Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Thơ ĐÒ NGANG của Nguyễn Bảo Sinh với lời bình



Đò ngang
                                                                Nguyễn Bảo Sinh

Cùng chung một chuyến đò ngang,
Kẻ thì sang bến, người đang trở về.
Lái đò lái mãi thành mê,
Sang, về không biết mình về hay sang?!

Lời bình của HOÀNG DÂN

Tính đến năm 2014, Nguyễn Bảo Sinh đã vào tuổi 74 (sinh năm 1940), nhưng nụ cười thì vẫn tươi trẻ và thơ thì rất hóm. Ông nói chuyện rất có duyên, còn khi đọc thơ mình cho những đám đông nghe thì người khó tính nhất cũng phải bật cười sảng khoái.
Tỉ như:
- Muốn cho trộm chẳng đến nhà
Đề vào trước cửa đây là nhà thơ
Muốn đuổi khách ra khỏi nhà
Đọc thơ được giải họ ra tức thì
- Làm thơ chẳng dám nổi danh
Sợ trùm khủng bố bắt thành con tin
Ngu si được hưởng thái bình
Làm thơ con cóc mong mình yên thân
- Nghe bồ đọc thuộc thơ ta
Khoái hơn được giải gọi là Nobel
- Ễnh ương phễnh bụng kêu to
Cũng không ngăn được đàn bò đi qua
Thơ ca văn nghệ nước ta
Phùng mang trợn mắt chỉ là ễnh ương
- Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm
Ai ai cũng sống khoả thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người
- Hiện đại mà không thiên nhiên
Loài người sẽ tới chỗ điên chỗ khùng
Thiên nhiên hoang dã tận cùng
Loài người cũng đến chỗ khùng chỗ điên
- Tôi tu với vợ tại gia
Vợ dài dằng dặc đâu là bến mơ
Khi tình khi ý cùng thơ
Đường trơn gánh thực, gánh hư trĩu đầy
Nằm mơ trên tấm thân gầy
Gánh vàng đi đổ lấp đầy sông mê
- Người ghi bia đá để đời
Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên
Nhìn trời nước dưới, mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên, quên hết mây trời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì!
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (sinh năm 1950), bạn vong niên thân thiết của ông, từng nói một câu nổi tiếng: “Nguyễn Bảo Sinh đến đây làm gì? Ông ấy đến để biến chúng ta thành trẻ con”. Tức là hễ Bảo Sinh xuất hiện, nói chuyện và đọc thơ thì tất thảy đều ôm bụng cười chảy nước mắt, cười ngả nghiêng như chưa bao giờ được cười thoả thuê và “hồn nhiên” như thế!

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Hài hước là phẩm chất của nhà bác học”. Ông Bảo Sinh là một nhà kinh doanh, nhưng “dòng thơ dân gian” mang thương hiệu Bảo Sinh thì đã phủ sóng toàn quốc và được công chúng vô cùng ngưỡng mộ. Thơ ông dân dã và hồn nhiên như cỏ cây hoa lá, muông thú mà ta vẫn gặp hằng ngày; nhưng ông hơn người ở chỗ, hình như ông trò chuyện được với thiên nhiên để phát hiện ra những cái nghịch tự nhiên của người đời. Và chính cái “nghịch tự nhiên” ấy đã “biến chúng ta thành trẻ con” cũng thật… tự nhiên! Ví như trước cái “đại dịch” cởi truồng, ông viết “Ai ai cũng sống khoả thân/Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người” thì quả là “độc”!
Bài thơ “Đò ngang” cũng nằm trong sêri cười như vậy, nhưng hình như đằng sau tiếng cười còn là những suy ngẫm về một “cõi mê” huyền hoặc. Cái “cõi mê” rất gần gũi với những quan niệm của nhà Phật về: vô ngã, vô thường, sắc sắc không không, thân cát bụi lại trở về cát bụi…
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về không biết mình về hay sang
Muôn đời nay, xét cho cùng, chúng sinh luôn ngồi chung trên một chuyến đò đi từ “cõi tạm” (trần gian) sang “cõi vĩnh hằng” (âm phủ). Không có cái gọi là “con người này” (cá nhân – cá thể) tức là “vô ngã”, tất cả đều mờ mờ nhân ảnh và luôn hoán đổi vị trí cho nhau như đèn cù “Kẻ thì sang bến, người đang trở về”. Cuộc đời luôn luôn thay đổi, nó giống như những chuyến đò vô định và đầy bất trắc, tức là “vô thường”; mỗi cá nhân có cũng như không, không mà là có, có để rồi cuối cùng lại là không vĩnh viễn, tức là “sắc sắc không không”. Và câu lục bát sau quả là thần tình:
Lái đò lái mãi thành mê
Sang, về không biết mình về hay sang
Lái đò lái mãi thì thành quán tính bản năng. Quán tính bản năng lặp đi lặp lại mãi thì thành vô tri, vô giác, vô hồn giống như hành động một người điên. Mà đã là người điên thì hễ nói là lảm nhảm, hễ cười là ngô nghê…; đó là những âm thanh méo mó, những nụ cười dị dạng, nó khiến cho người tỉnh vừa sợ hãi, vừa thương xót và vừa âu lo. Sợ hãi trước một hình hài con người đang sống kiếp súc vật. Thương xót vì cám cảnh cho một đồng loại bất hạnh đến cùng cực. Âu lo vì biết đâu, vào một ngày đẹp trời nào đó, chính mình cũng có thể trở thành một bản sao y hệt như thế kia?! Bất kì ai cũng có nguy cơ trở thành người điên, bởi ranh giới giữa tỉnh và điên là cực kì mong manh, mơ hồ. Nhưng trong ngữ cảnh của bài thơ, người lái đò chưa điên, chỉ câm lặng chèo đò như một rô bốt. Người lái đò làm việc để kiếm sống và vì thế luôn phải đi cùng trên một chuyến đò sang ngang với đủ loại người từ cao sang đến thấp hèn, từ lương thiện đến bất lương, từ tỉnh đến điên… Tóm lại, khách đi đò là một đám người ô hợp, vì thế họ có thể tào lao đủ thứ chuyện trên đời; từ chuyện làm ăn mánh mung, chuyện bồ bịch lăng nhăng, chuyện đẻ đái, chuyện nhà, chuyện công sở… đến chuyện quốc gia, quốc tế…với đủ các cung bậc ái ố hỉ nộ…; nhưng nói chung đó là loại buôn chuyện nhảm nhí rẻ tiền theo kiểu “anh hùng rơm” hoặc “gái goá bàn chuyện triều đình”, nghe mãi cũng hoá nhàm, hoá ớn, cho nên tốt nhất là im lặng mà… chèo đò. Nói cách khác, người lái đò luôn có mặc cảm lạc loài giữa đồng loại, mỗi ngày có thể tiếp xúc với hàng trăm con người nhưng vẫn cảm thấy đồng loại vô cùng xa lạ, mỗi năm có thể sang ngang cùng với hàng nghìn đồng loại nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Sống trong mặc cảm lạc loài, cô đơn triền miên thì coi như phần hồn đã chết, tức là hư vô ngay khi đang sống. Mà hư vô chính là linh hồn của triết lí nhà Phật. Tới mức “Sang, về không biết mình về hay sang” thì ý thức của con người đã trở về cát bụi, chỉ còn cái thân xác của con người đang múa may ở trên con đò mà thôi!
                                                                                                              

Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội,
25.1.2014. HD
                                       



1 nhận xét:

  1. "Mà hư vô chính là linh hồn của triết lí nhà Phật. Tới mức “Sang, về không biết mình về hay sang” thì ý thức của con người đã trở về cát bụi, chỉ còn cái thân xác của con người đang múa may ở trên con đò mà thôi!" - Người bình chưa hiểu được tinh thần Đạo Phật nên mới bình như vậy... :)

    Trả lờiXóa