Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

ĐỢI ANH, ANH SẼ VỀ...




ĐỢI ANH, ANH SẼ VỀ...
                                                                               Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG
Ngày 7-11-2017, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã ký lệnh viện trợ khẩn cấp 5 triệu USD giúp nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 12 (Tên quốc tế Damrey). Bốn mươi tấn hàng viện trợ đã đến Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh vào lúc 0h ngày 9-11-2017. Nhân văn và chung thủy luôn luôn là bản lĩnh và cốt cách ứng xử văn hóa của nhân dân Nga dành cho nhân dân Việt Nam suốt mấy chục năm qua kể từ khi hai nước có quan hệ chính thức. Ai dù chỉ một lần đặt chân đến xứ sở của bạch dương và tuyết trắng đều cảm nhận được một cách sâu sắc: thiên nhiên Nga trác tuyệt, tâm hồn Nga tinh khiết cao thượng, văn hóa Nga vĩ đại. Tác phẩm Đợi anh về (Tuyển thơ Nga về chiến tranh vệ quốc 1941-1945) do NXB Thông tin - Truyền thông ấn hành, vừa ra mắt ngày 3-11-2017 tại Hà Nội, là một sự kiện văn hóa đặc sắc nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017) tại Việt Nam.
NHỮNG DỊCH GIẢ ĐẶC BIỆT
Hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đều đã sống ở Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga hơn một phần tư thế kỷ. Cũng bằng một phần ba đời người tính trung bình tuổi thọ cao hiện nay. Nhưng không phải theo cách “sống lâu lên lão làng”. Tôi biết rõ cả hai dịch giả vì họ là những người đồng hương xứ Nghệ vĩ đại, như ai đó thường nói vui mỗi khi gặp nhau. Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng là một chuyên gia văn học Nga. Ông nghiên cứu chuyên sâu về văn hào Nga thế kỷ XIX – N. Gô-gôn, luận án đã công bố thành sách tại Việt Nam. Ông đặt chân đến nước Nga từ 1992. Vậy là đã 25 năm, nói cho có vẻ dài lâu hơn, đúng một phần tư thế kỷ. Ngày đi tóc còn xanh. Nay đã phơ phơ đầu bạc. Vì bao nỗi niềm đắng cay của đời sống. Một lần nhà văn Bảo Ninh nói một câu mà tôi đã ghi vào sổ tay văn học “nhà văn phải có thân phận thì mới viết được”. Vận vào trường hợp Nguyễn Huy Hoàng tôi thấy vô cùng sát hợp. Ông có cô con gái thông minh, xinh đẹp sinh năm 1980 tại Việt Nam. Nhưng cháu đã mất tích trên bãi biển nghỉ mát nổi tiếng Nga Sô-chi từ 1993. Từ bấy đến nay vợ chồng ông trụ hạng tại Nga, tìm kiếm và mong đợi đón con gái trở về. Cứ âm thầm chịu đựng, tìm kiếm. Lại còn phải kiếm sống vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Lại còn món nợ văn chương nữa. Một phần tư thế kỷ xa xứ, Nguyễn Huy Hoàng “vịn câu thơ đứng dậy”. Hỏi dịch giả Nguyễn Văn Minh đã ởNga bao nhiêu năm? Anh cười “Lâu hơn bác Nguyễn Huy Hoàng nhiều nhiều!” Vậy có thể là ba mươi năm hoặc hơn. Tiếng Nga của hai người này thì như người ta nói “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ, là tình yêu nước Nga,văn hóa Nga, văn chương Nga đã thấm nhuần sâu sắc vào tận máu huyết mỗi người,vậy nên mới đủ năng lượng tái tạo và sáng tạo. Mới đủ niềm vui khuyến khích cả hai người đóng cửa ngồi dịch thơ Nga ra tiếng Việt giữa thời buổi thóc cao gạo kém. Rồi còn mang thơ Nga về Việt Nam quảng bá. Đúng là xả thân vì đại nghĩa, vì văn chương, vì nước Nga thân yêu. Thế mà không ít người hoặc bi quan hoặc thiếu thiện ý cứ lâm ly thống thiết “văn chương lâm nguy” (!?).

                                  Bùi Việt Thắng


 ĐỂ THẾ GIỚI NÀY KHÔNG CÓ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH MANG GƯƠNG MẶT PHỤ NỮ
Không phải ngẫu nhiên mà các dịch giả lại đặt nhan đềĐợi anh về cho  tuyển  thơ về chiến tranh ái quốc 1941-1945. Như chúng ta biết, bài thơ Đợi anh về của C. Xi-mô-nôp (viết năm 1941) được Tố Hữu dịch ra tiếng Việt (qua bản tiếng pháp) in trên báo Văn nghệ từ trong kháng chiến chống Pháp (1949). Chiến tranh là một cuộc hủy diệt. Tất nhiên! Chiến tranh không phải là ngày hội hay một trò đùa. Nhưng mặt khác, chính chiến tranh là “lửa đỏ và nước lạnh”, là “lửa thử vàng gian nan thử sức”, là “thép đã tôi” rèn đúc con người trưởng thành về nhân cách. Năm 2015, nữ nhà văn Belarus Xvet-la-na A-le-xi-e-vich đã nhận Giải Nobel văn chương với tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) với tựaCuộc chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ (Nguyên Ngọc dịch, NXB Hà Nội 2016). Trong số 24 tác giả được chọn dịch trong tuyển thơ này, chúng ta thấy những gương mặt nữ nổi bật đặc biệt như A. A-khơ-ma-tô-va, O. Bec-gôn, Iu. Đru-nhi-na, V. Tu-snô-va, V. In-bec. Năm gương mặt thơ nữ này chưa phải là tất cả nhưng là điển hình của một nền “văn chương mang gương mặt nữ”. Những bài thơ của các cây bút nữ dẫu trong khói lửa chiến tranh ngút trời hay cận kề cái chết đã làm cho đời sống tinh thần của nhân dân Liên Xô nói chung, chiến sỹ Hồng quân nói riêng bình tâm, tin tưởng, lạc quan yêu đời. Và quan trong nhất là gieo vào tâm hồn mỗi con người đang bị cuộc chiến tranh dồn vào chân tường, đứng giữa làn ranh sống chết niềm hy vọng thiêng liêng. Hy vọng vào tương lai, hy vọng vào chiến thắng. Ngay trong những ngày ác liệt nhất của chiến tranh nữ sỹ A. A-khơ-ma-tô-va đã viết bài thơ Thần chiến thắng đứng bên cửa nhà ta: “Thần chiến thắng đứng bên cửa nhà ta/Chẳng biết có cách nào đón khách/Mang đứa trẻ được gặp may cứu thoát/Trong bàn tay, các chị hãy nâng cao/Như trả lời, chúng tôi từ lâu hằng mong đợi”. Trong chiến hào khét lẹt thuốc súng, với tư cách một người lính trận, nữ thi sỹ Iu. Đru-nhi-na viết bài thơ Cây thông: “Đón năm mới thứ ba trên mặt trận/Tôi linh cảm còn lâu mới kết thúc chiến tranh/Rất muốn ghé thăm nhà, mệt rã rời thân xác/Trong lửa đạn chẳng buồn/ Thoáng một chút ăn năn”. Một chút thoáng ăn năn. Ấy mới là con người. Ấy mới là nữ nhi bình thường, là “phái yếu” như ai đó nói vui. Năm mới, với người Nga (cũng như người phương Tây nói chung), thì cây thông mới là biểu tượng mùa xuân như người Việt Nam nhất thiết phải có cành đào vậy. Giữa mặt trận khói lửa, người lính tìm được một cây thông. Và họ “khoác” cho nó những đồ vật bình dị. Bình dị nhưng là biểu tượng mùa xuân: “Chẳng có đồ chơi treo lên, điểm trang bằng vỏ đạn/Giữa các ống bơ, thanh sôcôla chiến lợi phẩm trưng bày/Ống tay áo chạm cành thông băng giá/Qua nước mắt tôi nhìn, các chàng lặng im ngay/Ôi các chàng ngự lâm trong đội quân trinh sát/Tôi yêu các bạn vô cùng, đến nhắm mắt xuôi tay/Tôi đắm mình trong lá cành, hương tuổi thơ nồng đượm [...]/ Sau bao năm, những cây thông trang hoàng năm mới/Tôi chẳng nhớ gì/Chỉ cây thông này là chẳng thể nào quên”. Đó là kỷ niệm đẹp đã trở thành  ký ức. Một ký ức lương thiện không dễ ai cũng có được.
Nữ thi sỹ V. Tu-snô-va có bài thơ Quả táo xinh xắn, ngọt ngào giữa chiến trận: “Từ Xamarkand khắc nghiệt/Theo chuyến bay anh mang táo  tới đây/Dù bị dập trong chuyến bay lạnh lẽo/Chúng tôi đưa sau buổi chiều này [...]/ Tôi như ngắm người bạn đã quên/Bên quả táo, nghiêng trên bàn ngắm mãi/Tay chạm vào vỏ táo sao mềm mại/Đẫm ánh trời trong và ấm nhường nào/Và tôi hôn lớp da như lụa ấy/Uống từ từ mùi ngon tươi/Có cảm tưởng màu vàng của táo/ Là đẫm hương ánh nắng mặt trời/Đêm hôm đó tôi mơ về bên biển/ Nắng tươi tràn. Thế giới chẳng chiến tranh/Vườn xôn xao, không ngớt lời vọng lại/ Sóng từ xa lười biếng vỗ yên lành”. Đọc bài thơ này tôi lại nhớ tới câu thơ của Phạm Tiến Duật: “ Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”. Đúng thế, những người dân Xô Viết cũng như Việt Nam trong chiến tranh khốc liệt vẫn tự tại, vẫn tự tin vào một “sự sống không bao giờ chán nản”.
Bạn đọc Việt Nam đã biết đến một O. Bec-gôn, được gọi là “nhà thơ Lê-nin-grat” (nay là S. Pê-tec-bua). Bà đã sống hơn 900 ngày thành phố bị phong tỏa. Khẩu súng của bà là cây bút. Viên đạn của lòng căm thù phát xít Đức, của lòng yêu nước Nga chính là những vần thơ. Bà đã chịu đói rét, hi sinh cùng với quân dân thành phố gần ba năm bị phong tỏa. Câu nói nổi tiếng của bà được khắc trên bức tường nghĩa trang thành phố Lê-nin-grat: “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị lãng quên”. Bài thơ Cánh én thời phong tỏa hừng hực khí thế đánh giặc, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước đang bị quân phát xít Đức giày xéo: ‘Trải qua bao năm tháng/Qua biết mấy buồn vui/Thời thành phố phong tỏa/Vẫn tỏa sáng mùa xuân”. Trong bài thơ Trích sổ tay năm bốn mốt, những vần thơ bay vút lên bởi tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu cái đẹp: “Mùa thu này chưa có lúc nào hơn/Tôi cảm thấy mình tràn trề sức trẻ/Chưa bao giờ thấy mình xinh đẹp thế/Và ngập tràn những cảm xúc thương yêu”. Có thể trong khoảnh khắc im tiếng súng, nữ thi sỹ đã soi mình trong một chiếc gương nhỏ và bỗng vỡ òa niềm vui khi thần chết chiến tranh cũng không thể nào làm phai tàn nhan sắc của một thiếu nữ - chiến sỹ Hồng quân. Văn hào Nga thế kỷ XIX F. Đôt-xtôi-ep-xki đã viết:  “Cái Đẹp có thể cứu rỗi thế giới”. Đó là một chân lý giản dị nhưng vĩ đại không phải ai cũng nhận thức được sâu sắc và triệt để như những con người Xô Viết đang cầm súng chiến đấu vì tự do, hòa bình và cái đẹp.
Không chỉ có thơ nữ, trong tuyển thơ gồm 24 tác giả tài năng của nền thơ Xô Viết, nhiều bài thơ hay của “phái mày râu” như C. Xi-mô-nôp, R. Gam-za-tôp, A. Tvac-đop-xki, B. Pa-xtec-nac, V. Vư-xôt-xki, R.Rô-zđen-ven-xki, E. Ep-tu-sen-cô,...đã tái tạo khung cảnh chiến tranh, khắc họa tính cách, tâm hồn Nga một cách vừa hào sảng vừa tinh tế. Hai mảng thơ của “phái yếu” và “mày râu” bổ sung cho nhau hòa nhuyễn tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời về một thời kỳ lịch sử bi hùng, những bi kịch lạc quan, những cảm thức về tương lai, những vẻ đẹp bất diệt của đời sống và con người.
 CHIẾN THẮNG CỦA VĂN HÓA
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-1945 nhân dân Liên Xô đã hứng chịu hậu quả nặng nề: 27 triệu người hi sinh, nhiều giá trị vật thể và phi vật thể bị hủy diệt. Cuộc chiến tranh đã đẩy Liên Xô tưởng như kề bên vực thẳm. Nhưng sau Ngày chiến thắng lẫy lừng (7-5-1945) tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu vãn nền hòa bình thế giới, đất nước và nhân dân Liên Xô đã đứng dậy, vươn mình như...Phù Đổng Việt Nam. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô, của nhân dân Nga vĩ đại suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa. Tột cùng văn hóa là con người. Ngay trong chiến tranh nhà văn A. Tôn-xtôi đã viết kiệt tác Tính cách Nga (1944), đã được dịch ra tiếng Việt (qua tiếng Pháp) in trên báo Văn nghệ (1949). Người dân Liên Xô vốn tính bản thiện, hào hiệp, hòa hiếu, nhân ái, yêu chuộng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Họ không hề muốn chiến tranh nhưng đã đồng tâm hiệp lực chiến đấu, hi sinh để bảo về hòa bình, giải phóng đất nước và nhân loại khỏi họa diệt chủng của phát xít. Nhà thơ E. Ép-tu-sen-cô đã viết bài thơ Có phải người Nga muốn chiến tranh không?: “Đúng, chúng tôi biết xông lên chiến đấu/ Nhưng chúng tôi không muốn lại một lần/ Những người lính lại hi sinh trong trận đánh/Trên mảnh đất đau xót của mình/Anh hãy hỏi tất cả những người mẹ/Và hỏi thêm cả người vợ của tôi/Và lúc này, chắc anh sẽ hiểu ra thôi/ Rằng chiến tranh, liệu người Nga có muốn?”. Bánh mỳ và hoa hồng. Chim bồ câu và hòa bình. Đó là văn hóa chiến thắng phản văn hóa. Thơ Nga viết về chiến tranh vệ quốc 1941-1945 là một biểu tượng của văn hóa - hòa bình - hữu nghị giữa các dân tộc trên hành tinh này./.
                                                                               Hà Nội, tháng 11-2017
                                                                                        B.V.T
                               (Bài đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô, ra ngày 22-11-2017)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét