Đường Văn
THƯ
GỬI MẸ -
ÁM ẢNH KHÔN NGUÔI CỦA MỘT
THIÊN TÀI BẤT HẠNH!
(Đọc bài thơ Thư gửi mẹ của X. Exênhin)
ĐƯỜNG VĂN
Mỗi
lần nhớ về Xergây Exênhin (1895 -
!925) thiên tài - nhà thơ của nước
Nga bằng gỗ, cây đàn organ tuyệt vời của thiên nhiên, được sáng tạo ra chỉ để
làmt hơ, thể hiện nỗi buồn vô tận của nhữg cánh đồng.(M. Gorki), trong tôi
lại vang lên những dòng thơ xót xa đứt ruột của V. Maiacốpxki:
Bạn đã đi
Như người ta nói
Sang thế giới bên kia!
Không gian trống trải
Bạn bay vèo
Xuyên thẳng
những sao khuya
Thế là hết
Khoản
tạm ứng,
Khoản la ca quán rượu,,,
Bạn tha hồ
tỉnh táo!...
(Gửi
E xê nhin; Hoàng ngọc Hiến dịch)
Khoảng một năm trước ngày tự kết thúc
cuộc đời, Exênhin đã để lại cho đời 1 tuyệt tác: THƯ GỬI MẸ (1924) - bài thơ tuyệt
diệu về tình mẹ con, nỗi ám ảnh khôn nguôi của một thiên tài bất hạnh.
Thư
gửi mẹ trần ngập nỗi buồn dịu dàng mà da diết, nỗi cô đơn khủng khiếp, tình
yêu và thương nhớ dõi hướng quê hương, nơi mẹ già đang mòn mỏi chờ đợi và sự ám
ảnh tuyệt vọng về cuộc sống hiện hữu trước vực thẳm đâu đó mờ mờ ẩn hiện phía
chân trời. Sức hấp dẫn lạ lùng của bài thơ nổi tiếng này, theo tôi, không phải
ở tứ thơ độc đáo, mới lạ, hình ảnh thơ tân kỳ, ấn tượng hay nhạc điệu thơ du
dương, réo rắt… mà ở cảm xúc thơ rất đỗi chân thành, nũng nịu, đau đáu sự ăn
năn, hi vọng của lòng con gửi tới người mẹ già khốn khổ, bất hạnh – chỗ dựa
cuối cùng, niềm vui và ánh sáng diệu kỳ, sưởi ấm lòng đứa con xa, cháy bừng niềm
khao khát được trở về dưới mái nhà xưa.
Từng đoạn, từng khổ, từng câu tan hòa
hiện thực đắng cay cùng nguyện cầu, mơ ước của người con trai đầy mặc cảm vọng
ngóng quê hương cách trở ngàn trùng . Giọng điệu bài thơ đích thực gồm thâu các
giọng tâm tình, giãi bày, kể lể, băn khoăn, thanh minh, van nài, cầu xin, giọng
đứa con trai cưng vốn được mẹ yêu chiều, buông thả, dù đã lớn khôn, trưởng
thành, đã từ lâu rời xa cánh đồng tuyết phủ, hàng bạch dương lả ngọn để dấn
thân vào chốn phố phường huyên náo, buị bặm, vẫn luôn cảm thấy bé nhỏ, ngây thơ
trong lòng mẹ già.
Mở đầu bức thư - thơ là câu hỏi đột
ngọt đến ngỡ ngàng và hình như tàn nhẫn:
Mẹ có còn sống không? Mẹ già của con?
Câu thông báo về mình cũng ra chiều
ngây ngô, ngớ ngẩn:
Con cũng còn sống đây! Chào mẹ! Chào mẹ!
Mạch cảm xúc của toàn bài sẽ được phát
triển từ 2 câu thơ khó hiểu, kỳ lạ ấy. Vấn đề người con trai đặt ra ở ngay đầu
bức thư không phải là chuyện thăm hỏi thông thường, mà quan trọng hơn nhiều:
chuyện sống – chết, mất – còn của mẹ, của con, của những kiếp người. Nhưng đồng
thời, nỗi nhớ quặn thắt, lòng kính yêu mẹ thiêng liêng mà gần gũi, niềm hân
hoan trào dâng khi có được dịp chuyện trò, tâm tìnhvới mẹ, dù chỉ trên trang
giấy, vẫn cứ len lỏi qua câu hỏi bồn chồn cùng lời chào lăp lại hai lần bối rối
đến xao xuyến, cuống quýt mừng vui.
Hai câu tiếp theo vừa tái hiện hình
ảnh kỷ niệm hằn sâu trong ký ức, vừa kéo dài nó đến hiện tại và cả tương lai:
Ánh sáng diệu kỳ vào lúc hoàng hôn
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ!
Chính cái làn ánh sáng diệu kỳ này sẽ
trở thành biểu tượng nguồn sáng, sức ấm của thiên nhiên lòng mẹ bao dung, chiếu
toả suốt đời con.
Hai khổ tiếp sau vụt hiện bóng dáng
người mẹ tội nghiệp, lo âu, trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt, choàng chiếc áo
xargan vũ kỹ, đi đi lại lại trên đường làng , mòn con mắt ngóng trông với những
tưởng tượng hãi hùng cảnh đứa con trai bị
đâm trúng tim trong cuộc loạn đả nơi quán rượu. Những câu thơ run rẩy, sững
sờ, tê điếng đi vì đau thương, mất mát, không có gì có thể bù đắp. Mỗi nhịp,
mỗi tiếng thơ như phập phồng sợ hãi, dẫu vẫn nửa tin nửa ngờ. Nhưng chính điều
ấy lại càng khiến bà mẹ bàng hoàng, đau đớn hơn. Kế đó, người con trai cố sức
thanh minh, an ủi mẹ một cách quả quyết
và chân thành, không phải bằng lý lẽ biện hộ hay bằng dẫn chứng chứng minh mà
chỉ đơn giản bằng tình yêu và lòng tin.
Mẹ đã yêu thương con, hiểu con hơn ai hết chắc mẹ sẽ tin con. Con có hư dại
nhưng chỉ nhất thời. Con vẫn là đứa con
ngoan, đằm thắm, dịu dàng, sẵn sàng sám hối, tỉnh ngộ. Giấc mơ trở về quê
thăm mẹ, sống bên mẹ vào mùa xuân trắng
cây cành nảy lộc luôn thiêu đốt trái tim con. Nhưng trong lời thơ, bên cạnh
âm điệu náo nức, nũng nịu, gần gũi, thân thương, cứ rung lên cảm giác ngậm
ngùi, u ẩn và cam chịu trước những mất mát, thất vọng, nhọc nhằn mà con đã nếm
trải suốt 8 năm năm ròng rong ruổi trên khắp nẻo đường kiếm tìm chân lý và hạnh
phúc.
Một con chiên vô cùng sùng đạo như
Exênhin mà lại xin mẹ đừng nguyện cầu vô
ích! Kể cũng lạ! Nhưng xét cho cùng, đó chính là những bài học, những kết
luận rớm máu được đúc rút từ bao chát đắng và trả giá của chính nhà thơ.
Với cái cũ xưa, không quay lại bao giờ,
Chỉ mình mẹ là niềm vui, là ánh sáng
diệu kỳ,
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước.
Câu đầu như tiên cảm về cái định mệnh
xa xôi mà khắc nghiệt giáng xuống nhà thơ chỉ 1 năm sau, khi chính Exênhin viết
mấy dòng thơ tuyệt mệnh:
Trên đời này, chết là điều chẳng mới,
Nhưng sống, thật tình cũng chẳng mới
hơn!
Vĩnh biệt cuộc đời, khi nó, với anh,
chẳng còn gìmới mẻ! Sống là phải mới không ngừng!
sáng tạo không ngừng! Nếu không, nhà thơ sẽ đứng trên bờ vực thẳm ( Phùng Quán)
Còn 2 câu sau lại giúp nhà thơ và cả
người đọc lấy lại thăng bằng, bình yên trong tâm hồn, sau chập trùng khủng
hoảng, bất lực, buông xuôi. Tất cả đều dựa vào lòng mẹ, hướng tới mẹ kính yêu –
niềm tin và ánh sáng vĩnh viễn của đời con.
Bài thơ kết thúc bằng một đoạn điệp
khúc có bổ sung, ca lên lời nhắn gửi, an ủi tâm thành cuối cùng của đứa con
trai – nhà thơ không mọt phút giây nào
nguôi quên hình bóng ngừơi mẹ già nua khoác
tấm áo choàng đen cũ nát đi đi lại lại
ngóng chờ con, đồng thời cũng
không thôi một phút giây nào ấm ảnh về cái chết của 1 tài hoa nghệ sỹ.
Exênhin thường băn khoăn, đau khổ và
ân hận vì chưa làm được gì để tuổi già
của mẹ được hưởng niềm vui bình yên, thanh thản. Nhưng có lẽ nhà thơ cũng không
thể nào ngờ được, rằng bằng bức Thư gửi
mẹ vô cùng giản dị, và chân thành nhất mực, Exênhin đã dựng được 1 bức
tượng đài bất tử cho người mẹ đau khổ
của mình, cho tất cả các bà mẹ nghèo khổ, nhẫn nhục mà vĩ đại trên thế gian
này./.
* Thư gửi mẹ của Exênhin.
Nguyễn Hải Hà và Anh Ngọc dịch. SGK Văn
học lớp 12, tập 2. NXBGD - 1992, tr. 42 – 46.
* Đã đăng trên báo GD&TDD, số 22, tháng 3 – 1997.
Đọc lại, chỉnh sửa, vi tính, 10 – 11 – 2013. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét