Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

KHI TÌNH YÊU ĐẾN

                                                                  
Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân


Khi tình yêu đến
                                               Lê Thị Kim

                                               Tình yêu không là gió
Chợt gần rồi chợt xa
Tình yêu không là cỏ
Mọc lan man thềm nhà

Em có một tình yêu
Mỏng manh như chiếc lá
Em có một tình yêu
                                                 Như sóng ngầm biển cả

Em biết nói thế nào
Về anh màu áo vải
Đôi dép lốp trật quai
Rút hoài chưa chặt lại

Anh bất ngờ như bể
Đến lặng thinh như tờ
Vẫn lành như chim sẻ
Bắt em ngồi làm thơ

Mười năm anh ở rừng
                                                  Em còn là "con nhỏ"
                                                  Ở khoảng giữa hai ta
                                                  Ầm ì bom đạn nổ

          Tại anh, chỉ tại anh
           Em dễ quên dễ nhớ
           Nhìn chi cũng hóa thành
           Gương mặt anh rạng rỡ

           Đang ăn cơm bỗng hát
           Giữa giấc ngủ mỉm cười
            Em bất thường lạ thật
            Bắt đền anh, anh ơi!
           
Lời bình của Hoàng Dân
Tình yêu là phẩm chất thiên phú, do đó có lẽ vào thuở sơ khai của xã hội loài người, tình yêu cũng sơ khai chăng? Nó sơ khai cả trong suy nghĩ lẫn cách biểu hiện. Nói cách khác, nó là một thứ tình yêu hoang dã? Cho đến nay, người ta có thể phần nào hiểu được buổi đầu của xã hội loài người qua các đứa trẻ, hiểu được tình yêu sơ khai qua sự rung động của mối tình đầu, hiểu được khát vọng khám phá thế giới của loài người qua những câu hỏi hồn nhiên của trẻ thơ mà người lớn không sao trả lời được; chẳng hạn: ai sinh ra con? ai sinh ra bố mẹ? ai sinh ra ông bà? ai sinh ra con gà, con chó, con trâu... ? ai sinh ra ông trời?... Thế cho nên bốn câu thơ mở đầu của bài thơ có vẻ như mơ hồ, khó hiểu:

Tình yêu không là gió
Chợt gần rồi chợt xa
Tình yêu không là cỏ
Mọc lan man thềm nhà
nhưng nếu như ngẫm kĩ sẽ thấy không hẳn là như vậy. Tình yêu có thể vô hình như gió, nhưng không thể vu vơ như gió bởi nó chính là những khoảnh khắc xúc động hướng thiện của con người. Tình yêu có thể sinh ra tự nhiên như cỏ, nhưng không thể hoang dại như cỏ bởi nó chính là bằng chứng xác lập giá trị cho mỗi con người. Vậy tình yêu là gì?
Em có một tình yêu
Mỏng manh như chiếc lá
Em có một tình yêu
Như sóng ngầm biển cả
Tình yêu của em mỏng manh như chiếc lá và âm thầm như sóng ngầm biển cả. Cái mỏng của những rung động thoáng qua ban đầu còn chưa thật rõ có phải tình yêu hay không? Gặp nhau, quen biết, rồi cảm thấy mơ hồ nhớ nhung... Những biểu hiện ấy đã đủ để gọi đó là tình yêu hay chưa? Có lẽ chưa đâu! Chỉ khi nào con người ấy cần thiết cho ta tới mức không ai có thể thay thế thì đó mới là tình yêu. Có lẽ tâm trạng của nhân vật trữ tình đang vận động về hướng ấy, cho nên nó mới sôi sục như sóng ngầm đại dương, chứ không phải là sóng sông, sóng hồ! Như vậy, dù chỉ mới nhen lên, nhưng tình yêu đã nổi sóng dữ dội trong tâm hồn của nhân vật trữ tình. Và gương mặt của người yêu đã dần dần hiện ra trong những con sóng của biển cả:
Em biết nói thế nào
Về anh màu áo vải
Đôi dép lốp trật quai
Rút hoài chưa chặt lại
Người mà nhân vật trữ tình yêu dấu và nhớ thương là người lính áo vải, dép lốp của một thời binh lửa hào hùng. Thời ấy, người lính đồng nghĩa với hi sinh và do đó tình yêu dành cho người lính tự nó đã mang một vẻ đẹp cao cả của đức hi sinh. Chính vì cái bản chất hi sinh ấy mà hình ảnh người lính hiện ra trước mắt nhân vật trữ tình thật khiêm nhường:
Anh bất ngờ như bể
Đến lặng thinh như tờ
Vẫn lành như chim sẻ
Bắt em ngồi làm thơ
Cái sự lành hiền, lặng lẽ của người lính đáng yêu nhưng cũng đáng trách bởi nó khiến cho nhân vật trữ tình bỗng trở nên lúng túng, e ngại. Nhân vật trữ tình dường như phải trở về với nội tâm của mình bằng cách làm thơ. Đó là những câu thơ tình được viết ra trong khoảng thời gian chờ đợi thật là dài:
Mười năm anh ở rừng
Em còn là "con nhỏ"
 Ở khoảng giữa hai ta
Ầm ì bom đạn nổ
Nhưng hình như giữa cái khoảng cách mười năm ầm ì bom đạn nổ ấy, tình yêu cảm tính ban đầu đã được thử thách, trưởng thành, đằm thắm và chín chắn hơn; nó trở thành một tượng đài tinh thần trong trái tim nhân vật trữ tình:
Tại anh, chỉ tại anh
Em dễ quên dễ nhớ
Nhìn chi cũng hóa thành
Gương mặt anh rạng rỡ
Khi cả không gian, thời gian đều đã hóa thành gương mặt anh rạng rỡ thì chính là lúc tình yêu đích thực đã cất lên tiếng nói hạnh phúc của nó:
Đang ăn cơm bỗng hát
Giữa giấc ngủ mỉm cười
Em bất thường lạ thật
Bắt đền anh, anh ơi!
Bài thơ của Lê Thị Kim nhẹ nhàng như một lời kể thầm thì, pha chút hồn nhiên, nũng nịu; nhưng vẫn thấm thía, sâu sắc. Trong vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi dường như còn thấp thoáng vẻ đẹp của cả một thời binh lửa không thể nào quên. Những người lính đọc bài thơ này hẳn sẽ còn cảm nhận thêm được một khía cạnh khác của đời sống tinh thần con người, đó là lòng biết ơn những tình cảm của hậu phương luôn dành cho tiền tuyến, hướng về tiền tuyến trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ác liệt.
                                                                        Núi Bò,  31.10.2007


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét