Nhà thơ Bùi Đức Khiêm (cầm hoa)
30 NĂM TRƯỚC CÓ MỘT TẬP THƠ
BÙI ĐỨC KHIÊM
Đó là tập thơ Điểm tựa do Nhà xuất bản Tác phẩm mới – nay là Nhà xuất bản Hội Nhà
văn – xuất bản và phát hành tháng 9 năm 1984, kỷ niệm 5 năm cuộc chiến tranh
biên giới xảy ra. Tên tập thơ cũng là tên bài thơ để lại dấu ấn một thời của
nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng lão thành Lê Đức Thọ. Tác giả viết Điểm tựa vào tháng 1/1983, ngay sau
chuyến thị sát về đời sống, tinh thần và vật chất của bộ đội biên giới ở tỉnh
Cao Bằng. Bài thơ mở đầu:
Hàn thử biểu chỉ độ
không
Đêm nay trời rét lắm
Cái rét biên thùy lạnh
buốt sương khuya,
Gió vi vút rít qua khe
cửa nhỏ
Trằn trọc mãi thâu đêm
chẳng ngủ,
Thương anh nhiều, anh
chiến sĩ của tôi ơi!
Còn đây là đoạn kết của bài thơ:
Làm thế nào để anh được
ấm hơn đôi chút,
Bát cơm đầy thêm thịt
cá, rau tươi,
Cứ mỗi đợt gió mùa
đông bắc thổi về xuôi,
Chắc điểm tựa lại rét
nhiều anh nhỉ?
Gió ơi gió nhắn đôi
lời thủ thỉ,
Gửi tới anh bao nỗi
nhớ tình thương.
Sẽ là thừa nếu lại viết thêm đôi lời phân
tích, bình luận về chủ ý của những câu thơ gan ruột như vậy được viết ra từ một
lãnh đạo Đảng và nhà nước khi đó. Chỉ xin nhắc lại, bài thơ từng được đăng
trang trọng trên báo Nhân dân và thực sự làm xúc động và tăng thêm động lực cho
quân, dân cả nước, tất cả vì sự vẹn toàn lãnh thổ đất nước những năm giữa thập
niên 80 của thế kỉ trước. Bài thứ hai của Lê Đức Thọ in trong tập thơ này là
bài Thăm anh, tác giả viết vào giữa
tháng 12 năm 1983 khi đi thăm và làm việc ở Minh Hải - vùng đất tận cùng phía
Nam của đất nước (Cà Mau ngày nay):
Vừa mới ngày nào lên
điểm tựa
Đêm nay đã trọn một
mùa xuân
Đường đi biên giới đâu
xa lắm
Nhưng khó thăm anh lại
một lần
Mở đài nghe báo tin thời tiết
Đợt gió mua này rét
rét thêm
Tôi ở miền Nam tràn nắng
ấm
Ước gì nắng ấm cả vùng
biên...
Ngoài Lê Đức Thọ, Tố Hữu cũng
được nhà xuất bản chọn in hai bài (Xuân
đây và Ngẫu hứng), còn lại 68 bài
thơ của 68 tác giả là các nhà thơ, nhà báo và một số cán bộ, chiến sĩ sáng tác
trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, trực tiếp đối mặt với kẻ thù phương
bắc. Theo Lời Nhà xuất bản ở đầu tập thơ : “ Thơ về biên giới đã thành một đề tài đặc biệt, liên tục xuất hiện trên
báo chí và các tập thơ xuất bản gần đây.Nhà xuất bản Tác phẩm mới chọn lọc từ
hàng nghìn bài thơ đã in trên sách, báo để cho ra mắt bạn đọc tập thơ Điểm tựa
này”.
Nhiều người hẳn chưa quên, ngay sau khi quân
xâm lược Trung Quốc ồ ạt đánh chiếm nhiều tuyến dọc biên giới từ Lai Châu sang
phía đông Quảng Ninh (17/2/1979), nhiều nhà thơ, nhà báo chuyên nghiệp đã lên
đường và có mặt ở những nơi chiến sự ác liệt đã và đang diễn ra để viết bài,
đưa tin. Trường hợp nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết công tác ở Báo Hoàng Liên
Sơn hy sinh ngay buổi chiều ngày đầu tiên quân Trung Quốc đánh vào thị trấn Sa
pa là một ví dụ điển hình. Tên của nhiều bài thơ in trong tập thơ cũng minh
chứng điều đó: Từ Mã Yên Sơn đến Lũng
Phầy (Nguyên Hồng), Lớp học dưới chân đèo (Hữu Thỉnh), Đêm Hà Giang (Nguyễn Bách), Đêm
Đồng Đăng (Nguyễn Duy), Trận đánh
trên đèo Khau Chỉa (Võ Văn Trực), Một
chặng Hà Tuyên (Vân Long), Lên Cao
Bằng(Y Phương), Chợ tết Mường Khương(Bùi
Đức Khiêm), Ngôi nhà ở Lào Cai (Thân
Như Thơ), Ghi ở chốt (Trần Nhương), Chuyến tầu năm ấy (Nguyễn Hoàng Sơn),
Ta ca nô – trái tim của anh (Nguyễn Thị Hồng Ngát)...
Trong Bài hát ru con trên đường chạy giặc, nữ
sĩ Xuân Quỳnh viết:
Nhà em ở phía đằng sau
Làng em bao lũ giặc
Tàu tràn qua
Cành tre gãy trước sân
nhà
Con cò trắng cũng bay
xa mất rồi...
Lời ru hãy hóa lưỡi dao
Ngăn không cho giặc
tràn vào tuổi thơ.
Phần lớn các bài thơ in trong Điểm tựa được viết vào giữa năm 1979 (nhiều bài ra đời chỉ một ngày
sau cuộc chiến biên giới diễn ra). Như bài Trận
đầu đánh thắng (ghi ngày 18/2/1979) Phạm Tiến Duật - Tác giả của những Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong,
Tiểu đội xe không kính – nổi tiếng mười năm trước viết:
Đồng đội ơi, các anh đánh rất tài
Nếu chúng chưa thật
kinh hoàng, hãy cho thêm trận nữa
Đến bằng lửa chúng phải đi bằng lửa
Lần này đến ống đồng
chúng cũng chẳng kịp chui!
Ngoài các nhà thơ,
nhà báo xung trận, một số nhà thơ tuy không trực tiếp lên với biên cương nhưng
cũng kịp thời và khảng khái bày tỏ chính kiến của mình trước công luận trong
nước và bạn bè quốc tế. Nhà thơ Xuân Diệu trong bài Một lần nữa chúng tôi lại chống quân xâm lược (Thư gửi bạn bè nhà
văn quốc tế):
Một lần nữa, chúng tôi
lại chống quân xâm lược,
Chúng tôi vào cuộc
kháng chiến thứ ba
Và lần này, kẻ địch
không phải ở đâu xa
Chính kẻ vẫn tưởng là
ruột rà, thân thiết
Môi sát kề răng, đường
cách mạng bao lâu khăng khít
Những làng mạc đôi bên
nghe chung một tiếng gà...
Còn nhà thơ Chế Lan Viên thì vẫn hào sảng, phơi phới tự tin
vào cuộc chiến chính nghĩa và chiến thắng của dân tộc trước quân xâm lược:
Em có thấy bầu trời
bát ngát sáng nay không
Tổ quốc thương yêu,
người đẹp vô cùng!
Vừa xong lũ cường quốc
phương Tây, giờ đến thằng giặc khổng lồ phương bắc
Bốn mươi thế kỷ là dài
lâu, ba mươi tư năm là khoảnh khắc
Chớp mắt thời gian, ta đại thắng ba lần
Vẫn còn đây mưa phùn
gió bấc
Biên giới đủ hoa rừng
và lộc nõn để khao quân...
35 năm đã đi qua, các nhà thơ Lê Đức Thọ, Tố
Hữu, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên...rồi một số nhà thơ trưởng thành
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật...những
người góp tiếng nói làm nên Điểm tựa
một thời đã đi xa. 35 năm qua, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ
đất nước vẫn luôn hiện hữu và thường trực đối với quân, dân cả nước. Hằng năm
các nhà văn, nhà thơ, nhà báo vẫn thường có những chuyến đi đến nhiều vùng biên
cương, hải đảo xa xôi với những bài viết sống động về tinh thần cảnh giác,vượt
khó để canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc và đăng tải rải rác trên
các báo, tạp chí trung ương và địa phương...
Có thể nói, thơ văn, ký sự, ghi chép về đề tài
biên giới, biển đảo thời gian qua không ít và được người đọc cả nước trân trọng.
Mới đây thôi, tại sân thơ truyền thống của Ngày thơ Việt Nam năm 2014 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với
chủ đề “Mùa xuân đất nước: Từ Điện Biên đến biển đảo quê hương” đã được công
chúng yêu thơ đón nhận và hưởng ứng.
Đáng suy nghĩ chăng, nhiều năm qua,
ngay cả dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng biên giới lại không thấy xuất hiện một
tập sách, truyện và thơ về chủ đề biên giới, biển đảo tương tự như tập thơ Điểm tựa của Nhà xuất bản Tác phẩm mới xuất
bản cách nay 30 năm?
Liệu đây có phải là một khiếm khuyết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đương
thời nói riêng và một số nhà xuất bản nói chung trước các bậc tiền nhân? Hay
nhu cầu về thơ, văn của người đọc cả nước, trong đó có các chiến sĩ thuộc các
lực lượng vũ trang đang ngày đêm sống ở tuyến đầu vì sự toàn vẹn lãnh thổ của
đất nước đã thay đổi ? Hy vọng không phải là như vậy.
B.Đ.K
( Báo Văn nghệ số 11, ngày 15/3/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét