GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN VŨ ĐIỆU TÌNH YÊU Sửa
LỜI GIỚI THIỆU
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Trên tay bạn là cuốn sách Vũ điệu tình yêu gồm hai truyện “Vũ điệu tình yêu” và “Đêm Noel”. Đây là cuốn truyện thứ tư của cây bút văn xuôi Thu Lâm, sau ba cuốn Say nắng, Nước mắt đàn ông và tiểu thuyết Dạ khúc, do NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2019 và 2020, đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả yêu thích chủ đề về tình yêu.
Thu Lâm viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết đều xoay quanh vấn đề tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Cuốn sách này cũng vậy. Đây là chủ đề không mới mẻ, nhưng chưa bao giờ cũ bởi con người dù sống ở thời nào thì vẫn có chuyện yêu nhau, lấy nhau, đăng ký kết hôn, về chung một nhà, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường.
Truyện vừa “Vũ điệu tình yêu” là một khía cạnh khác của hôn nhân và gia đình. Đây là các nhân vật ở thành phố Hà Nội, từng học khoa Văn Đại học Sư Phạm, từng nổi tiếng là trai thanh gái lịch một thời. Lan Hương hết lòng cho gia đình, chồng con. Cái gì bà cũng giành lấy làm đỡ chồng, đỡ con. Đến nỗi con gái phải nhắc nhở: “Mẹ nhớ là phải chăm sóc cả về mặt tình cảm cho bố. Con thấy mẹ có phần hơi lơ là chủ quan đấy!”… “Còn nữa, mẹ phải chăm lo cả hình thức của mẹ nữa. ( tr.26, 27).
Bà Hà bạn thân cũng là một cựu người đẹp. Nhưng khác với bà Lan Hương, bà Hà chủ động lo cho cuộc sống khi về hưu của mình. Bà Hà cũng đã lên tiếng cảnh báo bạn thân rằng : “Tôi nói trước để cậu đề phòng nhé, hãy tập nhảy mà đi cùng ông ấy, không thì mất chồng lúc nào không biết. Ông ấy hào hoa phong nhã như thế kia, đắt như tôm tươi đấy”. Thế nhưng bà Lan Hương vẫn tự tin, chủ quan, cười đắc ý: “Cứ cho ông ấy đi thoải mái, miễn là “lương đưa đầy đủ, tối ngủ ở nhà” là được. Với lại tình yêu thường đi từ dạ dày rồi mới tới trái tim. Đố ông ấy có thể xa rời căn bếp của tôi, việc gì phải giữ” (trang 45). Chỉ đến khi tận mắt nhìn thầy chồng mình và bạn nhảy bày tỏ tình cảm trong điệu “slow” mới tin là mình bị đe dọa “mất quyền sở hữu”.
Ngòi bút phân tích tâm lí của tác giả tỏ ra tinh tế khi để cho nhân vật ông Thành càng lúc càng bị vợ đẩy ra xa. Bà Hương hết lo cho con đến lo cho cháu, chẳng hề để ý đến bản thân. Thậm chí đến người chồng thân yêu cũng chẳng quan tâm đến tình cảm của ông như con gái khuyên. Chỉ biết lo cho chồng ăn ngon miệng. Nhưng “Ông đâu cần chỉ có ăn ngon, mặc đẹp, không phải đụng chân đụng tay vào việc gì. Mà ông còn khao khát một bàn tay âu yếm, vuốt ve, những lời yêu thương, thủ thỉ bên nhau... Ông vẫn còn là một người khỏe mạnh dạt dào tình cảm muốn yêu thương và nhận được yêu thương” (trang 30). Chính đó là một trong các lí do mà ông Thành đã ngã vào vòng tay của người bạn nhảy xinh đẹp, khao khát yêu đương.
May thay, kết thúc cuộc tình tay ba là một kết thúc có hậu. Nhưng cái “hậu” đó còn để lại “di chứng” trong tâm của mỗi nhân vật, khiến họ phải suy ngẫm lại. Để bảo vệ tình yêu và có được tình yêu đích thực, mỗi con người phải hành xử như thế nào cho tâm hồn được thanh thản. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Suy nghĩ của bà Hà về bi kịch của gia đình bạn mình : “ Đó là cái giá phải trả cho sự thờ ơ, vô trách nhiệm với bản thân mỗi con người. Nếu như mỗi người đều chung tay vun đắp cho hạnh phúc mình đang có, nếu như cùng yêu thương, cùng thấu hiểu… thì đã không xảy ra bi kịch”(trang 88). Phải chăng đó là điều mà tác giả Thu Lâm muốn gửi tới bạn đọc?
Còn nữa, có thể lời của Tuyết, con gái bà Lan Hương cũng là một trong các thông điệp mà tác giả Thu Lâm muốn gửi gắm qua truyện vừa này “Tình yêu không có“tuổi thọ”, nó có thể “chết” lúc nào không biết”. Vâng, tình yêu dù lãng mạn đến mấy, đẹp đến mâý, nhưng nếu không biết vun vén, chăm sóc thì nó vẫn có thể “chết” đột ngột.
Thu Lâm
Trong truyện ngắn“Đêm Noel”, Tạ Bích Việt và Trần Trí Bảo là một đôi vợ chồng hiện đại thời nay. Thời đại có xe máy đi phượt, có phương tiện điện thoại thông minh để chụp hình, sống ảo; có “homestay” dành cho du khách Tây, Ta. Họ là bạn học của nhau, một “thủ lĩnh” và một “đệ tử”. Bất ngờ, họ có một kỉ niệm đẹp và vô cùng lãng mạn trong đêm Noel khi gặp sự cố bất khả kháng phải dừng ở một “homestay”. Khi đã 29 tuổi không tìm được ai khác, Bích Việt đã đồng ý làm vợ người “đệ tử” có biệt danh “Bảo sữa” của mình. Cô đã nghe theo lời mẹ “Cưới nhau đi, tình yêu sẽ đến sau đêm tân hôn đấy con ạ”. Có chồng, có con trai ba tuổi, được cả bố mẹ hai bên vui mừng, hài lòng. Nhưng tình yêu vẫn chưa chịu đến với Bích Việt. Do đó mà cô cảm thấy “cực kỳ mệt mỏi” với người chồng “như một cậu bé trong hình hài người lớn, sống vô lo vô nghĩ”. Truyện kết thúc trong tâm trạng chênh vênh, bất ổn của Bích Việt : “Cuộc hôn nhân của cô chỉ mới ba năm, vậy mà cô thấy mỏi mệt vô cùng, mỗi khi nghĩ đến người chồng vô lo vô nghĩ, một câu hỏi luôn hiện ra: “Liệu rồi sẽ kéo dài được bao lâu nữa”? (trang 105).
Cách kết thúc “mở” của“Đêm Noel” là một nét riêng độc đáo của tác giả, khiến cho người đọc có cảm giác hụt hẫng, phân vân, muốn tìm hiểu tận cùng số phận của nhân vật. Tuy nhiên, nó lại có thể khiến cho người đọc suy diễn ra kết quả của riêng mình. Kết thúc “mở” đôi khi cũng là ý đồ của tác giả, đặt nền móng viết phần tiếp theo của câu chuyện.
Thật là vui, khi tôi được tác giả Thu Lâm tin cậy nhờ viết vài lời giới thiệu như là chất xúc tác để bạn đọc thêm hứng khởi đọchai truyện “Vũ điệu tình yêu” và “Đêm Noel” trong tập sách này!
Chúc Thu Lâm thành công trong mỗi tác phẩm!
Hà Nội, 19 tháng 2 năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét