Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

VỀ CHỮ LẺN TRONG TRUYỆN KIỀU

VỀ CHỮ LẺN TRONG TRUYỆN KIỀU 
                         Đào Tiến Thi

Sáng nay, mùng 2 Tết (29-1-2017) mở VTV2 (chương trình Việt Nam đất nước con người) thấy GS.Phong Lê đang bình Truyện Kiều. Ông hết sức khen ngợi cách dùng chữ của Nguyễn Du, đặc biệt là dùng từ thuần Việt. Ông ví dụ dùng chữ “lẻn” trong câu “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, cho rằng chỉ một chữ “lẻn” đã lột tả hết cái gian trá của Sở Khanh.
Thực ra không chỉ GS. Phong Lê hiểu như trên. Đó là cách hiểu khá phổ biến lâu nay.
Về chữ “lẻn”, cách đây đã khá lâu (khoảng 1991), tôi được nghe PGS. Vũ Nho (lúc đó là PTS. Vũ Nho) đính chính cách hiểu không chính xác như trên. Ông bảo đâu chỉ có Sở Khanh mới “lẻn”, chính Kim Trọng cũng “lẻn”:
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình (câu 536)
Tôi thấy ông Vũ Nho đúng.
Câu trên kia kể lúc Kim Trọng nghe tin ông chú mất, phải thu xếp về hộ tang. Trong tình thế gấp gáp đó, chàng ta cũng kịp chạy đến tìm Kiều để từ biệt. Mà nhà Kiều thì “Thâm nghiêm kín cổng cao tường” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) cho nên anh ta phải “lẻn” thôi:
Mảng tin xiết đỗi kinh hoàng
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.
Chữ “lẻn” theo cụ Đào Duy Anh: “Đi giấu không cho người ta biết. Cũng nói là lén. Vd, Băng mình lẻn trước đài trang tự tình” (Từ điển Truyện Kiều). Như vậy chữ “lẻn” – ít nhất là thời Nguyễn Du – chỉ có nghĩa là đi giấu, sắc thái trung tính, không hề có nghĩa xấu. Kim Trọng lúc đang độ hào hoa phong nhã nhất nói trên đã “lẻn”. Thúc Sinh lúc ân tình và khổ đau nhất (đến an ủi Thúy Kiều đang bị giam lỏng) cũng “lẻn”:
Thừa cơ sinh mới lẻn ra
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.


Phùng Hoài Ngọc Nhất trí. Ô PHONG LE TÀO LAO LẮM. TIẾC RẰNG NGÀY XƯA MÌNH ĐÃ MỜI ỔNG THỈNH GIẢNG 1 BÀI CHO KHOA VĂN ĐẠI HỌC AN GIANG.
Phùng Hoài Ngọc
Phùng Hoài Ngọc Phong Lê chống lại ths. NHÃ THUYÊN và Khoa Văn ĐHSP.HN MỘT CÁCH ĐIÊN CUỒNG NHƯ CÔN ĐỒ VĂN HỌC. HỒI ẤY mình có bài viết cho VNTB mắng mỏ ổng và bà ĐĂNG T LÊ một thể.
Thi Đào
Thi Đào Ông PL có đầy đủ các đặc trưng của trí thức XHCN: hèn, cơ hội, bám gót quyền lực, sợ bị bỏ rơi,...
Trầm Tích
Trầm Tích Riêng về mặt chữ nghĩa, PL là kẻ"luộc" có nghề !
Vuong Tran Ngoc
Vuong Tran Ngoc Lối bình này thịnh hành nhất thời Hoài Thanh, Xuân Diệu, biến tướng của lối bình văn " thần cú, nhãn tự" chẳng xa thời trung đại là mấy . Rất rất hiếm thấy trong phê bình phương Tây, nhưng lại thường chứng tỏ được năng khiếu thẩm mỹ tinh tế của người b...Xem thêm
Pham Van Hao
Pham Van Hao Hồi học lớp 9 (1966) tôi được thầy Vũ Ngọc Khánh,Trịnh Truy đặt viết bài tiểu luận về việc xây dựng tính cách nhân vật trong Tr Kieeuf , tôi đã đọc ý này,không rõ trong sách của Hoài Thanh hay Đặng Thai Mai viết về Truyện Kiều. Nên cũng hiểu như vậy. Chắc anh Phong Lê hoặc thầy Lê Đình Kỵ cũng lĩnh ý từ đó,đương nhiên là trước thằng học trò như tôi.Anh TNV nói đúng,cách phân tích xưa là thế,theo kiểu tìm nhãn tự.Tôi nghĩ,lối bình này không sai,nhưng trong thơ trường thiên thì dễ " hố", vì không kiểm hết tư liệu! Tôi nhớ là cả chữ " tót" với Mã Giams Sinh nữa( " Ghế trên ngồi tót sỗ sàng"). Trong bài tập viết ấy,tôi bê cả hai từ nôm này! Xin cảm ơn các anh!
Vu Nho
Vu Nho Cái chữ "tót" ấy, Nguyễn Du dành riêng cho Mã Giám Sinh, cũng như kiểu ngồi " vắt nóc" của Tú Bà là những sáng tạo riêng của Nguyễn Du. Trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử không có hai chi tiết này.
Nguyễn Thông
Nguyễn Thông Báo cáo Đào tiên sinh, mình đã xin bài này về đăng trong mục Tiếng Việt tôi yêu trên báo điện tử Một Thế Giới.
Vu Nho
Vu Nho Góp bàn với các bác đôi điều. Khi tôi nói với anh Đào Tiến Thi, tôi cũng không nhớ nguyên văn ra sao. Có điều tôi tin là Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, nên dù là LẺN hay LÉN thì cũng chỉ là phiên âm cùng một mặt chữ mà thôi. Do đó Kim Trọng thì LÉN trước đài trang tự tình, còn Sở Khanh thì LẺN vào. Song hai hành động đó đều được Nguyễn Du viết cùng một chữ Nôm. Vì thế bảo Sở Khanh "chết" vì chữ LẺN là hoàn toàn chủ quan, võ đoán. Một tư liệu khác có thể làm cho việc bình tán chữ LẺN trở nên... không thuyết phục. Đó là bản nôm mà cụ Thế Anh dùng trong sách " Đoạn trường tân thanh - Truyện Kiều đối chiếu nôm- quốc ngữ", nxb Văn học, 1999; câu thơ đó, bản Nôm Kiều Oánh Mậu phiên âm như sau " Rẽ song đã thấy Sở Khanh bước vào" ( trang 122 và 123, sách đã dẫn). Tuy nhiên, một chữ ấy của bác HT làm chúng ta không tin, nhưng những bài bác ấy viết về Truyện Kiều thì thật đáng khâm phục. Chỗ này chúng ta cũng cần sòng phẳng.
Pham Van Hao
Pham Van Hao Gần đây ít thấy nghiên cứu về Tr K từ góc độ Nnh. Trước đây chục năm thì còn,chủ yếu từ góc độ chữ- nghĩa.Tuy nhiên,chữ nghĩa phải nhìn từ các góc độ khác nhau trong hoàn cảnh giao tiếp xưa ,thì mới thuyết phục.Đa phần các bình luận đều từ cách hiểu đương đại về từ ngữ,nên dễ đi vào tư biện.

3 nhận xét:

  1. Chỉ một chữ "lẻn" thôi mà đã kết luận "lột tả hết cái gian trá của Sở Khanh" thì đúng là không ổn rồi bác Vũ Nho, bởi chữ "lẻn" hay "lén" này phải tùy trường hợp mà hiểu. Chẳng hạn như thằng ăn trộm "lẻn" vào nhà (để ăn trộm đồ đạc), thì "lẻn" này là xấu, nhưng cu cậu con trai tuổi thiếu niên đi chơi về trễ trễ, khi về "lẻn" vào nhà để bố mẹ không hay thì cũng chẳng phải là xấu như cách lẻn của thằng ăn trộm.

    Trả lờiXóa
  2. Mà chữ "lẻn" này nghĩa thông dụng hiểu là "lén lén, để người khác không biết, không hay" thôi, đâu có gì là xấu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Hiệp à! Trước đây bác HT có bình và viết rằng Nguyễn Du đã giết Sở Khanh chỉ bằng một từ "lẻn". Tôi vốn hay nghi, nên tìm văn bản và nói rằng Sở Khanh lẻn, Kim Trọng cũng lẻn. Sao Sở Khanh chết mà Kim Trọng không chết? Về mặt chữ Nôm thì cùng một chữ. Có điều khi phiên âm, người ta phiên Kim Trọng LÉN, còn Sở Khanh thì LẺN. Song thực chất 2 hành động này đều được Nguyễn Du viết cùng một chữ NÔM. Vì vậy bình tán như thế là không thuyết phục. Tôi có một tâm niệm rằng dù bác HT không thuyết phục khi nói về chữ LẺN này, song các bài khác , bác ấy viết rất hay. Chúng ta không vì một chữ mà xem nhẹ những trang viết rất hay của bác ấy. Cũng như vậy với GS Phong Lê.

      Xóa