BÌNH BÀI THƠ “HỘI LIM” CỦA VŨ ĐÌNH MINH
Hội Lim
Tôi trót biết đời em trắc trở
Nên hội này xem hát chẳng vô tư.
Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
Hát đắm say cho đứt ruột gan người
Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ
Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi
Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi.
!998
Vũ Đình Minh
(Trích trong “Nhà thơ –Nhà giáo”trang 213 NXB Hội Nhà văn
năm 2002)
Lời bình của Thanh Ứng
Bài thơ có tên là “Hội Lim” nhưng Vũ Đình Minh không tả cảnh rộn rã, sôi động muôn màu, muôn sắc của ngày hội mà chỉ nói đến một nghệ thuật dân gian truyền thống nổi tiếng riêng có ở Hội Lim, đó là hát quan họ. Nói đến hát quan họ, anh cũng chỉ nói đến người hát và chỉ nói về một người-một người con gái quan họ đi hát. Người con gái đó có một chút duyên tình mắc mớ mà tác giả đã biết, đã chia sẻ nhưng có lẽ đã không thể giúp gì cho cô gái: “Tôi trót biết đời em trắc trở”. Chữ “trót” nói rõ hoàn cảnh của hai người. Sự trắc trở trong cuộc đời em chính ra anh không nên biết , nhưng rồi do duyên cớ nào đó, anh lại biết. Điều đó ám ảnh anh. Sự ám ảnh này theo anh đến tận ngày hội: “Nên hội này xem hát chẳng vô tư”.
“Xem hát” chứ không phải “nghe hát”. Đó không phải chỉ là công việc của thính giác mà là sự giao cảm của cả tâm hồn con người: Người hát, người xem hát đã có một mối giao cảm riêng chỉ có họ mới thấu hiểu. Chính vì thế, anh không chỉ nghe mà còn nhận biết được cả những cử chỉ, dáng vẻ của người hát. Hơn cả sự đa tình, đa cảm là lòng thương mến, sự chia sẻ. Vẫn những làn điệu quen thuộc, vẫn dáng vẻ con người như những mùa hội xưa, tất cả tưởng như không có gì thay đổi, chỉ riêng tác giả nhận ra điều này:Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
Hát đắm say cho đứt ruột gan người
Câu thơ làm người đọc nhói lòng. Cái “nón thúng quai thao” không còn chỉ là đạo cụ để làm duyên cho người hát nữa mà thưc sự đang là vật để che giấu đi những những nỗi đau mà người con gái phải gánh chịu. Nón nghiêng nghiêng không còn là động tác của vũ điệu mà là hành vi thể hiện những biến thái của tâm hồn. Như muốn che đi những ẩn khuất của con người hay sự quên mình đi để hóa thân vào nghệ thuật và vì thế mà nghệ thuât càng hay, càng lay động lòng người. Đó là sự trắc trở, là nỗi bất hạnh mà người con gái anh gặp trong cuộc đời. Câu hát “đắm say” mà lại làm “đứt ruột gan người”. Người đây là ai ? Là người hát quan họ hay tác giả ?... Chỉ có thể là tác giả vì là ngườì đã “ trót biết đời em dang dở”, là người cùng hội, cùng thuyền, đồng bệnh tương lân. Vì thế, khi người “xem hát” đã cảm nhận đầy đủ những cung bậc tình cảm của giai điệu và lời ca: Nếu em hát câu buồn thì không thể nào buồn hơn lòng em lúc này mà hát câu vui thì “Trên đời đau khổ nào tày / Chuyện vui lại nhớ những ngày thê lương” (Thi hào Ý Đan-tê (1265-1321). Còn người hát thì vẫn tạm quên đi để hát trong ngày xuân, ngày hội, trong lời ca yêu thương, tình tứ của các làn điệu quan họ. Câu thơ có những từ lặp, đay đi, đay lại như chà xát lòng người:
Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ
Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi
Những từ: “Như thể”, “chỉ để”, “để”,”thôi”… tăng sức cảm của câu thơ lên rất nhiều làm cho câu thơ như là trách, như là thương, như là hờn oán .Hai dòng thơ cuối cùng của bài thật khéo:
Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi.
Tác giả nói với làn gió lạnh, nói với người con gái hay nói với chính mình, nói để chia sẻ, để ngăn những giọt nước mắt hay để mình được vơi đi những chạnh lòng buồn đau, sầu não… Thật là nhiều tầng ý Dù sao những giọt nước mắt của người con gái vẫn cứ rơi…không thể kìm nén, không gì ngăn giữ được . Đằng sau những mùa hội, bên trong những lời ca, điệu múa yêu đương, tình tứ vẫn còn những nỗi buồn, những sự bất hạnh. Vũ Đình Minh quan tâm đến sự bất hạnh đó. Nhưng đó không chỉ là sự bất hạnh mà còn là sự hy sinh vượt lên nỗi đau riêng để công hiến cho người xem niềm vui được hưởng thụ nghệ thuật. Nhưng người nghệ sĩ ở đây không phải vì sự thúc ép của ông chủ rạp như trường hợp anh Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan ngày xưa mà là một sự tự giác, tự nguyện của người nghệ sĩ. Bài thơ chứa chan lòng nhân ái, thấm đậm tình người và chứa chất những ám ảnh lớn. Bài thơ tiêu biểu cho thơ Vũ Đình Minh lành dịu mà trĩu nặng nhân tình.Cảm nhận bài thơ này nhân đầu xuân Tân Sửu này, tôi xin được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ một nhà giáo, nhà thơ mà tôi yêu mến đã đi xa …
Thanh Ứng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét