Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

TẢN MẠN ĐÔI LỜI VỀ THƠ MINI (CỰC NGẮN)




TẢN MẠN ĐÔI LỜI

VỀ THƠ MINI (CỰC NGẮN)
ĐƯỜNG VĂN

Nhân vừa được đọc bài Thơ một câu, thơ một chữ của anh Nguyễn Khôi đăng trên nguyennguyenbay.com, một bài viết khá thú vị, tôi hứng thú viết ngay mấy dòng mail chia sẻ, đồng cảm và chúc mừng anh. Được anh gợi ý, động viên, tôi mạo muội viết kỹ hơn một chút, xin được tản mạn đôi lời về chủ đề lý thú và không phải đơn giản này, ngõ hầu trao đổi cùng bạn đọc gần xa.
         
    Trước hết, về khái niệm, tôi cho rằng, ở nước ta nói riêng, trên thế giới nói chung, cho đến nay, khái niệm thơ một câu, và khái niệm thơ một chữ chưa được ai sử dụng như những thuật ngữ chính thức về thể loại. Nguyễn Khôi có lẽ là người đầu tiên đã sử dụng 2 khái niệm này, nhưng một cách cảm tính nên thiếu chặt chẽ, chưa khoa học. Không những thế, anh lại bị lầm lẫn với hiện tượng chữ mắt, câu thần (nhãn tự, thần cú) trong bài thơ nói chung.

Nếu phân loại thơ trên cơ sở tiêu chí hình thức: dung lượng ngắn, dài, theo số lượng câu, số lượng chữ trong bài thơ và theo tiêu chí xu hướng phát triển của thơ về mặt thể loại, ta thấy có 2 xu hướng chủ yếu, trái ngược nhau:

1.     Xu hướng phát triển, mở rộng, kéo dài, từ bài thơ (đơn vị cơ bản) trung nh (tạm giả định là khoảng 20 – 30 câu (dòng) vươn ra, kéo dài thành bài thơ dài (từ  30 câu trở lên), thành truyện thơ, trường ca, rồi rẽ sang kịch thơ, giao hưởng thơ…Thế giới xưa nay từng có những tác phẩm thơ mênh mông như sông dài, biển rộng, hoành tráng vô cùng! (Tỳ bà hành, Việt Bắc, Nhất định thắng, Truyện Kiều, tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônhêghin, Thần khúc…Iliat, Ôđixê…)
2.     Xu hướng rút ngắn, thu gọn, cô đọng câu, chữ, từ bài thơ trung bình thành: bài thơ ngắn (dưới 20 câu, dưới 10 câu…), rất ngắn (dưới 4 câu).  Gọi là những đoản thi. Ví dụ thơ Đường thơ Đường luật: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt thất ngôn, ngũ ngôn…
   
Loaị bài thơ ngắn hơn nữa:
từ 4 câu trở xuống: ba câu (Hai cư), hai câu, một câu, bốn chữ, ba chữ, hai chữ, thậm chí một chữ (tiếng),… theo tôi có thể mang 1 khái niệm chung: thơ mini hoặc thơ cực ngắn.
Ở Việt Nam, Trần Dần (1926 – 1997) – người cách tân số 1 của thơ Việt (Dương Tường) có lẽ là nhà thơ đầu tiên thể nghiệm lối thơ này và đã từng đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. (Mời đọc sách Trần Dần: Thơ, NXB Đà Nẵng, 2008; phần III.2. Thơ mini; (tr. 413 – 474).
Đúng như Trần Dần đã luận trong bài Về thơ mini:
Thơ mini còn đang tự định nghĩa, đang tự hình thành, đang tự khẳng định…
Sau Trần Dần, một số nhà thơ trẻ nước ta cũng hăng hái thể nghiệm thể thơ triết vắng, triết lặng, thách thức và thành thật (TRD) này; nhưng thành công cũng chưa được bao nhiêu mà đa phần chỉ tỏ ra giông giống về hình thức và bắt chước vụng về…thì nhiều. (Xin đọc chùm thơ mini trên báo Văn nghệ số 20, năm 2014). Ngay cả với Trần Dần, trong 59 bài thơ mini đã được lựa lọc đưa vào tuyển ấy, hiển nhiên, có những bài cực hay, cực siêu, có lẽ chỉ có ông mới viết được:
   Tôi khóc những chân trời không có người bay, lại khóc…chân trời!, Mưa rơi không cần phiên dịch!, Xong! (Bài Vợ chồng)…
    Nhưng dù cố đọc, cố suy nghĩ, liên tưởng, khái quát đủ mọi chiều kích, thì tôi vẫn cho rằng: những câu (bài mini) như:
   Cô gì đêm ấy… bỏ chồng chưa?(tr. 415, sdd) Phải chịu đau rồi mới hết đau! (tr. 435)…
    Chỉ là những câu thơ, bài thơ đơn nghĩa, bình thường.
    Thậm chí câu (bài): Vén mây mù mới thấy trời xanh! (tr. 434) vốn là 1 câu trong Tam quốc diễn nghĩa (lời Mã Siêu khi về hàng Lưu Bị), chứ không phải của Trần Dần!...
     Bài Vợ chồng cực ngắn. Nội dung gói gọn trong 1 chữ (tiếng): xong! Trong khi nhan đề gồm 2 tiếng (1 từ): Vợ chồng. Khái quát, gợi mở, cảm thán đặc điểm phổ quát của hạnh phúc hay bất hạnh của cuộc sống vợ chồng sau hôn nhân. Một triết lý hiện thực đến nghiệt ngã và của muôn đời.
     Thế nhưng nhà thơ trẻ thế hệ @ Việt Nam hồn nhiên vô tình hay chủ ý tựa vào tứ thơ triết lặng ấy để viết bài Đời với 1 tiếng: Lưới,… thì 1 người đọc trung bình hôm nay cũng đã thấy rõ sự bắt chước vụng về, sống sít!. Cứ cái kiểu này thì, nói như Trần Mạnh Hảo, ông có thể ngồi một lúc, sản xuất được cả chục bài mini, 1 câu, 1 chữ như thế!

            Cơ chế cấu trúc cơ bản của bài thơ mini (giới hạn ở phạm vi dạng 1 câu, 1 chữ), theo  quan niệm của tôi, cần phải thu gọn và ôm trùm, dồn nén trong 1 câu, 1 chữ duy nhất ấy. Đó phải là 1 triết lý, 1 chân lý, 1 lời khuyên răn, 1 gợi mở về lẽ sống, đạo, đời… vừa lạ, vừa quen, vừa sâu sắc vừa dễ hiểu, lại phải diễn đạt bằng 1 mệnh đề đầy đủ hoặc chưa đầy đủ về ngữ pháp tiếng Việt; nhưng phải bằng hình ảnh và tiết chế cảm xúc, tâm trạng giấu kín đồng thời mang tính gợi mở cao, đa chiều.
          Về loại câu theo mục đích nói, câu ấy phải là câu cảm, đồng thời cũng là câu thuật – kể, câu cầu khiến, câu hỏi tu từ, câu đặc biệt…Một câu ấy, một chữ ấy đủ lực, đủ tầm, đủ độ vang vọng, gợi mở và bước đầu giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống nhân sinh cá nhân hoặc xã hội, xuất phát từ chính thực tế cuộc sống con người và xã hội hôm nay, vừa có tính thời sự cao, vừa mang tình cơ bản, lâu dài, có khi nhiều đời, nhiều thế hệ…
       Thơ mini nói chung, thơ 1câu, 1 chữ, nói riêng, về hình thức, dung lượng chữ, thì cực nhỏ; nhưng đó là cái bé hạt tiêu, mang sức nổ khủng khiếp của hạt nhân, nguyên tử theo tỉ lệ nghịch (Chế Lan Viên). Đọc thơ mini là qua 1 giọt nước biển có thể thấy cả đại dương bát ngát (Văn Cao).
            Đến đây, lại mở ra vấn đề: làm thơ mini (trung bình và dở) thì không khó! Nhưng viết được 1 bài mini hay, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, là 1 thách thức ghê gớm đối với mọi cây bút say thơ! Càng để bật ra 1 câu, 1 chữ hay, càng thiên nan vạn nan! Bởi chữ ấy chính là chữ mắt duy nhất, câu ấy chính là câu thần vô nhị, làm nên bài thơ cũng… duy nhất! (Chỗ này chính là điểm trùng nhau, dễ hay bị ngộ nhận giữa 2 khái niệm: thơ 1 câu 1 chữnhãn tự, thần cú trong bài thơ nói chung.)
           Người viết, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, chớ nên tự ảo tưởng, huyễn hoặc mình!
     Trước hết, hãy học ca dao, tục ngữ, câu đối… Học dân gian và các cụ nhà Nho xưa.
    Tôi nghĩ, một cách chặt chẽ, rằng nếu coi mỗi cặp lục bát (2 dòng, 14 tiếng; ít hơn thơ Haicư của Nhật 3 tiếng) là 1 câu, 1 bài thơ 1 câu, thì mỗi bài ca dao kiểu như: Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà giầm tương. Thấy anh như thấy mặt trời/Chói chang khó ngó, trao lời khó trao… chính là những  bài thơ mini dân gian 1 câu đặc sắc.
     Ngắn hơn nữa là những câu tục ngữ, thành ngữ mà mỗi câu không chỉ mang chở một phán đoán, suy lý hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn chỉnh về thế thái nhân tình theo quan niệm duy vật thô sơ của người xưa mà có thể coi là những câu thơ, bài thơ mini đặc sắc, sâu xa về ý tứ, cảm xúc nén chìm vào trong:
Người sống, đống vàng; Người chửa cửa mả; Miệng Nam mô, bụng một bồ dao găm…Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài…
       Những đôi câu đối tài hoa, uyên bác của các cụ khoa bảng hoặc đồ nho Việt xưa (Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát…),nay (viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ) phải chăng cũng có thể coi là những bài thơ mini 2 câu mà nét độc đáo nhất là tứ thơ được xây dựng trên cơ sở đối lập - tương phản triệt để và đa dạng? nhịp điệu, bằng - trắc đối nhau chan chát; tư tưởng uyên bác, xúc cảm dồi dào…
      Chẳng hạn, những đôi câu đối sau:
Có tổ, có tôn, tôn tổ, tổ tôn, tôn tổ cũ/Còn non, còn nước, nước non, non nước, nước non nhà! (câu đối ở Đền Hùng – Phú Thọ);
      Hoặc: Đạo cộng xa thư Âu - Á hội/Địa truyền văn hiến tích kim dân (câu đối đắp trên cổng vào làng Trèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (còn lưu trong trí nhớ dân làng Trèm)…
     Trên bình diện thơ, chẳng rất xứng là những bài thơ mini hai câu tuyệt bút đó sao?!

      Nhưng tôi lại nghĩ: mỗi thể thơ, loại thơ, lối thơ đều có đặc điểm riêng, mặt mạnh, mặt yếu của mình. Vườn thơ rộng rinh muôn màu, muôn sắc của mỗi đất nước, mỗi dân tộc ắt phải có cả trường thơđoản thơ cùng vừa thơ!... Người yêu thơ, thích làm thơ cũng nên thử bút mình qua các thể thơ ấy; nhưng thành công đến đâu, với thơ mini, thơ 1 câu, 1 chữ hay thơ dài, trường ca… còn phụ thuộc vào tài năng, vốn sống, cảm xúc, vào cái duyên may trời cho … nữa.
    Chỉ biết, làm theo thể thơ gì, lối thơ, kiểu thơ nào cũng phải hết mình, hết sức, hết lòng. Trau câu, chuốt chữ, không bằng tu tâm, dưỡng tính. Hết mực chân thành và trong sáng với đời, với người, với mình, với thơ… may ra, may ra…!

         Thơ miniNước Nam ta trong hiện tại và tương lai sẽ phát triển theo chiều hướng nào? Thật khó mà nói trước! Tôi cho rằng, ai thích, ai bức xúc thì cứ viết thử xem! Xét cho cùng, thơ mini nói chung, thơ 1 câu, 1 chữ nói riêng cũng chỉ là 1 trong muôn lối mở lòng, trải hồn của người thơ trước thế giới, nhân loại và chính bản thân mình… mà thôi!
       Thái quá bất cập! Không nên tụng ca thơ mini lên mây xanh mà xem nhẹ những bài thơ vừa, thơ dài! Và ngược lại, càng không thể coi thường loại thơ hạt tiêu, hạt nhân, nguyên tử này. Bởi, khi sáng tác, dù chọn thể thơ gì chăng nữa cũng phải cốt sao cho hay, cho xúc động lòng người làm tiêu chí đầu tiên và cốt lõi./.

Đêm 18 – 19 - 6 – 2014. ĐV

4 nhận xét:

  1. Thơ mini có cái hay là ngắn, dễ thuộc. Cái dở là ngắn quá, khó nói được cảm xúc lớn và tình cảm lớn!

    Trả lờiXóa
  2. 1- Có phải người Nhật làm thơ cực ngắn trước thiên hạ không các bác ơi
    Trần Dần có thơ cực ngăn quá siêu rồi, nhưng thơ hình vẽ của ông trong "Trần Đàn-- thơ thì xin bó tay chấm com
    2- Có mấy câu thơ sau bu tui thuộc rồi vẫn thích đọc trên giấy
    Lênh đênh muôn dặm nước non
    Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh

    Đêm về khuya xanh màu thiên lý
    Tiếng gọi đò căng chỉ qua sông

    Nhà ai rán bánh mùi thiếu mỡ

    (Phùng Cung)

    Tôi đứng về phe nước mắt
    (Dương Tường)

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi thì HAICU của người Nhật cũng có những 17 âm tiết, tương đương với 17 chữ của ta. Một câu lục bát việt chỉ có 14 ( chữ, ta còn gọi là tiếng hay âm tiết). Vậy thì chưa phải Nhật làm thơ ngắn nhất. Nhưng vấn đề là thơ quá ngắn thì không thể quá hay. Cám ơn bác Bu đã ghé trang và chia sẻ!

    Trả lờiXóa