CUỘC ĐỜI XA KHUẤT – MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ
(Đọc “Cuộc đời xa khuất” của Lê Hoài Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021)
Vũ Nho
Những năm gần đây, nhiều nhà văn có xu hướng viết về đề tài Lịch sử. Theo nhà văn Bùi Thanh Minh, một trong các vị Ban sơ khảo cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm của Hội nhà văn Việt Nam (2016 -2019), thì có tới 16 cuốn tiểu thuyết dự thi liên quan đến Lịch Sử. Nhà văn Lê Hoài Nam cũng đã từng viết “Mĩ nhân nơi đồng cỏ” về nhân vật Nguyễn Thị Anh thời Hậu Lê. Bây giờ là tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất” viết về vua Tự Đức và triều đại của ông.
Vua Tự Đức là một vị vua đáng viết bởi nhiều lẽ.Riêng 53 cái nhất của các vị vua chúa Phong Kiến Việt Nam, thì một mình Tự Đức “chiếm” bốn.Một là hiếu thảo nhất. Hai là làm nhiều thơ văn nhất 4000 bài chữ Hán và 100 bài chữ Nôm. Ba là có nhiều vợ và cung tần (hơn 100 bà) mà không có bất kì một mụn con nào. Bốn là một trong các triều đại ban lệnh kị húy nhiều nhất (47 chữ). Chưa kể đó là triều đại kéo dài 36 năm, một trong những triều đại dài thuộc loại nhất. Thêm nữa chính thời kì Tự Đức trị vì, toàn bộ nước ta đã dần dần rơi vào tay thực dân Pháp. Thêm nữa thời ông làm vua, có nhiều kế sách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch và nhiều nhà canh tân khác khuyên canh tân đất nước.Rồi Vua Tự Đức là người diệt đạo Gia tô dữ dội nhất. Rồi chuyện xây Vạn Niên Cơ, sau đổi thành Khiêm Lăng cũng tốn kém và bị phản ứng dữ dội với khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng thường gọi là “loạn chày vôi”,…
Việc lựa chọn của Lê Hoài Nam là một lựa chọn sáng suốt và thông minh. Bởi những bài học về canh tân, đổi mới, nghiêm trị quan lại và những việc khác của ông vua này vẫn đáng để cho đời nay suy ngẫm.
Một điều đáng ghi nhận cho tác giả là trước đó, các nhà văn viết về Lịch sử thường là tô đậm nét tính cách nhân vật, làm rõ những chỗ khuất lấp, tồn nghi hoặc mâu thuẫn giữa chính sử với dã sử. Nhìn chung là không bóp méo hay xuyên tạc Lịch sử. Nhưng sau này, một số nhà văn lại hình dung nhân vật Lịch sử theo ý mình, nhất là một số quan niệm sai lạc về chuyện “giải thiêng”, nên đã dẫn đến việc xuyên tạc, làm méo mó nhân vật Lịch sử, xúc phạm tiền nhân, bị xã hội và bạn đọc phê phán.
Lê Hoài Nam khi viết về Tự Đức và Triều đại của ông, không nhằm tô vẽ, cũng không nhắm giải thiêng.Nhà văn cố gắng phân tích, cắt nghĩa vì sao nhà vua hành động và ứng xử như vậy. Đồng thời, như đã nêu ở “ Lời tác giả”, nhà văn muốn trả lời một loạt các câu hỏi “ Cái chết của viên quan đầu triều Phan Thanh Giản có nói lên điều gì không? Phụ chính Nguyễn Văn Tường là một dũng tướng hay kẻ hèn nhát? Hai đấng anh hùng mã thượng là NguyễnTri Phương và Hoàng Diệu vì sao lại chọn cái chết trong cô đơn? Mối tình nào bị lên án?Cuộc tình ngoài hôn nhân nào được thể tất, bao dung?Đạo Gia –tô và quân xâm lược Pháp có liên quan gì đến nhau không?Nhã nhạc cung đình Huế cùng một số điệu hò điệu lí được sinh ra và truyền bá ra sao?” (trang 8). Hơn thế, nhà văn còn mong muốn “góp một tiếng nói, một phương pháp lí giải riêng không ngoài mục đích giúp bạn đọc có một cái nhìn tương đối khách quan, khả thủ, cũng là để rút ra những bài học quan thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hôm nay” (trang 8).
Chúng tôi ghi nhận thành công của tác giả trước hết là đã tham bác một số lượng dữ liệu lịch sử rất lớn liên quan đến nhiều sự kiện, nhiều nhân vật Lịch sử.Tất nhiên Tự Đức là nhân vật trung tâm. Tuy vậy còn nhiều chuyện cần minh định, xem lại, làm rõ hơn. Chuyện Gia Long ân ái với Lê Thị Ngọc Bình vợ vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Chuyện Minh Mạng và Thiệu Trị. Một loạt chuyện các đại thần ở hai phe chủ chiến, chủ hòa. Một loạt các nhân vật của phong trào cần Vương, phong trào Văn Thân. Một số nhà thơ thời Tự Đức như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Thị Hinh ( Bà huyện Thanh Quan),…
Ghi nhận khác là cách tiếp cận nhân vật và sự kiện Lịch sử mới mẻ hoàn toàn.Trong “Cuộc đời xa khuất” có người “dương” và người “âm”, nhưng các nhân vật Giáo sư Phạm Đình Nhã, Tiến sĩ Vũ Thị Hương Giang, nhà văn Hải Đăng cùng một vài nhà báo không rõ danh tính chỉ đóng vai dẫn dắt câu chuyện. Tất cả nhân vật “người âm” tự kể, hoặc bổ sung, hoặc đối đáp với nhau, trả lời câu hỏi của nhau và của người “dương”.
Cái mới là nhà văn đã không đóng vai “người kể chuyện biết tuốt”, cũng không đứng ngoài miêu tả các nhân vật. Tác giả đã tổ chức 5 đêm đối thoại cởi mở theo tình thần hội thảo thẳng thắn, dân chủ. Chính điều này tăng thêm tính khách quan và hấp dẫn. Bởi không ai có thể thay nhân vật để nói về họ tốt hơn chính họ nói ra.Năm đêm gặp gỡ, đối thoại Âm – Dương có thể coi như 5 chương tiểu thuyết nhưng không cứng nhắc. Các sự kiện và nhân chứng được trình bày bổ sung cho nhau, tạo ra cái nhìn đa chiều. Ngay lần gặp đầu tiên, bạn đọc đã hứng thú với một ông vua cởi mở trong cuộc trò chuyện với giáo sư Nhã : “Giáo sư hãy thông báo trước cho tất cả những người dương thế đến dự cuộc hội ngộ rằng họ có quyền hỏi tôi bất cứ điều gì họ muốn, tôi sẽ trả lời. Những điều tôi gặp khó hoặc không tiện trả lời thì các đại thần cùng đi với tôi sẽ giải đáp.Còn Giáo sư, ngài hãy điều hành cuộc hội ngộ thật khách quan.Thậm chí có lúc giáo sư phải đóng vai một quan tòa phán xét tôi và triều thần của tôi để tìm ra sự thật một cách quang minh chính đại” (trang 19).
Thành công của Lê Hoài Nam chính là đã xem xét nhiều cứ liệu Lịch sử tin cậy để đánh giá về các nhân vật và sự kiện một cách khách quan. Đã có đủ độ lùi thời gian để đánh giá về triều Nguyễn nói chung cũng như triều đại Tự Đức nói riêng một cách khách quan, khoa học, vượt qua những định kiến khi chúng ta “phản đế, phản phong” bất cứ thứ gì liên quan đến Pháp, đến Triều đình đều là “phản động”, phải lên án, phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Việc đối thoại của các nhân vật được tình bày khá tường minh.Một số những điều còn tồn nghi, hoặc đánh giá không thống nhất, hoặc đánh giá sai lạc đã được giải tỏa. Chẳng hạn như Vua Tự Đức là con của vua Thiệu Trị, hay của đại thần Trương Đăng Quế? Vua có phải là tác giả của bài thơ “Khóc Bằng Phi”? Câu thơ nổi tiếng của Cao Bá Quát “ Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có phải do Tri phủ Hán Dương – Ngải Tuấn Mỹ viết tặng Nguyễn Tư Giản? Phong trào Cần Vương không phải đồng nhất với phong trào Văn Thân.Và đặc biệt là đóng góp của nhà vua Tự Đức cho việc phát triển văn chương, xây dựng nền móng cho sân khấu và âm nhạc được đánh giá đúng mức. Các câu hỏi mà nhà văn nêu ra ở “Lời tác giả” đều được giải đáp ở các mức độ khác nhau.
Tất nhiên, vua Tự Đức ở ngôi 36 năm, liên quan đến nhiều sự kiện và nhân vật Lịch sử, nên không thể kể miên man tràng giang hàng ngàn trang viết. Tuy vậy, với nhân vật Nguyễn Công Trứ, nếu nhà văn nói thêm ít dòng về cuộc dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, việc khai khẩn hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn, tính “ngất ngưởng” của ông thì sẽ thú vị hơn. Chuyện nói về đàn áp đạo Gia - tô nhiều chỗ sa vào trích dẫn lịch sử hơi dài dòng,…
Vua Tự Đức (của Lê Hoài Nam) nói về chuyện hư cấu rất chí lí : “…sáng tạo văn chương, tác giả có quyền hư cấu, nhưng viết về một nhân vật có thật đã đi vào Lịch sử thì lại phải rất thận trọng khi hư cấu, hay nói cách khác, chỉ nên hư cấu những gì không phương hại đến bản chất nhân vật” (trang 196). Nhà vua đã phê truyện “Vĩ nhân thời ốc đảo” có 3 chi tiết nhầm lẫn. Chính tác giả Lê Hoài Nam đã theo nguyên tắc này một cách nghiêm túc trong khi hư cấu việc Tự Đức trong Khiêm Lăng đọc “Piotr Đại đế” của A. Tolstoi và lấy làm tiếc nếu khi sống đọc sách đó thì không khước từ những điều trần, và biết đâu còn học được những điều quan thiết từ ông Piotr ( tr 241-243). Rồi chuyện nhà canh tân Nhật Bản Fukuzawa đến thăm Nguyễn Trường Tộ được viết lại trong truyện ngắn” Vĩ nhân thời ốc đảo”, so sánh thời nhà Nguyễn của Tự Đức với thời Mạc Phủ của Nhật Bản khá thú vị cũng theo nguyên tắc hư cấu đó.
Nhìn chung, nhà văn Lê Hoài Nam đã cố gắng khắc họa các nhân vật chính và phụ trong tiểu thuyết một cách khách quan và gần với họ nhất theo quan niệm của tác giả.
Một số câu, bài thơ chữ Hán cần được xem xét kĩ hơn bản dịch để tránh sai sót.Ví dụ các trang 102, 106, 268. Một số vấn đề tồn nghi, có lẽ nếu không có cứ liệu lịch sử tin cậy thì không nên viết “như đinh đóng cột”. Như chuyện “hai câu thơ” ở trang 262. Dẫu sao bạn đọc và tôi cũng tin vào các vị Hoa Bằng, Tảo Trang nói có sách vở hẳn hoi (Tạp chí văn học số 2 năm 1963 và số 2 năm 1972). Hơn là tin tác giả để cho cụ Nguyễn Tư Giản nói trắng rằng trong “sách của tôi không viết như vậy” (tr.263). Nếu có tài liệu tin cậy để bác lại sự “nhầm lẫn” của các nhà nghiên cứu khả kính trên, thì nhất thiết phải viện dẫn. Sách “Yên Thiều bút lục” của cụ Nguyễn Tư Giản, trong thư viện Khoa học trung ương, kí hiệu A.852, tờ 18 a-b chép câu đối này (câu đối chứ không phải thơ!) nói rõ là Ngải Tuấn Mỹ tặng Phó sứ Nguyễn Tư Giản. Trong sách cũng chép câu đối mà Ngải Tuấn Mỹ tặng Chánh sứ Lê Tuấn, câu đối tặng Phó sứ Hoàng Tịnh.
Thiết nghĩ, tác giả cũng nên đầu tư thêm thời gian, nhất là thỉnh giáo các vị cao niên giỏi Hán Nôm, và thận trọng khi đụng đến những chuyện còn tồn nghi hay chưa thống nhất.
Dù đã cố gắng sửa chữa từ bản PDF đến bản in, nhưng vẫn còn một số lỗi về năm tháng và vi tính, như trang 23, 24, 291.
Dẫu sao, đây cũng là một cuốn sách mà nhà văn dành nhiều tâm huyết và có nhiều thành công.Đúng như tác giả mong muốn.Cuốn sách giúp cho “bạn đọc hiểu, thương yêu và tin yêu con người Việt Nam hơn, yêu Tổ quốc Việt Nam hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét