Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

NƯỚC NGA TRONG THƠ BÙI MINH TRÍ

 


NƯỚC NGA TRONG THƠ BÙI MINH TRÍ

BÙI THỊ HẠNH - HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI

 

         Nhà giáo- nhà thơ Bùi Minh Trí đã từng học tập và làm việc tại Nga tới hơn tám năm. Ông học giỏi, chinh phục đỉnh cao khoa học môn Toán ứng dụng. Môn toán tưởng chỉ là các con số và định lí khô khan. Thật ngạc nhiên, người cán bộ giảng dạy Đại học Bách Khoa lại có một tâm hồn mềm mại giàu cảm xúc với thơ văn đến vậy! Thơ ông viết về nhiều cung bậc tình cảm với đất nước, con người, gia đình, nghề nghiệp, xã hội ..v.v… Đặc biệt, ông dành tình cảm tha thiết với nước Nga - nơi nâng cánh ước mơ một thời trẻ trai của ông.

*** Trước hết, nhà thơ yêu lắm cảnh vật thiên nhiên nước Nga.

Cảnh nước Nga đi vào thơ ông như một lẽ thường tình. Bàn chân ông đặt đến đâu là ở đó có thơ. Mỗi mùa trở gió ông đều đã qua: Thu-đông-xuân-hè.

Mỗi cảnh đều được nhận xét tinh tế bằng ngôn ngữ thơ.

Mùa đông nước Nga đi vào thơ ông thật sâu đậm. Dòng Neva uốn khúc, hàng cây lả trong gió, trời như tím hơn. Trong giá lạnh, nhà thơ rất tình khi cảm nhận lửa lòng mình và đôi môi chúm chím của em gái Nga. Nghệ thuật nhân hóa “hàng cây nhóm lửa lòng” thật ấm áp trong giá lạnh:

“Dòng sông uốn khúc chiều thanh vắng

Lả lướt hàng cây nhóm lửa lòng

Gió lạnh về bầu trời chợt tím

Đôi môi em chúm chím thơm nồng”

(Nhớ mùa đông Matxcơva)

Nói đến mùa đông không thể không nói đến tuyết ở Nga. Tuyết như bông hoa nhẹ rơi, trắng đến trinh nguyên. Nhìn bông trắng la đà trong gió, với trí tưởng tượng của một tâm hồn trẻ thơ, ông thấy tuyết như sao sa giữa trời:

“Ôi nhớ sao chiều đông nước Nga/ Tuyết đầu mùa nhẹ rơi la đà”/ “Cảnh vật trinh nguyên làn tuyết phủ/ Sao sa lấp lánh giữa từng không”(Bông tuyết đầu mùa).

Và cả thành phố Leningrad choàng trong màu trắng qua phép điệp từ tạo nhịp điệu nhạc tính cho thơ

“Thành phố Lênin trong tuyết phủ

Trắng trời, trắng đất, trắng sân ga”

(Thăm thầy giáo)

Tôi rất thú vị khi đọc bài thơ “Tuyết đầu mùa”. Tuyết sạch sẽ đến tinh khôi, thành phố như “nàng tiên may áo mới”. Đây là nghệ thuật nhân hóa qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Cảnh không chỉ là cảnh đơn thuần mà tác giả đã khéo léo gửi gấm cảm xúc đầu đời không bao giờ phai- tuyết trinh nguyên hay chàng trai đa tình nguyên trinh đây?

“ Tuyết đầu mùa lộng lẫy

Muốn reo muốn hát cười

Như tình yêu chớm nở

Sáng nụ hôn trên môi”

Nếu mùa đông nước Nga lạnh giá đến run người thì mùa thu Nga thật tuyệt vời.

Mùa thu là một đặc sản của Nga, và không ai là không biết bức tranh tuyệt tác “Mùa thu vàng “ của danh họa Levitan. Mùa thu đi vào thơ ca Nga cũng nhiều như lá thu rơi. Trời xanh gọi đàn sếu về, đỏ rừng phong, lá bạch dương e ấp, thảm lá vàng ảo huyền khiến nhà toán học nao lòng:

“Cây lung linh sắc màu huyền ảo/ Trắng bạch dương vàng đỏ rừng phong/ Làn gió nhẹ lá xoay tròn e ấp/ Mùa thu Nga gợi đến nao lòng” (Mùa thu Nga)

Thu về, hồ Baikal cùng cánh rừng tai ga như lộng lẫy hơn, xanh thắm hơn. Cả đất trời nồng nàn hơi thở “Mùa thu về lá rơi trên bậu cửa / Theo chân người trên thảm cỏ trong rừng”(Hồ Baikal)

Theo bước thời gian, mùa xuân Nga là cả một thiên đường hoa. Dù không một từ nào nhắc đến“xuân”thế mà mùa đơm hoa kết trái ở Matxcơva vẫn hiện lên trong sáng dưới nắng mai

qua nghệ thuật liệt kê:

“Vườn hoa cảnh: mẫu đơn, hoa rẻ quạt

Hoa loa kèn, huệ tây và hoa chuông

Màu rực rỡ bến vương quốc hoa hồng

Tưng bừng hoa tỏa hương thơm ngào ngạt”

(Thiên đường xanh tại Matxcova)

*** Nói đến Nga không thể không nói đến cảnh đẹp mê hồn của cung điện cổ kính.

Bàn chân nhà giáo đã từng đến Cung điện Mùa Đông, Mùa Hè, Mùa Thu. Đến đâu, ông cũng tìm hiểu lịch sử ra đời, những công trình kiến trúc nghệ thuật của cung điện. Vẻ đẹp của kiến trúc cổ Nga khiến ông kinh ngạc và thán phục bằng những nét chấm phá:

- Cung điện Mùa Hè :

“Công trình Nga nổi danh cùng Véc xây

Ta ngây ngất ngắm đài phun tuyệt mỹ

Những lâu đài uy nghi vài thế kỉ

Tháp rực vàng phô rõ cảnh xa hoa”

- Cung điện Mùa Thu:

“ Chóp mái tròn làm chóí mắt dát vàng

Cảnh hữu tình khiến ta choáng ngợp

Vẻ đẹp “giao mùa không góc chết”

Hoài cổ bao đời buồn man mác thu”

- Cung điện Mùa Đông :

“Về đây kiến trúc muôn đời

Nền phòng đá hoa cương lộng lẫy

Nghệ thuật khắp nơi bừng dậy

Nàng tiên soi mình Neva”

Có lúc nhà thơ không khỏi có những phút giây nuối tiếc:“Thành quách nghiêng nghiêng soi bóng nước/Chợt buồn rớm máu thuở vàng son”.Rải rác trong các bài thơ những tên phố, tên đường cổ, tên nhà thờ vài trăm năm luôn được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần:Thành Len, Đại lộ Nhepxki, tượng Đại đế Pi-e tung vó ngựa, Cung điện Ca-thé-ri-na… Ông hiểu biết về nước Nga như hiểu lòng bàn tay mình.

*** Nhà thơ còn dành rất nhiều tình cảm cho nền văn hóa đồ sộ của nước Nga.

Ông đã thật thà bộc bạch sự khâm phục của mình trước một nền văn hóa đáng kính nể:

“Tôi đã mải mê đọc “Chiến tranh và hòa bình”

Như người đi đường lạc vào rừng văn học

Nhưng những gì hiểu được làm tôi phát khóc

Vì tính sử thi và vẻ đẹp tâm hồn Nga”

(Tôi đọc “Chiến tranh và hòa bình”)

Không biết ông đã đọc bao nhiêu tác phẩm của nhà văn Mác Xim Gorki bằng nguyên bản mà ông hiểu nhà văn hàng đầu văn học Cách mạng Nga đến thế :

“Không chết được muốn tìm hiểu chính mình

Đi chân trần khắp nước Nga vĩ đại

Và anh viết ra những gì đã thấy

Đánh lên hồi chuông gióng dả “ Con người”

Ông cũng hiểu nhà văn Sê Khốp- người chuyên viết truyện ngắn đặc sắc phản ánh hiện thực- là một con người khiêm nhường “ Ông vào đời bằng cặp mắt thông minh và hiểu lắm tâm hồn người phụ nữ”. Ông cũng hiểu những trang văn của Sê Khốp phản ánh “cuộc đời đầy biến động” mưu mô xảo quyệt, và ông cũng hiểu nhà văn yêu con người tha thiết.

Là nhà toán học có tâm hồn mơ mộng, không biết bao đêm trắng chàng sinh viên sống với cổ tích Nga huyền ảo li kì “Chuyện Hoàng tử với cánh buồm đỏ thắm/ Hạnh phúc trao nàng tiên nữ dịu hiền” (Giã biệt Leningrad).

Và ông yêu thơ ca Nga bay bổng với những cái tên nổi danh thế giới “Của Puskin, Maia, Ler mon tov…Những ngôi sao sáng rực trời thơ”(Một thoáng thơ ca Nga)

Nhà giáo Minh Trí yêu thơ và còn rất yêu ca hát. (Tôi đã được nghe ông hát trên sân khấu) Chẳng thế mà thời sinh viên, nhà toán học tương lai rất yêu các bài hát Nga. (Không chỉ riêng ông mà một thời thanh niên Hà Nội rất thích nhạc xanh,nhạc Nga êm đềm da diết, trong đó có tôi).Thi sĩ đã dịch bài thơ- bài hát “ Đôi bờ “ từ nguyên bản tiếng Nga. Tâm hồn nhà giáo còn đồng cảm với bài hát:“Cảm xúc em đằm thắm / Đêm dài qua mưa rơi/ Mưa ướt cả lòng người / Em vẫn chờ vẫn đợi”. Bằng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ xúc giác “mưa ướt” sang cảm xúc “lòng người”, nhà thơ đã khéo léo lồng tình cảm yêu thương thông cảm của mình với em gái chung thủy. Tình cảm của tác giả và cô gái Nga như hòa làm một (không biết có em gái tóc vàng nào lọt vào đôi mắt đen của nhà toán học không nhỉ?) :

“Ôi lời ca tha thiết

Xao xuyến nặng ân tình

Ai cũng thấy có mình

Buồn lặn vào sâu thẳm”

(Tiếng hát “Đôi bờ”)

Tôi rất bất ngờ khi đọc bài thơ “Giai điệu tự hào”(tên chương trình của VTV1) ông đã được sống với nước Nga qua bao bài hát ông đã từng hát ngay trên quê hương của nó. Nền nghệ thuật Nga được giới thiệu qua tâm hồn người Việt, tên các bài hát ông không thể quên:Chiều hải cảng, Họa mi ơi đừng hót, Cây thùy dương, Thời thanh niên sôi nổi, Giờ này anh về đâu, Chiều Mat- xcơ-va... Ông da diết đồng cảm với bài hát ngân lên từ trái tim của một thi sĩ :

- Mai nhổ neo sống mái với quân thù

Tim vẫn hát tình ca đằm thắm…

- Đang yên nghỉ Hồng quân

Bỗng tiếng hót vang lên thánh thót

Họa mi ơi đừng hót để anh yên”…

-Xin hãy về quê tôi, miền đồng quê phì nhiêu

“ Có nhiều cô gái đẹp như tiếng ca ban chiều”…

Còn rất nhiều bài thơ trong tập Nước Nga thân thương diễn tả cảm xúc của ông khi nghe các bài hát Nga – bằng tiếng Nga (ông cảm nhận bằng thơ chứ không phải là dịch lời bài hát và cũng không viết theo âm nhạc, có ghi chú tên bài hát bằng tiếng Nga và tên các tác giả).

*** Không chỉ yêu nền văn hóa Nga mà ông còn khâm phục tôn vinh nước Nga - một nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới - một đất nước anh hùng trong cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại.

Nhìn ngắm dòng Volga hiện tại êm đềm trong mát, nhà thơ không khỏi xúc động nhớ về bao triệu người đã đổ máu xương để bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng:

“Vol ga hùng dũng trôi cuồn cuộn

Dựng thành đồng không chịu đầu hàng

Hai bảy triệu người anh dũng hy sinh

Máu đổ xương rơi uy linh Tổ Quốc”

Kẻ thù đã hung bạo nổ súng hòng phá thành trì của Chủ nghĩa xã hội, cả nước Nga đã sôi sục. Từ Quảng Trường Đỏ cuộc diễu binh đã trở thành cuộc hành quân ra thẳng mặt trận:“Hàng bạch dương hiền lành cũng đứng lên/ Ca chiu sa tiễn Hồng Quân ra trận”. Nhà thơ đã dùng nghệ thuật nhân hóa đất nước xứ xở bạch dương để ngợi ca lòng yêu nước, sẵn sàng ra trận chống phát xít bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Đọc thơ nhà giáo, ta có cảm tưởng ông là một phần của nước Nga, người con đất Việt coi nước Nga như quê hương thứ hai của mình. Không chỉ khâm phục mà ông còn đau với nỗi đau mất mát hy sinh: “Giành nhau từng mỗi mét vuông/ Ghê hồn mảnh thịt vụn xương ngập tràn”. Và để có chiến thắng huy hoàng, đất nước hồi sinh,ông đã liên tưởng:“Tưng bừng chiến thắng pháo hoa/ Cũng từ xương máu Volga góp thành”.

Hai hình ảnh đối lập đặt cạnh nhau “pháo hoa”, “xương máu”, kết hợp với hình ảnh ẩn dụ “xương máu Vol- ga” khiến ai đọc cũng phải nghĩ suy,gợi nhiều cảm xúc: Khâm phục, tự hào, thương cảm, biết ơn…

Nhà thơ còn ngưỡng mộ nước Nga vạm vỡ từ khi có Lênin (1917). Có đất nước XHCN đầu tiên thì ông mới có cơ hội được học tập tri thức đỉnh cao. Lòng biết ơn khó nói thành lời. Càng ngưỡng mộ bao nhiêu ông càng nuối tiếc xa xót cho CNXH nước Nga không còn. Ông vẫn một lòng tin vào sự lớn mạnh hùng cường của một dân tộc vĩ đại :

“Ta muốn ngày vẫn xanh đất vẫn xanh

Giảng đường vàng có niềm vui rất thật

Ta mang tình thơ đổ vào trăng khuyết

Nhặt điều giản dị xoa dịu hồn ta”

(Ta muốn ngày vẫn xanh)

Đây là đoạn thơ nói bằng hình tượng văn học. Hình ảnh ẩn dụ “ngày vẫn xanh đất vẫn xanh”, “tình thơ đổ vào trăng khuyết”, “Nhặt điều giản dị” rất sáng tạo đã cho đoạn thơ một chỗ đứng trong lòng người đọc. Thực tế thành quả của CNXH vẫn còn đó.

*** Tôi dành phần cuối bài viết để nói về lòng yêu nước Nga qua những con người cụ thể bằng xương bằng thịt của tác giả.

Học tập và làm việc ở Nga khi còn là một cậu sinh viên mới lớn, nhà thơ được sự giúp đỡ của bao người cô, người thầy. Họ là những người cha, người mẹ nhân hậu coi ông như con, cho ông kiến thức, vật chất và cả đạo đức con người. Ông dành nhiều bài thơ viết về họ. Ông “mãi mãi không quên tình sâu nghĩa nặng - của xứ bạch dương tuyết trắng tim vàng”. Hình ảnh thầy giáo“ Cao cao vầng trán như gương – dẫn tôi vào trời sao lộng gió” luôn trở đi trở lại trong ông suốt những năm tháng qua. Người thầy viện trưởng viện Toán Cơ Đại học Tổng Hợp Leningrad hiện lên thật cảm động sau mấy chục năm ông trở lại thăm thầy “Thầy đón tôi mắt già ứa lệ/ Dáng thanh cao áo gió phôi pha”. Dù thầy đã ở tuổi xưa nay hiếm mà nhà thơ vẫn thấy “Ta bé nhỏ trong vòng tay bao dung và mạnh mẽ/Như tựa vào nước Nga vạm vỡ/Trong mắt thầy dịu mảnh trăng non”. Hình ảnh ẩn dụ kết hợp đối lập : Thầy là “nước Nga vạm vỡ” và cũng là “mảnh trăng non” dịu dàng khiến đọc thơ cứ rưng rưng. Tấm lòng thầy có thể sánh ngang với núi cao sông dài, ông tự hào về thầy:

“Dòng Neva mãi mãi trôi đường bệ

Dù bể dâu đất lở cát bồi

Sóng vẫn dạt dào thầm chứng kiến

Tấm lòng Nga như của thầy tôi”

( Thăm thầy giáo)

Tôi cũng rất xúc động khi đọc bài thơ “Nhớ cô giáo Nga”. Từng câu từng chữ cứ bồi hồi nhớ thương. Ông viết bằng tấm lòng chân thật nhất của người học trò, người con. Cô giáo “Hiền nhân hậu như mẹ ta” - người đã gieo hạt để ông là người gặt khi được mùa, hình ảnh ẩn dụ thật đẹp thật hay:

“Như đường cày rạch trên thửa ruộng hoang/ Niềm sướng vui ngát thơm hương mùa gặt”. Sau bao năm trở về Tổ quốc, ông vẫn không nguôi nhớ cô giáo mà ông trìu mến gọi là Mẹ, thật cảm động khi đọc những vần thơ buồn:

“Nhớ cô giáo từng nụ cười ánh mắt

Bao yêu thương che chở thuở ban đầu

Mẹ Nga ơi giờ này mẹ nơi đâu

Muốn nắm tay nói Spasibo mẹ”

*** Có thể nói, để có được những vần thơ hay về nước Nga, nhà giáo phải có vốn từ phong phú và hiếu biết về nghệ thuật dùng từ. Tôi không có điều kiện phân tích kĩ hơn, chỉ xin liệt kê một số biện pháp nghệ thuật nhà thơ đã dùng.

*Nghệ thuật nhân hóa khiến sự vật vô tri vô giác cũng sinh động như người, biết vui buồn, có ý nghĩ, hành động tâm tình, chia sẻ, mang hơi thở cuộc sống:

Ví dụ:

- Cảnh vật trinh nguyên làn tuyết phủ

- Lả lướt hàng cây nhóm lửa lòng

- Mỗi viên đá Hồng Trường

giấu trong mình lịch sử

- Cớ sao buồn thùy dương yêu mến ?

-Núi dựng bên bờ khoác xanh màu áo

* Nghệ thuật đối lập: Đặt sự vật hiện tượng này cạnh sự vật hiện tượng khác trái ngược nhau để tăng hiệu quả diễn đạt :

-Tuyết trắng tim vàng (Kết hợp ẩn dụ)

- Chẳng nghe thấy ca chiu sa bốc lửa

Hay dịu êm chiều thanh vắng Matxcơva

-Ta nhỏ bé trong vòng tay

bao dung và mạnh mẽ

- Máu đổ xương rơi Tổ Quốc uy linh

Để đất nước hồi sinh bất diệt

*Nghệ thuật so sánh đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật sự việc khác có nét tương đồng để tăng sức gợi cảm : Như tựa vào nước Nga vạm vỡ/ … Như bạch dương đón tia nắng mới…/ Vầng trán như gương

*Nghệ thuật ẩn dụ: Đây là nghệ thuật quan trọng trong thơ, tạo nên hình tượng cho thơ. Nhà thơ Bùi Minh Trí đã dùng nghệ thuật so sánh ngầm ẩn đi sự vật được so sánh chỉ nêu hình ảnh so sánh để người đọc suy ngẫm, thơ mới có chiều sâu.

Ví dụ : -Bạch dương đón tia nắng mới

Cho cây non nảy lộc đâm chồi

- Mưa ướt cả lòng người

- Vẫn cháy trong tim ngọn lửa hồng

- Ngôi sao lấp lánh bừng tươi đỏ

Tim đập Crem-lanh rọi nắng mai

*Nghệ thuật chơi chữ: Dùng từ đồng âm khác nghĩa

- Dẫu tóc bạc mà lòng không bạc

*Nghệ thuật điệp từ:

- Thành phố Lênin trong tuyết phủ

Trắng trời, trắng đất, trắng sân ga

*Dùng nhiều từ láy, láy đôi, láy phụ âm đầu, láy vần, láy hoàn toàn: Chúm chím, mơn man, lả lướt, chứa chan, la đà, thánh thót, dạt dào, rực rỡ, ngào ngạt, lấp lánh, lóng lánh, nâng niu, mơ màng….

*Dùng nhiều từ ghép chính phụ, ngang bằng, ghép đối lập: Nhớ mong, tươi hồng, thanh vắng, thơm nồng, uốn khúc, gian nan, xao động, cạn đêm, thơm nồng, tươi đỏ, trinh nguyên, hùng dũng, rớm máu, vàng son, kì diệu, huyền ảo, xanh thắm, trong veo, nghiêng bóng, ngát hương, óng vàng…

Thơ của thầy Bùi Minh Trí rất ấn tượng, nhiều bài hay, thể thơ đa dạng : Tự do, lục bát, thơ có vần, không vần, thơ 7- 8 tiếng v.v…Tuy nhiên, thơ ông là thơ nói thật, dễ hiểu, tính hình tượng chưa nhiều nên đọc không phải nghĩ. Giá như ông bớt một số câu kể lể, miêu tả đơn giản, từ thừa (VD “Ngày mai tuổi trẻ Nga họp mít tinh/ Tôi nhẩm lại lời bài văn vừa viết/ Kể về miền Nam Thành đồng Tổ quốc/… hay một số bài tả cảnh đơn thuần) Chắc ông cũng đồng ý với tôi: thơ không vần nhưng phải có hình tượng, viết bằng hình ảnh ẩn dụ để người đọc phải ngẫm nghĩ “ý tại ngôn ngoại” mà- dư âm như tiếng chuông ngân. Được như vậy thì thơ ông đã hay rồi sẽ còn hay hơn nữa.

Tóm lại, nhà giáo Bùi Minh Trí đã dành rất nhiều tâm huyết cho nước Nga. Ông viết cả một tập thơ dày dặn 206 trang (không kể lời mở đầu) với 126 bài thơ cho“Nước Nga thân thương”. Nội dung phong phú đa dạng, rất nhiều đề tài về Nga.Trong bài viết này, dù đã cố gắng, tôi cũng chỉ có thể bao quát được những nội dung cơ bản của tập thơ.

Tám năm trong cuộc đời là một quãng thời gian không nhỏ nhà thơ học tập và lớn lên trưởng thành tạị Nga. Đó là quỹ thời gian rất đẹp của đời người- tuổi thanh xuân. Nước Nga đã là một phần kí ức không thể nào quên trong ông. Chính vì vậy, ta dễ hiểu vì sao nhà thơ đã bộc bạch lòng mình:“Dẫu tóc bạc mà lòng không bạc” với nước Nga yêu thương. Bài thơ “Nhớ nước Nga”, nhớ người cũ trường xưa đã nói hộ lòng ông với Tổ quốc thứ hai của mình :

“ Nước Nga tạm biệt buồn da diết

Vẫn cháy trong tim ngọn lửa hồng

Bạn cũ trường xưa tôi nhớ mãi

Ấm lòng tôi cả những đêm đông”

Vâng, nước Nga luôn là ngọn lửa hồng sưởi ấm trái tim nhà thơ suốt cả cuộc đời ! Xin chúc mừng nhà thơ!

----------------

*** Ngay từ hồi còn trẻ tôi đã rất thích nhạc Nga, nhạc êm đềm thiết tha tình người. Khi học Sư phạm Văn, và sau đó là Tổng hợp Văn Hà Nội, tôi được học và viết các bài luận về văn học cổ điển, văn học hiện đại Nga, tôi luôn ngưỡng mộ nước Nga về mọi phương diện. Năm 2013, khi được đọc các bài thơ viết về Nga trong tập thơ “Gió thông xanh”của nhà thơ Bùi Minh Trí (Có 5 bài- bài nào tôi cũng đọc đi đọc lại bởi các bài đều rất giàu cảm xúc sâu lắng chân tình, rất riêng của ông), đó là cú hích động đến lòng cảm phục nước Nga của tôi. Tôi đã viết bài thơ

“Ước thầm nước Nga”

( Mến tặng nhà thơ Bùi Minh Trí)

Anh đưa em đến với nước Nga

Nắng thanh bình “Chiều Matxcơva”

“Hàng thùy dương” rì rào soi bóng

Âu yếm dịu êm bên dòng Nêva

Thảm lá xanh nói lời cỏ hoa

“Đôi bờ” tình yêu chảy trong huyết quản

Muốn làm thiên nga được đùa trên sóng

Tắm trong nhạc Nga da diết ấm lòng

Ước là cô gái Nga thơ Puskin xanh trong

Làm “Thằng ngốc” giữa dòng đời tráo trở

Khỏa mình trên “Sông Đông êm đềm” một thời máu lửa

“Chiến tranh và hòa bình” cứ đan chéo nước Nga

Lêvitan nhuộm tóc em vàng

trong “Mùa thu vàng” thảm lá

Cùng Rêpin gân guốc “Kéo thuyên trên sông Vol- ga”

Bên Kramskôi ngắm “ Người đàn bà xa lạ”

Để tim rung lên trước nghệ thuật thiên tài

Ôi nước Nga vạm vỡ của muôn đời

Đất nước anh hùng Lê nin huyền thoại

Nghĩa địa những ngôi làng

chiến tranh thế giới thứ hai còn mãi

Xin ngàn lần “Đa tạ những tháng năm vĩ đại”

Em mơ được đi trên con đường tri thức

Thầy giáo Nga dắt bước anh qua

Mơ được hôn lên Quảng Trường Đỏ

Và cùng anh nghiêng mình trước Matxcova

Dù em chưa một lần được đến nước Nga!....

Nhà thơ Bùi Minh Trí là chủ nhiệm thơ Nhà giáo Việt Nam, ông đã đọc bài thơ tôi tặng. Thật cảm động và bất ngờ, năm 2016, tôi đã đọc được bài thơ của ông trên mạng. Vô cùng cảm ơn nhà thơ và xin phép ông được viết lại :

Tấm lòng em với nước Nga

(Cảm nhận bài thơ “Ước thầm nước Nga”của

nhà thơ Bùi Thị Hạnh)

Em ước thầm bằng cảm mến nước Nga

Đi trong “chiều thanh vắng Matxcơva”

Hàng thùy dương biếc xanh trang sách mở

Gió rì rào đêm trắng sóng Nêva

Lời cỏ hoa “Đôi bờ” em thầm hát

Nhớ ngày xưa cô gái thức đêm qua

Yêu chiến sĩ bằng tấm tình tha thiết

Mong bên nhau đôi lứa tựa thiên Nga

Em ước là cô gái Nga mơ mộng

Trong áng thơ tình vĩ đại Puskin

Em đồng cảm nàng Acxenhia bốc lửa

Trong áng chiều khói tỏa phủ sông Đông

Và yêu cả nàng Natasa duyên dáng

Sáng bừng lên trong khói lửa chiến tranh

Levitan “Mùa thu vàng” bất tử

Say ngắm “Người đàn bà xa lạ “ mơ màng

Em yêu cả một nước Nga vạm vỡ

Giàu chất nhân văn, đậm chất anh hùng

Mỗi viên đá Hồng Trường

giấu trong mình lịch sử

Trường Đại học Matxcova tỏa ánh hào quang

Cảm ơn em nàng thơ cô gái Việt

Vầng thơ trong giản dị đẹp thiên thần

Yêu nước Nga bằng tấm lòng thơm thảo

Làm chiếc cầu gắn kết mối tình thân.

Một lần nữa xin cảm mến người bạn thơ vong niên nhân hậu (ông hơn tôi 16 tuổi). Trong thơ ca có sự đồng cảm giao lưu thật thú vị. Một kỉ niệm thật đáng trân trọng và nhớ mãi!

BÙI THỊ HẠNH

Hội Nhà văn Hà Nội


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét