Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Cảm thức đồng hiện trong Giấc mơ màu cỏ của Cao Hạnh

 


Cảm thức đồng hiện trong
Giấc mơ màu cỏ của Cao Hạnh

TS. BÙI NHƯ HẢI

Nhân dịp giới thiệu tập thơ Giấc mơ màu cỏ, tôi muốn nói thêm đôi điều để một số độc giả chưa biết hoặc mới chỉ nghe qua hiểu rõ hơn về nhà văn Cao Hạnh. Ông tên thật là Cao Hạnh, bút danh Cao Lê, sinh năm 1953, tại làng Linh Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cao Hạnh hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ

Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Các tác phẩm đã được xuất bản như Bồ câu xám (1997), Huyền thoại tình yêu (1998), Vú cát (2007) và vở kịch Bức thư người giúp việc (chuyển thể từ truyện ngắn) được giải nhất kịch ngắn toàn quốc năm 2005,… Những tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn và kịch bản được bạn đọc yêu mến,  và đón đọc nồng nhiệt. Nhưng vốn dĩ, là một người đa tài, nên Cao Hạnh đã không dừng lại ở hai địa hạt đó, còn lấn sang cả lãnh địa thơ ca. Và rồi Nàng thơ cũng đã góp phần nâng thêm “đôi cánh nghệ thuật” cho Cao Hạnh bay cao, bay xa trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại. Chúng tôi giới thiệu vài nét như thế, là để bạn đọc nhận ra được một gương mặt đầy tài năng, tuệ mẫn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, mà ở lĩnh vực nào Cao Hạnh cũng gặt hái được những thành công đáng nể, để lại dấu ấn nhất định trong lòng độc giả, bạn bè văn chương và giới nghiên cứu, phê bình văn học.

Giữa chúng tôi và nhà văn Cao Hạnh có một kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi không nhớ chính xác là vào ngày nào trong tháng 03 năm 2008, khi ấy tôi đang say sưa giảng bài, thì chợt nhìn qua thấy điện thoại trên bàn của giáo viên rung chuông (do để chế độ im lặng), nhưng vì số điện thoại lạ, không có tên trong danh bạ lưu, vả lại đang trong giờ lên lớp, nên tôi không thể nhận cuộc gọi ấy là của ai. Sau khi kết thúc tiết dạy, tôi liền gọi lại số điện thoại đã gọi nhở lúc nãy để xem ai đã gọi, có chuyện gì cần không. Điện thoại vừa mới đổ chuông, tôi chưa kịp chào hỏi

để biết chủ nhân số điện thoại, thì liền nghe phía bên kia nói ngay: Cháu có phải Bùi Như Hải không? Chú là nhà văn Cao Hạnh. Hiện nay, chú là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Chú chưa biết về cháu, gặp cháu lần nào, chỉ đọc một số bài viết của cháu trên báo Quảng Trị, tạp chí Cửa Việt, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam và một số báo, tạp chí khác. Chú rất thích các bài viết của cháu, nên chú mong được gặp cháu, vì thế cháu có thể tranh thủ thời gian trong tuần tới gặp chú được không? Quá bất ngờ và cảm động, vì tôi được một nhà văn có tên tuổi, có địa vị, lại nói chuyện quá thân thiện và tình cảm. Không nghĩ ngợi, đánh đo, tôi liền đồng ý và nói rằng: Tuần sau chiều thứ bảy, cháu có thể ra gặp chú được không ạ? Nhà văn Cao Hạnh liền nói ngay: Thế tốt quá, vậy chú cháu mình gặp nhau vào lúc 2 giờ chiều thứ bảy nhé. Nhưng trước lúc đi, cháu nhớ gọi chú theo số này để chú biết, tranh thủ đón cháu. Hẹn gặp cháu vào tuần tới. Chú chúc cháu luôn vui vẻ và viết khỏe, đều tay nhé. Nhà văn Cao Hạnh vừa dứt lời, tôi tiếp: Cháu cảm ơn chú nhiều và chúc chú có nhiều sức khỏe, tiếp tục viết để bạn đọc được thưởng thức những tác phẩm hay của chú. Cháu mong được gặp chú vào tuần tới. Đúng như lịch hẹn, 2 giờ chiều thứ 7 tôi được gặp chú trong một không gian ấm áp, yêu thương tại thành phố Đông Hà. Trong gặp gỡ này, tôi cũng thật lại bất ngờ nữa, đó là có sự hiện diện của nhà văn Văn Xương - một nhà văn mà tôi yêu mến, trân quý nhưng chưa có cơ hội để được diện kiến. Cuộc gặp gỡ chỉ có nhà văn Cao Hạnh, Văn Xương và tôi nhưng lại rất ấm áp, gần gũi và vui vẻ qua những câu chuyện về văn chương đầy thú vị của nhà văn Văn Xương, lối đọc thơ có sức cuốn hút và sự hứng khởi, “lên đỉnh” của nhà văn Cao Hạnh. Cũng trong buổi gặp gỡ này, tôi không thể nào quên được, mãi khắc ghi tình cảm quý mến của nhà văn Cao Hạnh dành cho tôi trong việc trao đổi, mong muốn tôi chuyển ra công tác tại tạp chí Cửa Việt. Nhà văn Cao Hạnh chia sẻ: Chú thấy cháu đam mê văn chương, chú muốn cháu về tạp chí để có cơ hội phát huy, thể hiện tài năng và cùng với đội ngũ hiện tại “chung lưng đấu cật”, để có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, có uy tín đối với bạn đọc trong cả nước, có như thế tạp chí mới trở lại như thời hoàng kim do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng biên tập. Những trao đổi, tâm sự của nhà văn Cao Hạnh đã làm tôi vừa xúc động, mừng quýnh cả lên, vừa vinh dự khi được quan tâm, ưu ái. Nhưng vì do cái duyên chưa tới, nghiệp văn chương chưa vận, để rồi sau đó tôi nói với nhà văn Cao Hạnh rằng: Thưa chú, cháu thật sự rất cảm kích, cảm ơn chú đã ưu ái cháu, nhưng vốn dĩ nghề giáo - cái nghề “gõ đầu trẻ” đã chọn cháu rồi. Tôi vừa dứt lời, nhà văn Cao Hạnh liền nói tiếp: Chú tôn trọng sự lựa chọn của cháu, sau này cháu có muốn thay đổi môi trường, làm việc cùng chú thì hãy nói chú biết. Lúc nào chú cũng sẵn sàng đón cháu. Và nhân đây chú tặng cháu tập thơ Giấc mơ màu cỏ vừa mới xuất bản. Tôi cảm ơn nhà văn Cao Hạnh, rồi chia tay và hẹn ngày hội ngộ. Ngay ngày hôm sau, tôi tranh thủ thời gian đọc và nghiền ngẫm cẩn trọng hết 44 bài thơ in trong tập thơ này. Cứ thế đọc thêm một vài lần nữa, tôi mới nghiệm ra được thi chất phóng khoáng nhưng lại chan chứa cái tình của tác giả - nhà thơ Cao Hạnh. Tôi rất xúc động và đồng cảm cùng với tác giả của tập thơ vì cái tình đầy nỗi niềm, trăn trở được thể hiện qua mỗi thi phẩm. Cái tình ấy, không vượt ra ngoài không - thời gian của dòng sông ký ức, hoài niệm về những gì thiêng liêng nhất của quê hương, đất nước, người thân, thời ấu thơ, tình yêu,… Ngược về dòng sông ký ức, Cao Hạnh đã làm một cuộc “đào xới” về chính mình. Những lần “đào xới” ấy đã giúp người thơ thăng bằng trong cuộc sống cũng như có những phút giây được sống thật với chính mình. Ký ức vì thế luôn được nâng niu, trở thành thứ quý giá nhất và rồi chính nó lại cất lên tiếng nói để nhắc nhở hiện tại.

Có một điều muôn thuở, trở thành quy luật trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt ở lĩnh vực thi ca, đó là quê hương và người thân luôn là tố chất thường trực hun đúc nên cảm hứng sáng tạo của mỗi văn nghệ sĩ. Đi suốt tập thơ Giấc mơ màu cỏ vì thế cũng là một hành trình tìm về miền ký ức của chốn quê - nơi chôn nhau cắt rốn, với những người thân ruột, làng xóm một thời ấu thơ và trưởng thành của người thơ. Có thể kể đến các bài thơ khá ấn tượng, đầy chân thành, tình cảm yêu thương và sâu lắng như Cha, Nhớ mẹ, Ngày chị đi lấy chồng, Làng tôi, Chị ơi, Dòng sông quê tôi, Ngắm lúa non,... Đọc các bài thơ này, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh quê hương của người thơ dấu yêu - Vĩnh Linh lũy thép lũy hoa. Làng quê ấy cũng giống như bao làng quê miền Trung khác, quanh năm mưa nắng dãi dầu, đất đai khô cằn sỏi đá, gió Lào bỏng rát và người dân nơi đây muôn vàn khó khăn, khổ ải.

Làng tôi không có bóng dừa

Không có cây đa cổ thụ

Ngọn gió Lào lặn vào sỏi đá

Thiên nhiên vốn đã không ưu ái mảnh đất này, thế nhưng còn phải hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn dữ dội nhất, ác liệt nhất từ cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ:

Những năm tháng chiến tranh

Bom đạn thù dội xuống

Đất đá tung lên, cây lá bị vày vò

Mái đình làng đỗ xuống niềm đau

Máu dân làng chảy lênh loang trên đất

Kẻ thù bằng mọi cách, muốn xóa trắng cái làng quê nhỏ bé ấy. Nhưng con người sống nơi đây chẳng bao giờ chùn lòng, nản chí. Họ quyết bám đất, bám làng để sống, cùng chung sức, chung lòng, anh dũng, hy sinh để đứng lên đánh giặc, giữ gìn từng ngọn cỏ, từng tất đất: 

Chị Phận, chị Ty, chị Chút, cô Đoài

Những cô gái làng tôi thời ấy

Mặt đẹp như trăng dáng mềm như sương khói

Hồn say sưa tiếng hát cung đàn

Chiến tranh! Tất cả cầm súng!

(Làng tôi)

Chiến tranh kết thúc, những người con ưu tú của mảnh đất lũy thép tham gia chiến đấu, nay trở về quê hương đoàn tụ gia đình, hòa mình vào cuộc sống mới. Nhưng trong số ấy, cũng không ít người phải đối diện với những khó khăn, vất vả vì cơm áo, gạo tiền, nên đã rơi vào bi kịch. Đặc biệt, những cô gái thanh niên xung phong trở về sau cuộc chiến phải đối diện với nỗi cô đơn, góa bụa khi “không còn khả năng đón nhận hạnh phúc” vì tuổi xuân đã đánh bật ra đằng sau: 

Người đàn bà khi tuổi đôi mươi

Bao năm tháng sống trong hầm bí mật

Mái tóc xanh rụng dần trong cát

Tuổi thanh xuân hương sắc tàn phai

             (Người đàn bà tìm tuổi xuân trên cát

Nỗi đau ấy, khát vọng ấy của người lính được   Cao Hạnh chưng cất bằng máu, nước mắt, bằng khát vọng sống mãnh liệt, để viết nên những vần thơ mặn xót, quạnh thắt đến nao lòng. Lặn vào trong những con chữ chính là sự đồng cảm, sẻ chia của nhà thơ đối với sự hy sinh vô bờ bến của những người con ưu tú lũy thép, anh hùng và cả vẻ đẹp của đất trời, con người được gạn lọc từ máu lửa chiến tranh. Những bài thơ viết về chiến tranh, hậu chiến trong Giấc mơ màu cỏ như một lời nhắc nhở, gửi gắm của nhà thơ Cao Hạnh đối với bạn đọc về thái độ sống, lý tưởng sống của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. 

Với nhà thơ Cao Hạnh, làm thơ là để giữ lại ký ức dĩ vãng, lấy hiện tại làm điểm tựa cho ký ức đồng hiện. Và như thế, trong dòng sông ký ức của nhà thơ không thể thiếu vắng những ký ức về những tháng năm khốn khó của gia đình, của cha mẹ và của người thân. Khó có thể quên những ký ức cốt nhục của một thời chạy giặc, đạn bom và đói rét, cơ cực trăm bề của mẹ cha, người thân, xóm làng nơi chốn quê:

    Bởi đạn bom dội xuống lúc mẹ tôi đang têm trầu

    Cha tôi đang cày trên đồng ruộng

                                         (Làng tôi)

Nhất là những ký ức về mẹ, không thể nào phai nhạt trong trái tim của nhà thơ Cao Hạnh. Hình ảnh mẹ gắn với những gì thiêng liêng nhất, quý trọng nhất nhưng cũng đầy xa xót, tủi buồn nhất khi người thơ trực tiếp chứng kiến cảnh mẹ “suốt đời buộc bụng thắt lưng”, “suốt đời lam lũ”, cần mẫn như những “con tằm nhả kén” để “nuôi đàn con khôn lớn” như “những sợi tơ vàng”. Ký ức về người mẹ giàu tình, nặng nghĩa đã giúp Cao Hạnh làm một cuộc hành trình tìm về với thời gian quá vãng, chập chờn những buồn vui, để rồi cất lên những vần thơ đầy vơi nỗi niềm, cảm xúc lẫn suy tư, trăn trở:

Con lật hồn mình vào tháng năm xa ngái

Nghe lời ru của mẹ vọng về

Để nỗi buồn mắc mãi ở lưỡi câu

Mà mẹ ơi suốt đời con không sao gỡ được

                                                     (Nhớ mẹ)

Và vẫn còn đó ký ức đầy đớn đau, buồn tủi khi mẹ, cha đã rời cõi tạm, còn lại người thơ một mình bơ vơ, không biết nương vào đâu, để rồi phải neo đậu hồn mình “vào trong im lặng”, đi “tìm ẩn số cuộc đời”:

Con neo hồn mình vào trong im lặng

Lặn vào câu thơ tìm ẩn số cuộc đời

                                                            (Cha)

Mẹ, cha chính là những thiên thần sáng rực trong cuộc đi “tìm mình”. Nhà thơ tiếc thương, buồn tủi khi mẹ, cha khuất bóng, mà vẫn chưa đền đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục. Trong tâm hồn của nhà thơ vì thế luôn thường trực, ám ảnh hiển linh bóng dáng của mẹ, cha. Cao Hạnh đã đem đến cho độc giả được sự đồng cảm, hiếu đễ khi đọc bài thơ Nhớ mẹCha giữa chiêm bao hiện về của một thời xa vắng nhưng lại đong đầy yêu thương, hoài niệm. Những vần thơ viết về mẹ, về cha trong thơ Cao Hạnh rất thấm đậm nghĩa tình và khắc sâu thêm nỗi nhớ thương sâu sắc, đong đầy của cha, mẹ một đời vất vả, hy sinh cho các con, các cháu được lớn khôn, thành tài.  

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, hiện tồn trong ký ức của Cao Hạnh, vẫn còn đó hình ảnh của người chị xấu số đã bị chiến tranh cướp đi khi đương còn trẻ: 

Chị ơi từ ngày ấy

Đã ba lăm năm rồi

Viên đạn nào bắn chị

Còn xé hoài tim em

(Chị ơi)

 Hạnh phúc với những ai đang còn chị, nhưng cũng quá đỗi thiệt thòi cho những ai không còn chị nữa. Luật trời đã định, làm sao thoát khỏi ngưỡng của luật sinh tử, âm dương phải cách trở, để rồi nhà thơ chỉ còn gặp lại được người chị yêu quý của mình trong giấc mơ, trong ký ức. Nhưng giấc mơ rồi cũng sẽ qua, chỉ có nỗi buồn, niềm luyến thương, nước mắt,... đọng lại nơi người thân, nơi nhà thơ lại là thật, lại là hiện thực khắc nghiệt nhất của tình cảm, một sự mất mát không sao có thể tìm lại được. Từ nỗi đau của gia đình, Cao Hạnh nâng lên thành nỗi đau của toàn dân tộc và nhân loại:

     Ôi kỷ niệm của một thời chiến tranh lửa cháy

    Từ gia đình, tôi hiểu Tổ quốc tôi

                                         (Giấc mơ màu cỏ)

Tâm hồn Cao Hạnh thật tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc với nỗi đau, cũng như tự nghiềm ngẫm về nỗi đau để thấm thía, để thấu hiểu hơn về thân phận con người, cuộc đời và cả giá trị của cuộc sống hôm nay. 

Tìm về quá khứ, Cao Hạnh còn neo đậu nơi vườn hoa tình yêu - một thời luyến thương, mơ mộng. Đọc bài thơ Người ơi, độc giả sẽ cảm nhận được tâm trạng của người thơ, vừa luyến tiếc quá khứ, lại vừa háo hức, tinh nghịch, vừa say mê sống phần đời còn lại, sống cái thì hiện tại đương thì: 

Ta còn một trái tim đau

Yêu em cho đến nát nhàu người ơi

(Người ơi)

Nhưng tình yêu của người thơ, đôi khi lại không tròn đầy, không được đáp đền, nên có chút bâng khuâng, hụt hẫng, thậm chí buồn đau tràn ngập khi nhận được tin người yêu đi lấy chồng: 

Ngày em đi lấy chồng

Về phương trời xa lạ

Đôi chúng mình hai ngã

Biết nơi mô mà tìm

(Ngày mai)

Tình yêu dang dở, tâm trạng buồn tủi, luyến tiếc, nhưng người thơ vẫn không trút vào tháp ngà tình yêu cô đơn, giá lạnh, mà đứng dậy, hóa thành niềm vui, hạnh phúc cho riêng mình khi nhận ra những gì không còn thuộc về nhau nữa: 

Để bật dậy những màu xanh run rẩy

Anh - miền sỏi đá hóa phì nhiêu

(Phù sa em)

Mặc dù tâm trạng rơi vào bi kịch, đau khổ vì tình yêu nhưng cái nhìn, cách nghĩ vẫn đầy lạc quan, vẫn yêu đời, vẫn yêu người tha thiết chính là một cách sống, một cách thơ của Cao Hạnh. Bởi nhà thơ đã nhận ra, tình yêu không thể chứa đầy trong lời nói, mà tình yêu chỉ được khởi dấy lên trong im lặng và trong thực tế hành động mà thôi. 

Nếu làm một cuộc hành trình trở về Giấc mơ màu cỏ, bạn đọc không chỉ sống lại với một thời đã xa, mà còn được nghênh diện với những bộn bề của cuộc sống hôm nay, cũng như phải đối mặt với thử thách mới trong tư thế và tâm thế của một người trong cuộc: 

Ta như con sóng ngoài khơi

Bạc đầu cũng chỉ vì đời biển xanh

(Ta như

Những bài thơ như Tự vấn, Ngẫm, Đi,… có chiều sâu suy tư, triết lý, nhưng không phải là sự triết lý đầy sơ cứng, rối rắm. Vì chất triết lý trong thơ Cao Hạnh bắt nguồn từ hiện thực của đời sống, của cuộc đời và từ chiều sâu văn hóa dân tộc.

Đôi khi, có những câu chuyện rất đời thường, nhỏ nhoi, vụn vặt, nhưng vẫn tạo được sự tương giao hòa hợp, chân cảm, giàu triết lý nhân sinh và nhân văn sâu sắc. Bài thơ Tự vấn là một cuộc hành trình “tôi đi tìm tôi”, vẽ lại bức chân dung tự họa của một con người đã ngoài thất thập, đang cố tìm kiếm bản thể của cuộc đời, của chính mình: 

Tôi là ai?

Một nửa tôi bay ở phía chân trời

Một nửa tôi neo vào trong cát bụi

Hai nửa cuộc đời nhập lại

Để thành tôi trong một kiếp Con - Người

Nhưng đằng sau sự triết luận, suy tư ấy, bạn đọc sẽ không khó để nhận ra một trái tim đôn hậu, một thế giới tâm hồn trong trẻo, tự tại của chính nhà thơ Cao Hạnh giữa muôn màu cuộc sống đời thường. 

Qua tập thơ Giấc mơ màu cỏ, bạn đọc sẽ nhận ra độ chín của một tài năng, một Cao Hạnh đầy ân tình và từng trải. Sự ân tình, chân thành ấy đều xuất phát từ gan ruột, từ chính xúc cảm rất thực của nhà thơ. Chính vì thế, Cao Hạnh đã níu kéo được bạn đọc để cùng chia sẻ, cùng đồng cảm với những cung bậc của tâm trạng, của nỗi niềm nhà thơ - một con người đã đi trọn cuộc đời của mình cùng với đất trời, thiên nhiên giữa cõi trần gian. Độc giả đi cùng những bài thơ trong Giấc mơ màu cỏ cũng sẽ nhận ra được bản thể của chính mình, nhận diện được hình tướng muôn mặt đa diện của cuộc sống hôm nay và gọi được tên cái vô hình đang ẩn khuất đâu đó. Giấc mơ màu cỏ vì thế được viết từ một ước muốn “khơi dậy những hạt mầm đã rơi vào cõi vô thức”.

  Hải thiện, tháng 3/2010

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét