Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

ANH NGỌC CÂU CHUYỆN VỀ THƠ HAY - MẤY BÀI THƠ HAY VỀ MÙA XUÂN.



ANH NGỌC
CÂU CHUYỆN VỀ THƠ HAY - MẤY BÀI THƠ HAY VỀ MÙA XUÂN.
Trong một bài viết khá dài nhan đề “Mỗi bài thơ hay là một định nghĩa về thơ hay” tôi đã đặt ra vài vấn đề khi xem xét tiêu chí để xác nhận thế nào là một bài thơ hay. Vì đây là một khái niệm ôm trùm quá bao la, nói không ngoa thì đó cũng chính là cách ta định nghĩa thế nào là thơ nói chung, một định nghĩa đầy thách thức, mà nói như nhà thơ hiện đại Mỹ là W. Whitman thì “Thơ là lửa, mà lửa thì rất khó định nghĩa”. Vì vậy chúng ta đành làm cái việc rất “chày cối” là ném ra những câu, những bài thơ mà ta cho là hay, rồi tìm cách cắt nghĩa vì sao chúng làm ta hứng thú và nhớ mãi, thì rồi ra cũng góp phần lý giải cho nan đề nói trên – tóm lại là dùng phương pháp đi vòng, hoặc trong nghệ thuật quân sự thì gọi là “đánh vu hồi”…hihiii….
Và cũng nhân mùa xuân 2015 sắp đến, tôi xin giành bài viết này để dẫn ra đây mấy bài thơ, câu thơ hay VỀ MÙA XUÂN, vâng , chỉ về mùa xuân thôi, và tôi muốn nói thêm: Dù toàn là tác phẩm của những nhà thơ quen biết, nhưng tôi cố tình chọn mấy bài thơ mà tôi cho là hay này nhưng có vẻ như chúng chưa thật được phổ biến bằng những bài thơ hay khác cũng của các thi sĩ ấy, bạn thấy OK chứ ạ?
Vâng…
Một năm bắt đầu bằng mùa xuân. Một đời người bắt đầu bằng tuổi trẻ. Và tuổi trẻ thì chẳng có gì khác hơn là tuổi của tình yêu. Những chân lý ấy ngỡ như đã có từ thời khai thiên lập địa. Và cũng từ thuở ấy, các nhà thơ, những con người vốn đa cảm và nhạy cảm, đã thay chúng ta cất lên những tiếng tơ lòng say đắm của con người khi mỗi độ xuân về. Với vũ khí sắc bén là thứ Tiếng Việt tuyệt vời dường như sinh ra để giành cho các nhà thơ, hơn một lần ta đã nghe vang lên trên Thi Đàn Việt những tiếng thơ ca tụng mùa xuân, cũng là ca tụng tuổi trẻ và tình yêu.
Đó là thời Thơ Mới đang rực rỡ, với một Xuân Diệu, ông hoàng của thơ tình yêu đôi lứa và cũng là của tình yêu rộng lớn giành cho cả cõi đời này. Chúng ta hãy nghe tiếng reo vui bất tuyệt ấy trong một bài thơ của nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ Mới”, bài “Nụ cười xuân” của Xuân Diệu:

“Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời
Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
Cánh hồng kết những nụ cười tươi

Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng, lá xôn xao
Gió thơm vô ý bay phơ phất
Đem đụng cành mai sát nhánh đào…

Thiếu nữ bang khuâng đợi một người
Chưa từng hẹn đến - giữa xuân tươi
Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy
Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười.”
Người ta nói rằng, thi sĩ Xuân Diệu đã gồm ngay trong tên ông một “mùa Xuân tuyệt Diệu”. Đó là sự tình cờ của Trời Đất hay chính sự sắp đặt của con người. Không ai biết nữa. Nhưng chỉ biết rằng dường như cuộc sống đã khéo chọn nhà thơ say đắm bậc nhất của Thi Đàn Việt Nam để ca ngợi mùa xuân.
“Mùa xuân chín ửng trên đôi má
Xui khiến lòng ai thấy não nề”
Cái lối nhìn, lối cảm ấy của Xuân Diệu dẫu sao vẫn là cái phức tạp trong tâm thế của con người hiện đại, của những cảm quan trí thức và thị thành. Phải đợi đến Nguyễn Bính, nhà thơ của làng quê Việt Nam một thuở, ta mới thấy cái sức sống kỳ diệu của mùa xuân Đất Việt đã bắt đầu từ trong ngọn nguồn sâu thẳm của những con người quê kiểng Việt Nam, ở đấy tất cả đều khỏe mạnh và tươi tắn, từ cô gái quê:
“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”
Đến bà cụ già đi trẩy hội chùa với vẻ bình tâm và thanh thản đến lạ lùng:
“Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Lần lần tràng hạt miệng nam mô”.
Vâng, đấy là “Xuân vê” của thi sĩ Nguyễn Bính, thực ra thì đã quá quen thuộc với bạn yêu thơ xứ ta từ bao lâu nay, vẫn vang lên mỗi độ xuân về.
Đã đành, thơ nào thì rốt cuộc cũng để nói cái tình, nhưng với hai bài thơ trên, cái phần tả và kể với nhiều chi tiết thực đã biến chúng thành những bức tranh phong cảnh đầy sắc màu, hình ảnh, sống động và tươi vui. Nhưng còn một thứ thơ nữa, thứ thơ cũng có cảnh, có người thật đấy, nhưng ta nghe ra như tất cả chỉ ra đời và tồn tại trong trí tưởng tượng của thi nhân. Đó là thứ thơ thuần túy hướng nội, nó chỉ mượn cớ bên ngoài để diễn đạt cái thế giới bên trong của người làm thơ. Những ai đã đọc và yêu thơ Hàn Mặc Tử đều nhận thấy điều đó ở nhà thi sĩ này, chẳng hạn bài thơ “Xuân đầu tiên” sau đây:
“Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cùng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay…
….
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối hồng
Có người trai mới im như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
Xuân gấm đầu tiên giữa Cõi Đời
Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi
Hãy hoan hô, lời cao như sấm
- Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!”
“Người thơ phong vận như thơ ấy”, câu thơ đẹp cái vẻ đẹp siêu hình như trong một bức tranh trừu tượng có lẽ là một trong những câu thơ đẹp nhất của thi sĩ Hàn Mặc Tử và cũng là của thơ Việt thế kỷ hai mươi.
Cuộc cách mạng Mùa Thu năm 1945 và tiếp đó là hai cuộc trường kỳ kháng chiến đã đưa nền thơ Việt sang một bước ngoặt mới. Đã đành, những nhiệm vụ mới đã mang lại cho thơ ta những gương mặt mới, nhưng từ trong cốt lõi, những tác phẩm thơ đích thực đều không chịu bứt ra khỏi cái mạch muôn thuở của bản chất nhân bản và duy mỹ của thơ ca. Thời chống Pháp đã thế, và thời chống Mỹ cũng không thể khác. Giữa những ngày tháng chiến tranh ác liệt, trên mảnh đất Tây Nguyên thẳm sâu và dữ dội, mùa xuân vẫn đến với gương mặt muôn thuở của mình – náo nức và vui tươi đến kinh ngạc. Các bạn hãy nghe sau đây tiếng thơ vút cao từ “Tháng Ba Tây Nguyên” của nhà thơ quân đội Thân Như Thơ, để cảm nghe cái thế giới đang sinh sôi, đang cựa quậy một sinh lực tràn đầy như bất chấp tất cả đạn bom và hủy giệt của chiến tranh:
“Tháng Ba
Mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sống uống nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
….
Tháng Ba
Mùa bông lách nở
Cho con công múa
Cho con cá bơi
Bông không xuống dòng suối
Bay lên trời vạn cánh sao rơi
Bông lách bay để lại nụ cười…”
Đi qua 30 năm chiến tranh, những người lính đã trở về với cuộc sống đời thường. Mùa xuân thời hậu chiến đã nhanh chóng khỏa lấp những dấu vết của chiến tranh. Những hố bom đã lên xanh, đất bom đạn đã mọc lên khoai lúa. Nhưng với hồn người không giản đơn chỉ có vậy. Hồn người là một thế giới mênh mông gồm đủ cả hôm qua, hôm nay và mai sau, không bao giờ gián đoạn. Cho đến một ngày, người lính cũ là tôi chợt bắp gặp giữa mùa xuân hôm nay hình ảnh của ngày xưa, những giấc mơ một thời còn đó, những khát khao một thời giờ đã ở sau lưng… Và tất cả lại ùa về giữa một ngày xuân ngỡ như rất yên tĩnh và thanh bình. Xin được gửi đến các bạn bài thơ “Thơ mùa xuân đọc lại giữa mùa thu” như một chút tâm sự của một người làm thơ và cũng là một người lính cũ là tôi, trước ngưỡng cửa của một mùa xuân mới:
“Những câu thơ viết giữa mùa xuân
Anh giành dụm để mùa thu đem đọc
Mùa xuân
Có một bận trong đời anh nhìn thấy Trường Sơn thật thấp
Tuổi hai mươi chân đi không bén đất
Đám mây trời bay dưới ba lô
Hoa cỏ bên đường phút chốc hóa thành thơ
Anh đứng hát một mình trong khe núi
Những vui buồn mãnh liệt và nông nổi
Của một thời liều lĩnh đam mê
Những vui buồn cứ đòi được hát lên
Trước đồng đội bạn bè không dấu diếm
Câu thơ đến thường tình và đột biến
Như cánh rừng bất chợt phủ đầy hoa…”
Các bạn thân mến, thơ là tiếng nói đồng tình đồng ý của con người gửi đến con người. Giữa một ngày xuân đang về trên khắp quê hương đất nước, chúng tôi muốn mượn mấy dòng thơ tươi tắn và ấm áp để gửi đến các bạn chút tâm tình cũng tràn ngập ấm áp và yêu thương của chúng tôi.
“Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm, mới ngọt lành đó chăng?”
(Tố Hữu)
Thơ đã hay thì dù có viết về mùa nào cũng hay, nhưng có lẽ những câu thơ hay viết về Mùa Xuân, mùa của Khởi Đầu, của Tuổi Trẻ và Tình Yêu thì vẫn có mùi vị say đắm riêng phải không quý bạn?
Cầu chúc cho tất cả chúng ta một Mùa Xuân đầy hoa thơm quả ngọt như nhà thơ hằng mong ước.

A.N.

2 nhận xét: