Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

BÀN và TÁN về TỨ KHOÁI

Đường Văn

TỨ KHOÁI 
(Phiếm đàm tản mạn)
  ăn mới nên vóc người,
Ngủ ngon mới mạnh sức chơi trên giường.
Mây mưa: nhất dạ đế vương!
Ỉa đầy một bãi: nhẹ đường phao câu!
Đời người dài ngắn khác nhau,
Chỉ mong tứ khoái làu làu hanh thông! 
ĐƯỜNG VĂN – HOÀNG DÂN

Hoàng Dân
1.     Bàn chung
Cho đến nay, không biết đã có ai có thể trả lời một cách chính xác về nguồn gốc, xuất xứ, tác giả đầu tiên của khái niệm này?
Tứ khoái, một trong những nhân sinh quan dân gian cổ truyền, lâu đời nhất, đặc sắc, độc đáo cũng vào loại nhất của người Việt, và theo chúng tôi, còn có thể đúng với toàn thể loài người nói chung, trên trái đất, xưa và nay.
Tứ khoái được diễn tả  bằng 4 động từ hóa danh từ thuần Việt, như 1 câu tục ngữ ngắn gọn, cô đúc như một công thức khoa học tự nhiên sinh học, tâm lý học, có sức mạnh lan tỏa của 1 truyền ngôn, 1 chân lý thực dụng, giản dị, có vẻ rất dân dã, tầm thường, dung tục mà vô cùng ý nghĩa, cao quý, thiêng liêng.

Mối quan hệ giữa 4 thành phần với nhau của tứ khoái được sắp xếp hết sức lôgich, tuân theo quy luật tồn sinh và phát triển của muôn loài, không thể thiếu bất kỳ 1 yếu tố nào! Nếu chỉ thiếu 1 trong tứ khoái, cơ thể sống hài hòa sẽ có nguy cơ mất cân bằng sinh học, quá trình trao đổi chất của cơ thể với môi trường bên ngoài bị trục trặc, rạn nứt và phá vỡ, dẫn tới bệnh tật và có thể…xuôi cẳng sáo, về với ông bà, tổ tiên! Nếu chẳng may mất hết tứ khoái, thì hiển nhiên chính là bất hạnh vào loại khủng khiếp nhất! Khi đó, cuộc sống con người không bằng con vật, chỉ như cây cối, sỏi đá vô tri, sống như chết, vô nghĩa!!!  
                Đó là điều chắc chắn và dễ hiểu.  Về thứ tự sắp trước sau của tứ khoái, cũng rất quan trọng và chặt chẽ, không ai có thể đảo, đổi tùy tiện, chủ quan. Nếu vi phạm, ắt sẽ đưa tới những hậu quả nguy hại khôn lường.
(Thật ra, theo chúng tôi, tứ khoái chỉ là khái quát chung 4 nhu cầu tạo khoái cảm thiết yếu, cơ bản nhất, trong đời sống con người. Với cụ thể từng cá thể người, theo từng lứa tuổi, từng môi trường sống và nghề nghiệp…trong thực tiễn, còn không ít những nhu cầu tạo khoái cảm khác, cũng không kém phần quan trọng và bức thiết. Con người thời hiện đại @, ngoài tứ khoái, còn cần tới ngũ, lục, thất, bát… n khoái khác. Một anh bạn tôi nhất quyết và luôn hăng hái muốn góp vào tứ khoái 1 khoái thứ 5, mà anh cho là khoái đặc biệt, không bút nào tả xiết: Khoái Tắm! Trong thực tế, con người đã, đang và sẽ tìm mọi cách để săn tìm, tạo cho mình sở hữu, hưởng thụ, thưởng thức những khóai cảm ngày càng tinh vi, phức tạp, muôn vẻ muôn màu hơn. Tuy nhiên, điều đó nằm ngoài phạm vi chú ý của chúng tôi trong bài này.)
  Xét cho cùng, chung quy, tứ khoái vẫn là 4 khoái gốc, như tứ trụ kình thiên của mỗi cá thể người, góp phần làm nên nhân loại. Nhưng quan trọng hơn cả, và cũng lý thú hơn cả, chính là trên bình diện ý nghĩa đạo đức, thẩm mỹ - thuộc lĩnh vực tinh thần thượng đẳng. Tứ khoái luôn được hanh thông, đầy đủ, dồi dào, viên mãn sẽ tạo ra niềm thống khoái, thỏa mãn, sung sướng, hạnh phúc vô hạn trong cuộc sống đời người. Phải chăng đó là một trong những ân sủng vật chất – tinh thần vô cùng to lớn mà đấng Thượng đế chí tôn ban cho loài người, chủ nhân vĩnh viện trên hạ giới? Kho tàng ca dao, tục ngữ, truyện tiếu lâm dân gian Việt Nam truyền miệng về tứ khoái rất phong phú, tục – thanh hài hòa, sắc nhọn, hóm hỉnh, mang chở những triết lý nhân sinh khỏe lành, sâu xa, lạc quan vui sống của người Việt. (Văn học viết bác học, cả cổ - trung đại và hiện đại, có lẽ là sự thụt lùi so với văn học dân gian, về đề tài này, ngoại trừ trường hợp Hồ Xuân Hương?!)
Dưới đây, nhân mấy ngày nghỉ Tết Tây thong thả, chúng tôi xin được bàn phiếm tản mạn ít nhiều về tứ khoái, theo trình tự từng yếu tố một, chuyện đời thường hòa với chuyện văn chương, ngôn ngữ, trên cơ sở cảm hiểu còn rất nông cạn, sơ sài của người viết.

  1. Nhất khoái: ĂN
 (* Khác hẳn các mục còn lại, đều được viết chung, mục 2 này chúng tôi chủ trương viết tách thành 2 ý kiến nối tiếp nhau: 1. ĐV bàn, 2. HD tán về 1 trong những chủ đề thú vị nhất, đa dạng nhất và thống khoái nhất: ĂN, ngõ hầu mua vui cùng bạn đọc. Bởi trình bày như vậy, một mặt, sẽ vẫn đảm bảo ý tưởng chung thống nhất, mặt khác, không làm mờ nhòa những thức nhận, cảm luận riêng và cách thể hiện riêng của từng người. ĐV – HD). 22 – 1 – 2015
1. ĐƯỜNG VĂN bàn
Không phải ngẫu nhiên, ngừơi xưa lại xếp Ăn lên vị trí đầu bảng trong tứ khoái. Ăn là quá trình nạp thức ăn từ bên ngoài vào cơ thể từ miệng, qua thực quản, tới dạ dày (hệ tiêu hóa). Ăn giúp cho cơ thể tồn tại và phát triển, sống và hoạt động. Không ăn thì mẻ cũng chết (Tục ngữ). Ăn là 1 trong những nhu cầu thiết yếu nhất của cơ thể sống, của con người. Có thực mới vực được đạo. Dĩ thực vi tiên. Ăn cốt để sống chứ không phải sống để ăn.
Trong kho từ vựng tiếng Việt, ăn là 1 trong những động từ kết hợp được với nhiều từ loại khác thành những ngữ (cụm từ), câu, thành ngữ, tục ngữ, ca dao… mang chở nhiều ý nghĩa gần, xa, đen, bóng, phong phú, rất thú vị.
          Về cách ăn, qua sự thống kê vốn từ vựng trong trí nhớ của tôi:
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng; ăn sóng nói gió, ăn bơ làm biếng, ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi giăng, ăn uống cảnh giả (đài các, cái giá cắn đôi…), ăn chó cả lông, ăn lòng cả cứt, ăn bẩn như chó, ăn thùng uống vại (chĩnh, chậu…), miếng ăn miếng nhục, miếng ăn quá khẩu thành tàn, ăn tham như mõ, ăn như hùm đổ đó, ăn uống lai rai, ăn uống nhậu nhẹt, ăn vèn uống chạc, ăn uống tùm lum (linh đình, bừa bãi…), ăn như phá mả, ăn gì gắp nấy, ăn đấy ỉa đấy, ăn (mồm) như mỏ khoét, ăn như thuồng luồng, ăn uống lầy là, nghề ngà; miệng ăn (sông băng), núi lở, ăn tàn phá hại, ăn vơ uống váo, ăn uống trâu bò, ăn uống linh đình, ăn uống bê tha, ăn uống lèm nhèm (hổ lốn, lôi thôi, linh tinh, lăng nhăng, vô tội vạ, ngập miệng, ngập mũi…), ăn cả của con cháu,…ăn mòn bát mòn đũa, ăn đấu làm khoán, ăn chắc để dành, mặc chắc mặc bền…Nam thực như hổ, nữ thực như miêu (mèo); ăn nhờ ở đậu, (có) của (bát) ăn của để, ăn uống kiêng cữ (với phụ nữ mới sinh con, người bệnh), ăn đâu biết đấy, ăn chơi thả giàn, (lu bù, trụy lạc, tới bến, phè phỡn, sa đọa, có nòi, đua đòi, trác táng, tàn bạo, lối đại gia, không tính đếm, trên tiền, ngập mặt ngập mũi, thác loạn, cò con…), ăn quẩn cối xay (gà què); ăn (làm ) bài bản…ăn ngủ điều độ, (có) giờ giấc, ăn nằm (giao hợp)…ăn sương (ăn trộm, ăn cắp), ăn tiêu tùy tiện, ăn xó mó niêu, ăn xái (dái) cho nó! ăn nên làm ra, ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, ăn bốc ăn bải, hết nạc vạc xương (cách ăn thịt); ăn chui uống lủi, ăn bao nhiêu, trả bấy nhiêu. Đi tu, Phật bắt ăn chay/Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không! Ăn cơm mắm cáy, thì ngáy  o o/Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy! (Ca dao), Ăn cây nào, rào cây ấy; ăn xương uống máu đồng đội, ăn dơ tanh rình! Hùm dữ, chẳng ăn thịt con; muốn ăn hét, phải đào giun, muốn ăn khoai, vác mai đi đào, theo voi ăn bã mía, theo đóm ăn tàn; Muốn ăn cơm trắng mới giò/Thì ra cùng đẩy xe bò với anh; có ăn nhạt mới thương đến mèo…vừa ăn vừa uống, vừa ăn vừa nói, vừa ăn vừa ỉa, vừa ăn vừa nghĩ, vừa ăn vừa xem (sách, báo, ti vi…), vừa đi (chạy) vừa ăn; vừa ăn vừa cười (khóc); ăn uống nhồm nhoàm, bậy bạ, qua loa, thật lực, tự nhiên, tận tình, thoái mái (đi cho!)…ăn như chết đói không bằng! ăn uống chay tịnh, giữ gìn, bừa phứa, …ăn ốc nói mò; kẻ ăn ốc, người đổ vỏ,ăn theo nói leo, ăn uống tằn tiện, ai biết ma ăn cỗ?! ăn uống ma mọi, ăn lông ở lỗ, ăn hại đái nát, ăn uống chán chê, thừa mứa, ăn quả lừa (đắng), ăn ở như bát nước đầy, cố đấm ăn xôi, ăn thùng uống chậu, ăn dày ăn mỏng, ăn trên ngồi trốc, ăn tiền ăn bạc, ăn tàn phá hại, ăn chung ở lộn, ăn chung uống chạ, ăn sung mặc sướng, ăn đói mặc rách, ăn người người ăn, ăn đời ở kiếp, ăn hiếp, ăn chặn, ăn năm ăn mười, ăn xôi nghe kèn, ăn cháo đá (đái ) bát, Ở ăn thì nết cũng hay/Nói điều ràng buộc thì tay cũng già! (Truyện Kiều)…  
* Nhận xét: ăn thường kèm (kết hợp với uống (rượu, bia), chỉ chung sự ăn; trong cách ăn có khen, có chê. Nhưng ăn vẫn là trước hết, quan trọng nhất. Tất nhiên, đối với không ít con nghiện rượu chẳng hạn, thì uống (ẩm) lại quan trọng hơn ăn. Mới có câu: Ẩm giả lưu kỳ danh (Lý Bạch); chưa nghe nói Thực giả lưu kỳ tiếng !... bao giờ… Ăn thường kết hợp với mặc, ở, chơi, làm, ngủ, đụ (giao hợp)…
Đặc biệt, ăn cái gì, con gì, thường  kết hợp với những từ tục tĩu thành những cụm từ (ngữ, câu, thành ngữ, tục ngữ) mang chức năng chửi rủa, miệt thị, tỏ sự khinh bỉ, căm giận của người nói (viết) trong những cuộc tranh cãi, cãi lộn ở nông thôn hoặc mua bán nơi chợ búa, thành thị (sử dụng ngôn ngữ hàng tôm hàng cá, đầu đường xó chợ, hạ cấp). Kèm theo quán ngữ chửi rủa: Cha tiên sư, mẹ bố tiên nhân, cha con đẻ, mả tổ, cả họ, bà truyền đời báo danh cho mày nhớ!.. .Mày (thằng kia, con nọ, nhà ấy, cả họ nhà mày, cả làng, cả tổng nhà mày…) ăn (mút, bú, liếm): + các từ ngữ tục tĩu như:  l, b, khí, đéo, máu l, b, con c, … tao, bố, mẹ ông (bà) đây này!...
Những động từ vốn chỉ dùng trong sinh hoạt phòng the vợ chồng, với sự trần trụi, khoái cảm riêng tư nhất của nó, nay được cố ý cất cao giọng nói kéo dài 1 cách công khai, đầy hả hê hay phẫn nộ, văng vào mặt đối phương, làm cho đối thủ tối tăm mặt mũi, kèm theo cái tốc váy bàn tà lồng nhuộm nâu (đen, gụ) đánh soạt, tay chống nạnh, tay vỗ đùi, xỉa xói… Chưa dứt lời, phiá bên kia cũng lập tức phản pháo bằng những lời lẽ chát chúa, đanh đá, đáo để, tục tằn, dữ dội, xa xả không kém…! Trường khẩu chiến có khi hàng tiếng đồng hồ vẫn bất phân thắng bại, có khi bị đẩy cao tới ẩu đả thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, thậm chí sử tới gậy gộc, dao, búa, đến thương tích, án mạng…mới chịu dừng…! Ở đây, rõ ràng nhất khoái đã biến thành nhất đểu, nhất tục! tội ác!
Tất cả những tình huống giao tiếp đời thường ấy hầu hết đều có sử dụng từ ĂN! Đặc điểm ngôn ngữ sinh hoạt xã hội này phổ biến lâu đời, với dân tộc Việt, từ bắc chí nam, và có lẽ không chỉ với người Việt Nam mình! Đó là 1 trong những tệ nạn văn hóa - xã hội cần được khắc phục dần dần tới chấm dứt hẳn trong lộ trình xây dựng 1 xã hội văn hoá, văn minh, hiện đại ở nông thôn cũng như đô thị Việt Nam.
Nhất khoái Ăn, trước hết là khoái cái miệng (Thần khẩu; miệng cũng được tôn vinh là một vị thần!). Kế đó là khoái tất cả các giác quan, thống khoái râm ran, âm ỷ, bừng bừng, ngây ngất…toàn thân. Cao nhất là khoái cảm tinh thần, tư tưởng - thẩm mỹ, khoái cảm về cái đẹp thưởng thức, cái đẹp cuộc sống con người thanh cao, qua sự ăn uống. Đó là khái niệm ăn ngon. Ăn như thế nào mới được coi là ngon? Có lẽ chí lý nhất, lãng mạn nhất, cho đến nay ở nước ta, vẫn là quan niệm của Tản Đà về sự ăn ngon và không ngon. Ngồi ăn với ai? ở địa điểm nào? Vào thời  khắc nào? Dùng thức ăn gì?... Ai là đầu bếp? … Kết hợp tất cả những yếu tố đó thật sự hài hòa, như ý,  mới tạo được 1 bữa ăn ngon đúng cách. Rồi đến quan niệm về ăn ngon mà giản dị, thanh nhã của những Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn trong những truyện ngắn, tùy bút nổi tiếng của các ông: Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, Phở, Giò lụa, Cốm, Thú ăn chơi của người Hà Nội
                Nhất khoái Ăn, ở đây, rõ ràng là nhất khoái cao quý thuộc về văn hóa, tinh thần. Muốn hiểu, muốn sở hữu được nó, người ta cần phải học: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Phải rèn luyện và trải nghiệm cả đời mới có thể trở thành một con người thanh lịch trong sự ăn uống, trong sự thưởng lãm và bình phẩm nhất khoái, khi ăn uống với bạn bè, khách khứa khiến mọi người phải khẩu phục, tâm phục.
2. HOÀNG DÂN tán
Nhất khoái Ăn, nghĩa là tập trung nói về cái sự khoái và cả những điều kiện để đạt tới cực khoái ăn. Tôi muốn phác thảo theo hướng này: Đối với người Việt, ăn là việc quan trọng hàng đầu: Dĩ thực vi tiên/Có thực mới vực được đạo… Theo quan niệm của triết lí phương Đông thì nhân thân tiểu thiên địa (con người là vũ trụ nhỏ) tồn tại hài hòa cùng với thiên địa (đại vũ trụ), do đó ăn còn là đạo trời: Trời đánh còn tránh bữa ăn! Ăn đã trở thành một phản xạ thường trực trong ý thức cộng đồng, nó trở thành yếu tố đầu tiên dùng để biểu đạt ý nghĩa của các hiện tượng trong đời sống: ăn cơm, ăn bánh, ăn giỗ, ăn cưới, ăn tiệc… ăn lương, ăn sương, ăn hối lộ, ăn bẩn, ăn chặn, ăn gian, ăn cướp… ăn ý, ăn ảnh, ăn phấn… Theo ý nghĩa trên thì hành vi ăn cũng được phân cực thành tốt/xấu, cao thượng/thấp hèn…, tức là ở mức độ nào đó, hành vi ăn còn là ẩn dụ cho nhân cách con người: ăn trông nồi, ngồi trông hướng/ăn như hủi ăn thịt mỡ/ăn đúng nơi, chơi đúng chỗ…, Do đó xin tạm gác lại vấn đề ăn có văn hóa ăn như súc vật.Ăn không chỉ đơn thuần là việc dùng ngũ cốc, thực phẩm… để lấp đầy dạ dày một cách cơ học, mà ăn còn là một cái thú được đồng thời thỏa mãn cả về vật chất và tinh thần.
I. Về vật chất:
1. Nguyên liệu:
- 1 là lúa gạo (phù hợp với cơ địa của cư dân nông nghiệp): Người sống về gạo, cá bạo về nước/Mạnh vì gạo, bạo vì tiền… Trong lúa gạo thì gạo tẻ đứng đầu bảng: Cơm tẻ mẹ ruột/Đói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường…
- 2 là rau củ quả (phù hợp với khí hậu nhiệt đới): Đói ăn rau, đau uống thuốc/Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống/Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ…
- 3 là thủy sản (phù hợp với đặc điểm địa lí nhiều sông nước): Có cá vạ cơm/Con cá đánh ngã bát cơm…
- 4 là thịt (đảm bảo đủ chất, nhưng không có nhu cầu cao như xứ hàn đới): chủ yếu là thịt gia cầm, gia súc; trong đó có những món khoái khẩu dân dã: Sống ở đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm ti biết có hay không/Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm…
2. Chế biến
Các nguyên liệu phải được chế biến thành những món ăn tổng hợp thì cái sự ăn mới hứng thú, ngon miệng. Một món ăn khoái khẩu phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Đủ ngũ chất: bột, nước, khoáng, đạm, béo
- Đủ ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng
- Đủ ngũ sắc: trắng, xanh, vàng, đỏ, đen
Ví dụ: Một bát phở: độ mềm của thịt bò tái hồng, độ dẻo của bánh phở trắng, vị chua của lát chanh hoặc thìa dấm, chất cay dịu của mấy lát gừng vàng, chất cay  nóng của mấy lát ớt đỏ hoặc hạt tiêu đen, chất thơm cay của hành hoa xanh nhạt, chất thơm hăng hắc của rau thơm, nước dùng ngọt lừ…
Hoặc món nem rán, món nộm…Điển hình là bát nước chấm: vị mặn của nước mắm, vị chua của chanh hoặc dấm, vị cay nóng của ớt hoặc hạt tiêu, vị cay dịu của gừng, vị ngọt của đường, mùi thơm của tỏi… Sẽ là may mắn cho những đức ông chồng có một bà vợ nội trợ giỏi và ngược lại, sẽ là thiệt thòi lớn cho những ông chồng vớ phải một bà vợ chỉ biết chém to kho mặn, chán nhất là bà vợ không bao giờ pha chế nổi một bát nước chấm cho ra hồn!
Một bữa ăn đạt tới độ khoái phải đồng thời thỏa mãn các giác quan: mũi ngửi mùi thơm tỏa ra từ món ăn, mắt nhìn các màu sắc hài hòa, lưỡi tận hưởng vị ngon, tai nghe âm thanh ròn của nhai, xúc giác (dùng tay xé thịt gà hoặc nắm xôi: Thịt gà, xôi xéo, đàn bà/Cả ba món ấy đều là dùng tay)…Với cánh mày râu thì phải có thêm chén rượu đưa cay thì bữa ăn mới thực sự hoàn hảo.
II. Về tinh thần và không gian, thời tiết…
1.Không khí bữa ăn phải vui vẻ: Một bữa cơm gia đình mà chẳng ai thèm nói với ai một lời nào thì  đúng là thảm họa. Bạn bè ngồi cùng mâm mà có người không ưa nhau thì cao lương mĩ vị cũng thành… rơm rạ. Tay chén, tay đũa, vừa ăn vừa nổ râm ran chuyện giàn cùng mây, chém gió muôn màu, say tràn Quý  Tỵ… mới thật đã khoái ăn!
2.Chỗ ngồi ăn phải thoáng đãng, yên tĩnh: Ngồi ăn trong một căn phòng chật chội ngột ngạt hoặc bên một cái máy khoan cắt bê tông thì ăn là một… hình phạt. Chỗ ngồi ăn phải rộng rãi, thông thoáng, tràn ngập ánh sáng thì mới có tâm thế để thưởng thức khoái ăn.
3.Thời tiết: Quá nóng nực hoặc quá giá buốt đều bị ức chế. Phải có thời tiết thích hợp thì bữa ăn mới thú vị… - Mát giời, lành lạnh mưa riêu đông thế này, hay bọn ta phóng xuống quán Long Sanh dưới chân cầu Thăng Long, mở 1 tiệc RTC (rượu thịt chó) giải đen năm cũ, đón năm mới nhể?! – Thôi, đi đâu cho mệt! ông fon thằng Tiến, bảo bưng ngay sang đây 1 mâm tiết canh - lòng lợn + 5 bát cháo lòng nóng sốt là ngũ phụng ta có thể ngất luôn và tề phi lên tận cung Đâu Xuất! OK!...

Tóm lại, nếu chỉ ăn cho xong bữa thì khỏi bàn về khoái ăn. Muốn đạt tới cực khoái ăn thì nên coi ăn là một nghệ thuật (nghệ thuật ẩm thực), mà nghệ thuật thì đòi hỏi trước hết phải có tri thức ẩm thực, sau đó là công phu chuẩn bị. Nếu quan niệm ăn là một cuộc chơi, cuộc đi tìm cảm hứng thì chớ quên nghề chơi cũng lắm công phu!
( còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét