Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Giới thiệu tác phẩm MẪU Ỷ LAN của GS TS y khoa Ngô Ngọc Liễn


Giới thiệu tác phẩm MẪU Ỷ LAN của GS TS y khoa Ngô Ngọc Liễn

Theo lịch hoạt động hằng tháng của Câu lạc bộ Văn Chương trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam, chiều thứ thứ Năm, 20 tháng Ba  có buổi giới thiệu tiểu thuyết lịch sử Mẫu Ỷ Lan của GS.TS y khoa Ngô Ngọc Liễn, một bác sĩ hàng đầu của ngành Tai –Mũi –Họng Việt Nam. Đông đảo thành viên Câu lạc bộ Văn Chương, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và bạn bè, học trò, người thân của tác giả, các nhà báo đến dự và đưa tin.
Mở đầu buổi giới thiệu, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phát biểu, tặng hoa tác giả, và trân trọng mời tác giả tham gia cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà Văn Việt Nam. Các phát biểu và tham luận xung quanh tiểu thuyết gồm có : PGS TS, nhà phê bình văn học Nho, nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhà thơ Trần Ninh Hồ, BS Thẩm Trọng Tảo, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nhà thơ Vũ Quần Phương, Đại tá Đào Trọng Phụ đọc hai tham luận của TS Vũ Văn Quân và Đại tá Nguyễn Huy Toàn, PGS Lê Trung Vũ, BS Nghiêm Xuân Đức, đại diện Câu lạc bộ thơ Hải Thượng, nơi GS TS Liễn sinh hoạt.

          Tác giả Ngô Ngọc Liễn có nói qua về việc viết tác phẩm của mình. Vốn là người sinh hoạt ở Câu lạc bộ thơ, đã viết và in 4 tập thơ. Tác giả bộc bạch không phải là nhà Sử học, cũng không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng với nhận thức “ Lịch sử là gốc của văn hóa” và cũng mang nhiều trăn trở về việc thiếu hiểu biết Lịch sử của các bạn trẻ, cho nên tác giả mạnh dạn lần đầu tiên viết tiểu thuyết Lịch sử. Và tác giả chọn nhân vật Ỷ Lan và triều Lý, vì tác giả cho rằng đây là một nhân vật nữ kiệt thú vị; triều Lý là một triều đại huy hoàng trong Lịch sử dân tộc, nhất là thời Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.
          Tác giả đã sưu tầm, đọc rất kĩ các tài liệu lịch sử liên quan đến nhân vật, đi thực tế tìm hiểu quê hương, các đền thờ, các mẩu chuyện dân gian . Cách viết của tác giả là “lấy chân Lịch sử làm gốc, tính chất tiểu thuyết thêm vào để dẫn dắt truyện”. Vì thế, có thể nói là về cơ bản, tác giả không gây “xáo trộn”, hoặc kiến giải sai lệch lịch sử theo góc nhìn chủ quan của cá nhân mình.
          Các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh tính chất nghiêm túc, khoa học  và thận trọng của tác giả khi viết lại câu chuyện lịch sử cách chúng ta hàng ngàn năm. Dù tác giả “ trung thành” với chính sử, nhưng rõ ràng, nhân vật Ỷ Lan cũng không phải là nhân vật được các nhà sử học đánh giá thống nhất. Có người đề cao công lao của bà. Có ý kiến lại chê hành động giết Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ là một “tội ác giết người hàng loạt” không thể tha thứ. Tác giả Ngô Ngọc Liễn đã nhìn nhận “lỗi lầm” này của nhân vật có tính chất ngộ nhận, bực bội nhất thời và để nhân vật luôn luôn sám hối. Thiết nghĩ cách trình bày về nhân vật trong tác phẩm là có tình, có lí, trung thành với Lịch sử, nhưng không đánh giá cứng nhắc, phiến diện.
          Không chỉ trình bày cuộc đời của nhân vật chính Ỷ lan, tác giả còn miêu tả thời kì huy hoàng của triều Lý  với các nhân vật như Lý Thánh Tông, Lý thường Kiệt, Lý Đạo Thành. Triều Lý đã bình Chiêm, phá Tống, nhưng vẫn đảm bảo được bang giao với  các lân bang. Đặc biệt là triều đình đã chú trọng đến bản sắc văn hóa riêng, chú trọng hưng Phật, dựng Nho, mở khoa thi Minh kinh bác học, kiên quyết đòi đất sau khi  chiến thắng ở phòng tuyến Như Nguyệt mà nhà Lý đã phải nhượng bộ để quân Tống chịu rút về nước.
          Bên cạnh việc  ca ngợi vai trò của Ỷ Lan, tác giả Ngô Ngọc Liễn cũng đề cập đến vụ án “hóa hổ” của Thái Sư Lê Văn Thịnh. Phải nói là tác giả đã trình bày khá thuyết phục vì sao Lê Văn Thịnh bị tội oan. Người đỗ Thủ khoa đầu tiên, thầy dạy của Vua, có công ngoại giao đòi lại đất mà nhà Tống chiếm giữ, nhưng vì các cải cách nhằm dựng Nho đã đụng chạm đến quyền lợi của quý tộc triều đình. Ỷ Lan và Nhân Tông đã không xử chết ba họ, lại không bắt tội chết mà chỉ xử lưu đày là thể hiện sự sáng suốt. Trong tham luận, cả hai nhà thơ Trần Ninh Hồ và Vũ Quần Phương đều nhắc đến hình ảnh con rồng đá cắn vào thân mình tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh và lưu ý đó là thông điệp của người thợ  dân gian tài hoa.
          Các đại biểu mong nhà “tiểu thuyết” cần được bay bổng hơn nữa, thoát ra khỏi “nhà sử học” hơn nữa để tạo nên sức cuốn hút của tiểu thuyết. Có ý kiến góp cho tác giả nên lấy lại tên “ Nguyên Phi Ỷ Lan”, nên tập trung phân tích tâm lý của một thôn nữ, trở thành nguyên phi, rồi Thái hậu nhiếp chính. Cũng có ý kiến mong muốn tác giả miêu tả kĩ hơn tính chất “sám hối” của nhân vật chính. Việc xây chùa chiền chỉ là một biểu hiện tinh thần đó mà thôi.
          Một số ý kiến cũng góp cho tác giả về cách diễn đạt, việc sử dụng các bản dịch những văn bản nổi tiếng như “ Cáo tật thị chúng”, “Quốc tộ”,  văn bản Chiếu  của nhà vua,…
          Nhìn chung buổi trao đổi giới thiệu diễn ra trong không khí học thuật nghiêm túc, thẳng thắn. Trong tình hình hiện nay, sau cuộc Hội thảo do Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức “ Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài Lịch sử” 12 năm 2012 thì tiểu thuyết lịch sử do GS TS Ngô Ngọc Liễn, khởi thảo khi 78 tuổi và ra mắt bạn đọc khi GS đã bát tuần là một cố gắng rất đáng ghi nhận.

                                                                  Nho, lược thuật

                                                    Những người dự

                                                         Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa

                                                        Tác giả phát biểu

                                                       Chụp ảnh lưu niệm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét