TẬP THƠ GÓC SÂN VÀ KHOẢNG TRỜI CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
– SAU HƠN 50 NĂM NHÌN LẠI
NGUYỄN TÚ QUYÊN
Xuất bản lần đầu tiên năm 1968 với số lượng 50 300 bản, đến nay, tập thơ Góc sân và khoảng trời đã tái bản khoảng 150 lần, được dịch ra hơn 40 tiếng trên thế giới. Ngoài việc thường xuyên tái bản với số lượng lớn, đây còn là tập thơ có nhiều tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình tiểu học (trong chương trình Tiếng Việt hiện hành, có 9 bài thơ được rút từ tập thơ Góc sân và khoảng trời, chưa kể các đoạn trích và Trần Đăng Khoa trở thành tác giả có số lượng bài thơ được đưa vào sử dụng nhiều nhất trong chương trình). Những điều này đã cho thấy “sức nóng” của tập thơ ngay từ khi nó ra đời và cho đến thời điểm này, sau hơn 50 năm vẫn không “hạ nhiệt”.
Vâng, hơn 50 năm, thiết nghĩ, thời gian đủ để đánh giá tập thơ có giá trị hay không và tiếng vang của nó ngay khi ra đời liệu có phải do “chấn động bồng bột trong độc giả”(1) như một nhà phê bình nào đó nhận xét hay không? Hơn nữa, nói về tập thơ này, liệu có chính xác khi nhận xét: “Trần Đăng Khoa là em bé làm thơ” hay “Trần Đăng Khoa là nhà thơ làm thơ khi còn nhỏ tuổi”? Bài viết dưới đây muốn lý giải những băn khoăn trên.
Có lẽ, thật khó có thể thống kê được con số chính xác về những bài báo, bài nghiên cứu phê bình, các đề tài nghiên cứu khoa học, các khóa luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sĩ tìm hiểu về tập thơ Góc sân và khoảng trời. Những công trình này đã “soi” tập thơ ở cả góc độ văn chương lẫn ngôn ngữ. Nếu như dưới góc độ văn chương, người ta quan tâm đến các mảng đề tài mà tập thơ phản ánh, như: bức tranh quê, bức tranh thiên nhiên, hình ảnh mẹ, hình ảnh người nông dân, v.v…thì dưới góc độ ngôn ngữ, các vấn đề về vần, nhịp, từ ngữ, biện pháp tu từ, trường nghĩa, hệ thống tín hiệu thẩm mỹ mà bao quát hơn nữa là thế giới nghệ thuật trong tập thơ Góc sân và khoảng trời đều đã được các nhà nghiên cứu khai thác triệt để. Không chỉ nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ và văn chương, người ta còn chỉ ra cả những giá trị đạo đức mà tập thơ mang lại, chẳng hạn như giá trị giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người, yêu thiên nhiên, loài vật và yêu lãnh tụ hay những người thân trong gia đình. Nếu như tập thơ không có giá trị, hoặc không còn giá trị, thiết nghĩ, liệu có “đất” để các nhà nghiên cứu “đào xới” như vậy hay không?
Được biết, khi những bài thơ bắt đầu được in báo, lần lượt những người hiếu kỳ, rồi những cây viết sừng sỏ đã tìm về nhà cậu bé Khoa chỉ để xem trông cậu ấy như thế nào, có giống người bình thường hay không? Người ta dòm khoáy đầu của cậu, xem rốn… rồi đồn rằng, cậu ị ra phân vuông chứ không phải tròn. Và dường như, không tin một cậu bé đen nhẻm, mới 8, 9 tuổi có thể làm được thơ và thơ lại hay đến vậy, người ta bắt đầu kiểm tra bằng việc ra đề tài để cậu làm thơ tại chỗ. Thử hỏi, giữa thời chiến, phương tiện đi lại khó khăn, đời sống người dân còn vất vả, hơn nữa, truyền thông cũng không bùng nổ như bây giờ, điều gì khiến một cậu bé làm thơ ở một làng quê hẻo lánh và lạc hậu lại có thể có sức hút dư luận đến vậy? Liệu có phải đấy là “chấn động bồng bột trong độc giả” hay không? Chúng tôi nghĩ rằng, sự “bồng bột” thường chỉ xuất hiện ở một cá nhân hoặc một nhóm người là cùng, không thể phủ khắp từ Bắc đến Nam, rồi vượt qua biên giới, đến cả những nơi đã từng hay đang đối đầu với Việt Nam lúc bấy giờ như vậy được. Đấy là chưa kể, nói độc giả “bồng bột” là đánh giá thấp trình độ thẩm thơ văn của dân mình lắm. Và trong số những người đọc cậu, khảo sát và đánh giá cao những tác phẩm của cậu có cả những học giả, những nhà thơ lớn ở cả trong nước và thế giới. Chẳng lẽ họ cũng “bồng bột” cả ư?
Nói đến đây, không cần bàn cãi, chúng ta phần nào thấy được tài năng của cậu bé Trần Đăng Khoa. Đương nhiên, vì tài năng nên cậu mới được mệnh danh là “thần đồng thơ”. Và người ta thân thiện gọi cậu là “em bé làm thơ”. Cách gọi này ngỡ tưởng là tôn vinh cậu, nhưng chúng tôi lại nghĩ, nó chưa phản ánh đúng bản chất tài năng của cậu bé Khoa. Vì sao? Bởi vì thơ của em bé phần nhiều mang tính bản năng, thấy gì nói đấy, không có ý thức nghệ thuật. Thơ của Khoa lại khác. Đọc Góc sân và khoảng trời, đôi khi, chúng ta không thể hình dung được đó là tư duy của một cậu bé mới 8, 9 tuổi. Thơ của cậu có ý đồ, có cấu tứ rõ ràng và nội dung thể hiện cũng sâu sắc. Có thể chỉ ra rất nhiều bài thơ như vậy.
Đầu tiên, phải kể đến bài Mưa, sáng tác năm 1967, khi cậu mới 9 tuổi. Dưới con mắt hóm hỉnh của cậu bé Khoa, bằng thủ pháp nhân hóa, khung cảnh thiên nhiên trước và trong cơn mưa thật sống động, vui tươi, rộn rã: mối (loài đặc trưng báo hiệu cơn mưa) - bay cao, bay thấp; gà con - ríu rít; kiến - hành quân đầy đường; mía - lá như đang múa gươm; cỏ gà - rung tai như đang nghe ngóng; bụi tre - xõa mái tóc ra chải; cây bưởi - đung đưa trong gió, bế những quả bưởi con "đầu trọc lốc”; cây dừa - sải cánh tay bơi trong gió; ngọn mùng tơi - nhảy múa; ông trời như mặc áo giáp ra trận; chớp - rạch ngang trời khô khốc; sấm - cười khanh khách ở ngay trên sân. Rồi khi mưa tới, đất trời mù trắng nước, thiên nhiên vui mừng, hả hê. Một cơn mưa bình thường bỗng là nguồn vui, là sự sống của vạn vật và cả trời đất. Ý nghĩa của bài thơ không phải chỉ có thế. Nếu thế, bài thơ chỉ là thơ của trẻ con thông thường. 59 câu thơ đầu dành cho việc miêu tả thiên nhiên, là cái sân khấu, là sự chuẩn bị cho 4 câu thơ cuối, con người đột ngột xuất hiện:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa
Hình ảnh ông bố đi làm về trong cơn mưa là hình ảnh vốn dĩ rất quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, dưới ngòi bút của mình, Trần Đăng Khoa đã biến hình ảnh quen thuộc ấy trở nên lồng lộng và vĩ đại. Người nông dân, mà cụ thể là một thợ cày đã đội cả vũ trụ, từ sấm, chớp và cả trời mưa. Câu thơ không những miêu tả được nỗi vất vả, dãi nắng dầm mưa của người nông dân mà còn cho thấy sự lẫm liệt của họ. Thử hỏi, nếu không phải là một cây viết chuyên nghiệp, một nhà thơ thực sự tài năng, liệu Trần Đăng Khoa có thể đưa ra được một bài thơ có cấu tứ, bố cục chặt chẽ và sâu sắc đến như vậy không?
Chúng tôi gọi Trần Đăng Khoa là “cây viết chuyên nghiệp”, hay “một nhà thơ đích thực”, có lẽ nhiều người cho rằng hơi thái quá, bởi như đã nói, khi viết bài này, cậu mới 9 tuổi. Cái tuổi còn rất non nớt. Vì thế có nhà phê bình còn cho rằng, Trần Đăng Khoa chưa thể có phong cách thơ. Vì trẻ con, tính cách còn chưa hình thành thì làm sao đã có được cá tính sáng tạo? Đây là cái nhìn rất chủ quan, áp đặt và khiên cưỡng. Có phải trẻ con chưa có tính cách không? Các cụ bảo “Cái gai nhọn, nó nhọn từ thuở bé”. Cá tính sáng tạo chỉ có ở tài năng. Mà tài năng thì không đợi tuổi. Nếu không có tài thì đến già cũng vẫn không có cá tính sáng tạo. Tài năng luôn có yếu tố cá biệt, nhiều khi không thể lý giải nổi. Nếu không thế, chúng ta không thể cắt nghĩa được những tài năng đặc biệt như trường hợp thần đồng âm nhạc Mô – da khi lên 3 tuổi đã biểu diễn xuất sắc đàn Cla-vơ-xanh và Violon, lên 6 tuổi đã viết các ca khúc nhỏ, lên 9 tuổi viết giao hưởng và 12 tuổi đã viết nhạc kịch. Trần Đăng Khoa cũng vậy, tài năng của cậu thể hiện rất rõ ở ý thức nghệ thuật khi cầm bút chứ không phải viết dàn trải, thấy gì viết đấy. Bài thơ Mưa đã có 50 năm thử thách rồi. Đến nay, bài thơ vẫn làm ta ngạc nhiên về độ chuyên nghiệp của nó. Ngoài bài Mưa, các bài Cây dừa, Đất trời sáng lắm hôm nay hay Cánh cò trắng muốt, v.v… đều thể hiện sự công phu, kỹ lưỡng và điêu luyện trên con đường sáng tạo nghệ thuật của cậu.
Được viết năm 1967, bài Cây dừa cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu làm nên tên tuổi thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa. Bài thơ miêu tả cây dừa qua từng bộ phận của nó với sự so sánh rất dí dỏm và sinh động: tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh, thân dừa – bạc phếch tháng năm, quả dừa – đàn lợn con, tiếng dừa – làm dịu nắng trưa, v.v… Chính sự so sánh này làm cho cây dừa hiện lên như một con người: đáng yêu, ngộ nghĩnh, gần gũi, thân thiện và đặc biệt thích tâm giao, hòa đồng với thiên nhiên. Nếu như bài thơ dừng lại ở đây thì Trần Đăng Khoa đúng chỉ là “em bé làm thơ” thật, mặc dù quan sát của em bé này có phần tinh tế và thông minh. Nhưng không, cũng như Mưa, bất ngờ của bài thơ nằm ở hai câu cuối:
Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi
Phút chốc, cây dừa không phải chỉ là con người bình thường, thích tâm giao, hòa đồng với thiên nhiên nữa mà trở nên bề thế, tự tin như một người lính. Thông qua các từ ngữ đứng canh, đủng đỉnh, đứng chơi, cây dừa phải chăng là hiện thân của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam hiên ngang, dũng cảm. Thật khó có thể hình dung được một cậu bé mới lên 9 tuổi lại có được sự liên tưởng tài tình đến vậy.
Một bài thơ nữa cũng thể hiện rất rõ tài năng của Trần Đăng Khoa và cũng theo lối tư duy này, là bài Đất trời sáng lắm hôm nay. Đọc tiêu đề bài thơ ta đã thấy một sự lạc quan, một niềm vui hân hoan trong lòng tác giả. Đoạn đầu bài thơ miêu tả cảm nhận về mùa hè ở Hà Nội khi lần đầu tiên tác giả được đến nơi đây. Theo đó, mùa hè ở Hà Nội thật đẹp, thật rực rỡ với bên trên là phượng đỏ, bên dưới là nước biếc, bốn bề hoa tươi và rộn rã tiếng ve. Ở Hà Nội có Bác Hồ - người cả một đời vất vả, hy sinh cho các thế hệ, cho nên đến đây, tác giả không khỏi bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của Bác và niềm hy vọng, mong muốn Bác luôn mạnh khỏe. Một câu thơ mang tính đối lập, sâu sắc và cảm thông, từng trải việc đời đối với một lãnh tụ, khó ai nghĩ đấy là suy nghĩ của trẻ con. Trẻ con mà không hề trẻ con: “Bác lo nghĩ suốt một đời – Để cho chúng cháu vui chơi từng ngày”. Và đặc biệt, một lần nữa, bất ngờ cũng lại nằm ở hai câu thơ cuối:
Bác ơi! Cháu đến đây rồi
Xanh trên nhà Bác vẫn trời mùa thu
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu Hà Nội đang vào hè, vậy mà cuối bài thơ là hình ảnh trời mùa thu. Mới đọc, tưởng đây là một sự bất hợp lý nhưng rồi ngẫm lại mới thấy, chính sự bất hợp lý này lại thể hiện một thông điệp rất sâu sắc. Như chúng ta đã biết, mùa thu là mùa của cách mạng. Đó là cách mạng vẻ vang năm 1945 mà Bác đã mang về cho dân tộc Việt Nam. Và đến Hà Nội, giữa tiết trời mùa hè, nhưng tác giả vẫn thấy trời thu xanh trên mái nhà của Bác. Phải chăng, suốt cuộc đời Bác là những trăn trở, băn khoăn, tìm đường đi cho cách mạng Việt Nam? Và nhìn thấy Bác là thấy ánh sáng của mùa thu cách mạng. Tư duy của Trần Đăng Khoa thực sự đã vượt xa rất nhiều cái tuổi 11 của cậu khi xây dựng tứ thơ này.
Có thể nói, con cò là hình ảnh quen thuộc của thơ ca Việt Nam. Trần Đăng Khoa cũng có rất nhiều câu thơ viết về con cò, như: “Trong giấc mơ em/ Có gặp con cò/ Lặn lội bờ sông ” (Tiếng võng kêu) hay “Thấy trời xanh biếc mênh mông/ Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy” (Góc sân và khoảng trời). Tuy nhiên, tác giả có một bài thơ viết riêng về con cò với sự liên tưởng không giống ai, đó là bài Con cò trắng muốt. Đây là một trong những bài thơ rất xuất sắc của Trần Đăng Khoa, tựa vào hai câu ca dao: “Con cò đi đón cơn mưa – Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”. Thoạt đầu, bài thơ miêu tả cơn mưa rất dữ dội:
Khi cơn mưa đen rầm đằng đông
Khi cơn mưa đen rầm đằng tây
Khi cơn mưa đen rầm đằng nam, đằng bắc
Em thấy
Con cò
Trắng muốt
Bay ra đón cơn mưa...
Trong cái nền đen tối của cơn mưa đang xuất hiện, bất chợt thấy một màu tương phản, đó là màu trắng muốt của con cò. Con cò đón cơn mưa để báo niềm vui cho mọi người. Đối với người nông dân, cơn mưa là rất quan trọng, cơn mưa vàng cơn mưa bạc. Nhìn thấy cánh cò bay ra là người nông dân biết là cơn mưa đến rồi. Bởi con cò là con vật vốn gắn bó với nghề nông, nó lặn lội cùng với người nông dân.
Tiếp sau sự xuất hiện của cánh cò là đến cảnh vạn vật vui mừng trong cơn mưa.
Cây lúa mừng vui phất cờ
Dây khoai nảy xanh lá mới
Cau xòe tay hứng giọt mưa rơi
Ếch nhái uôm uôm mở hội
Cá múa tung tăng...
Tuy nhiên, khi vạn vật đều vui mừng trong cơn mưa thì:
Nhưng không ai biết
Con cò
Co ro
Chịu rét
Trên cành cây...
Tứ của bài thơ bất chợt được mở ra. Cơn mưa mang đến bao nhiêu niềm vui cho mọi người, cho cả đồng ruộng, nhưng rồi con cò lại bị rét bởi chính cơn mưa mình vừa đi đón. Phải chăng, đây là sự hy sinh thầm lặng của con cò. Đọc đến đây, ta liên tưởng đến người chiến sĩ cách mạng, những người nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm thầm lặng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc.
Con cò chịu cơ cực, rét mướt khi cơn mưa đến là thế, nhưng điều đó không làm nhụt đi ý chí của nó. Và khi có dấu hiệu cơn mưa từ đằng đông, đằng tây, đằng nam, đằng bắc đến, nó vẫn hồ hởi mừng đón cơn mưa. Giống như những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, luôn luôn nhận về mình những vất vả, khó khăn, thiệt thòi, quyết giành hai chữ BÌNH YÊN cho tổ quốc.
Đến khi cơn mưa lại đen rầm đằng đông, đằng tây
Đến khi cơn mưa lại đen rầm đằng nam, đằng bắc
Em lại thấy
Vẫn con cò ấy
Bay ra
Trắng muốt
Mừng đón cơn mưa...
Tài năng của cậu bé Trần Đăng Khoa không chỉ thể hiện ở tư duy vượt lứa tuổi như đã phân tích ở trên mà còn thể hiện ở khả năng sử dụng từ ngữ mang đậm chất nghệ thuật. Xin được minh chứng điều này qua một vài ví dụ dưới đây.
Đầu tiên, phải kể đến bài Đêm Côn Sơn, được sáng tác năm 1968, khi cậu vừa tròn 10 tuổi. Ở cái tuổi của trẻ trâu như thế, vậy mà cậu bé Trần Đăng Khoa lại “dám đưa” một điều vô lý vào trong thơ, và rồi hợp thức hóa sự vô lý ấy tài tình đến nỗi chẳng ai hoài nghi về cái điều cậu nói cả. Chắc ai cũng đoán ngay được chúng tôi đang nói đến hai câu thơ:
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
Ở Côn Sơn làm gì có cây đa? Tuy nhiên, không ai máy móc đi soi xét điều ấy. Người ta chỉ thấy rằng, nhà thơ tí hon thật sáng tạo khi lấy một cái không có thật (lá đa) để tả một cái có thật (sự yên tĩnh của đêm Côn Sơn); lấy một cái động (tiếng rơi) để tả một cái tĩnh (tĩnh đến nỗi nghe được tiếng lá rơi rất mỏng). Không những vậy, cậu bé Trần Đăng Khoa còn rất thành công khi sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. “Tiếng rơi” vốn là cảm nhận của cơ quan thính giác thì ở đây tác giả lại cảm nhận bằng xúc giác (rất mỏng) và thị giác (rơi nghiêng). Chính điều này làm cho câu thơ trở nên thật tinh tế, sinh động. Và chúng ta không ngạc nhiên khi Tố Hữu gọi Trần Đăng Khoa là “thần bút” khi ông đọc hai câu thơ này.
Bản chất của thơ là sự sáng tạo. Sự sáng tạo biểu hiện đầu tiên ở việc kết hợp ngôn từ mang tích chất “không thông thường”. Trần Đăng Khoa từ nhỏ đã ý thức được điều ấy. Đọc Góc sân và khoảng trời, có thể bắt gặp rất nhiều bài với những câu thơ có kết hợp “không thông thường” như vậy. Trước tiên phải kể đến bài thơ Tiếng chim chích chòe.
Trong bài thơ, miêu tả thiên nhiên, tác giả viết:
Cánh đồng vui reo
Gió đồng rộng rãi
Lẽ ra, “cánh đồng” thuộc về không gian, phải đi với từ “rộng rãi”, và “gió đồng” là hiện tượng tự nhiên, phải đi với từ “vui reo”. Tuy nhiên, nếu viết: “Gió đồng vui reo – Cánh đồng rộng rãi” thì câu thơ rất thông thường, hiển nhiên. Nhưng khi Khoa “đánh tráo” đặc điểm bản chất của sự vật thì câu thơ thành sự sáng tạo nghệ thuật, và người ta mới thấy được hàm lượng và tư duy của một tài năng.
Vẫn trong bài thơ ấy, để nhấn mạnh sự bình yên, phong thái ung dung của người lính ngay giữa trận đánh, tác giả viết:
Nòng pháo bỗng nhiên dừng lại
Bao nhiêu cái mũ lắng nghe
Nếu viết các chú lắng nghe thì câu thơ bình thường quá. Nhưng “Cái mũ lắng nghe” thì quả là một sáng tạo bất ngờ. Trần Đăng Khoa đã sử dụng hình ảnh hoán dụ, lấy cái mũ – đồ dùng của các chú bộ đội để chỉ chú bộ đội, biến cái mũ – một vật vô tri vô giác có hành động như con người. Có thể, khi ấy, mới 9 tuổi, cậu chẳng biết biện pháp nghệ thuật hoán dụ là gì, nhưng cậu lại có ý thức rất rõ rằng, để câu thơ giàu tính hình tượng, tất yếu phải tạo nên sự kết hợp mới mẻ như thế.
Tương tự, trong bài Em dâng cô một vòng hoa, tác giả viết:
Trưa nay em đến thăm cô
Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao
Nắng chiêm là cái nắng vào vụ chiêm. Nếu Lúa chiêm thì rất bình thường. Nhưng “Nắng chiêm” lại là một sáng tạo riêng của Trần Đăng Khoa. Đây cũng chính là sự kết hợp ngôn từ độc đáo mà một lần nữa nhà thơ lại làm người đọc bất ngờ.
Để có thể tạo nên sự độc đáo trong thơ, Trần Đăng Khoa luôn ý thức chắt lọc những từ ngữ “đắt” nhất. Bài Đi tàu hỏa là như vậy. Trong bản in đầu tiên, Trần Đăng Khoa viết:
Nắng hồng ngoài của sổ
Mây ơi trôi về đâu
Thật ra, đây vẫn là hai câu thơ đẹp, cũng không hề xoàng, nhưng nó chung chung. Có thể đặt vào đâu cũng được. Ngồi trong lớp học, hay ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, ta đều có thể thấy cái nắng này và áng mây này. Nó là mây tĩnh, nắng tĩnh. Nó đâu phải mây nắng của con tầu hoả đang chạy. Trần Đăng Khoa tiếp tục “đầu tư”, sáng tạo trên từng con chữ, biến mây nắng thành mây nắng động, lại đúng là con tầu hoả đang chạy, đặc biệt hai câu cuối rất tài tình. Đây cũng là bốn câu thơ hay nhất trong bài:
Nắng bập bình cửa sổ
Mây bồng bềnh về đâu
Em ngồi trên giông bão
Đang chuyển dưới gầm tầu
Bập bình chứ không phải từ bập bềnh. Nếu bập bềnh thì thành tàu biển chứ không phải tàu hỏa. Thế mới thấy, sự sáng tạo cũng như ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc của một nhà thơ chứ không phải một cậu bé thuần tuý ở cái tuổi lên 9, lên 10.
Từ những sự phân tích ở trên, có thể thấy Trần Đăng Khoa không phải đơn thuần là “em bé làm thơ”. Nói đúng hơn, Trần Đăng Khoa chính là “nhà thơ làm thơ ở lứa tuổi trẻ con”. Chỉ nhà thơ mới viết ra được những bài thơ, câu thơ thần bút có ý tứ rõ ràng, có ý đồ nghệ thuật với khả năng sử dụng ngôn ngữ đạt đến độ điêu luyện như vậy. Chính vì thế, thơ Trần Đăng Khoa không cũ, nó vẫn tươi mãi, mới mãi. Trần Đăng Khoa thực sự xứng đáng với 6 chữ mà bạn đọc trân trọng gọi cậu: “thần đồng thi ca Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét