Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

CÁNH BUỒM KHẮC KHOẢI LÒNG CHA!



CÁNH BUỒM

KHẮC KHOẢI LÒNG CHA!

(Đọc bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông)
Đường Văn

          Hình ảnh cánh buồm, từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng quen thuộc trong văn chương đông tây kim cổ. Cánh buồm đỏ thắm, cánh buồm trắng cô độc (Lermôntốp), Cánh buồm tít cõi trời xa (Lý Bạch), cánh buồm thấp thoáng, xa xa (Nguyễn Du), cánh buồm nâu (Nguyễn Bính), cánh buồm trắng – mảnh hồn làng (Tế Hanh), cánh buồm tươi tốt trong mưa xuân (Huy Cận)…
          Hoàng Trung Thông đã góp vào tập thơ Những cánh buồm (1964), lấy nhan đề chung từ tên 1 bài thơ viết năm 1962. Cánh buồm, ở đây cũng là một hình ảnh biểu tượng, tượng trưng: cánh buồm căng gió đưa con thuyền lướt giữa đại trường giang êm chảy hay trên biển khơi cuộn sóng bạc đầu, được nhà thơ khai thác với các ý nghĩa: gợi nỗi nhớ quê hương mênh mông vô định hoặc lẻ loi, đơn chiếc; có khi nhập làm một, hai chiều không gian – thời gian, hai mặt của hoài niệm và tưởng tượng trong trí tưởng của nhân vật trữ tình và người đọc, đưa họ tới những bến bờ xa thẳm của ký ức một thời tới tương lai vời vợi.
          Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông  cũng không ngoại lệ. Vậy đâu là nét riêng  trong bài thơ của tác giả Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại, Anh chủ nhiệm, Bài thơ báng súng và Mời trăng… từng nổi tiếng một thời? Theo tôi, có lẽ đó là bởi cốt cách giản dị, chân thật, trong lành  mà sâu đằm gợi mở từ ý tứ, bố cục đến câu, chữ…Chế Lan Viên từng chỉ ra chính xác cái tạng riêng của nhà thơ xứ Nghệ họ Hoàng:
Thơ ông chân chất,
          Lúa lên hương giữa đồng.
Thơ ông suối trong veo
Chảy tấm lòng rất thật!
          Bài thơ mang dáng dấp tự sự - kể chuyện ngoài vỏ mà ruột lõi đậm đặc ý vị trữ tình. Thi hứng khai mở từ một ban mai biển xanh, trời đẹp. Có hai cha con nhà kia nắm tay nhau dung dăng dạo chơi trên bờ cát mịn, dưới ánh nắng chảy đầy vai. Con vui. Cha càng vui. Ngòi bút thơ hình như tự nhiên ghi lại đôi ba câu chyện của cha con họ chung quanh một cánh buồm xa chợt hiện. Con ngây thơ, háo hức xin cha mượn buồm trắng để con đi; còn cha cứ trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời suy tưởng, để rồi cuối cùng thấy chợt gặp lòng mình trong tiếng ước mơ con.

          Theo tôi, hình ảnh đứa bé - đứa con không có gì đặc sắc, ngoài mấy nét phác vẽ cái bóng tròn chắc nịch quấn quýt theo bóng cha dài lênh khênh cùng 2 câu hỏi tò mò, hồn nhiên của chú bé. Nhưng trong cấu tứ chung của bài thơ, nhất định phải có nhân vật trữ tình đứa bé, có cuộc dạo chơi đơn giản, có 2 câu hỏi vô tình ấy  mới hữu lý thức dậy những suy tư, hồi tưởng, buồn trầm, băn khoăn, thậm chí khắc khoải càng lúc càng đằm, càng đậm mãi trong lòng người cha.
          Người cha mới chính là nhân vật trữ tình trung tâm của bài thơ. Một sáng mai, ông cảm thấy lòng phơi phới vì được dắt đứa con trai khỏe mạnh, hơn hớn dạo gót giữa cảnh biển trời quê hương bát ngát. Đó là một người cha cởi mở, chân thành, khiêm nhường và trung thực. Trả lời con, ông không ngần ngại bộc lộ hạn chế của mình và cũng là hạn chế của thế hệ mình, trước thế hệ kế tiếp:
Những nơi ấy, cha chưa hề đi tới!
          Phải chăng, đó là bài học đầu tiên mỗi người làm cha, làm mẹ cần nhớ để xứng đáng giữ trọn niềm tin yêu trong đôi mắt ngây thơ của con cái. Chính là sự trung thực với bản thân, với hiện tại và trong tương lai. Giáo dục bằng nêu gương chân thật vãn là một phương pháp có hiệu năng bền vững lâu dài.
          Nhưng từ câu trả lời rất thành thật này, đứa con tò mò lại hỏi tiếp, lại nêu tiếp một yêu cầu hóc búa khiến người cha không biết trả lời ra sao. Ông chưa tìm ra câu trả lời. Ông không muốn nói dối con. Ông đành trầm ngâm buồn chìm trong triền miên hồi tưởng về thời thơ ấu của chính mình, về cánh buồm trắng mơ ước của chính mình tưởng chừng đã vĩnh viễn mất hút trong không gian mênh mông và thời gian đằng đẵng của cuộc đời nghiệt ngã; sáng nay bỗng vụt hiện trở lại cùng với những tiếng nói trong trẻo, ríu tít của đứa con trai đi bên. Quá khứ, hiện tại, tương lai đồng hiện trong tâm tưởng ông với cánh buồm trắng mờ xa ngòai khơi vẫy gọi.
          Biểu tượng cánh buồm, ở đây, ít nhất cài đan, thấm xuyên, nối tiếp các tầng ý nghĩa sau:
-         1. Cánh buồm thực
-         2. Cánh buồm mơ của con
-         3. Cánh buồm mơ của cha
-         4. Cánh buồm hi vọng của cha về tương lai của con
-         5. Cánh buồm, nơi gặp gỡ, chuyển giao, nối tiếp giữa hai thế hệ cha – con…
          Theo mạch cảm xúc của bài thơ, theo tôi cảm nhận, các ý nghĩa 3, 4, 5 là nổi trội hơn; càng về sau càng như xoáy xiết vào trái tim người cha và trái tim người đọc. Mở đầu bài thơ, cảnh vui, giọng vui, ríu rít… dần về cuối, giọng thơ càng trầm trầm, nhịp thơ càng lắng chậm ngả sang chiều suy tư, trầm ngâm, tư lự và lặng im.  Và trong tâm trạng đó, lại ánh lên hi vọng, cả hai cha con cùng hi vọng trông vời theo cánh buồm rong ruổi giữa bình minh.
          Trong mỗi chúng ta, ai chẳng từng trải qua mợt thời ấu thơ với cánh buồm trắng ước mơ đầy ắp thả vào tương lai kỳ diệu tít xa mờ? Nhưng thử hỏi đã mấy người kịp giong cánh buồm của mình mà cập tới bến thiên đàng, địa đàng? Biết bao nhiêu cánh buồm chỉ mãi là cánh buồm khát vọng, khắc khoải đam mê ám ảnh suốt một thời trai trẻ mà chỉ mong có dịp, có lúc được giữ, được nhập vào những cánh buồm căng phồng sức mạnh của những thế hệ sau để nối dài ước mơ cuộc sống con người không ngừng phát triển và chu chuyển đến vô tận, vô cùng.
          Như thế, Những cánh buồm không chỉ là câu chuyện tâm tình thủ thỉ của hai cha con nhà kia bên bờ biển nọ, mà còn là lời tự bạch thấm thía của nhà thơ, và của mỗi chúng ta, từng là những người con rồi những người cha, người mẹ…./.

23 – 11 – 2013. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét