LÁ RỤNG VỀ CỘI
TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI
Căn
nhà ba gian hai trái của gã làm theo kiểu Bắc. Khuôn sân nhỏ và mái
tranh được mấy tầng xanh thẫm tán cây cầy che mát suốt ngày. Thân cây
này chừng ba người giang tay mới ôm giáp một vòng. Thời chiến tranh
chống Mỹ, vùng này bom đạn ác liệt thế, chả hiểu sao nó không bị phạt
đứt cành nào. Cứ sừng sừng đứng trên đỉnh dốc thả bóng râm che gần hết
đoạn đường thoai thoải chạy xuống bến đò. Mùa mưa nước sông dâng cao, từ
chân sóng lên đỉnh dốc chỉ còn vài chục mét. Ngồi trước cửa nhà, gã có
thể phóng tầm mắt bao quát gần hết mặt sông vắng lặng, lâu lâu mới bị
khuấy động bởi một bóng chim bìm bịp đơn độc kêu vài tiếng rồi vỗ cánh
bay sang phía bờ bên kia. Người qua sông chủ yếu là dân xã kinh tế mới
đi làm rẫy. Tầm tám giờ sáng đã hết khách, ông lái đò cắm sào rồi lừ đừ
leo dốc ngồi gà gật trên tấm ván bìa gã dùng làm ghế đặt cạnh gốc cây cổ
Từ thành phố, Ba Khốt về đây theo diện kinh tế mới. Hắn không chọn nhà trong khu dân cư mà nhắm cái bến đò hẻo lánh này. Mình nóng tính. Ở chỗ đông người, hay va chạm, dễ nổi nóng táng thằng nào đó một phát nặng tay, xơi cơm tù, ngán lắm. Ấy là lời hắn rủ rỉ với gã sau hai ly rượu sắn. Chả biết hắn nói thật hay còn nguồn cơn nào khác. Phải công nhận thằng cha này chuyện gì cũng biết. Như là chiều nay, thấy gã nhướng mắt nhìn hai người vác hai bó le từ dưới bến đi lên, hắn thông tin liền: Vợ chồng thằng Hai Bắc sang bên này từ lúc nãy. Chắc mệt quá giờ mới có sức lết về nhà. Gã xoay nửa người ngó theo, chỉ thấy tấm lưng trần gầy trơ xương của anh chồng nghiêng nghiêng vác bó cây dài thượt đè một bên vai. Tấm áo may bằng bao cát buộc ngang hông buông lõa thõa. Hai ống quần lửng chạm hai đầu gối rách te tướp để hở hai ống chân khẳng khiu đen đúa dẹo nẹo từng bước đi chậm chạp. Cô vợ thì ngược lại, sức nặng của bó le dường như chả thấm tháp gì, cứ nhịp nhàng hai bắp chân tròn lẳn bắt đúng nhịp hai đầu bó cây nhún nhẩy mà toăn toắt bước. Bàn tay bên kia ve vảy vành nón vải. Cánh tay bên này trắng muốt tới nách giơ cao ôm gọn bó le áp sát một bên tai. Mái tóc dầy mượt xổ tung trùm kín tấm lưng mềm mại. Mỗi bước là mỗi lần uốn éo mấy đường cong thanh xuân lộ liễu kiểu chết người. Nghe anh chồng nói to với vợ câu gì đó, gã chợt sững người. Rõ ràng ngữ âm vùng quê gã. Chiều hôm sau, gã cố ý thơ thẩn như kẻ đợi đò. Chờ đúng chuyến chở vợ chồng Hai Bắc cập bến, gã bước đến phụ một tay khiêng hai bó le qua mạn thuyền, chỉ với mục đích được nghe thật rõ lúc anh ta mở miệng: Cám ơn anh. Trăm phần trăm thổ âm đơn đớt vùng quê gã rồi. Nhìn kỹ khuôn mặt hằn nhiều đường nhăn khổ đau của Hai Bắc, gã mơ hồ mấy nét quen quen. Nhưng đích xác là ai thì chịu. Nửa đêm, một cái tên bật ra trong đầu, gã nhỏm dậy lay vai vợ: Chiều qua tôi vừa gặp anh Khoan. Vẫn cái tật ngủ như chết, vợ gã làu bàu: Xạo xịa. Khoan nào, nghe nói mất tích trong Nam lâu rồi. Có là ma.
Hồi ấy, nhà gã ở đầu làng. Nhà anh Khoan ở cuối làng. Năm gã học cấp hai, anh Khoan đã được đề bạt chức gì to lắm trên tỉnh, nghe đâu trưởng hay phó phòng nào đấy của Ty Thương nghiệp. Thời cái kim sợi chỉ cũng phân phối, là nhân viên quèn ở cửa hàng mậu dịch đã là mơ ước của nhiều người. Huống hồ được giữ trọng trách nắm quyền ban phát nhu yếu phẩm cho hầu hết cán bộ và từng dân thường cả tỉnh, thì anh Khoan phải oách đến cỡ nào. Ấy là trí tưởng thời học trò non nớt gã nghĩ vậy. Mà anh Khoan oách thật. Mỗi sáng thứ hai lên tỉnh, anh cỡi chiếc xe đạp Favorit sơn màu xanh biếc chạy ro ro qua cổng nhà gã, gã chỉ muốn đón đường sờ sờ vào cái khung xe bóng lộn ấy xem nó mát lạnh tới tim không. Ngày ấy, ông chủ tịch xã cũng chỉ được phân phối loại Thống nhất do mình chế tạo, vành sắt gặp nước mưa, lười lau khô sẽ bị rỉ sét ngay tắp lự, khung xe chạy vài tháng đã tróc sơn nham nhở. Còn xe của anh Khoan, đích thực hàng ngoại nhập made in Sì-Vát-Lô-Kia, tức là của nước bạn Tiệp Khắc xa tít tận châu Âu viện trợ. Tìm khắp huyện họa chăng vài chiếc. Rồi anh Khoan được điều động đi đâu, bí mật đến chị vợ anh cũng tù mù. Mấy năm sau, buổi gã lên đường vào chiến trường B, ông anh họ phụ trách quân lực quân đoàn bí mật rỉ tai: Trong ấy ác liệt, gian khổ lắm đấy. Chú phải ráng mà chịu đựng. Đừng chiêu hồi như anh Khoan con cụ Bớt làm xấu mặt gia đình, làng xóm đấy. Nói nhỏ cho chú biết thôi. Kín miệng. Đến cụ Bớt và vợ anh ấy tổ chức cũng chưa thông báo. Lúc ấy gã đã rất choáng váng. Nhưng chưa sửng sốt bất ngờ bằng cái sự thật gã vừa phát hiện ra anh Hai Bắc chính là anh Khoan còn sống sờ sờ. Năm hòa bình đầu tiên, gã còn tại ngũ, vợ gã viết thư kể chuyện cụ Bớt lặn lội vào Nam tìm anh Khoan. Ít bữa sau cụ về, ngồi ủ rũ hút thuốc lào rồi khuyên con dâu tái giá, để thằng cháu đấy bố nuôi cho. Bố nó chết thật rồi. Nhưng chị Khoan chỉ ôm con khóc ròng, không nghe lời bố chồng. Bây giờ cụ Bớt đã mất rồi. Sau cuộc chiến chống bọn bành trướng xâm lăng, gã được rời quân ngũ. Ở quê mấy năm, gã chuyển cả nhà vào Nam lập nghiệp. Buổi gã giã từ anh em làng xóm, đúng vào ngày chị Khoan lưu luyến tiễn đứa con duy nhất gia nhập quân đội theo diện nghĩa vụ quân sự. Sáng ấy gã gặp người em anh Khoan về xã tuyển quân, biết thêm anh ấy mới về địa phương nhận chức huyện đội trưởng.
Gã hỏi Ba Khốt: Ông có quen biết vợ chồng cái tay Hai Bắc ấy không? Hắn ta tủm tỉm: Mê con vợ nó rồi hả? Gã cắt ngang: Bậy nào. Dỡn anh hai chút thôi. Dính vào hạng gái ấy khổ một đời là cái chắc. Rồi Ba Khốt kể: Không những quen mà còn rành sáu câu nữa đấy. Hồi đó, nhà chúng tôi ở cùng một khu gia binh. Cách nhau vài căn. Thằng chả này chính cống cán binh Việt cộng chiêu hồi. Vợ gã, gái miền Tây, tham gia cái tổ chức phụ nữ gì đấy của bà Nhu với nhiệm vụ thâm nhập vào các trại tù binh, xổ đủ mánh mung lung lạc rồi lôi kéo họ chiêu hồi. Bắt được anh nào làm chồng thì có thưởng. Con vợ cha này, hồi ấy đẹp phây phây, đôi mắt lúng liếng vậy, đàn ông nào chẳng chết. Huống hồ tình cảnh Hai Bắc đang chịu thân phận tù đày, ngày về Bắc thì thăm thẳm. Chỉ một phút yếu lòng là xuống hố rồi. Nhưng mà cũng phải phục hắn, mắc lưới nhền nhện của ả này rồi, chiêu hồi rồi, vẫn khăng khăng chẳng cộng tác gì với phía bên này. Cứ ngày ngày mang bộ mặt lầm lầm đạp chiếc ba gác chở đồ cho mấy bà ngoài chợ. Con vợ chịu không xiết đã toan kiếm thằng khác. May gặp 30 tháng 4, không thì em tếch đường em tắp lự. Bây giờ chả hom hem thế, con vợ thì phốp pháp thế, kiếm được mối nào ngon ngon, tôi đoan chắc nó bỏ chả này liền. Ông hỏi gia cảnh vợ chồng Hai Bắc hả? Một mái tranh cùn, hai trái tim lạc nhịp. Nói thiệt, bi đát, tiêu điều lắm. Tôi e mai kia rừng le phá mãi rồi cũng hết, tới đó chả sống bằng gì. Mẫu rẫy xã chia cho, chả không có khả năng canh tác, đem cho người ta rồi. Cái hồi mới lên kinh tế mới, được trợ cấp sáu tháng lương thực, dân tém hết, kêu ca quá sá, lại được cấp thêm mấy tháng bo bo. Thằng con gã từ nhỏ tí đã nhai bo bo riết, đến nỗi sau này khá lên tí chút, đút cơm vào miệng, nó cứ nhè ra. Đưa bo bo thì nuốt.
Gã chủ động tìm đến nhà Hai Bắc. Căn nhà chừng hai chục mét vuông, mái tranh, vách đất, ban kinh tế mới cấp cho, lúc đầu cửa nẻo thế nào, bây giờ vẫn vậy. Hư chỗ nào, dặm dọi chỗ ấy, dấu vết lộ ra nham nhở, chứng tỏ chủ nhân tạm bợ sống qua ngày. Hai Bắc tiếp gã ngoài sân, chỗ gốc mít đặt sẵn hai cục gỗ tròn làm ghế ngồi. Lặng nhìn chủ nhà quần chẳng ra quần, áo chẳng ra áo, tấm giẻ lau còn lành lặn hơn, gã muốn rơi nước mắt. Hình như nghe mấy lời gã cố tình đơn đớt giọng quê, Hai Bắc nhận ra hơi hướng chốn xưa, cứ trân trân nhìn gã. Chờ cho cơn xúc động tạm lắng, gã nói liền một mạch: Tôi nhận ra anh Khoan làng mình từ mấy bữa nay rồi. Lâu nay cả làng cứ đinh ninh anh mất tích. Nhà em ở đầu làng, con ông X… chắc anh cũng biết. Ngày ấy, anh cưỡi xe Favorit chạy qua cổng nhà em mỗi sáng. Gần hai chục năm rồi, anh không nhận ra em cũng phải. Nếu như anh không giữ được giọng quê thì em cũng chẳng nhận ra anh. Hôm ấy anh Khoan cứ cúi mặt khóc, hai bàn tay đầy sẹo liên tục mở ra nắm vào xoắn vào nhau. Hai dứa con anh, đứa gái chừng mười tuổi, thằng em cỡ năm tuổi, áo quần đứa nào đứa nấy xú xứa như cha. Má chúng nó lắng nghe câu chuyện, từ trong nhà bước ra, chắc là tò mò coi mặt gã thế nào. Gã cứ tưởng vợ anh Khoan cũng là sa lưới sưới như chồng. Nhưng… trước mắt gã, một thiếu phụ chừng ba chục tuổi, óng ả trong bộ đồ bà ba lụa tơ tằm, ôm sát eo lưng, hai vạt trước điểm xuyết mấy bông hoa chanh tim tím thêu rất khéo phủ lên vồng ngực căng tròn. Gã phải công nhận chị ta rất đẹp. Trong hoàn cảnh lam lũ vậy mà từ gương mặt đến hai cánh tay sắn cao quá khuỷu vẫn mịn màng, trắng tươi màu da con nít. Nhưng mà hai đuôi mắt, ai nhìn vào cũng thấy như là ưng ửng nước. Gã tưởng tượng, chị ta khẽ chớp chớp làn mi chắc hẳn sẽ rào rào tuôn ra những dòng lệ đau buồn giả dối. Sau một câu chào nhạt nhẽo, ả quay lưng núng nính cặp mông, khép lại hai cánh cửa tre dệu dạo.
Chiều hôm sau, y hẹn, anh Khoan dẫn hai con đến chơi nhà gã. Đứa bé gái bảo má cháu mệt. Gã nghĩ chắc chị ta tránh mặt. Buổi sáng vợ gã đi chợ mua được con cheo cheo làm món giả cầy đãi khách. Nhìn hai đứa con anh Khoan suỵt soạt ăn vã mồ hôi, vợ gã ngân ngấn hai dòng nước mắt. Suốt buổi họp mặt, gã tế nhị không gợi chuyện quá khứ, nhưng anh Khoan vẫn khóc ròng, không một lời bào chữa đổ lỗi cho hoàn cảnh, chỉ tự mình giày vò, sỉ vả mình. Gã an ủi: Anh tuy có một chút yếu lòng, nhưng mà cái đận Mậu Thân ấy, tan tác vậy, có mắc lỗi cũng được đôi phần thể tất. Có câu, giận con ai bẻ thước mà đo. Dân mình khoan dung rộng lượng lắm. Anh cứ nghĩ đến mấy năm chiến đấu cùng đồng đội mà lấy lại nghị lực sống cho mình, cho hai con nữa. Lúc anh Khoan ra về, vợ gã tặng các cháu mỗi đứa hai bộ đồ. Anh cảm động cám ơn, Tôi biếu anh bộ quân phục ka ki Tô Châu mới tinh. Anh từ chối: Tôi còn mặt mũi nào mà mặc bộ đồ này. Đã một lần làm vấy bẩn nó rồi, cả đời tôi cũng không mong gột sạch được. Nói rồi anh lại khóc.
Mải theo những chuyến xe trâu chở thuê cho mấy ông chủ ruộng thu hoạch củ mỳ, khoảng mười ngày nay gã không gặp vợ chồng anh Khoan qua sông vào rừng. Ba Khốt nhanh nhảu thông báo: Què rồi. Cha ấy trèo lên mái nhà sửa chữa chi đó, bị té trật khớp cổ chân. Vậy là anh ấy bị đói rồi. Gã nghĩ, rồi ba chân bốn cẳng mang mươi ký gạo với chai nước mắm đến nhà anh Khoan. Một góc nhà thủng mái to bằng vành thúng, một nửa cây đòn tay gẫy còn treo đu dưa đè lên hai rẻ kèo ọp ẹp. Anh Khoan nằm trên tấm chiếu bàng giữa nhà, một chân co, một chân duỗi. Bên chân co đầu gối xưng lêu lếu. Hai đứa nhỏ đang hì hục bóc vỏ củ mỳ bên gốc mít. Gã hỏi: Má các cháu đâu? Anh Khoan nhếch mép: Đi làm cấp dưỡng cho bọn thợ cưa nào đấy, Mấy hôm nay không về.
Đời đến khúc này thì anh Khoan lại lâm vào đoạn đường khốn khổ không hồi kết rồi. Gã biết bọn lâm tặc phá rừng này toàn là mấy tay bộ đội tục tạt từ trại kỷ luật quân đội mới được thả về địa phương. Chúng tụ lại ở đây, lấy rừng sâu làm nơi tá túc. Mấy lần xã đội huy động gã cùng anh em dân phòng kết hợp với kiểm lâm truy quét, tập kích vào mấy địa điểm, nhưng chỉ thu được những tấm ván bìa nằm lăn lóc xung quanh mấy gốc cổ thụ đỏ bầm tuổi đời trên dưới trăm năm. Tết năm ngoái gã từng tiếp xúc với bọn chúng. Biết gã là lính đặc công đích thực. Lấy cớ chúc tết đầu xuân, chúng mò vào nhà gã làm quen. Cả bọn năm thằng lực lưỡng. Thằng cầm đầu ít nói, mặt ngay đơ, ánh mắt lạnh lùng sát khí, tay áo cụt tới nách để lộ hình xăm hai túi mật người tím lịm treo lủng lẳng đầu mũi dao găm dính máu. Một thằng trắng trẻo, mặt đẹp kiểu tài tử xi nê, mở phanh hai vạt áo rằn ri khoe dòng chữ: Đàn bà, con gái, tao yêu tuốt, nằm vắt chéo hình quả tim bị mũi tên xuyên qua. Ba thằng kia, thằng đầu trọc, thằng răng hô, thằng hi hí mắt, qua cử chỉ, ăn nói, gã xếp chúng vào loại lâu la, không đáng quan tâm. Sau mấy lời vòng vo nhân danh đồng hương Bắc kỳ, thằng cầm đầu xổ toẹt chủ ý mời gã tham gia công việc chuyên chở gỗ lậu giao cho khách hàng. Gã từ tốn chỉ lên mấy tấm bằng huân chương trên vách: Cả năm chú đấu với anh một trận, nếu anh thua sẽ cúc cung xin một chân đệ tử. Giao hẹn trước, vỡ mặt, gẫy lưng đừng mang lòng thâm thù nhau đấy. Gã vừa dứt lời, thằng cầm đầu vẫy tay chuồn êm.
Nghe gã kể chuyện này, Ba Khốt hạ giọng: Đó là băng Hải Phòng, ra đòn nặng tay có tiếng đấy. Ấp trưởng ấp này, cả dân quân tự vệ xã bên từng bị bọn nó đuổi chạy té đái. Thằng đại ca can tội mổ bụng tử thi lính Pôn Pốt lấy mật. Suýt bị xử tử hình. Chả hiểu sao lâu nay xuất hiện ở đây. Nghe nói dịch mật người đặc trị bệnh lao, giá mỗi cái ngất ngưởng cây vàng. Còn thằng đẹp trai, mỗi tội hám gái. Đóng quân ở đâu cũng để lại mấy cái bầu. Bị kỷ luật vài năm. Nó có giấy trả tự do đàng hoàng, không chịu về Bắc. Gã vặn hỏi Ba Khốt: Sao ông biết những chuyện này? Hắn cười bí hiểm: Ông quên tôi chở đò ngang à? Một ngày khách chờ sang sông, tán gẫu bao nhiêu thời sự.
Tưởng gã chưa biết, Ba Khố sốt dẻo báo tin: Biết gì chưa? Vợ Hai Bắc kỳ bỏ nhà theo bọn Hải Phòng rồi. Gã hỏi lại cho chắc chắn: Chính xác không đấy? Thì mới nửa đêm qua tôi chở con mẻ ấy với thằng trọc đầu, mỗi đứa mang một bao gạo và mắm muối nặng lặc lè. Vậy là rõ rồi. Cái phương án lâu nay gã trù tính đưa bố con anh Khoan về quê đã đến lúc phải thực hiện rồi. Liên lạc với người em anh Khoan, cả vợ anh ấy nữa, họ mừng quá, muốn vào đón ngay. Nhưng gã bảo để làm công tác tư tưởng cho anh ấy nhuần nhĩ đã.
Lại bất ngờ nữa xẩy ra, bảnh mắt, bỏ mặc khách chờ đò, Ba Khốt đập cửa nhà gã thình thình gấp gáp: Thằng máu gái bắn chết thằng xăm túi mật rồi quẵm con vợ Hai Bắc chạy trốn rồi. Do tranh nhau cái l… thôi. Đêm qua thằng răng vẩu lẩn vào nhà tôi lẩn tránh, tôi khuyên nó đi trình báo công an. Nó vâng dạ rồi lặn vào bóng đêm. Ba Khốt chưa hết lời đã nghe còi hụ, một xe công an xịch đến bến đò, bước xuống xe có thằng răng vẩu.
Gã đến nhà anh Khoan. Chân anh vẫn chưa khỏi què. Hai đứa nhỏ ngồi cạnh niêu cơm với lỏng chỏng chén nước tương. Biết rằng kể cho anh nội tình vụ án mạng xẩy ra đêm qua có liên quan đến mẹ của hai đứa nhỏ vào lúc này thì thật nhẫn tâm. Nhưng sự thể không giấu được. Nghe tin dữ, tinh thần anh Khoan gần như sụp đổ, miệng không ngớt than: Vậy là hai con tôi mất mẹ thật rồi. Tôi ốm yếu thế này, chúng trông cậy vào ai. Gã phát cáu: Đến nước này anh còn chưa tỉnh ngộ hay sao. Với hạng người ấy, con cái có ý nghĩa gì đâu. Anh cứ yên tâm để vợ chồng em lo liệu. Quay đầu về quê hương bản quán là con đường đúng nhất lúc này. Em đã liên lạc với em anh rồi, cả chị ấy cũng nhất trí. Mai mốt họ sẽ vào đây đón anh và các cháu. Anh Khoan co rúm người, thở không ra hơi: Tôi còn mặt mũi nào mà bước chân về giáp mặt anh em làng nước nữa. Muốn chết lâu rồi, chỉ vướng hai đứa kia bỏ cho ai. Gã phải thủ thỉ khuyên giải một tràng dài về tình máu mủ, về nghĩa xóm giềng và lòng khoan dung độ lượng thực sự của chính quyền, của nhân dân. Với nhiều kẻ trọng tội thế nào còn được tha thứ, huống hồ với anh. Cái sự không hợp tác với địch trong suốt thời gian anh ở Sài Gòn đã xứng đáng đón nhận những tấm chân tình ấy rồi. Hình như anh Khoan có ý nguôi nguôi. Lúc gã ra về, anh khoan nắm tay gã: Anh nghe lời chú, mọi sự anh trông nhờ vào chú.
Không ai học được chữ ngờ. Hai người thân của anh Khoan vào đến nơi thì chỉ còn gặp cái xác anh ấy gã vừa thuê xe lôi chở về từ bệnh viện tỉnh. Anh Khoan bị kiết lỵ, đi ra máu đến ngày thứ ba mới cho con báo cho gã biết. Vợ chồng gã cuống cuồng đưa anh lên huyện, rồi lên tỉnh cấp cứu. Nhưng cơ địa anh Khoan suy nhược lâu ngày rồi. Khoa học cũng bó tay. Lúc lâm chung, anh Khoan chỉ còn đủ sức nhấc bàn tay sờ đầu hai đứa con thơ, ứa nước mắt ngước nhìn vợ chồng gã rồi ngừng thở.
Mới qua mấy năm mà nghĩa địa làng kinh tế mới đã lô nhô nấm đất. Nấm cỏ úa vàng. Nấm xanh mơn mởn. Nấm rầu rầu màu đất mới. Đưa đám anh Khoan có bốn vành khăn trắng. Một của người em trai anh, một của người vợ anh ở quê nhà, và hai vuông vải trắng quấn quanh mái đầu hai đứa trẻ thơ ngác ngác ngơ ngơ. Sáng ấy, bầu trời âm u, mưa lâm râm không ngớt. Nhìn hai đứa trẻ lướt thướt núp dưới hai nách mẹ già, không ai cầm được hai dòng nước mắt.
Buổi tiễn đưa gia đình anh Khoan trở lại quê nhà, ông Trời đổ mưa không ngớt. Dường như ông khóc lần cuối cho anh Khoan, cho hai đứa nhỏ, cho vợ anh, em trai anh, lâu nay họ cạn nước mắt rồi. Thôi thì anh Khoan ơi, cay đắng đời anh, đến lúc này coi như anh nếm trải hết rồi. Cầu mong cho cuộc đời hai cháu từ nay sáng sủa, thanh nhàn, hạnh phúc trong vòng tay người vợ thủy chung nhân hậu của anh. Cầu mong cho vong hồn anh có khôn thiêng hãy theo chân họ về với tổ tiên mà thụ hưởng khói hương từ những tấm lòng máu chảy ruột mềm.
Anh Khoan ơi! Cuộc trở về của anh, đáng ra phải thật cởi mở, thật ấm lòng người. Nghĩ câu lá rụng về cội, tưởng đơn giản vậy, mà sao vận vào anh, nó thật xót sa ai oán giữa cõi đời chưa bao giờ chấm dứt trầm luân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét