Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

HỒN ĐẤT


 

HỒN ĐẤT

 

         TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 

 




 

      Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, gã đã cưng cứng tuổi, đơn vị cho xuất ngũ. Gã nghĩ, trải qua những trận mưa bom bão đạn, mang được tấm thân lành lặn về sống với vợ con là hạnh phúc nhất rồi. Chỉ cần ngày hai buổi cần mẫn ra đồng làm anh xã viên hợp tác xã thì đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, như là cái câu bọn gã thường hát không biết chán ngày còn mặc áo lính. Nhưng, ở quê hai ba năm liền, cái nước da mai mái bởi nhiễm sốt rét rừng thời chống Mỹ chả sáng lên được chút nào, con cái gã hai bữa ăn chỉ được lưng lửng bụng, gã âm thầm trù tính một cuộc đổi đời. Nửa đêm rì rầm mưa dầm tháng tám, gã thủ thỉ bên tai vợ: Tôi muốn một mình đi tiền trạm, kiếm chỗ nào đó trong Nam rồi chuyển cả nhà mình vào lập nghiệp. Cứ cung cách làm ăn ất ơ kiểu này, đời mình, đời hai con khó mà mọc mũi xủi tăm. Vợ gã đáp gọn lỏn: Gớm! Cứ như đồng chí chỉ huy trung đội năm xưa ấy. Tùy, ông tính sao tôi cũng ừ. Gã nghĩ nàng đang ngái ngủ, u ơ nói cho qua chuyện. Thôi kệ, được lời ấy cũng đủ lý do yên tâm vào chiến dịch rồi. 

Vậy là sáng hôm sau, con em còn ngủ, con chị đeo túi sách sắp sửa đến trường tiểu học, gã ôm nó vào lòng, móc túi lấy ra hai hào cho con, nén xúc động dặn dò: Mua mấy cái kẹo chia cho em ăn với. Bố đi vắng ít hôm, ở nhà trông em cho mẹ đi làm hợp tác. Đừng bén mảng chỗ cầu ao, trượt chân té xuống nước như hôm nọ, thì khốn đấy. Con nhớ nhé. Chờ cho con gái bụng dạ rỗng không lún cún đi khỏi cổng một lúc lâu, gã mới nhấc chiếc ba lô con cóc đã lộn trái thành chiếc túi, rồi nắm tay vợ bùi ngùi chào từ biệt. Vợ gã rân rấn nước mắt, bịn rịn dúi vào tay gã mấy tờ bạc lẻ cuối cùng: Còn năm đồng mới bán hai buồng chuối xanh, bố nó mang thêm, trong ví nhõn trăm bạc bõ bèn gì. Gã bảo: Để dành mua mắm muối, mẹ nó còn đồng nào đâu. Ối sời, người đi xa mới lo, ở nhà thế nào chả xong. Vợ gã nói nhẹ tênh. Nhét xấp tiền năm hào nhàu nhĩ vào túi áo, gã thấy một bên lồng ngực nặng như đeo trái lựu đạn thuở gần chục năm khoác súng đì đoàng đánh Mỹ. 

Ngày ăn hai ổ bánh mì, uống nước lã, gã rảo qua mấy tỉnh Tây nguyên. Mấy đồng đội đã yên ổn lập nghiệp ở đấy từ ngày ra quân. Thằng nào cũng vài ba mẫu cà phê mỡ màng đang mùa thu hoạch. Chúng đều bảo: Ông muộn mất rồi. Giá đất bây giờ đắt lắm. Vốn liếng nhà cửa ở quê bán đi, không mua được vài sào, gia đình ông sống sao nổi. Được mỗi đứa gom góp giúp cho tí chút, gã mới đủ tiền dông thẳng vào Tây Ninh, cũng là cầu may vớt vát thôi. Gã đến đúng lúc ban điều hành cái làng kinh tế mới gần biên giới này giải thể chuyển giao cho Ủy ban nhân dân xã T… vừa thành lập. Gã xuất trình giấy tờ và nêu nguyện vọng xin nhập cư. May gặp ông chủ tịch cùng cánh mũ tai bèo như gã, vui vẻ tiếp nhận ngay. Sau cái bắt tay ấm áp tình đồng đội, ông sốt sắng lệnh anh cho nhân viên văn phòng dẫn xuống ấp Bốn còn mấy căn nhà bỏ trống. Cái tay cần vụ chạy giấy này tướng gian gian, mặt choắt, mắt lé, cằm nhọn, gầy tong teo, đứng đi lóm thóm trong bộ đồ quân giải phóng nửa mạc rộng thùng thình. Gã nghĩ chắc là của ai cho, bộ dạng tách da dúm xương đánh đấm gì. Rời trụ sở Ủy Ban, anh ta dẫn gã ra con đường thẳng tắp, đơn điệu hai bên hai dãy nhà vách trát đất cùng một kiểu, cùng quay mặt hướng vào nhau. Thi thoảng qua một căn cửa nẻo tuềnh toàng, mái tranh xờ xạc, vuông sân cỏ mọc rậm rì, gã đoán đấy là nhà vô chủ. Chắc mẩm mình sẽ được cho ở một trong số ấy. Nhưng sau câu hỏi của ông ấp trưởng nhân mạo khác thường ở cái cần cổ dài nghêu vèo vẹo, giọng thì ỏn ẻn: Còn giấy tờ gì nữa không? Gã đáp: Đã trình hết cho ông chủ tịch rồi. Hai vị thổ công xì xầm với nhau gì đó rồi ông cổ vẹo buông một câu cụt lủn: Đi. Đoạn cùn cụt dẫn đầu. Gã lặng lẽ rảo bước theo sau. Qua một quãng chừng non cây số, hai bên rập rờn những thửa ruộng mì đang thì lá chen kín mít. Tới chỗ cây say cao vút, gốc sần sùi, vòng tay hai người ôm không hết, ông vẹo cổ cò khoát tay chỉ vào đám cỏ gai um tùm, thưa thoáng những thân gỗ tạp cỡ bắp chân, ỏn ẻn: Đồng chí đến muộn quá, quỹ đất thổ cư hết rồi, chỉ còn chỗ này, hơi hoang vắng một chút, nhưng bù lại, có sức cứ tự do khai phá thả dàn, rộng bao nhiêu cũng được. Đất ở đây tốt lắm. Bỏ giống là có ăn. Sẵn vốn liếng thì qua sông Tha la, sang bên kia thuê nhân công phá rừng làm rẫy. Bạt ngàn.

Mé bên đường đối diện, gã nhìn đi nhìn lại chỉ thấy đơn độc một mái nhà tranh, cửa nẻo trống lốc. Trước sân hai thằng trẻ con đang vật lộn với con chó vàng to kềnh. Túi hết tiền, cùng đường rồi, gã tính, có nhà là có chỗ đêm đêm ngủ nhờ. Gã bặm môi gật đầu đồng ý nhận đất. 

Gần chục năm lăn lộn chiến trường miền Đông Nam Bộ, gã đã quá quen với những cánh rừng hoang vu hơn nhiều. Chỉ băn khoăn hơi vắng bóng người, không biết vợ con mình có chịu nổi không. Nhưng gã biết đất miền Đông vô cùng mầu mỡ, chăm chỉ đổ mồ hôi thì no ấm là cái chắc. Miếng đất gã được cái lệnh mồm cho phép khai hoang chiều ngang chừng năm chục mét, bề sâu thì hút tầm mắt. Một đầu cặp mé đường từ gốc cây say gần mí sông đến sát bờ ranh mấy đám ruộng mì. Một giang sơn mênh mông, rộng bằng thổ cư của mấy chục hộ dân quê gã. Tranh thủ trời chưa sập tối, gã vạch lối lội vào bên trong. Dăm chục bước lại gặp một hố bom. Hố nông, hố ăm ắp nước. Vài hố vọng lên vài tiếng cá đớp mồi bủm bủm. Theo kinh nghiệm, gã mừng thầm, qua mấy năm hòa bình nước mưa đã rửa sạch chất độc khói bom thuốc súng rồi. Yên chí. Gã nhẩm tính, chỗ này chỉ còn sót ít cây tạp, nhỏ thôi, tận dụng cũng có thể dựng được ngôi nhà tạm bợ chống chọi được mấy năm. Từ gốc cây say, con đường thoai thoải đổ dốc chừng dăm chục mét thì chạm mép nước. Lòng sông nhỏ. Hình như là nhánh của con sông lớn nào đấy. Đang mùa mưa, mặt nước không dâng cao, nhưng chảy xiết. Có vẻ chỗ này là một bến đò. Mà sao đìu hiu quá. Phía bờ bên kia đang dập dềnh một con thuyền nhỏ. Ông lái gác mái chèo ngồi thu lu như tượng gỗ đợi khách sang sông.

Thận trọng trinh sát khắp khu đất hoang từ nay sẽ là của mình, nhá nhem tối gã mới tìm vào căn nhà có con chó vàng to kềnh xin ngủ nhờ. Chưa tới cổng, nó đã ư ử phát tín hiệu có khách. Ông chủ nhà ngồi phệt trên bờ hè đất chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, lặng lẽ chỉ sang bên cạnh: Mời ngồi tạm. Hóa ra anh là người thơ thẩn suốt buổi chiều nay gần bến đò. Gã tự giới thiệu mình vừa được ông ấp trưởng phân cho miếng đất hoang bên kia đường. Chủ nhà dửng dưng đáp cho có chuyện: Vậy là tôi lại có hàng xóm láng giềng kết bạn nhậu rồi. Nói xong anh ta quay qua phía sau quát: Má thằng Tửng đâu, mua cho tôi lít rượu. Bữa nay gặp khách quý. Nhìn bộ dang chủ nhà trong quầng sáng mập mờ ngọn đèn hột vịt, gã thầm đánh giá tay này dạn dĩ phong trần vào bậc đại ca, đã từng kinh qua trận mạc. Lát sau, thằng Tửng ôm chiếc chiếu bàng trải giữa sân. Chị vợ tay bê đĩa khô cá đuối, tay cầm chai rượu trắng đầy tới miệng, lặng lẽ vẻ cam chịu đặt giữa chồng và khách. Anh chồng rót ra hai ly đầy: Nào ta cạch phát làm quen, tôi là Khốt, Ba Khốt chở đò bến Tha La này. Gã xưng tên rồi cùng chủ nhà ngửa cổ dốc cạn tới đáy ly thứ nước đùng đục, cay sè vị củ mỳ. Gã giữ ý uống cầm chừng. Ba Khốt thì liên tù tì ậc ậc nuốt như khát nước. Gần cạn chai, anh ta mới ngửa mặt, lầm lầm vén mớ tóc xoăn rủ qua chóp mũi hất lên đỉnh đầu, để lộ đôi tròng mắt vằn vằn tia máu, giọng nhừa nhừa: Qua cung cách nhậu, tôi biết ông đáng mặt anh Hai Bắc kỳ thứ thiệt, đánh đấm ác chiến đấy. Cỡ lính quèn như tôi phải bái làm sư phụ. Tôi Ba Khốt, gần mười năm khoác súng quân lực cộng hòa, không kiếm nổi cái lon hạ sĩ. Tôi mừng có ngày 30/4. Nhưng tôi buồn, buồn lắm bởi vì chưa kịp bắn vỡ đầu cái thằng thiếu úy oắt con ấy, để trả thù cho thằng bạn chí cốt của tôi. Nghe nói nó kịp xuống tầu di tản đận ấy rồi. Hận quá. Rồi như choàng tỉnh, Ba Khốt hạ giọng hỏi gã: Cái thằng ấp trưởng vẹo cổ cò chiều nay có hỏi ông câu gì không? Hình như tôi thấy thằng Lé quét dọn văn phòng xã cũng có mặt ở đấy. Gã bảo: Ông ta hỏi còn giấy tờ gì không? Tôi biết mà, nó đòi cái giấy xanh xanh đỏ đỏ đấy. Trong ấp còn mấy nhà bỏ trống, nhưng bọn nó đã chục lần dẫn người giao cái miếng đất hoang này rồi. Chỉ vì họ không biết lót tay chúng tờ giấy năm chục, một trăm gì đấy. Sau rồi ai đó chỉ chỏ, họ, tìm gặp lại cổ cò. Lát sau quay về đã hí hửng: Chào anh Ba, tôi được phân căn nhà còn vững lắm. Ba năm trước tôi cũng gặp tình huống ấy. Nhưng mà tôi cóc cần, tôi chịu ở đây là nhắm cái bến đò. Vả trên răng dưới cát tút như tôi, lấy gì đút miệng chúng nó. Để tiền làm xị rượu, sướng hơn. Gã đồng tình với Ba Khốt bằng một cú chạm ly muốn bể: Tôi cũng như anh, việc đếch gì phải đút mõm bọn nó. Tôi sẽ khai khẩn chỗ này. Linh hồn những đồng đội tôi hiện đang lẩn quất quanh những hố bom bên ấy đấy. Tôi linh cảm mười muơi như vậy. 

Sau này gã được Ba Khốt tâm sự, chỉ vì anh ta và người bạn thân đồng ngũ không kịp có mặt sau tiếng còi báo động, bị thằng thiếu úy chỉ huy tát dúi dụi trước hàng quân. Uất ức quá, bạn Ba Khốt đã nghiến răng chỉ mặt nó: Sẽ có dịp bọn tao bắn bể đầu mày. Đầu thằng chó đẻ ấy chưa kịp bể thì đầu anh bạn Ba Khốt đã bị nó bắn bể trong một lần đơn vị bị phục kích chạy tháo thân. Chính mắt Ba Khốt trông thấy tứ chi người bạn ấy co giật đè lên vũng máu. Sợ Ba Khốt trả thù, thằng khốn ấy vu cho anh buông súng đầu hàng, tống anh vào trại lao công đào binh. Chưa hết án phạt thì hòa bình. Hết cơ hội trả thù. Từ đấy Ba Khốt như thằng điên, uống rượu triền miên, lên cơn say nhìn vợ con hóa ra thằng thiếu úy, đánh đập họ vô tội vạ. 

Quyết tâm biến miếng đất lỗ chỗ hố bom này thành cơ nghiệp lâu dài. Mỗi tuần bốn ngày gã theo toán làm công cho mấy ông chủ đất vùng lân cận. Ba ngày hùng hục đào đất đắp nền nhà, phá ụ mối. Rồi một mình chặt cây, đo đo tính tính cột kèo. Mất hai tháng mới tạm đủ vật liệu cất nên căn nhà nho nhỏ. Đến lúc này, ban chỉ huy xã đội mới biết, huy động anh em phục viên cùng xúm vào giúp gã mấy ngày. Một cơ ngơi tinh tươm gọn ghẽ đã mọc lên giữa bạt ngàn cỏ cây hoang dại. Phải mất cả tháng sau gã mới đưa được vợ con từ quê cũ đến nơi ở mới. Hai con gái gã, lạ cảnh, lạ người, nhưng chả biết buồn. Mấy ngày đầu, nghe cú rúc xói vào đầu hồi nhà, vợ gã cứ giật mình thon thót. Nhiều đêm mưa tầm tã, chị khẽ hích vai chồng thì thào: Anh có nghe thấy gì không, nhiều người lắm đang hành quân quanh đây, bước chân rầm rập át cả tiếng mưa, tiếng gió, lại còn đồng thanh hô một hai ba… bốn nữa. Gã bật dậy, bần thần nghĩ ngợi. Ngày ấy, đơn vị gã cũng nhiều lần nối bước nhau âm thầm đi dưới mưa rừng như thế này. Bao nhiêu đồng đội gã không có ngày về đang hiển linh ở nơi đây. Gã trấn an vợ: Vậy là có phúc rồi. Được sống giữa bao nhiêu đồng đội bảo vệ, cả nhà ta cứ yên tâm mà sống.

Số tiền bán hương hỏa ông cha ngoài quê để lại, gã mua được đôi trâu và chiếc xe. Ngày không chở thuê nông sản hoặc cày mướn thì vợ chồng gã hì hụi làm việc nhà, chở đất chỗ cao đổ xuống hố bom, san vào chỗ thấp. Miếng đất bằng phẳng dần dần, bụi cây hoang dại thu hẹp dần dần. Những luống mỳ, liếp rau xanh tươi choàng lên màu đất mới. Một lần, gã phát hiện bốn bọc tăng bó chặt chẽ nằm song song dưới lớp đất sâu chừng một mét, kiểu mai táng đồng đội thời chiến bọn gã từng dàn dụa nước mắt vĩnh biệt nhau sau trận đánh. Trong khi chờ Huyện đội tổ chức quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, gã cùng vợ cẩn thận đắp lại bốn nấm mồ nằm bên nhau dưới tán cây lộc vừng râm mát đang mùa xòe rủ những chùm bông rực rỡ. Lúc nắm nhang vợ chồng gã kính cẩn đốt lên, gió từ nẻo rừng sâu ào ạt thổi về, đầu nắm nhang phừng phừng cháy đỏ, bạt ngàn những cánh hoa tím lịm rơi kín mộ, phủ đầy tóc tai vợ chồng gã. Vợ gã không kìm được cơn nức nở. Gã đứng ôm cổ đôi trâu khóc theo. Cả đôi trâu cũng dàn mi đôi dòng nước mắt. Đêm ấy vợ chồng gã cùng nhất trí, đất trồng mỳ, trồng rau đủ rồi, từ ngày mai sẽ từ từ phủ lên chốn này một rừng cây keo, cây tràm để bốn mùa vong linh anh em mình có chỗ nương náu đi về. 

Gia đình gã được xã chia cho một mẫu rẫy bên kia sông. Ngày ngày gã sang đò Ba Khốt khai hoang. Một sớm, ngoài gã còn thêm tay chạy giấy Ủy Ban cằm chuột, mắt lé giang chân ngồi đăng mũi. Đò ra giữa sông, Cằm chuột cười khẩy hỏi trống không: Coi bộ ngày kiếm bộn tiền nhỉ? Ba Khốt cau mày: Cũng kha khá. Cằm chuột trâng tráo gợi ý liền: Vậy mà không biết chi ra chút đỉnh cho anh em an ninh đêm hôm tuần tra kiếm ly cà phê cà phéo. Đã mấy người xin đăng ký đấu thầu cái bến này rồi đấy. Ba Khốt ngừng chèo, giơ một bàn tay gân guốc nắm mái chèo sũng nước lia qua đầu tay lé: Này thằng lé, mày có tin tao đập vỡ cái mõm chuột của mày ngay bây giờ không? Anh em cùng xã thì cho một hào cũng được, không hào nào cũng xong, khách vãng lai ba hào, được mấy người. Đủ tiền tao đổi lít rượu là mừng rồi. Đù má thằng chó quen ăn dơ. Thằng Lé tái mặt: Dỡn chơi một chút, anh ba làm dữ zậy. Leo lên bờ, vượt qua đoạn dốc, tay Lé phân trần: Thằng này lính ngụy ác ôn, anh hai phải coi chừng với nó. Gã nói kháy: Đến chú là nhân viên công vụ còn sợ thằng chả thì tôi đâu dám ti toe. Lé cười nịnh: Em biết anh Hai thứ dữ rồi. Hôm mít tinh kỷ niệm 2-9, ông cán bộ tỉnh từ khán đài chạy đến bắt tay anh Hai, ai thấy cũng xanh mắt. Gã chợt nhớ Ba Khốt mới nói chiều qua: Cái thằng lé ấy, tôi rành nó sáu câu. Dân bụi đời kiếm ăn bãi rác chính cống đấy. Nhờ giải phóng, được làm chân loong toong quét dọn trụ sở ban điều hành, rồi chạy giấy, trà nước cho Ủy Ban xã. Nó chuyên dọa nạt vòi tiền dân lành. Có ngày tôi quai vỡ mõm nó. Loại người như thằng Lé và lão ấp trưởng vẹo cổ cò, chả cần Ba Khốt thông tin, gã cũng có thể biết tám chín phần. Nhưng tiếp xúc với Ba Khốt nhiều lần, gã vẫn chưa xếp được hắn vào loại nào. Tâm thần hay ác quỷ. Ít giao du, không phát ngôn oán thán chính quyền mới, củ mỉ cù mì, không gây gổ với bạn nhậu, nhưng bộ mặt cứ lầm lầm. Đánh con, đánh vợ nặng tay, bạt mạng bất kể ngày đêm chỉ với lý do để hắn phải đợi rượu, nhạt mồm, thì oánh cho bõ ghét.

Gã định bữa nào làm bữa nhậu cho ra trò một chút rồi mời Ba Khốt lai rai khuyên giải hắn đôi câu. Nhưng muộn mất rồi. Đúng nửa đêm cái buổi qua đò đáng nhớ ấy, tấm liếp cửa nhà gã bị đập thình thình. Thằng Tửng mếu máo: Bác Hai, bác Hai… má con đập chết ba con rồi. Nghe lùng bùng hai lỗ tai, gã tưởng mình nhầm. Quếnh quáng chạy theo thằng Tửng. Gã là người đầu tiên chứng kiến cái thây Ba Khốt nằm vắt chéo trên tấm võng đay tòng teng mắc giữa hai cây cột. Hai vòi máu đặc sệt ri rỉ chảy từ giữa hai ống chân bị gẫy quặt buông thõng hai bên mép võng. Cổ Ba Khốt ngoẹo gần chạm đất, nửa sống mũi phía trên và vầng trán bị vỡ toác, những cục óc hồng hồng to nhỏ văng tung tóe. Lúc ấy chỉ có một ngọn đèn leo lét treo lưng chừng vách liếp. Nếu dưới quầng sáng điện thì cảnh tượng sẽ tăng lên cảm giác ghê rợn thế nào. Vợ Ba Khốt gục đầu ngồi rũ góc nhà. Mái tóc xõa xượi phủ kín mặt. Cây cọc lục dài chừng một mét, một đầu bám máu nằm gần thi thể nạn nhân. Đêm ấy, gã nghe thằng Tửng khai với mấy anh công vụ: Chập tối ba cháu đã uống hết lít rượu, nằm ngủ một lúc lại choàng dậy hét má cháu đi mua rượu nữa. Má bảo: Nửa đêm rồi còn quán nào bán mà mua. Mặc kệ. Không có rượu cho ông, ông đâm lòi mắt cả nhà. Vừa nói ba cháu vừa dứ dứ chiếc vỏ chai đã đập bể đít chìa ra những cái răng thủy tinh nhọn hoắt. Hét chán, ông ấy lại nằm vật xuống võng. Chả biết má cháu nghĩ sao, chạy ra  nhổ chiếc cọc rào, rồi sầm sập chạy vào nhà, nghiến răng: Không đập chết mày, cũng có ngày mày chọc mù mắt má con tao, mày bạo hành bao năm nay, đủ rồi. Nói đoạn má cháu thẳng cánh phang hai nhát vào hai chân ba cháu nghe cái rắc. Lại nghe tiếng nổ cái bộp, cháu mở mắt đã thấy óc ba cháu lầy nhầy quanh chỗ nằm.

Vụ ấy vợ Ba Khốt bị tuyên phạt ba năm tù, cho hưởng án treo nhờ chị ta đang mang bầu, lại được hội phụ nữ xã xin tòa lượng thứ cho bị cáo đã nhiều năm bị chồng ngược đãi, bạo hành không chút tình người. Được thả về, chị ta đưa hai con trốn biệt.

Căn nhà máu me ấy bỏ không đến vài năm. Tới lúc quỹ nhà không còn chỗ trống. Người đến xin nhập cư lại nhiều. Căn nhà của Ba Khốt từng ám ảnh máu me ghê rợn vậy vẫn có kẻ cả gan vào ở. Nhưng mà gã đã chứng kiến ba ca bỏ của chạy té đái. Ca thứ nhất ở chưa ấm chỗ đã nửa đêm ôi ối kêu làng không thành tiếng chạy mất tăm. Ngày mai rộ tin đồn con ma nhà ấy bàn tay lạnh như nước đá, nửa đêm vén màn thít cổ ông chủ mới nghẹn tưởng chết. Người thứ hai trụ được chừng nửa tháng, chập choạng tối đi từ giường đến võng, dẫm chân vào một đống bầy nhầy, ngã oạch. Miệng chửi con, thằng nào làm đổ chén cháo bí ngô ăn lúc chiều xuống nền nhà? Con cái ngủ say không lời đáp. Anh ta xoa tay vào mông đít, đưa lên ngửi, thấy xộc lên mũi mùi máu và óc tanh nồng. Vội vàng cha kéo con chạy sang nhà gã ngồi run cầm cập chờ sáng mai dông thẳng. Người thứ ba, nghe đâu là tay giang hồ khét tiếng đã hoàn lương, tuyên bố ma là cái muỗi, chỉ sợ người. Hắn ta cũng yên ổn được đâu vài tháng, rồi cũng lập cập bỏ đi. Hắn kể với gã: Nửa đêm trăng Ba Khốt hiện về ngồi giữa sân, tay cầm chai rượu đưa lên miệng chỉ còn hai hàm răng trắng hếu nhai rau ráu. Lúc ấy trăng sáng trắng, soi rõ nửa khuôn mặt con ma vỡ toác, máu óc chảy tướt xuống cổ đỏ lòm, một bàn tay chìa năm ngón xương khô vẫy vẫy: Ra đây cùng nhậu. Từ đấy chẳng còn ai dám nhòm ngó cái miếng đất kinh hoàng ấy nữa.

Khi vườn cây tràm, cây bạch đàn dài hun hút của gã khép tán giao nhau mát rượi thì con đập tràn tự động ngăn sông Tha La nằm quãng giữa con đê lực lưỡng chạy dài tới mí rừng cũng hoàn thành. Lòng con sông Tha La hẹp như giải lụa bao đời nay, biến thành hồ nước mênh mông ăn thông với lòng hồ Dầu Tiếng. Xa xa bóng núi Bà Đen xanh xẫm lấp lánh in trên mặt nước. Phong cảnh nơi đây trở nên hữu tình thơ mộng chẳng kém nhiều chốn danh lam thắng cảnh. Cái xã kinh tế mới đìu hiu xưa, hai mươi năm sau trở thành thị trấn. Đường xá mở rộng, tráng dầu, xe chạy êm ru. Phố xá mọc lên nhanh chưa từng thấy. Các cơ quan huyện cũng chuyển về khu trung tâm đóng trụ sở. Dân mọi miền đổ về mua thổ cư xây nhà, tạo thành cơn sốt đất đắt sôi sùng sục. Nhưng miếng đất nhà Ba Khốt năm xưa vẫn chả ai có gan nhòm ngó. Thằng Tửng trở về nhận đất cũ nhà nó đúng lúc rộ lên tin đồn, toàn bộ bán kính năm trăm mét quanh đập tràn Tha La sẽ được quy hoạch thành khu kinh doanh giải trí. Mặt nước hồ sẽ nổi lên nhà hàng thủy tạ, trên bờ sẽ dựng vũ trường, xây siêu thị. Tóm lại từ bình dân đến cao cấp, tiền nào của ấy sẽ không thiếu sản phẩm vui chơi tận tình phục vụ. Hôm thằng Tửng hồi cư, dẫn vợ vào nhà gã, đứng trước cửa là một thanh niên cao lớn với bộ râu quai nón đen nhánh. Nó oang oang: Cháu là cái thằng Tửng giải chiếu giữa sân cho bác Hai và ba cháu ngồi nhậu ngày ấy đấy. Gã nhận ra nó nhờ bộ mặt lầm lầm giống bố, nhưng đôi mắt hiền từ, không vằn những tia máu đỏ như Ba Khốt. Nó kể với gã, má nó mất lâu rồi. Hai em nó đang ở quê ngoại dưới miền Tây. Hoàn cảnh đại thể còn nhiều khó khăn. Tháng sau nó lại kể: Chưa làm xong căn nhà để đón các em về, đã có người thậm thụt đòi mua mấy trăm triệu. Cả ông mặt choắt loong toong Ủy Ban năm ấy cũng xuống gạ gẫm: Đất này vô chủ từ lâu, mày có giấy tờ chứng nhận không? Khôn hồn nghe tao giới thiệu sang tay cho một ông lớn thì may ra kiếm được ít tiền. Gã hỏi: Thế cháu trả lời sao? Cháu bảo: Máu và óc ba tôi đã lầy trên mặt đất này đấy. Ông Lé muốn vỡ đầu phọt óc ở đây không? Tay tôi mạnh hơn tay má tôi đấy. Chưa dứt lời, ông ta đã co giò dọt lẹ.

Gã biết cái thằng Lé này bây giờ giầu lắm. Nhà xây hai tầng lầu ngay phố chợ. Con nó làm nhân viên địa chính, biết nhiều thông tin dự án liên quan đến đất. Nó đi trước mua giá rẻ như bèo. Khi công bố quy hoạch, bán đi lời gấp chục lần. Lân này nó định giở trò gì đây?

Mấy bữa nay gã thấy mấy ông bụng bự bước xuống từ những chiếc xe bóng lộn đậu trước khu đất xanh mát rừng tràm của gã. Họ hết đi đi lại lại, mở tấm giấy rộng bản rải lên mui xe, chỉ chỉ chỏ chỏ, giang tay ước lượng rồi xì xồ với nhau bằng thứ tiếng lơ lớ nghe ộp oạp như ếch kêu mưa. Có thể cái tin đồn cái đập nước ngày đêm tung bọt trắng phau này, cái mặt hồ thẳm xanh da trời với những con thuyền thanh mảnh như nét vẽ mực tầu phía xa xa kia đã lọt vào toan tính của một vài đại gia nào đấy là có thật chăng? Mũi thằng Lé lâu nay đánh hơi nhậy hơn mũi chó, đã bắt được tín hiệu nào chăng? Chẳng lẽ vô cớ nó lật bật thân già dúm xương dúm da cất công lóm khóm mò vào nhà gã. Bữa ấy Lé xa xôi kể công đã dành cho anh hai chỗ này. Lại mập mờ ám chỉ, mỗi hộ chỉ được một công đất thổ cư, anh Hai khai thác hàng mẫu mênh mang thế, e bị thu hồi trắng. Em biết một đại gia gốc bự lắm. Sang tay cho ông ấy cho chắc ăn. Gã nhớ đến câu chuyện đụng độ trên chuyến đò giữa sông năm nào, nóng tiết vớ con dao phát: Mày có tin tao dám bổ vỡ đầu mày ngay tại đây không?

Thằng lé không kịp xỏ dép, loắn quắn chạy thục mạng. Nó cút rồi, cơn giận vừa nguôi ngoai, gã lại chợt giật mình bần thần lo lắng. Với vợ chồng gã bây giờ, tiền ư? Chi dùng cần thiết hàng ngày hết bao nhiêu đâu. Hai con gái đã học xong đại học, được công tác ở hai cơ quan tử tế rồi. Chúng tự lập được rồi. Chỉ lo vạt rừng vợ chồng gã mất bao công sức bảo vệ bấy lâu nay bị phá sạch. Nằm sâu dưới đất ấy, gã chắc chắn còn yên nghỉ nhiều phần thi thể đồng đội gã. Rừng chàm mất rồi, bao vong linh liệt sĩ sẽ vất vưởng đi về nương náu nơi đâu?

 

 
Rất có thể chỗ này đã được mua bán, định đoạt từ những bàn nghị sự trên cao nào đó rồi. Gã chỉ là con kiến. Những thân phận kiến, lâu nay gã từng chứng kiến rồi.

                                               

 

 

                                       

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét