riêng. Đó là một điển hình, theo chúng tôi, của văn hóa Nga ở Việt Nam. Cô dâu Nga này bây giờ nói tiếng Việt “chuẩn không cần chỉnh” (!?). Cô gái Nga này gợi nhớ đến nhân vật Na-ta-sa trong kiệt tác Chiến tranh và hòa bình của văn hào Nga L. Tôn-xtôi, một biểu tượng của tâm hồn Nga, văn hóa Nga thuần phác, cao thượng và gần gũi, dễ giao cảm với con người và giao hòa với thiên nhiên.

Người Nga cũng yêu thơ như người Việt. Trong cuộc giao lưu với đoàn nhà văn Việt Nam, một giáo viên người Nga trường phổ thông dạy con em người Nga làm việc ở Vũng Tàu, là cư dân của Làng Nga đọc bài thơ Vũng Tàu và tặng đoàn tập thơ văn bằng tiếng Nga, có cái nhan đề rất ấn tượng Dự cảm về phép lạ(NXB Thế giới, 2015), tác giả là giáo viên, học sinh trường phổ thông thuộc Làng Nga. Đây là ấn phẩm kỷ niệm 30 năm thành lập ngôi trường Nga trên đất Việt. Một bài thơ nhan đề Tết của một người Nga viết về Tết Nguyên Đán Việt Nam: “Hôm nay thành phố bỗng khác xưa/Ngập tràn trong hạnh phúc ước mơ/ Sương khói như vàng thoi lấp lánh/ Phủ khắp phố phường ngỡ trong mơ/Tôi đi trong ảo ảnh chơi vơi/Tết phương Đông hoa nở rợp trời/Quanh tôi sóng vàng xô rào rạt/Hoa phấn ngập tràn khắp muôn nơi .../Ngày Tết nơi xứ sở Rồng Tiên/Khắp nơi rì rầm lời khấn nguyện/Khấn cầu lúc viếng mộ tổ tiên/Mang ý nghĩa cuộc đời cao cả” (Đỗ Nguyên Thiều dịch).

NHỮNG CUỐN SÁCH MỚI NHẤT VỀ NƯỚC NGA

Những ngày đầu tháng 11-2017, Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017), tại Hà Nội tọa đàm, giới thiệu 2 cuốn sách mới nhất về nước Nga đã thu hút đông đảo bạn đọc tới dự. Cuốn Nước Nga – hành trình tới tương lai(NXB Hà Nội, 2017) được viết theo dạng thức “thời luận”, yếu tố lịch sử - chính trị -văn hóa đan cài. Tác giả Hồ Quang Lợi là một nhà báo cựu trào (nguyên TBT báo HàNộimới, hiện là Phó Chủ tịch kiêm TTK Hội Nhà báo Việt Nam). Tuy là tác phẩm báo chí nhưng thấm đượm chất văn chương trong từng câu chữ, hình ảnh, sự kiện và bình luận. Vì thế độc giả bị cuốn hút bởi một văn phong rất hoạt, tính sự kiện không che lấp con người với tư cách là chủ thể của lịch sử. Đọc sách của Hồ Quang Lợi độc giả thu hoạch được những bài học lịch sử về nước Nga qua những biến động long trời lở đất từ sau công cuộc cải tổ đến chính biến 1991, khi tên gọi Liên Xô không còn. Cũng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Bộ TT-TT tổ chức ra mắt tập thơ Đợi anh về(NXB TT-TT, 2017). Đây là một tuyển tập thơ Nga về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại (1941-1945), do Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh dịc từ nguyên bản tiếng Nga. Hơn 20 tác giả được tuyển chọn đều là những gương mặt thân quen với độc giả Việt Nam như C. Xi--nôp, O. Bec-gôn, I. Dru-nhi-na,...Đọc thơ Nga về chiến tranh độc giả Việt Nam hiểu thêm sâu sắc cái giá của chiến thắng mà nhân dân Liên Xô và nhân loại tiến bộ đã cống hiến để cứu vãn nền hòa bình thế giới bị chủ nghĩa phát xít mưu toan tiêu diệt. Bài thơ Đợi anh về của C. Xi--nôp đã đến với bạn đọc Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp qua bản dịch tuyệt vời của nhà thơ Tố Hữu. Thơ của C. Xi - mô-nôp đã có trong sổ tay thơ của những người thanh niên Việt Nam ra chiến trường trong hai cuộc kháng chiến. Thơ đúng là tiếng nói đồng tình, đồng chí, đồng ý như cách diễn đạt của nhà thơ Tố Hữu. Thơ ca Nga phản ánh tâm hồn Nga vốn chất phác, cao thượng, nhân ái và dễ hòa hợp với thiên nhiên. Tâm hồn Nga và tâm hồn Việt Nam có nhiều giao thoa, tương đồng vì mỗi dân tộc đều giàu có phẩm chất “ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận). Chiến thắng của mỗi dân tộc suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa. Văn hóa Nga được tiếp biến ở Việt Nam một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo./.

                                                                     Hà Nội, tháng 11-2017

                                                                               B.V.T

(Bài đăng trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 42 ra ngày 21-10-2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét