Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Về Nghị quyết ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC

Ngày 11 tháng 2, trong khi đang cùng ba vị làm toán Lê Quang Phan, Trần Luận, Nguyễn Việt Hải uống rượu ở nhà Trần Luận thì nhận được điện thoại của phóng viên Thu Hương báo Đại đoàn kết. Phóng viên nói muốn phỏng vấn. Tôi đồng ý trả lời và cho địa chỉ email để nhận câu hỏi. Ngày 13 tháng 2 trả lời xong 8 câu . Hóa ra các câu hỏi để tham gia vào bàn tròn với các vị Phạm Minh Hạc, Trần Xuân Nhĩ, Mạc Văn Trang. Ý kiến của VN được đăng ở số chuyên đề TINH HOA VIỆT của báo ĐẠI ĐOÀN KẾT số 2 tháng 2 năm 2014. Dưới đây là nguyên văn câu hỏi và trả lời.



Trò chuyện với một chuyên gia giáo dục

PV:

 Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được ban hành. Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng được Trung ương thông qua, được kỳ vọng “làm lay chuyển ngành giáo dục nước nhà”. Cá nhân ông có lạc quan về lần chấn hưng giáo dục này?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đột phá trong đề án lần này được xác định là khâu kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với một đề án đổi mới đề cập đến nhiều vấn đề, từ khâu dạy, học, cơ chế, tầm nhìn… rất rộng như vậy liệu có quá sức, dàn trải hay không?

PGS. TS, chuyên viên cao cấp Vũ Nho, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ( VN) : - Với bất cứ  ai, chả cứ gì người làm trong ngành Giáo dục, trước một Nghị quyết quan trọng như vậy, đều thấy phấn khởi, tin tưởng. Chưa bao giờ vấn đề Giáo dục lại được quan tâm sâu sắc như thế. Đây không chỉ là một vấn đề của ngành, không chỉ là một khâu trong hệ thống.  Đây là vấn đề căn bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà. Vui thì vui, lạc quan thì cũng có, nhưng không khỏi có những băn khoăn, lo lắng. Trong một bài viết tôi có cho rằng đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức đối với nền giáo dục, nhất là đội ngũ những người làm giáo dục. Bởi vì có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có không ít khó khăn.
          Còn nhớ  trong một bài báo in trong Kỉ yếu  Hội thảo khoa học của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tôi đã viết “ Đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng cần đột phá”. Vấn đề là chọn khâu nào? Có nhiều khả năng cho sự lựa chọn.
Thật ra chúng ta nhận thấy rằng nếu đổi mới M (mục tiêu), N ( Nội dung), P (phương pháp) mà không đổi mới  (K)Kiểm tra, đánh giá thì kết quả sẽ không như mong đợi. Mọi thứ đều thay đổi, nhưng Kiểm tra, đánh giá vẫn như cũ thì người giáo viên vẫn không chịu tự giác đổi mới  phương pháp (P). Và do đó sẽ ảnh hưởng đến nội dung, và ảnh hưởng đến cả mục tiêu giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn khâu K ( Kiểm tra, đánh giá) trong đó có thi cử làm khâu đột phá, đứng về phương diện lí luận  và thực tiễn mà nói là đúng đắn. Đây là khâu kiểm định chất lượng giáo dục. Nó sẽ quyết định đến mọi yếu tố khác trong hệ thống.
Bạn  lo rằng một đề án nhiều vấn đề, rất rộng, sẽ có thể dàn trải và quá sức. Nhưng nếu không rộng thì làm sao có được sự toàn diện? Nếu không giải quyết nhiều vấn đề, làm sao mà có được sự  đồng bộ, không  bị chắp vá và nhất là có sự căn bản?Vì lẽ đó mà tôi coi đây là một thách thức lớn!

PV:
Rõ ràng không chỉ là việc hô khẩu hiệu chung chung. Vừa qua ngành giáo dục đã có những động thái cụ thể trong việc đổi mới. Như việc dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014. Cách làm “mạnh tay” Bộ GD phần lớn được dư luận đồng tình ủng hộ, coi như một thông điệp về chuẩn hóa chất lượng đào tạo. Ý kiến của ông?

VN: - Tôi không ưng lắm với nhận định “hô khẩu hiệu chung chung”. Bộ Giáo dục Đào tạo làm những việc trong tầm tay của mình là chuyện bình thường. Nhất là để thực hiện một Nghị quyết quan trọng. Việc dừng tuyển sinh 207 ngành của 71 cơ sở đào tạo là một động thái nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng cần phải thấy rằng, một số ngành có yêu cầu đặc thù, không thể giải quyết nhất loạt. Bạn thấy vẫn có đơn vị “khiếu nại” về quyết định trên của Bộ. Việc dừng mã ngành không đảm bảo chất lượng đào tạo là tốt. Nhưng theo tôi, phải làm thận trọng và chắc chắn. Và còn phải giải quyết nhiều vấn đề đồng bộ khác nữa thì mới dần dần nâng cao chất lượng đào tạo. Chất lượng đâu  chỉ có phụ thuộc vào một số mã ngành ở một số cơ sở đào tạo.


PV:
Về phần thi cử, học sinh THPT sẽ bớt được gánh nặng học nhiều môn khi đề án đưa ra phương án 4 hoặc 5 môn thi, trong đó có môn tự chọn thay vì bắt buộc 6 môn như trước đây. Tỷ lệ 20% học sinh được miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở mỗi địa phương theo ông liệu có xảy ra tiêu cực khi đưa ra quy định khá công thức thế này?

VN: - Thi ít môn chẳng có gì là mới cả. Trước đây chúng ta vẫn thi có 4 môn thôi. Sau này đưa lên 6 môn bắt buộc. Cũng cần phải nói rằng tôi không phản đối thi 6 môn, Nhưng tôi phản đối việc một buổi thi,  học sinh phải làm bài thi 2 môn. Dù mỗi môn chỉ làm bài với thời lượng 60 hoặc 90 phút. Đó là một việc làm phản khoa học và làm khổ học sinh. Bạn biết đấy, thi 6 môn, nhưng vẫn hai ngày như khi thi 4 môn, vì kéo dài thêm một ngày là bao nhiêu những phức tạp kèm theo. Vì vậy mà học sinh bị tra tấn một buổi 2 môn thi. Thời lượng thi tuy ngắn, nhưng đó là cả một chương trình học.   Chính đây là một trong các nguyên nhân gây căng thẳng, làm cho học sinh  thiếu tự tin, phải làm “phao”, không trung thực. Tôi hoan nghênh việc thi ít môn, và thí sinh ngoài hai môn Văn, Toán bắt buộc, sẽ tự chọn môn thi  còn lại cho mình. Đây  thoạt nhìn có vẻ không mới cũng chính là một “đột phá” trong thi cử và kiểm tra đánh giá. Có lẽ nên thi ngoại ngữ như một môn bắt buộc, như thế phù hợp với thời hội nhập hơn.
          Việc đưa ra tỉ lệ 20% miễn thi chắc chắn là có lí do. Nhưng có vẻ không thuyết phục mọi người. Bởi vì chất lượng của các vùng miền không đồng đều. Còn nhớ khi tôi làm trưởng ban Thư kí việc thí điểm chương trình THCS của Bộ: Học sinh  các đơn vị tham gia thí điểm đều đạt 80 đến 90% từ trung bình trở lên. Nhưng Hà Nội, Hải Phòng, đơn vị tham gia đạt 30 đến 40% điểm giỏi, trong khi đó Kon Tum, tỉ lện giỏi không quá 2%.
          Vì chất lượng giáo dục không đồng đều ở vùng miền và trong một tỉnh thì cũng không đồng đều giữa các trường, nên miễn thi tốt nghiệp 20%  nhất loạt ở mỗi tỉnh đã là một sự hết sức không công bằng.  Chắc chắn không tránh khỏi việc tiêu cực chạy điểm, mua điểm. Sẽ có các biện pháp để hạn chế thôi. Nhưng như thế lại là tự mình gây khó cho mình, tự mình tạo ra các kẽ hở để lo lắng ngăn chặn.
Có ý kiến nói rằng đằng nào thì tốt nghiệp cũng đạt hơn 80% cho đến 99%. Sao không tính đến việc miễn thi 80%, chỉ còn lại 20% các em học yếu, học chưa chắc phải thi thôi. Đỡ tốn kém biết bao nhiêu?
 Quan điểm của tôi là không nên miễn thi, trừ các trường hợp đặc biệt ( ốm đâu đột xuất, tập trung đi thi quốc tế,…). Các em cần tham gia kì thi chính là để thấy rõ trách nhiệm học tập, rèn luyện toàn diện. Thi cử là để đảm bảo nề nếp dạy học chứ không phải chỉ nhằm đánh trượt bao nhiêu phần trăm. Những ai nói rằng thi cử tốn kém để chỉ đánh trượt 1% hay không đánh trượt em nào, đó là những ý kiến không hiểu biết  thấu đáo về giáo dục mà chỉ  nhìn đơn thuần bằng con mắt kinh tế.

PV:
Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 vừa hoàn thành tháng 1/2014. Điều khiến dư luận băn khoăn là liệu bộ sách mới được thí điểm này có bền vững không hay chỉ có độ tuổi 5-10 năm như nhiều bộ sách thí điểm khác? Đề án cũng nhấn mạnh việc SGK không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều SGK khác nhau cho một môn học. Điều này liệu có gây nhiễu loạn cho thầy và trò?

VN:
Thật ra, tuổi thọ trung bình của SGK  các nước trong khoảng trên dưới 10 năm là ổn. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể về chính trị và kinh tế mỗi nước mà tuổi thọ ấy khác nhau. Vấn đề là cũng nên tránh thay đổi nhiều và liên tục, vừa tốn kém lại gây khó khăn cho cả người dạy và người học.
Việc sử dụng nhiều nguồn khác nhau cho dạy học là phù hợp với thời đại intơnét. Có nhiều sách giáo khoa là điều không lạ với các nước tiên tiến và phát triển. Ngay nước ta vừa qua cũng có  hai bộ sách chuẩn và sách nâng cao đó thôi. Nghị quyết của Trung ương đã ghi rõ : “ Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật” ( VN nhấn mạnh). Như vậy, rõ ràng cần nhiều bộ sách GK. Có nhiều sách cho một môn học chính là tạo điều kiện cho người dạy và người học lựa chọn, chứ không phải là “gây nhiễu loạn”. Vì các bộ sách đó có tốt, Bộ Giáo dục mới cho phép làm tài liệu học tập.

PV:
Đổi mới căn bản, toàn diện và sâu sắc thực chất là cải cách giáo dục. Cải cách là phải giải quyết được tận gốc các vấn đề của giáo dục, là đưa ra được những cái mới. Trong khi đó, yếu tố con người là thầy và trò thì vẫn cũ. Sẽ phải giải quyết vấn đề này thế nào, nhất là vấn đề người thầy khi mà GS. Phạm Minh Hạc trong một bài phỏng vấn đã thẳng thắn chỉ ra “sức ì của giáo viên”; GS. Nguyễn Minh Thuyết thì thừa nhận “một trong những đặc tính của giáo viên là bảo thủ”?

VN : - GS Phạm Minh Hạc và GS Nguyễn Minh Thuyết lo lắng cũng đúng thôi. Người thầy càng lâu năm đứng trên bục giảng thì kinh nghiệm càng dày, và “sức ỳ” (nếu có) chắc cũng lớn. Nhưng có biết bao giáo sinh trẻ ra trường mỗi năm? Và tuy nói vậy, nhưng có biết bao thầy cô giáo cao tuổi nhưng vẫn nhạy bén với cái mới, với công nghệ thông tin và phương pháp mới. Trái với hai GS, tôi có niềm tin tuyệt đối vào những người thầy, cô. Dù khó mấy, các thầy cô vẫn vượt qua, thậm chí vượt qua một cách ngoạn mục. Là cán bộ chỉ đạo, nhiều năm dự giờ của nhiều cuộc cải cách, đổi mới ở ta, tôi có niềm tin này.

PV:
Thực tế, đổi mới đào tạo giáo viên nhất là phổ thông, mầm non đã được thực hiện. Đánh giá của ông?
 VN : Tôi không làm ở Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ. Nên miễn cho tôi phải đưa ra đánh giá không có căn cứ.

PV:
Mục tiêu của giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn trang bị nền tảng văn hóa, kỹ năng sống và các giá trị đạo đức cho người học. Đến trường, trước hết là để học làm người. Điều này cần được chú trọng thì đã rõ nhưng việc thực hiện “lực bất tòng tâm”, muối bỏ biển. Ông có thể hiến kế?
VN : - Chưa có ai đánh giá là Giáo dục của chúng ta “Lực bất tòng tâm” trong việc dạy chữ và dạy người. Cũng chưa ai dám cả gan nói rằng công sức của các thầy cô hiện nay là “muối bỏ biển”. Vì vậy tôi không hiến kế gì. Tôi cho rằng dù còn những bất cập, nhưng giáo dục của chúng ta vẫn có những thành tựu không ai có thể phủ nhận. Đúng như Nghị quyết 29 đã đánh giá một cách khách quan.

PV:
Để Nghị quyết 29 thực sự đi vào cuộc sống và tạo chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả rõ rệt thì vai trò của từng tổ chức, cá nhân phải thế nào, thưa ông?
VN : Điều này, tôi, bạn và mọi người đều biết. Nghị quyết đã có cả một mục về Tổ chức thực hiện. Trong đó nêu rõ nhiệm vụ của các tổ chức rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm là cũng chính trong Nghị quyết số 29 mà chúng ta đang nói đến đã nhấn mạnh đến việc “tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục”. Cuộc trò chuyện của chúng ta cũng là góp phần nhỏ bé vào mục tiêu đó.
 PV:
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và bổ ích này!
                                                                      ( Thu Hương thực hiện)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét