Sức cuốn hút của một cuốn sách viết
về người thực việc thực
Vũ Nho
Tôi
còn nhớ khi còn là học sinh cấp hai, tình cờ có được cuốn sách “ Truyện các anh
hùng chiến sĩ thi đua” do một số nhà văn viết về những người thực như Giáp Văn Khương,
Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh,…Trí óc non trẻ của cậu bé nhà quê đã
vô cùng khâm phục những con người tài giỏi. Và không biết từ đâu, cái tên Tạ
Đình Đề đã ăn sâu trong kí ức tôi như là một chiến sĩ tình báo có tài xuất quỷ
nhập thần và rất được cụ Hồ tin cậy. Khi nhân vật lâm vòng lao lí, do hoàn cảnh
thông tin lúc bấy giờ tôi cũng không theo dõi và biết gì hơn. Vì vậy khi nhà
văn Tạ Duy Anh điện thoại muốn tôi tham gia đọc và trao đổi về cuốn sách, tôi sốt
sắng nhận lời. Và quả thực tôi càng đọc càng thấy cuốn sách khá lí thú và bổ
ích.
Trước
hết, cuốn sách hấp dẫn vì viết về một người thật, không những thế, con người ấy
đã được huyền thoại hóa trong dân gian. Dù tác giả chỉ tập trung viết về “
nhưng góc khuất cuộc đời”, nhưng người đọc có thể thấy được phần nào quá khứ của người chiến sĩ biệt động
Hà Nội. Quá khứ vinh quang của nhân vật cắt nghĩa và soi sáng những việc ông
làm hết mình vì tập thể, vì ngành Đường Sắt một cách sáng tạo, mới mẻ và rất hiệu
quả. Người viết đã mạnh dạn khẳng định việc làm của Tạ Đình Đề trong công nghiệp cũng tương tự như chủ
trương của Bí thư Kim Ngọc trong nông nghiệp. Đó là những đột phá chính xác,
đúng đắn, trở thành chủ trương chính sách của chúng ta sau này.
Với
một bạn đọc bình thường, câu chuyện vụ án tự nó đã có sức hấp dẫn riêng. Nhưng
vụ án li kì, kéo dài nhất trong lịch sử tư pháp nước Việt Nam mới, lại liên
quan đến một người nổi tiếng thì sức hấp dẫn tiềm năng lại tăng lên gấp bội. Kể
lại câu chuyện như thế nào lại là một thách thức không nhỏ cho tác giả Dương
Thanh Biểu, một người quen với công việc của ngành Kiểm sát, nhưng thật không dễ
dàng khi chuyển sang địa hạt văn chương. Tác giả là người trong cuộc, nên ông
có thể đọc lại các bút lục của vụ án, xem xét nghiên cứu cáo trạng, biên bản
phiên tòa, lời bào chữa của luật sư và kết luận của Chủ tọa…Nhưng bấy nhiêu tài
liệu làm sao làm rõ được “góc khuất” của nhân vật? Ở đây, Dương Thanh Biểu đã
công phu gặp gỡ các nhân chứng, trực tiếp trao đổi, hỏi han “nhân vật”, đọc các
bài báo, của các nhà văn, nhà báo viết về nhân vật, gặp gỡ những người thân của
nhân vật (tr.17). Tác giả đã dành hẳn hầu như toàn bộ thời gian sau khi nghỉ
hưu để tập trung làm nổi bật hình ảnh của Tạ Đình Đề trong hoàn cảnh gắn liền với
hai vụ án oan sai. Con người huyền thoại một thời là một người chồng, một người
cha, một người thủ trưởng, một “hiệp sĩ” với những công nhân, và là người “tù”
luôn tin vào lẽ phải, vào việc làm đúng đắn của mình. Con người bình dị ấy đã
khiến cho người đọc cảm phục khi nhìn thấy những góc khuất của đời ông.
Tôi
muốn nêu cảm nghĩ vắn tắt mấy nhân vật trong vụ án.
Nhân
vật Tạ Đình Đề đã kiên cường, chiến đấu với những oan sai và đã trở về cùng với
chiến thắng của công lí.
Nhân
vật nữ gây được ấn tượng sâu sắc là vị
Chủ tọa phiên tòa Phùng Lê Trân. Dù chỉ
được nói đến trong số trang không nhiều, nhưng người phụ nữ thông minh, quả cảm
đã để lại trong lòng bạn đọc một sự khâm phục to lớn. Chính tác giả Dương Thanh
Biểu cũng đã coi nhân vật là “ người đàn bà xứng danh công lí” ( tr. 274). Bên
cạnh đó là bà Đặng Thị Thọ, người vợ của Tạ Đình Đề, một tiểu thư con nhà giàu
có nhất nhì Hà Nội thương yêu chồng con hết mực.
Thật
đáng kính nể và khâm phục vị luật sư bào chữa cho thân chủ Tạ Đình Đề. Ông
Hoàng Văn Kế đã bằng cách làm việc khoa học, với lập luận sắc bén và chặt chẽ,
đã bác bỏ những lời buộc tội đối với thân chủ của mình.
Có
thể nhiều người không để ý đến nhân vật đại diện Viện kiểm sát. Ông này đã nhắc
lại những gì đã nêu trong cáo trạng. Nhưng ít nhất, tôi cũng thấy được sự “tiếp
thu” của ông sau khi nghe luật sư bào chữa. Ấy là ông đã tuyên bố : “ Sau khi xem xét các tài liệu, chứng
cứ, tôi xin tuyên bố rút phần truy tố tội tham ô đối với Tạ Đình Đề”( tr.
152).Tôi cho rằng ông cũng là người phục thiện và rất dũng cảm khi rút lại lời
buộc tội, và trước đó cũng đã thể hiện thiện chí “giơ cao đánh sẽ” khi hạ mức
án mà bị can phải chịu.
Nhân
vật quan trong trong phiên tòa ấy là nhân dân, những người tham dự không có tên
tuổi. Tác giả, người công tác trong ngành tư pháp, nhưng đã thẳng thắn thừa nhận
những người dự “Họ là người sống thực tế, am hiểu thực tế và chỉ nghĩ giản đơn
: Cái gì đúng với thực tế và hợp với đạo lí của loài người thì họ hò reo, cổ
vũ” ( tr. 152). Những tiếng vỗ tay, những lời bàn tán xầm xì, những hành động
reo hò, những sự lặng im…đã góp phần làm cho phiên tòa trở thành “dân chủ, minh
bạch” có tính lịch sử trong ngành tư pháp Việt Nam .
Cuối
cùng là nhân vật không có hình hài nhưng hiện diện suốt trong vụ án. Có thể tạm
gọi đây là nhân vật “cơ chế”. Chính sự lạc hậu, bảo thủ, không theo kịp những đột
phá của Tạ Đình Đề mà “cơ chế” đã biến ông từ người trung thành, nhiệt huyết, đổi
mới thành một người có tội. Chính cơ chế đã lập ra “ Đoàn thanh tra liên ngành”
mà không có quyết định thành lập, không có trưởng đoàn. Các kết luận của Đoàn
đã bị Luật sư và Chủ tọa phiên tòa bác bỏ. Cũng chính cơ chế đã ra một kháng
nghị bản án rồi bỏ lửng hơn chục năm trời là cho nhân vật mất hết quyền lợi,
sinh bất mãn và dẫn đến cuộc bắt giam lần thứ hai.
Kết
cục của một bên là cơ chế và đại diện Kiểm sát với bên kia là các nhân vật còn
lại như thế nào, chúng ta đã rõ.
Cuốn sách của TS Dương Thanh Biểu vừa
cho bạn đọc biết về nhân vật Tạ Đình Đề, một người hùng trong chiến đấu và người
hùng trong sản xuất đã vượt qua thử
thách của án oan ra sao. Đồng thời cũng cho thấy những mặt trái trong việc lấy
cung, đối xử với bị can như thế nào, sự chậm trễ trong các thủ tục hành chính
và khát khao, mong mỏi của tác giả về một
nền tư pháp dân chủ, minh bạch. Cuốn sách do đó thực hiện được mục tiêu kép :
minh oan cho một con người và nêu lên các bài học nghiệp vụ sâu sắc cho những
người làm công tác tư pháp, một công việc khó khăn, phức tạp, cần thiết có không chỉ những kiến thức nghiệp vụ
sâu sắc mà trước hết là có một tấm lòng.
Hà
Nội, 6/3/2014
Tạ Đình Đề cũng chỉ là 1 nạn nhân trong hàng triệu nạn nhân của chế độ
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã đọc và chia sẻ!
XóaCác cụ có bảo : " Người tài nhân từ " Tôi có vinh dự được ông yêu mến gọi bằng" chú em nhà văn " Thời đó ông Tạ Đình Đề cùng lúc làm thủ trưởng hai cơ quan : 1 - Xưởng trưởng xưởng cao su Đường sắt ( làm ra vợt bóng bàn xuất khẩu ra nước ngoài ) 2 - TRưởng ban thể dục thể thao Đường sắt , Đội tuyển bóng đá bóng đá Đường sắt lừng danh . Khi làm xưởng trưởng ông thu nhận cả những người tù mãn hạn nhưng có tay nghề và niềm đam mê lao động , Khi làm Trưởng ban thể dục thể thao ĐS ,không chỉ làm đội tuyển bóng đá ĐS nổi danh mà nơi đấy còn phát hiện bồi dưỡng nhiều tài năng thể thao .Cả hai Thủ trưởng hai cơ quan ,xí nghiệp ông đều thành công nhờ Lòng nhân từ của cựu " đại tá tình báo cộng sản Tạ Đình Đề " ( cách gọi của đối phương ) .Thời đó tôi chỉ là một kĩ sư bình thường không có chức vụ gì ở Văn phòng TCĐS nhưng vẫn được ông gọi tôi với cái tên : " chú em nhà văn đồng hương Hà Tây" và được ông cho thuốc lá - Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận
XóaThật là kỉ niệm khó quên nhà thơ ạ. Chính ông Tạ Đình Đề đã giúp đỡ nhac sĩ Phan Lạc Hoa, cưu mang để anh viết bài hát nổi tiếng Tàu anh qua núi. Rôi Lưu Quang Vũ cũng được ông thu nhận. Vở kịch Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ viết dựa trên thực tế làm ăn mạnh dạn của xưởng...Những điều này tôi chỉ biết qua đọc sách thôi, không được trực tiếp như nhà thơ!
XóaThời đó Kịch tác gia , nhà thơ Lưu Quang Vũ công tác tại Phòng thông tin tuyên truyền Tổng cục Đường sắt , nhạc sĩ Phan Lạc Hoa cũng làm việc ở Đường sắt . Ông Tạ Đình Đề Trưởng ban thể dục thể thao Đường sắt, Giám đốc cao xu Đường sắt và ông Vạn Lịch Chánh Văn phòng TCĐS ( Ông Vạn lịch là bạn thân của ông Tạ Đình Đề và là bạn thân của Nhà văn Lưu Quang Thuận ) Hai ông yêu mến và quan tâm đến văn nghệ sĩ Vì lòng nhân ái và sự quan tâm của hai ông , anh em chúng tôi luôn hứng khởi làm việc và sáng tác - tôi xuất bản tập thơ " Bài ca Đường sắt " . Tôi cảm đọng mỗ khi hồi tưởng đến thời kỳ đó - thòi có những người lãnh đạo tài năng và nhân từ đó nâng đỡ cho văn nghệ sĩ Đường sắt có được những cống hiến cho văn học nghệ thuật - Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận
Trả lờiXóaCám ơn chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Đăng Luận!
Xóa