Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

HÌNH DUNG NGUYỄN ĐỨC MẬU QUA “CHÁY TRONG MƯA”





HÌNH DUNG NGUYỄN ĐỨC MẬU QUA “CHÁY TRONG MƯA”
                           Đọc “Cháy trong mưa” của Nguyễn Đức Mậu, nxb Quân Đội Nhân Dân, 2017
                                                     Vũ Nho
Tập thơ mới của nhà Thơ Nguyễn Đức Mậu do nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân in năm 2017 gồm 54 bài thơ. Không một dòng ghi nơi chốn và ngày tháng thành thơ nên cũng hơi khó cho người đọc nếu muốn tìm hiểu kĩ con đường sáng tác của tác giả. Chỉ biết rằng đây là tập thơ sau 11 tập  thơ đã in của Nguyễn Đức Mậu tính từ năm 1971 đến năm 2008. Nghĩa là tập thơ này được ấp ủ trong thời gian gần 10 năm. Quả thật, khi đã giành nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng nhà nước và giải thưởng quốc tế ASEAN, việc công bố một tập thơ mới là chuyện phải cân nhắc, nhất là với một người kĩ tính với thơ như Nguyễn Đức Mậu. Bài thơ “Cánh ong vàng” mở đầu tập cho thấy tâm trạng của người viết:
Giữa khô cằn nhàm cũ
Ta sợ mình biến thành ong thợ
Dòng thơ sáo mòn câu chữ chẳng lên hương
Dường như có tiếng gì vang động
Ở trong ta hay ở phía con đường
                               ( Cánh ong vàng)
“Không gian hẹp” là một không gian sống mà nhiều người thơ đã viết, nhưng với Nguyễn Đức Mậu, ngoài hiện thực là “Trong căn phòng chín mét vuông có bốn người ở” ( chưa kể một con mèo và đôi khi có khách trọ)  ; “Không gian hẹp trong ngôi nhà/ trên đường phố/Cuộc sống cuốn theo những lo toan bận mọn thường ngày” nó còn có ý nghĩa tượng trưng về sự chật chội, bó hẹp của không gian sáng tạo. Bởi vì thơ cần một không gian mở:
Thơ khao khát một không gian mở
Trang giấy phập phồng muốn hóa cánh diều bay…
Có thể thấy một nhà thơ  thường băn khoăn, trăn trở về số phận của thơ, về công việc làm thơ. Cũng đúng thôi, vì với người làm thơ sớm, coi thơ như là nghiệp, như là vận mệnh của mình thì sao có thể thờ ơ trước cảnh:
Thơ được bán được cho
Thơ viết trên băng rôn, giấy dó
Thơ được đọc vang, thơ được thét gào
Thơ được hát và thơ được múa
Thơ khăn xếp áo dài. Thơ com-lê, áo đỏ
Thơ đang tự tìm mình, thơ lắm ngả đường đi
                                           ( Trình diễn thơ)

        Vũ Nho




Tác giả không phản đối hay bài xích những việc thả thơ, quấn băng rôn thơ, đóng kịch thơ. Một thái độ bình tĩnh và minh triết:
Thôi thì hãy xem hôm nay là ngày hội
Thơ ồn ào buổi chợ đang đông
Ngày mai trước cánh đồng trang giấy
Thơ một mình, một bóng, ngọn đèn chong
                                     ( Trình diễn thơ)
Cái việc làm thơ ấy, thật là vất vả vô cùng.   Trước trang giấy trắng mà như trước  núi cao, trước sa mạc khô  rang, nóng bỏng không dễ qua, dễ vượt:
         Nhiều khi trước trang giấy trắng
                   Núi dựng vô hình không dễ qua
Sa mạc vô hình không dễ vượt
Ta sợ sự cũ mòn
Tìm cách gì thoát xác…
                                 (Trước trang giấy trắng)
Ám ảnh về sự cũ, mòn, sự trơ lì, “những bầy kiến ngôn từ chết trong bản nháp” có thể nói là nỗi ám ảnh khá lớn với tác giả. Bởi thế mà:
Có ngày thích đọc, sợ viết
Thấy con chữ trơ ra, lì lợm cỗi cằn
Có ngày ngồi trước trang giấy thật lâu
Nhận diện tỉ tê cùng bóng hình con chữ
( Lối mở)
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi người thơ hầu như chỉ “vẩn vơ” chỉ nghĩ ngợi, ngại cả công việc đọc vốn được ưa thích:
Mình vẩn vơ nhìn con sên ngoài cửa sổ
Trang sách mở ra không đọc được điều gì
Thế mà hết một buổi chiều tư lự
Nhìn con sên leo tường từng vệt nhỏ li ti
                                     (Nhìn con sên trên tường)
Viết khi đã “nhạt chiều”, khi lòng đã cạn vơi “chẳng có gì ngân nga xao động” thì làm sao có thể viết?  Dù là viết về tình yêu hay mọi đề tài.
Nhiều cái nhạt sao cất thành men rượu
Nhiều trống rỗng cũ mòn sao nói được lời yêu?
( Nhạt chiều)
Như vậy có hai cách lựa chọn. Một là ngừng viết. Hai là phải viết khác đi. Viết mới, viết không lặp lại ai mà nhất là không lặp lại mình. Phải không được theo lối mòn dễ dãi, không theo kiểu cũ, cách cũ. Một ví dụ ấy là trong chiến tranh, Nguyễn Đức Mậu đã viết được bài thơ nổi tiếng “ Nấm mộ và cây trầm”. Hậu chiến tranh, nhà thơ viết về “ Người ngồi trước mộ mình” :
Mộ ông: chiếc tiểu sành không hài cốt
Ông trở về trước mộ cha cúi mặt
Trước mộ mẹ khấn thầm
Hình hài vẹo xiêu
Tuổi chiều nắng tắt
Nấm mộ ông đắp bằng nước mắt
Hương khói tỏ mờ mỗi đận thanh minh
Trước bia đá cỏ xanh
Người phế binh dại ngây khuôn mặt.
                       (Người ngồi trước mộ mình) 
Có thể coi là kinh nghiệm cá nhân của Nguyễn Đức Mậu, ấy là cần phải “ lặng nhìn” một cách chăm chú. “ Nhìn thật lâu vòm trời xa xanh/ Mình sẽ gặp vòm trời xanh khác” (Lặng nhìn). Cùng với lặng nhìn là lắng nghe những tiếng tạo vật quanh mình “Trong tiếng có hình, trong hình  có tiếng” (Nghe). Khi nhìn không rõ thì nghe, khi nghe không rõ thì nhìn, nghe nhìn bổ sung cho nhau để nhận thức và cảm thụ thế giới “ Có khi nghe rõ/ Mà nhìn không ra? Có khi nhìn rõ/ mà nghe nhật nhòa” (Nghe). Theo hướng đó, nhà thơ đã nghe “Tiếng nấc dòng sông” và nhìn thấy cảnh con sông hiền  lành đang ô nhiễm:
Dòng sông ngầu đen, vệt dầu loang mặt nước
Những mảng túi ni lông như  đàn vịt dạt bờ
Khói nhà máy đùn cao khiến mặt trăng chìm lấp
Dòng sông nhọc nhằn trôi cùng xác cá vật vờ
                                    ( Tiếng nấc dòng sông)
Anh đã nhìn thấy  “Người ngồi trước mộ mình”, nhìn thấy niềm khát vọng của hoa phượng “Cháy trong mưa”, nhìn thấy “ Chiều sương”, thấy “Chiếc xe chở đõ ong lăn bánh”,  nhìn thấy “Đêm trăng Niu oóc”, nhìn thấy “ Vòm cây bên cửa sổ”, thấy “Ngôi nhà cũ Xuân Diệu ở”, ( Tên các bài thơ trong tập)... Và thấy cả những những điều người ta không thấy trong bát rượu uống ở Mèo Vạc, Hà Giang:
Con đường lên nương bậc đá vẹt mòn
Hạt ngô thành mùa ngô. Mùa ngô thành rượu uống
Trong bát rượu ta cầm như thấp thoáng
Mây trắng, sương mù và bóng áo chàm xanh
Ngoài quán rượu đỉnh trời lóa nắng
Con bò cày trên dốc đá chênh vênh…
( Uống rượu ở Mèo Vạc)
Với trái tim nhạy cảm của một người lính trận mạc, nhà thơ cảm thông với nỗi niềm “ Nhiều đêm, cơn mê khác thường, người mẹ không trọn giấc/Ở phòng bên tắt đèn/ Đứa con ngồi nghe tiếng lá khuya rơi”. Đó là nỗi đau “ Chiến tranh rồi loạn lạc/ Hàng triệu mảnh đời máu thịt chia xa không bao giờ gặp mặt” ( AND). Có khi cũng chẳng bởi tại chiến tranh, mà một nguyên cớ “vì sao chẳng biết” khiến cho “ Một cộng một bằng không…”. Và vì một lí do rất… đời thường “Người cũ bỏ anh/ Anh bỏ thành phố cũ” để ba mươi năm sau anh trở về thành “ Người xa lạ”. Không ngậm ngùi “tương kiến bất tương thức” ( Thấy nhau không biết nhau) như Hạ Tri Chương đời Đường, nhưng cũng đủ cho  mủi lòng. Bởi người cũ không biết nơi đâu, nhà cũ thay chủ khác, nghĩa trang cũ dời xa, trường cũ không còn, “ bạn bè xưa trôi dạt mãi không về” “Ba mươi năm anh thành người xa lạ/ Thành phố sinh ra anh, anh là khách trọ nhờ” ( Người xa lạ).
                                              *
Trong suy nghĩ về nghề, Nguyễn Đức Mậu  thể hiện bằng mấy câu thơ:
Khi mọi buồn vui trong lòng vơi cạn
Khi con tằm thiếu lá dâu xanh
Tôi lo sợ những hạt xoàn giả tạo
Những câu thơ tự trang điểm cho mình
                           (Nhà văn Việt Nam hiện đại, nxb Hội Nhà Văn, 2010, tr.615)
Tập thơ “Cháy trong mưa” trung thành với những điều nhà thơ tâm niệm. Nguyễn Đức Mậu còn ăm ắp những buồn vui, trăn trở. Tôi hình dung nhà thơ Nguyễn Đức Mậu như một cầu thủ chuyên  nghiệp chơi bóng thơ vừa giống vừa không giống như chơi bóng đá:
Trái bóng tròn, mặt trời cuồng nhiệt
Cờ và hoa choáng ngợp sắc màu
Trái bóng thơ sân chơi lặng lẽ
Một ngọn đèn trang giấy trắng đêm thâu
                              (Đêm chờ xem World Cup)
Một hình dung về nhà thơ như thế chỉ là cảm nhận sơ lược nét chính yếu. Muốn biết nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, phải đọc đi đọc lại tập thơ này và những tập thơ đã in, những cuốn  truyện ngắn, tiểu thuyết đã viết của anh.
                                                 Hà Nội, 1 tháng Năm 2017

in trên Quân Đội Nhân Dân cuối tuần số 1145 ngày 10/12/2017 với nhan đề " Nhà thơ trăn trở với thơ". Đây là bản đầy đủ.


                                               





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét