ĐÊM NOEL
Truyện ngắn của Thu Lâm
Cái tên Tạ Bích Việt nghe vừa nặng nề vừa nam tính, ấy vậy mà lại được đặt cho một cô gái. Hồi đó chưa có siêu âm ba chiều hiện đại như bây giờ để xác định giới tính khi người mẹ mang thai. Bởi vậy, khi mẹ cô sắp đến ngày sinh nở thì bố cô được điều đi công tác nước ngoài gấp. Trước khi đi, ông dặn lại vợ nếu là con gái thì đặt tên là Bích, còn nếu con trai thì đặt là Việt.
Một tháng sau, cô bé được sinh ra nặng hơn ba kí lô, bụ bẫm kháu khỉnh, tóc rậm rịt, mặt mũi phương phi như một bé trai. Các cô trong kíp đỡ đẻ reo lên: "A! Con trai!" Rồi dơ lên cho mẹ bé xem, bỗng một cô lại reo lên: "Ơ! là con gái, cu cậu kháu thật đấy, khóc rõ là to...".
Mẹ cô sung sướng nhìn đứa con mang nặng đẻ đau mới được sinh ra, bao nhiêu mệt nhọc đau đớn tiêu tan hết. Trai hay gái đều là kết quả tình yêu của bố mẹ cô. Bà áp cô con gái bé bỏng vào ngực, truyền hơi ấm và sức sống mới cho cô.
- Thế chị đặt tên con là gì để còn vào sổ và khai giấy chứng sinh?
Một cô trong kíp đỡ đẻ hỏi.
Mẹ chẳng cần suy nghĩ nói luôn:
- Tên bé là Bích Việt - Tạ Bích Việt.
- Con gái xinh thế này mà sao chị lại đặt tên Việt như tên con trai vậy.
- Cứ ghi tạm thế đi, chồng tôi anh ấy thích như vậy. Sau này muốn đổi thì khi làm giấy khai sinh tôi sẽ sửa sau.
Thế rồi sau đó mẹ cô một mình nuôi con bận bịu vất vả, chẳng có thì giờ nghĩ đến việc đổi lại tên cho con. Việc làm giấy khai sinh cũng phải nhờ người làm hộ. Vậy là cái tên Bích Việt đã theo cô suốt đời.
Ngạn ngữ có câu: "Người làm sao của chiêm bao làm vậy". Bích Việt "trộm vía" dễ nuôi, dễ ăn, dễ ngủ. Cô cứ lớn dần theo năm tháng thành một cô bé khoẻ mạnh, nghịch ngợm, hiếu động vô cùng. Bố mẹ cô nói đùa: "Cái tên nó vận vào con bé nhà mình hay sao ấy". Được cái tuy nghịch ngợm nhưng nó ngoan và học giỏi.
Bố mẹ đã rất yêu quý và cưng chiều cô vì cô là con một, nhưng không vì thế mà cô bé ỷ lại, luôn tự mình làm mọi việc như một cậu con trai có bản lĩnh.
Ngay từ khi cắp sách đến trường Bích Việt luôn đứng đầu lớp, không những về học lực mà còn về khả năng dẫn dắt. quy tụ bạn bè. Bởi vậy các chức danh tổ trưởng, lớp trưởng… cô luôn được mọi người và thầy cô tín nhiệm bầu.
Cho tới khi cô học đại học cũng vậy, Bích Việt vẫn giữ được vai trò “thủ lĩnh”. Những hoạt động chính khóa, ngoại khóa, những cuộc đi chơi dã ngoại xa gần, bạn bè đều tôn vinh cô là “người truyền cảm hứng” tổ chức và dẫn dắt đội nhóm thành công.
Trong nhóm bạn bè quy tụ xung quanh Việt có một nhân vật được gọi là “đệ tử” của cô, luôn ngưỡng mộ và thần phục cô trong mọi quyết định và ý kiến đưa ra. Đó là Bảo, cậu có khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, bụ sữa. Tuy cùng trang lứa với Việt và các bạn nhưng cậu vẫn như “baby”, nên mọi người đặt cho cậu cái tên “Bảo sữa”. Không hiểu sao cậu rất ngưỡng mộ Việt. Thấy Bảo nhiệt tình với cô như vậy nên bạn bè lại gắn thêm danh hiệu “đệ tử” của cô. Bảo không hề tự ái mà còn tự hào ra mặt. Từ đó cậu lại càng phát huy vai trò “đệ tử” luôn lẽo đẽo cặp kè bên Việt, chỉ mong cô sai phái điều gì đấy để thực hiện. Còn Việt, cô xem Bảo như một cậu em. Mặc kệ, cô sử dụng cậu ta đúng như vai trò “đệ tử”. Bảo đương nhiên làm tốt mọi sai phái và quyết định của “thủ lĩnh” đưa ra. Biết bao kỷ niệm gắn bó “thủ lĩnh” và “đệ tử”.
Lần ấy, cả đội “phượt” lớp KTA1 rủ nhau cưỡi xe máy đi Sa Pa. Địa danh được gọi là “nóc nhà Đông Dương”. Đỉnh Fansipan huyền thoại cao hơn ba nghìn một trăm mét, là điểm đến mà họ đã ao ước từ lâu, nhất định phải được ngắm tuyết rơi trên đỉnh núi hùng vĩ này.
Vậy là nhân nghỉ lễ Noel bọn họ đón nghe thời tiết, đợi cho nhiệt độ xuống thấp nhất là lên đường. Lần đó thời tiết như chiều ý bọn họ, tuổi trẻ ngông cuồng và hiếu thắng, chẳng ai ngăn cản được họ. Bố mẹ khuyên cũng bỏ ngoài tai.
Trời mùa đông lạnh buốt, “Thủ lĩnh” Bích Việt diện một chiếc quần Jean bó sát lấy cặp đùi dài thẳng tắp, vừa khoẻ khoắn vừa gợi cảm. Đôi giày thể thao trắng ôm khít đôi chân cỡ ba tám, làm cho chủ nhân của nó di chuyển rất nhẹ nhàng chuẩn xác. Áo len dày cao cổ có femeture kéo kín sát tận mang tai. Bên ngoài cô khoác một chiếc bludong trần lông thú nhẹ tênh nhưng vô cùng ấm áp và có mũ trùm đầu. Ngoài cùng là một chiếc áo khoác vải vi ni lon màu xanh tím than dài gần đến gối để chống mưa bụi, rất thời trang và tiện lợi. Mái tóc cắt ngắn gọn gàng trong một chiếc mũ len dầy ấm áp, chỉ còn hở mỗi khuôn mặt hơi góc cạnh nhưng rất cá tính với đôi mắt nghiêm nghị nhìn các bạn.
Từ trang phục đến thần thái ở Bích Việt toát lên một cái gì đó như là “cái uy của người thủ lĩnh”. Tất cả đã được nai nịt gọn gàng, quần áo ấm áp, cô giơ tay đi găng da mầu đen ra lệnh: “Lên đường”. Mặc dù gương mặt cô chưa thấy thoải mái sau cuộc đối thoại với Bảo. Một dự cảm không lành bỗng gợn lên trong cô.
Thế là cả đoàn vui vẻ hăm hở lên đường từ tờ mờ sáng. Tất cả một đoàn năm xe máy tốt với mười phượt thủ nổ máy lên đường. Từng cặp đôi một, nối đuôi nhau lao đi. Tất nhiên ngồi sau Bảo là “thủ lĩnh” Bích Việt dẫn đầu đoàn. Bảo phấn khích ra mặt, phóng xe vun vút trước mọi người. Việt ngồi sau ôm chặt eo Bảo, miệng hét lên:
- Đi từ từ thôi, làm gì mà phởn thế, chờ mọi người, bám sát nhau.
Cứ như vậy, họ mệt đâu nghỉ đó, thấy chỗ nào phong cảnh đẹp dừng lại chụp ảnh. Đi hết cung đường đồng bằng, SaPa hiện lên như một khung cảnh Châu Âu trên đất Việt. Mặc dù nhiệt độ chưa tới không độ để có tuyết rơi, nhưng Sapa đã trở lên huyền ảo dưới ánh mặt trời yếu ớt buổi sáng. Phong cảnh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng, cảm giác như bay bổng, bồng bềnh trên những đám mây. Không còn những thửa ruộng bậc thang xanh mướt hay óng ánh vàng vào mùa gặt, không còn các loại cây ăn quả hay các loài hoa rừng rực rỡ. Tất cả đều chìm vào trong một mầu xám trắng ảm đạm, như đang im lặng chờ đợi thời khắc thiêng liêng của lễ giáng sinh sắp đến. Để rồi một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Tuyết rơi! Lúc đó, tuyết sẽ rơi trắng xóa vùng đất Sapa, khiến cho những núi Hàm Rồng, Fansipan hay thung lũng Mường Hoa sẽ tràn ngập trong tuyết. Tha hồ mà check in, sống ảo… Với tâm trạng như vậy, cả đoàn hăm hở đi tiếp.
Chặng nghỉ cuối cùng cách Sapa khoảng chục cây số thì sự cố xảy ra. Đôi Việt, Bảo sữa phải cố gắng lắm mới đi được tới đây. Cô đã phải đổi tay lái cho Bảo từ lâu rồi. Cậu bị cảm lạnh rét run cầm cập, phải ngồi sau ôm chặt lấy eo, đầu gục trên lưng Việt. Mặc dù trên dọc đường cô đã phải ghé vào cửa hàng mua cho Bảo thêm áo ấm, găng tay và mũ len. Nhưng cậu đã bị nhiễm lạnh rồi, cậu rên lên: “Không đi được nữa, cho tớ xuống thôi”.
Cả hội bảo nhau dừng xe. Mọi người dìu Bảo vào quán, cho cậu uống trà gừng rồi đốt đống lửa cho cậu sưởi. Bảo chưa bao giờ dầu dãi sương gió như thế này, cậu sống trong sự bao bọc yêu thương của người mẹ đơn thân. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của cậu.
Cả hội xúm quanh đống lửa bàn tính nên xử lý tình huống này ra sao. Việt “thủ lĩnh” vừa thương Bảo, vừa bực mình vì cậu quá yếu ớt không chút kinh nghiệm đã làm ảnh hưởng cả đội.
Trước lúc xuất phát, cô đã phải quát lên với Bảo:
- Mặc thế này chịu sao nổi rét Sapa, về nhà lấy thêm áo len mặc vào trong, mũ len đâu? Găng tay đâu! Trời ơi! Có phải trò đùa đâu mà ăn mặc kiểu này.
Bảo cười vô tư nói: Yên tâm đi, đủ ấm rồi. Cơ thể tớ nhiều mỡ nên chống rét tốt.
Việt ra lệnh:
- Khai trừ Bảo ra khỏi đội. Tôi đi một mình một xe; không cần cậu, về nhà với mẹ đi.
Bảo bướng bỉnh rút chìa khóa xe đút túi quần. Cậu dứt khoát không về. Thế là buộc lòng mọi người phải đồng ý cho cậu đi cùng. Bây giờ Việt càng thấm thía cho quyết định không kiên quyết của mình. Sự
yếu lòng thường hỏng việc.
Bảo vẫn rét run cầm cập, rồi lên cơn sốt nóng. Việt mở điện thoại tìm một “Homestay” theo chỉ dẫn của Google gần đấy để đưa Bảo nghỉ tại đó. Cô ra quyết định: mọi người tiếp tục cuộc hành trình về đích chặng cuối, phải lên được đỉnh của “nóc nhà Đông Dương”, phải đón lễ giáng sinh ở nhà thờ Đá quảng trường Sapa, còn Việt tình nguyện ở lại chăm sóc Bảo. Nếu đêm nay và sáng mai có tuyết rơi nữa là chuyến đi thành công.
Việt dìu Bảo lên “Homestay” nằm lưng chừng một sườn núi nhỏ bên lề đường. Vất vả lắm hai đứa mới lên đến nơi. Trời! đây là “Homestay” sao?
Một túp lều lợp lá chưa được chục m2. Siêu vẹo nằm chênh vênh trên sườn núi. Việt và Bảo phải cúi thật thấp mới chui qua được khung cửa ra vào làm bằng một tấm phên nứa ọp ẹp. Cô nhìn quanh căn lều mong tìm nhanh một chỗ ấm áp cho Bảo nằm. Dưới sàn là một tấm nệm, may mà cũng có được một tấm dra trắng phủ lên, được vứt chỏng chơ giữa nhà. Sàn nhà lổn nhổn toàn các viên đá cỡ củ đậu chổng ngược, đi giầy thể thao dẫm lên mà vẫn đau nhói. Việt thất vọng vô cùng vừa mệt, vừa lo, vừa bực . Cô trút giận vào cô bé người dân tộc làm “reception” vừa mở cửa
để đưa chăn và hướng dẫn sử dụng “Homestay”:
- Đây là chuồng bò chứ đâu phải “Homestay”? Làm ăn kiểu gì vậy, thế mà cũng quảng cáo lên Google.
- Ôi! Tây họ thích lắm vớ! Trải nghiệm mà chị.
- Cửa giả thế kia thì Tây nào chui vừa, thôi đừng nói khoác nữa, lấy cho tôi thêm cái chăn với ấm đun siêu tốc.
- Qui định chỉ có một chăn thôi chị ạ. Ấm không có đâu, em sẽ đưa lên một phích nước sôi nhưng phải trả thêm tiền đấy chị ơi!
- Có gì ăn không? Vừa đói vừa mệt đây!
- Có mì và phích nước đấy chị, hai gói chị nhé. Tất cả thanh toán tiền ngay, em không đi lên xuống được nữa đâu!
Việt cáu kỉnh ấn Bảo để nguyên áo quần nằm xuống đệm, lấy chăn đắp lên cho cậu ta đỡ lạnh, Bảo đổ vật xuống đệm không còn biết gì.
Đó là một đêm gần như “trắng” của Việt. Giữa vùng núi xa xôi hẻo lánh, tiếng côn trùng kêu rả rích, tiếng gió rít qua khe cửa bằng liếp che mỏng manh. Đêm Noel của cô và Bảo diễn ra trong một túp lều tồi tàn hoang vắng chứ không phải trong một hang núi đá huyền thoại kỳ bí nào. Việt lo lắng cho Bảo, vừa thương vừa giận người bạn trai non nớt đang dựa vào “bờ vai” của mình. Ôi! Ngược đời thật.
Lo cho bạn xong mọi việc, Việt định thu xếp cho mình một chỗ ngả lưng đỡ mỏi. Tai ác thay, chỉ có một tấm đệm nhỏ và một chăn đã dành cho Bảo rồi, biết ngả lưng đâu bây giờ. Thời tiết càng về khuya càng lạnh, đúng như mong ước của đoàn “phượt” đi ngắm tuyết rơi. Nhưng đáng buồn thay “thủ lĩnh” thì nằm co nơi đây với đệ tử “ngã ngựa”. Việt ân hận vì mình chuẩn bị không chu đáo đã dẫn đến tình cảnh này, nhớ những lời can ngăn của mẹ, cô lại càng hối hận. Cô ngồi dưới chân Bảo, lưng dựa vào tường, duỗi đôi chân mỏi nhừ tê dại, tháo đôi giày thể thao xoa bóp ngón chân.
Ôi! lạnh quá không chịu nổi, cô đánh liều thò hai chân vào trong chăn của Bảo, Bảo sốt nóng nên ấm quá. Vậy là Việt đã không cưỡng lại được cơn buồn ngủ và cái lạnh thấu xương đang hành hạ cô. Không còn cách nào khác, cô từ từ tuồn cả cơ thể nguyên áo quần vào trong chăn của Bảo lúc nào không hay.
Có tiếng gà gáy te te vang lên, trời đã sáng, ngoài kia mặt trời yếu ớt dần nhô lên. Người đầu tiên tỉnh dậy lại là Bảo, sau khi uống hạ sốt và đánh một giấc ngủ li bì qua đêm, cậu dường như đã tỉnh táo. Tiếng gà gáy ban mai đã đánh thức cậu dậy, cậu ngơ ngác định hình xem đang ở đâu? Ơ hay! Sao mình lại ôm đôi chân đi tất của ai đây nhỉ, rồi cặp đùi mặc quần bò đang áp sát vào ngực cậu.
Chết cha rồi! Bảo đã nhớ ra Việt - “Homestay”!
Đúng lúc này, Việt bừng tỉnh, cô cũng giật mình như Bảo, một đôi chân cô đang ôm cứng ấm áp ngủ ngon lành đêm qua. Sáng nay hiện trường vẫn còn nguyên vẹn, cô bật dậy hốt hoảng, rồi khi đã định thần lại được, cô bỗng bật cười ngặt nghẽo hóa ra đêm qua hai đứa nằm tráo đầu đuôi.
Như chợt nhớ ra điều gì, cô không cười nữa mà tiến gần cửa sổ, mở cánh cửa ra ngoài và thảng thốt kêu lên:
- Tuyết đây rồi, tuyết rơi, Bảo ơi ra đây mà xem!
Bảo lao ra cửa sổ nhìn ra ngoài, cậu cũng ngỡ ngàng kêu lên.
- Trời ơi! Đẹp quá, từ thuở bé đến giờ mới nhìn thấy tuyết rơi.
Đêm qua tuyết đã rơi, tất cả khung cảnh bên ngoài chìm trong tuyết trắng với một vẻ đẹp kỳ diệu. Những khóm cậy lúp xúp xung quanh “Homestay” đã phủ đầy tuyết. Phía bên kia là những cây cao với cành cây khẳng khiu vươn lên như những cánh tay trắng vươn tìm ánh mặt trời. Xa xa là những ngôi nhà sàn nằm trơ trọi giữa núi rừng rộng mênh mông đã được khoác lên mình một mầu trắng tinh khiết của tuyết. Con đường mòn từ “Homestay” xuống sườn núi cũng đã phủ đầy tuyết trắng không còn lối mòn như hôm qua.
Tuyết vẫn rơi rơi, ánh mặt trời yếu ớt le lói nhích dần lên, len lỏi hòa vào mầu trắng tinh khiết của tuyết, làm lên một bức tranh thiên nhiên hoàn hảo kỳ vĩ mà cuộc đời một con người hiếm có cơ hội chiêm ngưỡng. Một kỷ niệm không bao giờ quên của Việt và “Bảo sữa”.
Ra trường Việt và Bảo đều được làm việc ở Hà Nội. Sau những cuộc phỏng vấn khắt khe, họ đều vượt qua. Như thuở sinh viên, Việt vẫn là “Thủ lĩnh” của Bảo. Cô làm việc ở cơ quan cấp Trung ương, còn Bảo làm việc ở cơ quan Hà Nội. Chiểu theo ngành dọc thì Việt là cấp trên của Bảo. Nhưng không hề gì, họ vẫn là những người bạn thân thường xuyên gặp nhau trong công việc, lúc nào rảnh họ lại cùng nhóm “Bạn xưa” sinh viên tụ tập café hoặc đánh chén, ôn lại những năm tháng rực rỡ ồn ào của thời sinh viên.
Thế rồi, theo quy luật cuộc đời nhóm “Bạn xưa” tan rã dần, lần lượt các cánh thiệp mời được tung ra. Họ đã lấy chồng, lấy vợ, mỗi người đi theo con đường của riêng mình đã chọn, không còn đủ thời gian và cơ hội gặp nhau thường xuyên nữa. Cuối cùng, chỉ còn trơ lại “Thủ lĩnh và đệ tử”, họ vẫn bền bỉ thủy chung bên nhau, mặc dù đơn thuần vẫn chỉ là tình bạn, nhưng dần dần Việt mơ hồ nhận ra hình như Bảo không vô tư như cô nghĩ.
Thời gian trôi, sinh nhật lần thứ 28 của Việt đã đến, cô nhận được một bó hoa duy nhất với 28 bông hồng rất đẹp. Cô cắm hoa vào lọ thầm khen người chọn hoa thật khéo. Cô bình thản mở thiệp chúc mừng ra đọc : “À thì ra của Bảo sữa”. Cô mỉm cười nhìn nét chữ quen thuộc của “đệ tử” trung thành:
“Tôi yêu Việt! Đừng từ chối tôi nhé”.
Ôi! “Đệ tử” ơi! Thật hay đùa đây? Việt phân vân không hiểu đây là lời lẽ nghiêm túc hay lại là một trò đùa ác khẩu. Nhưng dù sao lời tỏ tình giản dị của Bảo cũng đã làm cho trái tim cô loạn nhịp. Điều đó cũng thật dễ hiểu, mặc dù đã trải qua hai mươi bẩy lần sinh nhật, cô chưa hề nhận được một bó hoa hoặc một lời tỏ tình của người đàn ông nào. Lần thứ hai mươi tám, Bảo đã đánh thức bản năng phụ nữ trong người con gái cứng rắn này. Lẽ nào cá tính mạnh mẽ của cô lại trở thành điểm yếu của người phụ nữ mà không phải là điểm hấp dẫn các đấng mày râu. Mặc kệ! cô vẫn sống vui vẻ, tự tin không tỏ vẻ nóng ruột vội vã.
Không tự tin sao được, về hình thức, Việt được
thừa hưởng dáng vẻ cao ráo thông minh của bố, nước da trắng trẻo mịn màng của mẹ, cùng với nét mặt hài hòa ưa nhìn. Vậy mà, không hiểu sao, hạnh phúc chưa mỉm cười với cô. Bản thân cô cũng nhận thấy mình chưa hề có cảm giác yêu một người đàn ông nào đó, cô chưa biết yêu là gì. Mẹ cô nói: “là duyên chưa đến”. Vậy cô cứ lạc quan mà sống thôi! Thế rồi cái duyên “trời định” đã đến với Việt.
Sinh nhật lần thứ 29, bạn bè cô nhận được thiệp mời đám cưới, cô dâu là “Tạ Bích Việt” và chú rể không ai khác đó là “Trần Trí Bảo” một tin vui “bom tấn” đến với đám bạn bè của cô dâu chú rể, một cái kết có hậu và đẹp như mơ mà bạn bè bao lâu nay vun vén bồi đắp.
Mừng nhất vẫn là bố mẹ hai bên cô dâu, chú rể. Đặc biệt là bà mẹ chồng Việt. Đã hai mươi chín năm nay bà là mẹ đơn thân nuôi dạy Bảo ăn học đến nơi đến chốn, bà chỉ mong sao Bảo tìm được một người vợ con nhà gia giáo có học thức, khỏe mạnh, đảm đang, tháo vát. Ước sao được vậy, con dâu bà có tất, thậm chí còn dư thừa các tiêu chuẩn mẫu mà bà ao ước.
Sau tuần trăng mật, bà gọi hai vợ chồng lại và tuyên bố:
- Bây giờ nhà mình đã có thêm con về là con dâu, nhưng mẹ coi con như con gái mẹ. Đã nhiều năm nay, mẹ lo thu vén gia đình, chăm sóc cho Bảo là chồng của con bây giờ. Mẹ cũng đã nhiều tuổi rồi, không đủ sức khỏe để quán xuyến nữa. Vậy mẹ trao lại toàn bộ công việc gia đình cho con dâu mẹ. Khi các con chưa sinh con, mẹ tranh thủ dành thời gian cho bản thân một chút, đó là được nghỉ ngơi chăm sóc phần tâm linh cho cả gia đình, đi chùa chiền, thỉnh thoảng du lịch đây đó với bạn bè. Khi nào có cháu nội mẹ sẽ dành thời gian chăm sóc cháu.
Còn cửa hàng mặt đường đang cho thuê là nguồn thu nhập chính của nhà mình, kỳ tới Việt sẽ thay mẹ ký hợp đồng và quản lý thu chi trong gia đình. Mẹ sẽ giữ 1/3 tiền thuê nhà để chi tiêu riêng và phòng khi ốm đau. Mẹ chồng cô còn dặn dò nhiều điều nữa.
Bảo ngồi yên nghe mẹ sắp đặt không có ý kiến gì giống như bản tính của cậu. Nghe lời mẹ và vâng lời thì giờ đây sẽ nghe lời vợ và vâng lời vợ. Việt thoáng buồn khi dần nhận ra không thấy bản lĩnh đàn ông của chồng thể hiện ở đâu và khi nào?.
Cuộc hôn nhân của Việt cũng chỉ là ngẫu nhiên, ngẫu nhiên có một người đàn ông tỏ tình, người ấy cô quá hiểu rõ, rất tốt, rất dễ bảo, có học, trai Hà Nội, con nhà đàng hoàng. Vậy mà, tình cảm của Việt dành cho Bảo chưa hẳn là tình yêu. Cô chưa cảm nhận thấy nhớ nhung hay khát khao gặp gỡ người mà mình định lấy làm chồng. Cảm giác mà các cô bạn thân hay to nhỏ, rỉ tai cho nhau biết thế nào là yêu. Việt chưa hề cảm nhận được.
Sau lời tỏ tình, Bảo kiên trì “đeo bám” Việt. Cậu yêu cô thật sự, có lẽ từ thủa sinh viên, “hiện tượng Việt”cứ ngấm dần, nghiện dần khiến cậu không sao đi theo hướng khác được. Những kỷ niệm với cô như khắc sâu trong tim cậu nhất là đêm Noel tuyết rơi trắng trời Sapa năm nào đã là dấu ấn không phai mờ. Cậu yêu Việt và ngưỡng mộ người bạn gái đầy bản
lĩnh này một cách chân thành.
Còn Việt, cô chần chừ đắn đo, chờ đợi giây phút rung động từ con tim đến với Bảo để quyết định nói lời yêu, nhưng mãi rung động đó vẫn không đến. Trong khi đó bố mẹ và bạn bè vun vào, giục giã làm cho cô sao lòng. Mẹ nói:
- Cưới nhau đi, tình yêu sẽ đến sau đêm tân hôn đấy con ạ. Thằng Bảo nó tốt và yêu con thế còn ai bằng nữa, sắp 30 xuân đến nơi rồi, còn sinh con nữa chứ.
Cô bạn gái thân nhất thì khuyên:
- Bảo sữa làm chồng là tốt rồi, nó dễ bảo dễ sai. Không ương bướng gàn dở như lão chồng tớ. Lúc nào cũng chỉ muốn lên giọng lãnh đạo, mệt hết cả người, đau cả đầu!
Vậy là sau một năm, cô đã quyết định bàn đến ngày cưới, đánh liều phó thác cuộc đời mình cho số phận. Cuộc đời người phụ nữ như một ván bài “được ăn cả, ngã về không”. Thôi! Nếu có ngã ngựa giữa đường thì lãi được những đứa con, ai đó cũng khuyên cô như vậy.
Thế là, đám cưới diễn ra vui vẻ hoan hỷ. Đã ba năm trôi qua, cô có được một bé trai kháu khỉnh. Việt thực sự làm chủ gia đình theo đúng nghĩa đen. Cô phải gồng mình lên để vừa làm tốt công việc cơ quan, lại vừa đảm đang công việc gia đình. Ở cơ quan cô cũng đã được thăng tiến vì năng lực thực sự. Còn gia đình cô đảm trách tất cả các chức danh: Làm chủ gia đình, làm vợ, làm mẹ, làm chị, làm dâu thảo hiền… Trời ơi! Cực kỳ mệt mỏi. Nhiều lúc cô cảm thấy chán nản. Nếu như song hành với nỗi vất vả của người phụ nữ là một tình yêu cực lớn đủ để vỗ về yêu thương ấp ủ động viên cho người phụ nữ vượt qua. Nhưng trong trường hợp này thì không. Việt không tìm thấy ở chồng một bờ vai vững chãi để nương tựa, an ủi, sẻ chia. Chồng cô lúc nào cũng như một cậu bé trong hình hài người lớn, sống vô lo vô nghĩ, vì đã có người khác lo hộ cậu, nghĩ hộ cậu rồi. Từ thuở bé cậu quen dựa vào mẹ, cho đến bây giờ bên vợ cũng vậy thôi.
Cuộc hôn nhân của cô chỉ mới ba năm, vậy mà cô thấy mỏi mệt vô cùng, mỗi khi nghĩ đến người chồng vô lo vô nghĩ, một câu hỏi luôn hiện ra: “liệu rồi sẽ kéo dài được bao lâu nữa”?
Một cảm giác buồn bã rã rời xâm chiếm tâm hồn cô. Tình yêu ơi! Biết tìm nơi đâu? Suốt cả cuộc đời con người ai cũng kiếm tìm như một sự may rủi, hình như “rủi” thì nhiều mà “may” thì hiếm lắm. Thôi đành vậy: “nước đến đâu bắc cầu đến đấy”.
Hà Nội, Tháng 12/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét