Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

CẢM NHẬN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC TÂM DUNG

 


 

CẢM NHẬN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC TÂM DUNG

  Về cuốn “Đàn bà nông nổi”, truyện kí của Phạm Ngọc Tâm Dung, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

                                                    Anh Nhu

                                              

         NHÀ GIÁO, NHÀ BÁO  Phạm Ngọc Tâm Dung bén duyên văn chương khá muộn màng. Có lẽ chính khi lướt mạng, đọc những truyện ngắn hay đã phần nào kích thích, khơi gợi cho tác giả tự  viết  lấy  những câu chuyện của mình chăng? Hoặc cũng có thể việc viết lách truyện cũng đã manh nha từ lâu cùng với những vần thơ cho riêng mình?

           Từng sống ở nông thôn, từng dạy học và làm báo, lại ham đọc, ham học hỏi, vốn sống của tác giả đủ để có thể viết. Vấn đề là có đủ cảm hứng, đủ quyết tâm và bền bỉ hay không mà thôi. Thật may là tác giả ngoài số thơ công bố trong hai tập “thi nhân Miền Cổ Tích” đủ để in thành tập, sau khi công bố tập tản văn “Kí ức lời ru”, tác giả đã  lặng lẽ viết, đã có đủ số truyện vừa và truyện ngắn, bút kí để in riêng thành tập “Đàn bà nông nổi”.

         Trong tập này, bạn đọc sẽ gặp lại bài kí xinh xắn “ Ký ức đảo xanh” ghi chép chuyến đi không quên thăm các chiến sĩ biên phòng trên đảo Bình Ba. Có lẽ ấn tượng về đảo là chất liệu để sau này tác giả miêu tả cuộc chơi thăm đảo Rùa cùa của đôi uyên ương Trinh – Bình trong truyện vừa “ Má Lành”?

         Truyện ngắn “ Oan nghiệt”  và truyện “ Giọt ấm” chắc hẳn là  hai trong những  câu chuyện mà người ta đã kể để nhờ gỡ rối khi tác giả còn  là thành viên trong nhóm “Chị Thanh Tâm” của báo Phụ Nữ Việt Nam. Với sự nhạy cảm và đôn hậu của người phụ nữ, tác giả cảm thông sâu sắc với những éo le, rắc rối của  các nhân vật trong cuộc sống.

          Truyện  “Cây sau bão” người kể xưng tôi có nhiều yếu tố tự truyện.  Truyện “Đàn bà nông nổi” cũng có những yếu tố nguyên mẫu ở làng quê thời Cải cách ruộng đất. Người xưa phân biệt giới tính, đề cao nam giới trong câu ca dao : “ Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.  Tác giả viết truyện

“ Đàn bà nông nổi” như để chứng minh rằng nhận định xưa chưa hẳn đã đúng với mọi người. Có người đàn bà “nông nổi” đã giành được sự kính trọng, khâm phục của chồng và của cả dân làng.

          Có thể nói chất liệu kí và truyện ngắn là những gì tác giả thông thuộc nên được kể, được tả khá sinh động. Cách viết của tác giả là cách viết chân mộc, có tính chất cổ điển. Kể chuyện nhiều hơn là dựng truyện. Truyện hấp dẫn ở lối kể dung dị về cuộc đời số phận những con người gần gũi.

          Những truyện, kí  đó, tác giả đã đăng trên trang  Facebook cá nhân, trang mạng Miền Cổ tích, trang Website “TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC” của Câu lạc bộ Văn Chương thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

          Bất ngờ nhất là tác giả đã viết truyện  “Má Lành”, một tác phẩm dài hơi, bao quát cả thời kì lịch sử từ chống Pháp, Cải cách ruộng đất ở nông thôn cho đến tận ngày nay.

                                                                   Tâm Dung
 

       “Má Lành” có thể coi là một truyện dài gồm có 5 phần như là 5 chương . Mỗi phần có tiêu đề riêng: 1. Ngôi biệt thự màu hoàng yến. 2. Dòng xoáy. 3.Gió xoay chiều. 4. Ly quê. 5 Hồ Thiên Nga.

Cả 5 phần đều xoay quanh nhân vật chính là “Má Lành”, người giúp việc kiêm người quản gia, kiêm mẹ nuôi của cô bé Trinh con cậu mợ chủ.

        Câu chuyện bắt đầu ở phần 1 có nhan đề Ngôi biệt thư màu hoàng yến. Tác giả  nói về chuyện Trinh, con gái duy nhất một gia đình khá giả, con nuôi của bà Lành, có cảm tình và yêu cậu thanh niên nhà nghèo tên Bình, cậu quản lí bãi rửa xe và cùng học với Trinh. Anh chị đã hò hẹn rất lãng mạn. Tương lai cũng hứa hẹn vô  cùng tươi sáng khi họ  cùng đặt mục tiêu du học ở  nước Anh. Cả hai bên gia đình đã ủng hộ việc du học nước ngoài. Nhưng đột  ngột Bình không thể đi vì bà dì bị phá sản. Mặt khác cậu không muốn bát đất hương hỏa để lấy tiền đi học.

        Phần 2 có tên Dòng xoáy,  nói về gia đình Lành trong Cải cách ruộng đất. Bố Lành là ông giáo Thịnh, sau nhận làm Lí trưởng nhưng theo Cách mạng. Trong  khi đội Cải cách về, gia đình ông bị quy là địa chủ. Gia sản bị tịch thu hết.  Ông Thịnh bị đi tù. Con trai cả là Thành không rõ tung tích. Con trai thứ là Tâm đi khỏi làng không dám trở về. Chỉ còn bà Mùi vợ ông và cô con gái tên Lành ở làng. Ông Thịnh mãn hạn tù về làng. Lành đi học bổ túc văn hóa và có  tình cảm  yêu thương với thầy giáo Hòa. Nhưng chi đoàn kiểm điểm Hòa rồi chuyển anh đi nơi khác.

         Phần 3. Gió xoay chiều kể chuyện Tâm làm con nuôi ông ké miền núi. Tâm có tên dân tộc là A Zếnh. Tâm đi thanh niên xung phong. Tâm gặp và yêu Hoa, người cùng đơn vị.

            Phần 4.  Ly quê. Ông Thịnh, bà Mùi lần lượt qua đời. Hòa vào Nam chiến đấu không hẹn ngày về. Cô Lành quyết ly quê để tìm anh trai và em trai. Và cô đã thành người giúp việc cho cậu mợ chủ, má của Trinh với tên gọi “ Má Lành”.

          Phần 5. Hồ Thiên Nga. Đó là phần kết. Do đại dịch Covid, Trinh không đi du học. Cô cùng Má Lành về quê  của Bình.  Bà Lành thắp hương trên bàn thờ, bà ngất xỉu   khi nhận ra ảnh ông bà nội trên bàn thờ. Hóa ra Bình là con của Đức.  Đức  lại là giọt máu của Hoa với Tâm, người anh lưu lạc trong Cải cách ruộng đất mà bà Lành cất công tìm kiếm bao năm trời.

          Một kết thúc có hậu ngoài mong đợi y như truyện cổ tích rất cảm động. 

             Có thể nói là những gì nghe được, thấy được từ quê hương làng Rãng  (tên chữ là Dưỡng Thông) ngày thơ ấu, những  gì tích lũy được khi dạy học, rồi khi làm việc  ở báo Phụ Nữ Việt Nam gỡ rối cho những hoàn cảnh éo le, những gì chiêm nghiệm trong cuộc sống thời 4.0, tác giả đã đưa vào truyện dài “ Má Lành”. Những đoạn kể  xen với tả và đặc biệt là phân tích tâm lí nhân vật được viết khá ấn tượng.

         Không chỉ nói về số phận của Lành, một  thiếu  nữ thông minh sáng dạ,  đảm đang, tháo vát, cứng cỏi. Tác giả còn nói về những con người hiền lành đáng kính như ông giáo Thịnh, bà Mùi, vợ ông Thịnh vượt qua oan ức, sống lương thiện.  Họ đã kiên trì, bền bỉ vượt qua cơn bão Cải cách ruộng đất dữ dội ở vùng quê nghèo. Tâm và những đồng đội của anh chiến đấu dũng cảm. Và thế hệ trẻ con cháu của họ là Trinh và Bình, những thanh niên giàu hoài bão, ước mơ,…

          Mới cầm bút viết truyện chưa lâu, nhưng có được “Má Lành”, một truyện dài là một tiến bộ đột xuất và đáng mừng của tác giả.

          Trong bài tản văn “Thư cho cháu gái về một điều ý nghĩa” tác giả  Phạm Ngọc Tâm Dung viết cho cháu mình:

          Bà biết mình vốn là người quê kiểng, văn thơ mấy cũng chỉ là niềm thương nỗi nhớ cánh đồng, dòng sông, xóm nhỏ, người thân, là nỗi niềm về hạt gạo, củ khoai, con cá, lá rau… nhưng nó là của riêng bà, là máu thịt một đời chiu chắt, dồn nén và đam mê” ( Kí ức lời ru, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021, trang 224-225).

           Đúng vậy!  Tập “ Đàn bà nông nổi” là của riêng tác giả. Nhưng giờ đây nó đã thành của chung cho những cư dân làng Dưỡng Thông, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì những con người và cảnh sắc quê hương một thời đã vào trong sách. Nó  cũng thành của chung cho những ai yêu mến văn chương, muốn tìm hiểu  các  khía cạnh của cuộc sống những con người bình thường, những số phận con người nhỏ bé của làng quê kiên cường, bất khuất, vượt lên  mọi hoàn cảnh. Những con người đáng được kính trọng, tự hào và  mãi mãi ngợi ca!

                                                       Hà Nội, Mùa Xuân năm 2021

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét