Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

MÊ LINH, TRỞ LẠI



MÊ LINH, TRỞ LẠI

ĐƯỜNG VĂN

Linh -  cổ điểu thiêng huyền thoại,
Vút chín tầng xanh, cánh rợp trời.
Mê Linh hoe vắng, ngày không hội,
Huỳnh ngư* ba động: " Cố nhân lai!"

Trưa lướt đường xuân thênh gió thênh,
Nắng đỏ đồng hoa, sóng dập dềnh.
Chả nhẽ trời cho từ vạn thuở.
Ngàn năm lượn múa, vạn đời yêu?!

Nhị nữ* hùng anh đất Mê Linh,
Tâm cháy nguyền sâu, nặng nghĩa tình,
Thù nhà, nợ nước cao tầy núi,
"Phất cờ nương tử" cứu sinh linh.

Ngùn ngụt quân reo, chiến tượng lồng.
Đoạt lại Long Biên, rạng nghiệp Hùng,
Chém đầu Tô Định quăng về Hán,
Thỏa hồn Phu Tướng*, mát lòng trung.

Đá khắc thề xưa, "Phả lục " nao?
Đôi hàng voi phục dáng âu sầu.
Kinh trận thư hùng đêm Lãng Bạc,
Hát Giang, tư ấy hóa mồ sâu!...*

Cổ điểu trống đồng sải cánh bay*
 Phơi phới làn xuân tiễn khách ngây!
Hồn thiêng quá khứ Mê Linh gọi,
Bãi bờ ràn rạt lá ngô lay,…
CHÚ GIẢI:

* Mê Linh: từ Việt cổ nghĩa là tên chim Mê linh (hình dáng từa tựa đại bàng, phượng hoàng, 1 loài chim huyền thoại (theo Quỳnh Cư: Những vì sao đất nước, tập 1, 1967). *Huỳnh ngư: Cá vàng, *Nhị vương: Trưng Trắc  & Trưng Nhị, * Phu tướng: Thi Sách – chồng Trưng Trắc, Lạc tướng, hào trường Mê Linh, bị Thái thú Tô Định giết. * Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng thua trận, nhảy xuống cửa sông Hát (Hát môn) tự tận, năm 43. * Phả lục: Trước cửa đền Hai Bà Trưng có dựng 1 phiến đá khắc trích Phả lục dòng dõi và sự tích của Nhị Bà Vương. * Hình chim Lạc chạm đúc trên trống đồng cổ Việt Nam (Ngọc Lũ).
Mê Linh, Vĩnh Phúc, 5 – 4 – 2012
–        Từ Liêm, Hà Nội, 14 – 2 - 2014.

–        ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét