Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

TRẦN QUANG TIẾN HÁT GỬI NGƯỜI TRI ÂM

                                                                               Vũ Nho chủ trang

TRẦN QUANG TIẾN HÁT GỬI NGƯỜI TRI ÂM

                                      PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

Bạn đang cầm tập thơ “Trăn trở vào thu” của nhà thơ Trần Quang Tiến. Tôi viết  nhà thơ hát gửi người tri âm là có lí do. Bởi  có hai tập thơ của tác giả mang tên khúc hát “ Hát độ thu vàng”, “Tình khúc ru mình”. Lại có bài “Gửi người tri âm” đó là người bạn đời của nhà thơ. Nhưng tôi muốn hiểu rộng người tri âm là những bạn đọc thơ của Trần Quang Tiến.
          Trong một bài thơ ở tập Hát độ thu vàng, nhà thơ viết:
                   Sáu mươi hát độ thu vàng
                   Bảy mươi hát những cung đường đã qua
                   Tám mươi hát khúc dân ca
                   Chín mươi tuổi sẽ hát hoa cúc tàn
Niên biểu ấy cho thấy nhà thơ làm thơ là để hát, hát những niềm vui, hát những nỗi buồn, hát lên những tình cảm  đất nước, quê hương, xóm mạc, những tình  cảm riêng tư gia đình, họ hàng, tình bạn, tình láng giềng khối phố. Và hát cả những nỗi niềm trăn trở của cuộc sống hôm nay…
           Trẻ trai, anh đã sớm đến với thi ca. Nhưng rồi chiến tranh và "việc đời luẩn quẩn loanh quanh" cứ ngáng trở, níu kéo. Mãi đến khi đến tuổi ngoại lục tuần, anh mới có điều kiện trở lại với thơ và in tập thơ Hát độ thu vàng. Rồi từ bấy đến nay, miệt mài với thơ, anh đã có “ Tình khúc ru mình”, rồi “Xao xác dòng thu”, và bây giờ là tập thơ mới “Trăn trở vào thu”, chọn từ 3 tập thơ trên cùng những bài thơ mới viết, cộng với cả phần thơ thiếu nhi và mảng câu đối làm thành một tuyển thơ dày dặn, phản ánh tâm hồn thi sĩ say mê,  cẩn trọng, chi chút với thơ ca.
          Ấn tượng nổi bật khi đọc thơ Trần Quang Tiến là một tình cảm sâu nặng của một người “ đa cảm, đa ngôn, đa sự…đa tình” ( Tự vấn tim mình). Một con người giàu tình, sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương và với mọi người. Có trách nghiệm như thế cho nên cảm giác “mắc nợ” là cảm giác thường trực. Nhà cách mạng thì tuyên ngôn : “Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/ Phải trả cho ta mạch giống nòi” ( Đi – Tố Hữu). Trần Quang Tiến thì thủ thỉ tự nhủ lòng mình:
          Trang thơ mang trả nợ đời
          Anh còn khê nợ với người tri âm
                                      Khê nợ

 Anh làm thơ để giãi bày, để trang trải tình nặng nghĩa sâu với đời, với ông bà, cha mẹ, gia đình, vợ con, anh chị em, họ hàng, thôn xóm, quê hương. Trong thơ anh có nỗi đau của người con chưa trả được công ơn sinh thành của cha mình. Nỗi đau ấy nào đâu của riêng anh. Tôi tin có rất nhiều người con trên đời này đồng cảm:
                   Những là ân hận xót xa
                   Những là thương nhớ-
                   Những là buồn đau
                   Đời như gió thoảng qua cầu
                   Nỗi đau
đau đến bạc đầu
                           cha ơi!
                   Viếng mộ cha
Lại cũng có những  cảnh vui vẻ, đầm ấm tình bạn già, tình đồng môn, tình làng, nghĩa xóm “ nghêu ngao rượu sắn, dưa chua bạn già” :
                   Tiệc mừng rượu thuốc ngâm đầy hũ
                   Trắm nấu canh chua, chép rán giòn
                   Khách mời trong xóm thêm hai cụ
                   Cũng là hưu trí, cũng đồng môn
                                      Nghỉ hưu
Là cán bộ ngành lâm nghiệp nên tác giả có điều kiện đi đến nhiều miền đất nước. Anh thành kính trước đền thờ Bến Dược, bâng khuâng “Dạo bến Nha Trang”, mơ mộng trên Hương Giang, trầm ngâm “Bên mộ Nguyễn Du”, nghe “gió nấc, chuông rên” trên Yên Tử, dốc cạn rượu ngô ở Cổng Trời,…
Đến với đời bằng trái tim nhân hậu, nên thơ Trần Quang Tiến giàu  niềm vui và cũng không ít nỗi buồn. Mà thường là nghiêng về nỗi buồn. Nhà thơ  có sự sâu sắc nỗi đời trong Thương bố, Thương chuột, Giỗ chị, Viết ở Trà hoa viên,…. Anh có sự chân tình trong Mua báo, Tặng thơ, Uống bia, Điếu viếng thông gia,…. Chính vì sâu sắc, chân tình nên không thể không buồn. Tác giả thăm thắng cảnh Tô Thị ở Lạng Sơn, chợt  mủi lòng liên hệ:
                   Chạnh nhớ quê mình cũng nhiều Tô Thị
                   Cũng sống cô đơn, âm thầm lặng lẽ
                   Cũng nhớ thương chồng, đẫm lệ đêm đêm
                                                Thăm nàng Tô Thị
Và không thể không ngậm ngùi khi thấy cảnh người phụ nữ nông thôn lên thành phố “ tháng giêng dầu dãi, em theo chợ người” ( Chen); và người phụ nữ quảy rau vào thành phố bán bị xua đuổi:
                   Chợ người, đội mướn ai thuê
                   Nghiến răng, lết bước, em về đội mưa
                                      Em về đội mưa
Phải chăng, vì lớn tuổi  mới bắt đầu sự nghiệp thơ ca nên tác giả hay nói đến thời gian, đến mùa Thu, đến Hoàng hôn,  đến tóc trắng, đến lá vàng? Ta sẽ bắt gặp nhiều những  ngạc nhiên, sững sờ, trăn trở pha chút tiếc nuối:
Nỗi niềm chưa ráo chén mời
Hàng hôn đã cuốn bời bời lá thu
                             Lá thu
Thời gian chiếc lá bay vèo
Tôi về tìm lại trong veo… đã chiều!
                             Ánh mắt
Sông miên man – em thảng thốt thu rồi
Có cái gì òa vỡ trong tôi
Em xuân thế… mà tôi thu vội thế
                   Chớm thu

Nói đến thầy thì thầy cũ, bạn là bạn già, quê là quê cũ, sông là sông xưa. Vâng, đấy là những thi đề quen của người cao tuổi. Tuy vậy, Trần Quang Tiến cũng có những si mê rất trẻ trung, mạnh mẽ:

                        Đã thơ đời hiến cho thơ
                   Đã tình giãi gió dầm mưa với tình
                                                Vẫn chờ
                   Mà lòng còn muốn
Yêu thêm cõi người
Hồn còn mộng đến muôn nơi
Còn khao khát những chân trời tình yêu
                             Viết lúc giao thừa
Anh có niềm tin của  chàng trai hai mươi tuổi về vẻ đẹp của sự thủy chung:
                  Dâu bể chẳng phai nhoà ánh ngọc
                  Năm vết cũ tôi mài. Xoè năm cánh hoa"
                                                         Viên sỏi

Không lấy thơ làm nghiệp, làm phương tiện lập ngôn, nhưng Trần Quang Tiến suy ngẫm khá nhiều về thơ. Từ "Câu thơ chết đuối ở trong đáy bình" (Tỉnh khi say) đến những câu thơ vô cảm "Không có gì chia sẻ thơ ơi" (Vô cảm) đến sự tắc tị, bí hiểm "Ta tắc tị hay thơ tắc tị. Thông điệp gì. Hỡi các thi nhân" (Tắc tị). Với thơ ca, thái độ của Trần Quang Tiến vừa cẩn trọng, vừa nghiêm túc, đúng mực.  Anh thấm thía quy luật lao động sáng tạo không hiếm niềm vui nhưng cũng đầy những khó khăn thử thách:
                             Câu thơ trăn trở nhọc nhằn
                            Nổi nênh vừa thoáng, đã tan đã chìm
                                                Ai tìm câu thơ
Không phải người làm thơ nào cũng tỉnh táo, và cái chính là dám nói ra sự đánh giá tỉnh táo về thơ mình:
                             Trang thơ chắt gạn từ trong máu
                             Đọc lại băn khoăn thấy cỗi già
              Tứ quen câu chữ nghe mòn sáo
                                                Đọc lại thơ mình
Biết như thế, nhưng anh vẫn say mê sáng tạo, vẫn cố gắng vượt lên chính mình để  có thể đem đến những vần thơ thao thức, những vần thơ có mãnh lực, có khả năng neo đậu vào trái tim người.
Trong những bài thơ của anh,  thấp thoáng thường xuất hiện nụ cười hóm hỉnh, tự trào. Đó là khi nhà thơ “vay vốn để in thơ tình”:
          Nếu đời chưa hiểu thơ anh
          Ế không bán được
Vốn đành nợ em!...
Nợ đời trả lửa trong tim
Nợ em anh trả nỗi niềm trong thơ
Ví còn nhạt nhẽo đơn sơ
Trả thêm em
Cái ngẩn ngơ hão huyền
                  Vay vốn
Người đọc không thể không bật cười về cái  món “trả thêm” ngoài thơ của chàng thi sĩ. Và khi anh được tặng nụ cười trẻ trung của cô gái trong Trà hoa viên:
                   Thấy đầu mình mây trắng
                   Gói nụ cười em mang về sợ nặng
                   Biết nhờ ai cất giữ bây giờ
                             Viết ở Trà hoa viên
Lúc khác là nỗi băn khoăn “ cưa sừng làm nghé” :
                   Nếu tôi cố tân trang chịu đánh mất mình
                   Thói quen cũ trâu già nhai cỏ
                   Rồi nhắm mắt làm con nghé ọ
                   Em có về…thương nó không em?
                                      Làm con nghé ọ
Tự cười mình, cười những hạn chế, nông nổi, hay  không hiện đại, tân thời của mình cũng là biểu hiện của sự tự tin.
          Giống như bao người làm thơ khác đam mê với thơ ca, Trần Quang Tiến không khỏi có những lúc băn khoăn, phấp phỏng: "Thời gian nghiệt ngã cuốn đi. Chắc đâu đọng được chút gì buồn vui" (Hát độ thu vàng). Anh ao ước, một ao ước nho nhỏ mà giản dị:
                             Dẫu cho chỉ được một bài
                               Một bài dẫu chỉ được vài bốn câu
                                                          Nợ
Bây giờ thì anh đã có cả một tuyển thơ dày dặn, với nhiều nỗi buồn vui đời thường. Những bài thơ của anh – những “giọt sương thu muộn màng” đủ cho anh:
Giọt mừng kính tặng quê hương
Giọt vui cha mẹ…giọt thương tặng mình
                                    Nỗi niềm
        Tôi nghĩ thơ của anh sẽ có những bài, những câu được bạn đọc đồng cảm, sẻ chia, ghi nhớ . Và thế là anh có thể thỏa nguyện:
                             Giữ gìn nếp sống thanh cao
                             Để mai thanh thản đi vào hư vô
                                                Ôn lại quãng đời
Chúc mừng anh, người bạn vong niên đã có một tuyển thơ  dày dặn gom góp một đời say mê sáng tạo!
                                                           Hà Nội, những ngày đông ấm áp 2013
                                                                             Nho






                                   

                  
                  





4 nhận xét:

  1. Tôi đi nhà sách thấy có bày bán sách (thơ) của bác đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không rõ tên sách là gì. Bác Hiệp có thể nói cụ thể được không? Cám ơn bác.

      Xóa
  2. Chủ trang ơi! Hình như bị '' sai lỗi chính tả '' rất nhiều thì phải?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Do lỗi chuyển phông bạn ạ. Bản chính bình thường, khi đăng bị lỗi phông nên không đọc được. Một số chữ thôi. Tôi sẽ khác phục. Cám ơn đã chỉ dẫn!

      Xóa