Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

PGS. TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN với THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH

 

PGS. TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN với THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH
                 Bài viết của Phạm Ngọc Tâm Dung
 
PGS.TS. nhà lý luận- phê bình văn học, Tổng biên tập tạp chí "Diễn đàn văn nghệ Việt Nam” Nguyễn Ngọc Thiện là một người học rộng, tài cao, có tầm, có tâm và có đức. Suốt cuộc đời lao động trí tuệ, anh đã từng nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài và có rất nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học văn chương, giảng dạy Đại học và Sau Đại học,...góp phần to lớn vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn chương nước nhà... Với thư viện gia đình như một kho sách khổng lồ hơn mười nghìn đầu sách, "Người phu chữ cần mẫn" tài hoa Nguyễn Ngọc Thiện biến những tri thức đã học, đã đọc, đã dày công nghiên cứu, thành những công trình đồ sộ cho ngành lý luận- phê bình hiện đại. Anh xuất bản nhiều đầu sách nghiên cứu và làm chủ biên nhiều công trình có giá trị khoa học cao, đồng thời đã dìu dắt học trò nhiều thế hệ trưởng thành. Do thành tích xuất sắc, anh đã được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài nể trọng, được nhà nước cùng nhân dân tôn vinh và được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý...

Dù vậy, với bạn bè đồng nghiệp chúng tôi và mọi người, anh là một người giản dị, hiền lành, nhân hậu, chân thật, cởi mở, và dễ hòa đồng... Bao năm nay, đã nhiều lần, anh cùng bạn bè về với MIỀN SÔNG NƯỚC – một xóm nghèo, hẻo lánh tại xã Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình như một duyên nghiệp văn chương. Về miền quê, anh cũng đi bằng xe khách, vui vẻ đi bộ ven sông, uống rượu nhắm với thơ cùng sung xanh và lạc luộc. Rồi về biển Cồn Vành hoang sơ thưởng ngoạn trăng thanh gió mát nơi miền quê... Chúng tôi thật xúc động và hạnh phúc biết bao, khi được các nhà khoa học tên tuổi khen thơ, viết bài giới thiệu, chụp ảnh và đăng trên các báo chí danh giá... Những kỷ niệm đẹp, những lời đánh giá động viên chân thành của các vị khách đặc biệt này đã cho chúng tôi thấy một điều: thơ văn chỉ là cái duyên, cái cớ cho sự thăng hoa của tình bạn, tình người... Qua bài viết này, thay mặt các thi nhân MIỀN CỔ TÍCH xin được nói lời cảm ơn chân thành tới PGS. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện và các anh chị trong nhóm "Chúng tôi yêu nghệ thuật ": PGS.TS. nhà văn Vũ Nho, Thạc sĩ Hoàng Kim Bảo, PGS.TS. Đàm Đức Vượng, nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, kĩ sư nhà thơ Nguyễn Đình Bắc! Cám ơn Ban biên tập "Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam" và các cơ quan báo chí khác đã bao năm ưu ái cùng đồng hành với chúng tôi.
Nhớ lại những năm đầu thập kỷ hai mươi của thế kỷ hai mốt, một buổi sáng rất sớm mùa hè, trên một chuyến xe khách, từ Hà Nội về xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhóm “Chúng tôi yêu nghệ thuật” lần đầu tiên về thăm "Thuyền Thơ" trên dòng Sông Sứ - một vùng làng quê nghèo thuần nông và có nghề phụ là mây tre đan. Chiếc xe khách dừng lại bên chiếc cầu xi măng vào làng. Đoàn chúng tôi ai nấy ba lô, túi xách lục tục xuống xe. Chúng tôi đi men theo lối mòn ngoằn nghèo nho nhỏ, hai bên bờ cỏ dại hoang sơ. Vài bông hoa và con bướm trắng nhởn nhơ như còn sót lại từ thiên niên kỷ trước. Vài chòm lục bình miên man trôi. Đâu đây vài chú dế ngủ mơ tấu kèn ri rỉ... Xa xa, cách tầm vài trăm mét là một xóm nhỏ biếc xanh chìm trong sương khói... Hình như ai cũng cố bước chân gượng nhẹ, dường như e sợ, nếu mạnh hơn chút nữa thì sẽ phá vỡ bầu không gian u tịch ở nơi đây chăng! Chúng tôi cứ chầm chậm bước vào phía chòm xóm nhỏ. Đón chúng tôi là ông chủ "Thuyền Thơ" Phạm Thường Dân cao ráo, khỏe mạnh với bộ quần áo bà ba nâu, đôi guốc mộc, mái tóc bồng bềnh của một thời lãng tử dù nó đã điểm bạc cùng nụ cười nhân hậu và khiêm nhường. Đặc biệt là đôi mắt, nó sâu thẳm và một ánh nhìn khắc khổ mà mơ màng. Cùng với anh còn có một nhóm các Thi Sĩ Đồng Quê: Nguyễn Xuân Nhuận, Quốc Anh, Tô Diệp, Trần Hùng, Trần Thiệu Bá, Nguyễn Văn Thục...ra cùng tay bắt mặt mừng. Đón chúng tôi, còn có những người dân quê trong xóm nhỏ. Một chị gái áo nâu, quần xắn đến bẹn đang hái rau muống bên sông với nụ cười sóng sánh. Một người đàn ông phong trần tên An xách trong tay một xâu cá anh vừa đánh dưới sông lên cười với chúng tôi bằng nụ cười sóng gió. Ở thị thành đã lâu, chưa thấy ai "xâu" cá bằng sợi dây cước thế này. Vài chú nhóc nhanh như chuột nhắt, chúng leo chót vót trên ngọn cây sung và ra sức rung cho những chùm quả chín rụng tom tóp xuống cho đám cá đón lõng quẫy đuôi làm tan đi cái trầm buồn của những cụ sung, cụ si tuổi hạc đã vài trăm năm. Đón chúng tôi, còn có những chiếc cầu ao bằng đá xanh, mặt mòn vẹt in những dấu chân thô ráp của bao kiếp cần lao, của mẹ trên đường trơn gánh nặng, của cô gái xinh đẹp bến sông ngồi chải tóc làm mê mẩn bao khách văn chương... Đón chúng tôi, còn có cơ man nào là mành rễ của những cây si già đòng đưa, những vòm lá rậm rì ken dày tối om, nếu không có bức tường xây rêu phủ thì làm cho ta cảm giác như lạc vào một bờ suối bên cánh rừng nào! Đón chúng tôi còn có những chùm sung sai chiu chít, như thể còn vương dấu ấn của bàn tay mẹ ta nhọc nhằn hái về luộc ăn thay cơm tháng tám ngày ba, hay một chiều nào thèm chua chát mà bứt vài trái chấm muối rồi rau ráu nhai để thai nghén ra ta. "Người" đón chúng tôi cuối cùng là một con thuyền màu xanh xinh đẹp chở đầy thơ và nghĩa tình.
Anh Nguyễn Ngọc Thiện bước trên con cầu tre chênh vênh nối ra thuyền. Chưa khi nào tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt thông tuệ và phúc hậu nơi anh rạng rỡ đến thế. Tiến sĩ Vũ Nho trưởng đoàn, trân trọng giới thiệu Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam với mọi người. Ai cũng ngắm nhìn anh với một tình cảm rất đặc biệt. Đó là sự kính trọng, mến mộ và xúc động vô vàn. Một Tổng biên tập một tờ báo lớn hàng đầu đã đặt chân trên bến sông nghèo, mà say mê cảnh sắc đến lạ kỳ. Rất trân trọng, anh ngồi lắng nghe những vần thơ của anh em thi sĩ đồng quê, nghe lời trần tình của chủ Thuyền Thơ, nghe tiếng hát chèo cùng với tiếng sáo véo von của Trần Hùng. Tất cả như hòa vào không gian sông nước, hòa vào tình bạn tình thơ, hòa vào tình huynh nghĩa đệ. Khác hẳn với bản tính thường ngày kiệm lời, trầm ngâm, hôm đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói nhiều. Anh nói về sự yêu thích khám phá những điều mới lạ độc đáo của mình. Anh nói về sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng về cảnh sắc và con người nơi đây. Anh kể kỷ niệm những chuyến đi thú vị và cả xu thế văn nghệ của tạp chí danh tiếng nơi anh đang giữ trọng trách Tổng biên tập. Rồi anh đề nghị các thi sĩ đồng quê gửi bài để anh lựa chọn đăng báo trung ương... Không phải nói, bạn cũng biết, các "nhà thơ xóm" và người dân xóm nghèo quê tôi hạnh phúc thế nào. Cậu em họ tôi là thầy giáo dạy văn, khăng khăng mời bằng được đoàn khách về nhà dùng bữa trưa. Sau một hồi thảo luận, mọi người nhất trí là "chén chú chén anh" ở thuyền. Ai uống rượu cứ uống, ai đọc thơ cứ đọc, ai kể chuyện cứ kể, ai hát cứ hát...Tưởng chừng như cả thế giới này chỉ có bọn chúng tôi ở thuyền THƠ... Khi trở về Hà Nội, lần nào gặp anh em trong nhóm “Chúng tôi yêu nghệ thuật”, Tổng biên tập cũng nhắc tới kỷ niệm chuyến đi mà anh gọi là "rất thú vị " ấy. Sau đó, chính anh đã đưa những tấm ảnh trong chuyến đi thực tế đó và bài ký giới thiệu về Thuyền Thơ của nhà thơ Ánh Tuyết lên báo. Rồi sau , cứ như thường lệ, năm thì một vài lần, hay vài năm một lần, chính Phó giáo sư Tiến sĩ Ngọc Thiện lại đề nghị nhóm trưởng Vũ Nho tổ chức gặp gỡ nhóm ở Hà Nội hay làm chuyến về thăm nơi xóm nhỏ và con thuyền mà chúng tôi đã "phong" cho nó một cái tên rất...văn chương đó là : “Xóm Cổ Tích” và " Thuyền Thơ"!
Cây có lá, có hoa thì cũng đến mùa quả chín. Theo chân nhóm chúng tôi, rất nhiều tổ chức các câu lạc bộ văn chương, các người yêu thơ bốn phương tám hướng tìm về. Họ đều được chào đón bằng " dòng Sông Sứ nước xanh con mắt biếc", bằng "chòm lục bình trôi miên man trong chiều bát ngát", bằng "đôi bờ xanh cỏ mọc bời bời", và bằng: "Gót chân trần nâng một thoáng áo nâu/ Vành nón lá chao nghiêng thỏ thẻ/ Làn gió mồ côi đâu đây vương rất nhẹ/ Nắng mơ màng hắt ngược dưới sông lên/ Con thuyền say đang ngủ giấc êm đềm / Đầu gối lên bóng si già mấy trăm năm tuổi/ Ngôi nhà cổ rêu phong thâm mái ngói/ Đàn sẻ thung thăng ríu rít gọi bầy..." Rồi thơ đòi sông nước, sông nước đòi thơ...Tác phẩm nối tiếp tác phẩm. Dù chưa phải là hoa lan hoa huệ, cũng là hoa cỏ may, hoa súng... nở rộ xốn xang trên bến sông này. Ngày 19/5/2019 tại "gốc gạo ngàn xưa" (lời thơ của Đỗ Minh Tâm) đã chính thức ra mắt tuyển tập "Thi Nhân Miền Cổ Tích 1" gồm 33 tác giả thuộc Thái Bình và Hà Nội. Ngày 7/7/2020 tại hội trường Hội nhà văn Việt Nam ở Thủ Đô Hà Nội lại chính thức ra mắt "Thi Nhân Miền Cổ Tích 2" gồm 57 tác giả. Lần này có các vị khách mời Vũ Quần Phương, Bằng Việt, TS.Trần Đăng Thao, Đại tá nhà thơ Mai Nam Thắng, nhà báo Kim Quốc Hoa, dịch giả Trần Hậu, nhà thơ Bùi Kim Anh tham dự. Cũng như tất cả các Thi Nhân, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện mừng lắm. Anh nói vui: Từ Thi Nhân Việt Nam đến Thi Nhân Miền Cổ Tích là 37 năm. Chúng tôi biết rằng, anh quá ưu ái, mến thương mà ...ví vui vậy thôi, nhưng ai cũng hạnh phúc. Trong gần mười năm gắn bó với Miền Cổ Tích, vị Tổng biên tập từ chỗ chọn tên gọi, đến việc chọn mặt gửi vàng, anh đã tuyển chọn hàng chục bức ảnh, tác phẩm thơ văn của các thi nhân trân trọng giới thiệu với các văn nghệ sĩ và bạn đọc toàn quốc biết tấm tình và tài nghệ văn thơ của các thi nhân trên chính quý báo mà anh phụ trách. Miền Cổ Tích có được ngày hôm nay gần 400 anh em trong mái ấm văn chương và những tiềm năng sáng tạo nghệ thuật là một kỳ tích. Và người anh cả đỡ đầu đó chính là Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trân quý của chúng tôi.
Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2021
2 bình luận

2 bình luận


Vu Nho
Chúc mừng
Trưởng Miền và PGS.TS. Ngu

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét