Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Dạ khúc – Một thông điệp về tình yêu cứu số phận con người

 



Dạ khúc – Một thông điệp về tình yêu cứu số phận con người

(Giới thiệu tiểu thuyết Dạ Khúc của tác giả Thu Lâm – NXB Hội Nhà văn 2020)

 nh_n.t.mai_1

NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

Con người ấy là chàng trai Duy Ánh. Anh bị bệnh trầm cảm nặng rối loạn lo âu ngay từ khi còn là cậu bé học trường tiểu học. Đây là căn bệnh tâm lý phát sinh phổ biến trong thời hiện đại nhưng rất khó chữa. Gia đình Duy Ánh – một gia đình nề nếp gia phong với truyền thống giỏi về âm nhạc, bố mẹ đã dạy và đầu tư đào tạo cho Duy Ánh thành tài năng âm nhạc nhưng rồi họ đều bất lực, bế tắc trước tình trạng bệnh tật của con: Nghe tiếng nhạc là đau đầu, lo sợ khi nhìn thấy bố, không thích tiếp xúc với ai ngoài mẹ, cả ngày chỉ ở trong buồng đóng cửa lặng lẽ một mình, trưởng thành rồi mà chưa biết chăm sóc bản thân… nói chung bệnh trầm cảm nặng đã biến Duy Ánh thành một anh chàng tuy đẹp trai, cao lớn nhưng tinh thần “không khôn lớn”, không biết làm việc gì và luôn phải có người chăm sóc như trẻ nhỏ. Thế rồi một ngày kia, thiên thần xuất hiện trong ngôi nhà như một sự sắp đặt của tạo hóa. Đó là người con gái tên Thanh Nhàn giỏi giang, thông minh, tháo vát với tình yêu nồng nàn kín đáo đã đưa chàng trai Duy Ánh từ bến mê sang bến giác, từ người mộng mị tâm thần thành chàng trai bình thường, biết yêu và biết khát vọng. Cuối cùng anh đã có một gia đình hạnh phúc hòa nhập trong xã hội.

Cốt chuyện đơn giản không éo le lắt léo. Thời gian nghệ thuật theo bố cục truyền thống, không đảo lộn, ảo huyền. Nhân vật xoay quanh chỉ trong 4 người gồm Duy Ánh – nhân vật chính, bố mẹ và cô em nuôi Thanh Nhàn. Không mâu thuẫn xung đột, không có ai phản diện, không có cái xấu cái ác cọ xát với cái tốt cái đẹp. Nhưng bạn đọc thử mở trang sách trên tay, chắc chắn sẽ bị thu hút bởi trong đó tác giả gửi gắm một thông điệp về sự linh diệu của tình yêu đã cứu được số phận con người và Nghệ thuật xây dựng nhân vật với cách lựa chọn tình tiết đặc sắc rất hấp dẫn bạn.

thu_lm

      TÁC GIẢ THU LÂM

 


Quả là vậy. Sống trong nhân gian mỗi người một số phận. Mỗi số phận là một kiếp buồn – vui, may – rủi không giống nhau. Trong những người rủi ro vì bệnh tật, tác giả Thu Lâm chọn lấy người mắc bệnh trầm cảm nặng làm nhân vật trung tâm trong sáng tác của mình. Đây là một đề tài khó viết bởi văn học có quyền hư cấu tưởng tượng nhưng khi đã chạm đến kiến thức khoa học y học đòi hỏi phải có chuyên môn sâu sắc, chính xác, không thể bịa đặt. Với bệnh trầm cảm càng là một lĩnh vực vô cùng khó có tư liệu và vốn sống để viết. Hơn nữa căn bệnh này thực tế đã có nhiều phương pháp cứu chữa. Người mê tín tâm linh cho là ma làm, thánh vật thì chữa bằng cúng bái. Người tin vào y học tìm đến bệnh viện điều trị bằng thuốc. Còn người tin tử vi thì coi như số phận trời định, buông mặc không cứu chữa.  Ngày nay, ngành y học và tâm lý học đã kết hợp nghiên cứu tìm ra nhiều phương pháp chữa bệnh đặc biệt này như: Phương pháp hòa nhập trong sinh hoạt cộng đồng; Phương pháp thâm nhập vào đời sống thiên nhiên; Phương pháp hoạt động thể thao vui chơi; Phương pháp âm nhạc tác động… chắc chắn tác giả Thu Lâm cũng biết đến những phương pháp ấy. Nhưng biết không phải để rập khuôn. Biết để sáng tạo mới đích thực là nhà văn. Và chị đã sáng tạo một “phương pháp chữa bệnh” của riêng mình mà chỉ có văn học nghệ thuật, bằng văn học nghệ thuật mới gửi gắm được thông điệp: Ấy là tình yêu. Tại sao lại là tình yêu? Bởi trước đó, Duy Ánh đã được chạy chữa bằng thuốc bệnh viện, đã có bác sĩ riêng, đã sống trong tình thương yêu sâu nặng của cha mẹ, đã được học nhạc và nghe nhạc… nhưng bệnh càng ngày càng nặng không gì cứu nổi. Chỉ khi Thanh Nhàn – cô gái thực sự khát vọng tình yêu với Duy Ánh xuất hiện, dùng tình yêu thương chăm sóc anh thì căn bệnh mới tiến triển tốt. Tất nhiên Thanh Nhàn cũng kết hợp chữa bệnh bằng việc đưa anh ra hòa nhập với thiên nhiên, xã hội, gia đình, cho anh nghe các bản nhạc phù hợp, xoa bóp bấm huyệt cùng thuốc thang bài bản. Nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn cô là một tình yêu rung động thật lòng, khao khát thật lòng với Duy Ánh, đó mới là động lực thúc đẩy và cũng là tác nhân tích cực nhất tác động vào tâm thần anh. Nếu cô chỉ là một điều dưỡng viên tận tụy, có lương tâm trách nhiệm cao, kể cả có lòng thương yêu con người chung chung thì không thể nào chữa khỏi hẳn bệnh cho Duy Ánh. Viết được điều này, tác giả Thu Lâm còn khẳng định với bạn đọc: Không có thần thánh nào đầy đọa hoặc cứu vớt được con người. Chỉ có con người mới cứu được con người. Nhưng con người ấy phải mang trái tim nhân hậu, có tình yêu chân thành, có tình thương vô bờ và có khát vọng chiến thắng. Để có người ấy, Thu Lâm đã chọn phụ nữ. Và người phụ nữ “thiên thần xuất hiện” chính là Thanh Nhàn. Cô đã từng trải hôn nhân, đã khao khát và thỏa mãn, đã hạnh phúc và cay đắng, đã hy vọng và thất vọng… để khi cứu lấy Duy Ánh cô nhận ra được khát vọng chính đáng của bản thể người phụ nữ. Và một khi nó là khát vọng bản thể thì con người phải giành giật bằng được. Tính nhân văn của tác phẩm là ở đây.

Làm nên giá trị tác phẩm đâu chỉ bởi sự sáng tạo nội dung mà còn ở tài năng nghệ thuật. Với tác phẩm Dạ khúc, tác giả Thu Lâm đã thành công bởi cách xây dựng nhân vật và những tình tiết đặc sắc hấp dẫn người đọc. Như đã giới thiệu, Dạ khúc không có tuyến nhân vật mà chỉ có nhân vật trung tâm, nhân vật chính và nhân vật phụ. Ở đây, Duy Ánh vừa là nhân vật trung tâm vừa là nhân vật chính. Anh có mặt ngay từ dòng chữ đầu tiên, trang đầu tiên của tiểu thuyết và cũng là thời khắc tác giả “đón” nhân vật của mình chui ra từ trong bụng mẹ đúng giờ phút giao thừa “trong một đêm cuối năm mưa phùn gió bấc, đất trời Hà Nội lạnh tê tái”. Chọn thời điểm “năm cùng tháng tận”, ca cuối cùng của ngày cho đứa trẻ sinh ra, lại chọn con số 13 làm thẻ nhớ cho nó, rõ ràng tác giả có ý đồ sắp đặt để người đọc thấy lấp ló dự cảm về một thân phận hẩm hưu sau này. Quả là vậy, nhân vật của Thu Lâm chỉ hạnh phúc ở mấy tuổi đầu đời, còn từ tuổi tiểu học trở đi, anh đã phải chịu nỗi bất hạnh của bệnh tự kỷ dẫn đến trầm cảm nặng khiến bạn bè, cuộc đời bỏ rơi, bố mẹ bất lực. Nhưng khi bạn đọc tin rằng số phận Duy Ánh tất yếu phải cô đơn, buồn thảm vì ngày sinh tháng đẻ không đẹp thì tác giả lập tức cho nhân vật thứ hai xuất hiện. Ấy là Thanh Nhàn – một học trò học nhạc thời trước của mẹ Duy Ánh.  Thanh Nhàn cũng coi như nhân vật chính vì cô gắn bó với nhân vật Duy Ánh, là tác nhân kỳ diệu làm thay đổi cuộc đời và số phận cho Duy Ánh, đánh tan sự hoài nghi, mê tín trong lòng bạn đọc. Nhưng nhân vật Thanh Nhàn được xuất hiện từ từ. Ấy là mãi đến Chương 2 cô mới xuất hiện “lấp ló sau cánh gà” với 4 dòng chữ nghĩa. Rồi chương 3 cũng vài dòng và chương 4 thì xuất hiện với vai chính thật sự. Trong tiểu thuyết Dạ khúc, có lẽ chương 5 nhan đề Duyên số là chương hấp dẫn nhất. Nếu Duy Ánh được xây dựng bằng những tình tiết về tính cách khác thường khiến người ta thương cảm xót xa bao nhiêu thì nhân vật Thanh Nhàn càng có nhiều tình tiết hấp dẫn trong tính cách khiến người ta cảm phục, tin yêu cô bấy nhiêu. Cô yêu chân thành say đắm người chồng ngoại quốc, cô khát khao làm mẹ. Cô quyết tâm đến cùng để thực hiện khát khao đó, cô đầy tự tin để chiếm lĩnh thiên chức… và rồi cô cũng thất vọng ê chề trong đau đớn. Những tình tiết, chi tiết miêu tả tính cách Nhàn cứ tưng tửng như không mà người đọc thấy được tất cả nỗi dằng xé, bứt phá mạnh mẽ trong cô. Và con người như Nhàn một khi đã thất bại trong hôn nhân lần thứ nhất thì lần thứ hai gặp Duy Ánh cô càng giàu trải nghiệm. Vì thế từ hành động đến ngôn ngữ, suy nghĩ của Nhàn, người đọc thấy xây dựng hợp lý, không khiên cưỡng và họ chấp nhận tính cách ấy tất yếu sẽ cải thiện được bệnh tình cho Duy Ánh. Như vậy, “lừa” cho người đọc tưởng Duy Ánh với ngày tháng năm sinh như thế thì phải bất hạnh đến cùng và cảm giác của người đọc cũng căng thẳng, cũng xót xa ghê gớm nhưng đến cùng họ đã vỡ òa hạnh phúc cùng các nhân vật của tác giả. Đó chính là một kiểu xây dựng nhân vật rất lý thú bởi gợi trí tò mò, vì không ai đoán trước được thế nào.

Ngoài hấp dẫn trong cách xây dựng nhân vật, Dạ khúc còn cho ta nhiều cảm phục về kiến thức của tác giả. Ấy là những kiến thức về y học. Tác giả tỏ ra là người rất am hiểu về bệnh trầm cảm –rối loạn lo nghĩ và những phương pháp điều trị. Nhà văn lúc này như một chuyên gia y học cầm bút viết tiểu thuyết bởi chị miêu tả, kể rất tỉ mỉ cụ thể từng bước quy trình điều trị bệnh (trang 185) kể cả bệnh vô sinh hiếm muộn, các phương pháp thụ tinh khoa học hiện nay... Riêng kiến thức về âm nhạc rất phong phú và tinh tế sẽ giúp cho những ai nếu đọc cuốn sách sẽ như được thưởng thức những bản nhạc kinh điển của các thiên tài trên thế giới với những  lời diễn tả giai điệu chính xác, thu hút, mê đắm… ngoài ra kiến thức về hội họa, về văn hóa, phong tục nước ngoài cũng dồi dào giúp bạn đọc có thêm hiểu biết. Đặc biệt, giọng văn trong Dạ khúc giàu chất mộng mơ, dịu dàng phù hợp với nội dung thể hiện và chữ nghĩa khá quy chuẩn.

Theo tôi được biết thì tác phẩm này, tác giả đã dụng công chỉnh sửa, cân nhắc thay đổi câu chữ nhiều lần và cũng vài lần tìm tòi chuyển đổi kết cấu chuyện. Đó là phẩm chất cần thiết của người cầm bút quyết không dễ dãi trong sáng tạo. Trong Dạ khúc còn một điều đáng quý trọng khác. Đó là nội dung câu chuyện có nhiều tình tiết nhạy cảm nhưng người viết không lạm dụng để trưng ra những cảnh ái ân tình dục nhằm câu khách. Tất cả đều được kể hoặc tả rất kín đáo, tế nhị nhưng vẫn gợi hình gợi cảm để người đọc tung hoành tưởng tượng. Đời sống hiện thực là sinh động, chân thực nhưng khi vào tác phẩm không phải bê nguyên xi thô thiển, cũng không được bịa đặt hoặc tránh né. Thế mới khó cho người cầm bút. Nhưng cái khó ấy, tác giả Thu Lâm đã làm được tài tình.

Với làng văn học nước nhà có thể tác phẩm của Thu Lâm chưa gây ảnh hưởng nhiều nhưng với bạn bè và những người yêu văn chương biết Thu Lâm thì những cuốn sách của chị đã thực sự được yêu mến thích thú. Bởi chị là một người viết đam mê, quy chuẩn chữ nghĩa, yêu mến cái đẹp trong nhân cách con người và tác phẩm của chị luôn hướng tới chân thiện mĩ. Chị đã có các tác phẩm: Nước mắt đàn ông (truyện ngắn), Say nắng (truyện dài) và bây giờ là tiểu thuyết Dạ khúc. Mới xuất hiện nhưng bút lực chị dồi dào, tôi tin còn nhiều tác phẩm nữa đang hình thành và sắp ra  mắt bạn đọc.   

 

Thanh Xuân, tháng 3/2021

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

dao

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét