Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

NHỮNG CÂU THƠ HAY THỨC CÙNG BÓNG TỐI

TS Đường Văn

NHỮNG CÂU THƠ HAY

THỨC CÙNG BÓNG TỐI


ĐƯỜNG VĂN

          Đọc tập thơ Thức cùng bóng tối: 72 trang in, với 56 bài và 1 chùm thơ  2 câu (16 bài), chuyên 1 thể thơ sáu tám dân tộc (NXB Văn học, 2014) của cây bút trẻ khiếm thị Nguyễn Việt Anh, thấy hồn thơ lục bát quê Hà Nội này thật lắng sâu cảm nhận, trầm tư, suy tưởng về bản thân và cuộc sống, đăm đắm một nỗi buồn tái tê mà trong sáng, một niềm tin xanh tươi, trẻ trung vào tương lai. Tất cả khởi xuất từ một chàng trai mới ngoài 30 xuân mà đã trải gần 20 năm đằng đẵng không được nhìn thấy ánh mặt trời!
          Quyết  tâm chọn thể lục bát như 1 lối độc tấu của thơ mình, thật ra, Nguyễn Việt Anh cũng là người đi sau, ít nhất nối sau Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn…những tên tuổi đã thành danh lục bát gia…trên thi đàn Việt cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, lục bát Nguyễn Việt Anh cũng đã bắt đầu hé lộ những phẩm tính tư tưởng – thẩm mỹ đáng chú ý của riêng mình, mà tôi vừa bước đầu nhận diện và khái quát trong đoạn trên. Đó cũng là những ưu điểm cơ bản của tập thơ Thức cùng bóng tối. Còn về nhược điểm, hạn chế: cũng khá rõ. Chẳng hạn, các đề tài, chủ đề thể hiện trong nội 1 thể thơ (tuy ngắn gọn, (bài dài nhất không quá 20 câu. Hầu hết các bài từ 4 – 8 – 10 – 12 câu), nhưng vẫn gây cảm giác đơn điệu, cũ kỹ. Một số câu, chữ, hình ảnh còn dễ dãi, khuôn sáo, một số vần gieo còn gượng ép
          Nhưng trong bài viết nhỏ này, tôi chưa muốn và cũng chưa có điều kiện để nhìn nhận, phân tích và đánh giá tập thơ đầu tay của Việt Anh một cách toàn diện, tỉ mỷ. Tôi chỉ làm được một việc rất nhỏ, nghiêng về cảm xúc, thưởng thức và không mấy khó khăn, là trích, lẩy ra một số câu thơ, bài thơ trong tập, mà tôi cho là được, là hay, rồi điểm xuyết đôi dòng phẩm bình theo cái gu thẩm mỹ của riêng mình, ngõ hầu chia sẻ cùng bạn đọc gần xa. 

                                                          ***
          Ấn tượng đầu tiên, với tôi, khi đọc Thức cùng bóng tối, là chùm thơ hai (2) câu: (16 bài) mà thoạt đọc cứ ngỡ tác giả định viết theo thể thơ haicư (Nhật Bản). Hóa ra đó là 2 câu thơ lục bát dân tộc Việt 100%/ bài. Theo tôi, đó là chùm thơ thành công đều hơn cả trong tập. Tứ khá sâu, lời đúc, mượt mà; giọng  điệu linh hoạt. Mỗi cặp có thể đứng độc lập thành 1 bài riêng. Và khi đứng chung thành 1 chùm thì lại có sự liên hệ và thống nhất với nhau ở những mức độ nhất đinh. Tôi lựa ra được 04/16 bài nổi bật hơn cả, một tỷ lệ bài hay khá cao, theo sự cảm nhận của tôi.

          * Ám ảnh trước hết, là câu:
Giọt mưa làm ướt nỗi buồn?
Hay buồn làm ướt tâm hồn giọt mưa?!

          Hai nhà thơ – nhà phê bình thơ Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo đều hết lời khen ngợi bài thơ này. (Đọc bài Mặt trời khiếm thị vào thơ; trên các trang trannhuong.com; lethieunhon.com; nguyennguyenbay.com…tháng 12 – 2014). Nhưng hai ông không giảng rõ cái hay ở đâu? sự tuyệt vời ở chỗ nào?...
           Thiết nghĩ: phải chăng đó là cảm xúc thăng hoa theo lối riêng của cây bút luôn phải thức cùng bóng tối, khi thể hiện mối quan hệ giữa giọt mưa (thiên nhiên, khách quan) và nỗi buồn (con người, chủ quan) bằng 2 câu hỏi mơ hồ, bâng khuâng… không và không thể có câu trả lời? Cái gì làm ướt cái chi? Thật khó minh định rõ ràng! Và… phi lý! Giọt mưa là sự vật cụ thể. Tâm hồn là trừu tượng, chỉ có thể hình dung trong tưởng tượng của con người. Chúng thuộc những phạm trù hoàn toàn khác nhau. Vậy thì làm sao cái này có thể làm ướt hay không làm ướt cái kia? Đó là phân tích, suy lý theo quy luật lôgich học. Nhưng thơ lại là 1 vương quốc riêng có khả năng kỳ diệu biến cái phi lý ngoài đời thành cái có lý nghệ thuật mà nhiều khi người đọc chỉ có thể cảm nhận, thưởng thức; nhưng bất khả tri, khi muốn cắt nghĩa, luận giải tường minh, tận bờ sát góc.
          Bài Giọt mưa và nỗi buồn (Nhan đề do người viết bài này mạn phép tác giả tạm đặt) có lẽ thuộc loại này.
          Từng từ ngữ, hình ảnh đều rất giản dị, dễ hiểu, thân thuộc; nhưng đặt trong tương quan thơ, bỗng trở nên lung linh, kỳ ảo, khó hiểu lạ lùng! Giọt mưa có hồn là 1 nhân hóa. Nhưng tâm hồn giọt mưa thì không chỉ là nhân hóa mà còn thật mới và thật khó hình dung, nắm bắt. Ở đây, hình như tâm hồn con ngườitâm hồn giọt mưa đã thực sự quyện hòa trong cử chỉ làm ướt nhau 1 cách đầy bí ẩn!

*  Ngoài trời, còn có trời cao,
Trong tôi, biết có tôi nào tôi hơn?!

          Câu đầu, rõ ràng chỉ là sự mạ lại hơi thô 1 câu tục ngữ Trung Hoa: Thiên ngoại hữu thiên! (Ngoài trời còn có trời!) Nhưng từ chân lý phổ biến ấy, tác giả đã đẩy suy tưởng tới câu sau thì quả là thâm thúy, bất ngờ. Vì sự thúc đẩy ấy đào sâu vào nỗi băn khoăn, nghi ngờ chính bản thể mình là ai? cá nhân mình tồn tại hay không tồn tạitồn tại như thế nào? Nghĩa là lại trở về với những câu hỏi triết học siêu hình lớn, xưa nay, chưa có lời đáp, từ chàng Hămlet của U. Sêcxpia vĩ đại đến Ánh sáng và phù sa của nhà thơ lớn Chế Lan Viên: Ta là ai?! Ta có?! Ta không?!...
Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình,
                      Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt!  (Hai câu hỏi)
          Nhưng hình như, ở đây, ý thơ, tình thơ Nguyễn Việt Anh còn có phần da diết hơn, khắc khoải hơn, diễn đạt hiện đại hơn và cũng… đáng cảm thông, chia sẻ hơn?!
·        Gồng mình lên để nói không,
Chi bằng nói có, cho lòng nhẹ vơi!...

              Cái hay và lý thú của câu này là thể hiện tinh tế 1 trong những trạng thái tâm lý khó nói, tế nhị  trong quan hệ ứng xử tình cảm của con người, dẫn tới 1 cách ứng xử miễn cưỡng, gượng gạo nhưng thẳng thắn và thông minh, dám chấp nhận hậu quả. Cũng có thể đoán đây là quan hệ tình yêu, tình bạn mà 1 bên đã phải hết sức cô gắng để tự dối mình, dối bạn, gồng mình lên cho vừa lòng đối tượng, và chuyện đó đã từng xảy ra nhiều lần…Sau mỗi lần gồng mình để hài lòng người khác như thế, chủ thể trữ tình đều cảm thấy không yên, day dứt, đau khổ hay bực bội với chính mình…! Tâm trạng bất an, khó chịu ấy càng gia tăng. Và đến lần này,… thì (anh hoặc chị) tự thấy không thể như trước được nữa! Người bạn thẳng thắn quyết định trả lời ngược lại bằng cách khẳng định dứt khoát cái điều mà bao lần trước, y đã phủ định với người nghe, dù biết rằng người nghe có thể mếch lòng vì hẫng hụt, thất vọng. Bao lần trước, người nói đều nói dối lòng mình, ý nghĩ của mình. Đến lần này, mới được nói thật, thật với mình và thật với người đối thoại. Xét cho cùng, chủ yếu là nói để cho lòng mình được thanh thản trong quan hệ hiện tại và tiếp theo. Dù quan hệ ấy có thể có nguy cơ rạn nứt, thậm chí đổ vỡ…!
              Cho hay, nói thật bằng cách nói ngược với điều đã nói dối là cách nói phủ định bằng khẳng định dứt khoát, cũng là 1 cách ứng xử, nói năng cần thiết và hữu hiệu trong những tình huống giao tiếp, quan hệ nhất định, chứ sao! Trong câu này,  những tiếng gồng mình, không, có, chi bằng… là từ ngữ  được chọn dùng đích đáng và rất chi phù hợp với ngữ cảnh, văn cảnh.

·        Ngồi nhà, gấp máy bay chơi,
Giấc mơ hết lượn lại rơi xuống sàn!...

              Dòng lục chịu ảnh hưởng môtip ca dao quen thuộc: Ngồi buồn mà… (lại trách ông xanh, đốt một đống rơm,…); trong đó ngồi buồn hay ngồi nhà không phải là 1 địa điểm, 1 vị trí cụ thể, 1 hành vi xác định mà chỉ là cái cớ, điểm tựa nghệ thuật, động tác trữ tình để hình tượng trữ tình được triển khai một cách thuận lợi, ngọt êm, suôn sẻ và tự nhiên. Hành động trữ tình trong câu lục cũng không phải là mục tiêu chủ yếu mà tác giả hướng tới. Gấp máy bay (để) chơi, như là 1 trò chơi, có khi cũng chỉ để giết thời gian khi con người chẳng biết làm gì, chẳng có việc gì để làm…!
              Điều bất ngờ, đa nghĩa nằm ở câu 2 (dòng bát), khởi phát từ câu 1 và tiếp tục phát triển ở câu 2. Cái máy bay gấp bằng giấy, bằng bìa được chú (cô) bé ném vút lên không, dù tay ném, sức ném và cách ném của VĐV nhí có mạnh, khéo, kỹ thuật đến đâu, rốt cục cũng chỉ lượn bay được 1 vài vòng gì đó, trên bầu không… rồi nhất định cũng phải từ từ đáp xuống sàn (nền) nhà (phòng) ... Đó là hiện tượng bình thường xảy ra tuân theo quy luật vật lý cơ học giản đơn, không có gì lạ!
              Điều lạ là do sự chuyển hóa cảm giác từ giấc mơ gợi ra nơi cái máy bay giấy, trò chơi con trẻ cụ thể, thoắt được trừu tượng hóa, trở thành mơ ước lên cao, bay xa, vượt thoát khỏi thế giới hiện tại tù túng, chật hẹp… để vươn tới những chân trời mới cao đẹp và lý tưởng.
              Nhưng trong thực tế cuộc sống đã có bao nhiêu giấc mơ như thế trở thành hiện thực? Hay hầu hết chỉ là ảo vọng, ảo ảnh xa vời, như giấc mộng kê vàng của Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa thầy Trang… xưa?
Tôi tiếc những chân trời không có người bay!
Lại tiếc những người bay không có chân trời!
(Hãy đi mãi! Trần Dần, 1957)
     Con người muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, không thể không hành động, lao động, làm việc và càng không thể không dệt cho mình ước mơ, biết ước mơ và tìm mọi cách biến ước mơ thành hiện thực ngay trong cuộc đời trên dương thế của mình. Vấn đề cốt lõi là ở đó. Biết ước mơ và biết tư duy, hành động sáng tạo có hiệu quả để ước mơ bay cao, bay xa; chứ không phải chịu cảnh bay lượn là là một chút, một lúc rồi hết lực, hết đà, lại rơi xuống sàn, như một cái xác giấy vô hồn! kết cục 1 trò chơi, trò đùa của số phận nghiệt ngã, đáng thương!
                                                          ***
              Thật ra, nói một cách chặt chẽ, khách quan: cái hay, hấp dẫn của những bài thơ 2 câu lục bát này rất không đều. Câu 1: thường là ở mức trung bình. Ý tứ tinh tế hoặc sắc sảo dồn xuống hầu hết ở câu 2. Song, thiếu câu 1, câu 2 sẽ trở nên chung chiêng, bơ vơ, vì không có điểm tựa, bệ phóng vững chắc, tuy thô tháp, sù sì. Âu đó cũng là 1 lối cấu tứ riêng của chùm thơ hai câu của Nguyễn Việt Anh chăng? Và đó cũng là điều xứng đáng được biểu dương và làm rõ trong 1 tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ phải thức cùng bóng tối, phải luôn từ  trong bóng tối dày đặc cuộc đời mà tuông ra tìm ánh sáng… bằng thơ!
                                                         ***
              Dưới đây, xin trích dẫn một số câu hay, lạ, nhã thú trong các bài lục bát khác dài từ 4 câu trở lên, mà tôi đã lựa được trong tập thơ. Mời bạn đọc yêu thơ cùng nối điêu, tiếp tục thưởng lãm, chia sẻ, phân tích, giảng bình hoặc bàn luận:

-                                                    -  Gửi em trang giấy viết đầy trăng tinh!
                                                                   (Viết cho em)
-                Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa!
                                                                    (Đề từ)
-                Giờ em nhổ tóc giùm anh,
Ai người nhổ cỏ giúp mình ngày sau?
Yêu đi, cho tóc bền màu,
Lo gì cỏ mọc trên đầu, một mai…!
                                                           (Tóc và cỏ)
- Thương em, thương đến dửng dưng,
Yêu em, yêu đến lạnh lùng, cằn khô!
Nhớ em, nhớ đến thờ ơ!
Mong em, mong đến hững hờ cả em!...
                                                                (Không đề 4)
-        Hòa thêm một chút ngọt ngào,
Lại nghe đắng chát thấm vào đầu môi!
- Sao em như thể làn hương?
Đuổi tìm thì mất, bỏ, buông thì còn?!
- Tình đầu như hạt mưa rào,
Những chiều trở gió, òa vào hoàng hôn!...
Trèm – Thụy Phương, Bắc Từ Liêm,
9 – 1 – 2015. ĐV
-          
-          



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét