Vũ Nho chủ trang
ẤN TƯỢNG VŨ BẰNG
Vũ
Nho
Do hoàn cảnh đặc biệt của Vũ Bằng, như mọi người đã
biết, vì vậy mà lứa tuổi như chúng tôi tốt nghiệp cấp 3 năm 1966 chỉ có thể
biết Vũ Bằng qua nguyên mẫu Hoàng trong
truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao : Đôi
mắt. Thú thật, khi đó, không hiểu sao, cậu thanh niên nhà quê như tôi lại rất nể phục
nhân vật Hoàng. Dù cho thầy giáo có nói rằng Hoàng là nhân vật trí thức tư sản,
là con người xấu, là người có thị hiếu “kém cỏi, hạn chế” của nhà văn “chợ đen”
( Xin bỏ quá cho, chắc thầy dạy tôi nhắc lại những đánh giá của các vị Phong
Lê- Huệ Chi, Lương Thanh Tường, Võ Phi Hồng và Hà Minh Đức viết về Nam Cao
thời những năm 60 – Mời đọc : Hà Bình Trị - “Nhìn lại sự nhìn lại gần đây
với tác phẩm Đôi mắt” trong cuốn Nam Cao qua nửa thế kỉ, nhà xuất bản
Giáo dục, 2001, trang 154 ). Tôi phục vì Hoàng là người rộng rãi với bạn bè.
Cái anh bạn Độ thuộc bậc đàn em, chẳng thân thiết lắm, nhưng Hoàng đối xử thật
lịch sự, đàng hoàng. Mời ăn uống chu
đáo. Khoai thì hầm chảy mật. Ăn mía thì ướp hương hoa bưởi. Nằm ngủ thì trong
màn tuyn trắng toát lại thoang thoảng nước hoa. Trước khi đi ngủ thì đọc sách. Thầy giáo bảo đó là lối sống tiểu tư sản cần phê
phán. Nhưng chúng tôi thì mồm phê Hoàng, mà bụng thì chỉ thèm và ao ước được ăn
mía, được ngủ màn tuyn có nước hoa. Thì ra đó là cái mức sống cao chứ chẳng
phải tư sản hay tiểu tư sản gì cả. Bởi vậy mà tôi nể phục nhân vật Hoàng. Sau
này lớn lên, đọc và trải nghiệm nhiều, lại càng thấy nể Hoàng ở chỗ anh tuyên
bố : “ Đành để cho các ông ấy gọi là phản
động” chứ không chịu công tác với “thằng chủ tịch cháo lòng tiết canh”.
Phải nói rằng thái độ đó có phần thái quá, nhưng nó chứng tỏ cái khí chất cứng
cỏi của người trí thức như Hoàng.
Đó là nhà văn “hình bóng”Vũ Bằng trong tôi. Chỉ là bóng dáng
thôi, nhưng nhờ tài năng của Nam
Cao mà ấn tượng thật mạnh mẽ.
Đến khi những tác phẩm của ông được in lại một cách dè
dặt, đặc biệt là sau khi nhà văn Văn Giá công phu tìm kiếm và khẳng định rằng
Vũ Bằng làm việc cho chúng ta, là người của ta thì tác phẩm của ông được trân
trọng in lại và được bạn đọc nhiệt liệt chào đón, ấn tượng của ông trong tôi
càng mạnh mẽ sâu đậm.
Phải có một nghị lực phi thường, nhà văn mới có thể
dứt bỏ “nàng tiên nâu” khi mà đã quá
quen với nó. Đó chẳng phải là điều đáng khâm phục hay sao?
Năm 1990 của thế kỉ trước, khi tác phẩm “Miếng
ngon Hà Nội” của ông được in lại, nhà thơ Vũ Quần Phương viết lời giới thiệu,
tôi đã tìm mua bằng được và thật thích thú thưởng thức cuốn sách đặc sắc đó. Và
thật chí lí thay, ngoài cái sự am tường, tinh tế và lịch lãm trong nghệ thuật
ẩm thực, nhà văn Vũ Bằng đã làm cho mọi người yêu hơn nước Việt Nam
mình. Ông viết thật thuyết phục “ Miếng
ngon Hà Nội” – những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước
Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, và thấy thích thú, kiêu hãnh được trời cho
làm người Việt Nam”
(
Dựng).
Đến
năm 2002, nhà xuất bản hội Nhà văn in chung cuốn “ Miếng ngon Hà Nội”
với “ Món lạ miền Nam ”
thì tôi lại mua luôn về và thích thú nhâm nhi cả phần một lẫn phần hai. Đúng
như lời tác giả viết “ Có thưởng thức đủ
cả những món lạ đó của miền Nam, người ta mới thật nhận thức được đất của miền
Nam nước Việt phong phú biết chừng nào, người của miền Nam nước Việt hồn nhiên
biết chừng nào, và miếng lạ của miền Nam nước Việt lạ đến chừng nào!
Có
nhận thức như thế, ta mới thấy món lạ của miền Nam
ngon hơn lên và ta yêu hơn lên người miền Nam nước Việt qua những món lạ đó,
không từng thấy ở Bắc hay Trung” (
Dựng). Tôi nghĩ rằng trong tủ sách của mỗi gia đình, không thể thiếu cuốn sách
độc đáo này, nếu gia đình đó muốn chứng tỏ gia đình mình là một gia đình văn
hóa. Thật là tiếc, cho đến nay, hình như chưa có “ miếng ngon” hay “món lạ” nào được đưa vào
sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học. Hi vọng rằng chương trình và sách
giáo khoa mới sau năm 2015 sẽ khắc phục nhược điểm này.
Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập
1 Trung học cơ sở, nhà xuất bản Giáo
dục, 2002 đã có trích tùy bút Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt
trong tập “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Đoạn trích văn xuôi giàu chất thơ
đó đã đem lại niềm vui sướng và thích thú cho giáo viên và học sinh. Tôi đã dự
nhiều giờ thao giảng và thi giáo viên giỏi. Nhà văn Vũ Bằng quả thật đã chinh phục giáo viên và nhiều thế hệ học sinh bằng tình yêu quê hương đất nước, tâm hồn tinh tế,
nhạy cảm và ngòi bút tài hoa của mình.
Cuốn sách mà tôi muốn nhắc đến tiếp
theo cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Ấy là cuốn “ Bốn mươi năm nói
láo”. Một cuốn sách sinh động và vô cùng thú vị. Một cuốn sách của người trong
cuộc với một loạt các tờ báo, những người làm báo có tên tuổi trong làng báo
Việt Nam .
Nguyên những cái tên của các phần : báo
tếu, báo đấu tranh, báo xây dựng, báo
hại, báo là gì cũng đã gây sự tò mò cho bạn đọc. Và mỗi bài viết, tác giả
đã vừa chân thành, vừa hài hước kể lại công việc và những ấn tượng, cảm xúc,
suy nghĩ của mình. Cuốn sách hấp dẫn vì vốn sống phong phú, sự từng trải dồi dào, khả năng nhận xét và bình
luận sắc sảo. Đúng như Thượng Sỹ, bạn của tác giả đã đánh giá : “ Đây là lịch sử một kiếp sống, gắn theo với
nhiều kiếp sống, và đó cũng là tâm tư của một người, của nhiều người, cùng đeo
đuổi một nghề, và thường cùng nuôi một hoài bão như nhau. Vì vậy, độc giả không
chỉ nghe Vũ Bằng “nói láo” về nghề làm báo, mà lại được nghe biết bao nhiêu
chuyện kì thú, vui buồn lẫn lộn với chua cay của những nhân vật như Nguyễn Văn
Vĩnh, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Đào Trinh Nhất, Ngô Tất Tố, Tchya, Vũ Đình
Long, Phùng Bảo Thạch, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Thiết Can, Thâm Tâm, Thanh
Châu v.v…[…]
Cho nên tôi có thể nói, đọc “Bốn mươi
năm nói láo” chẳng khác đọc lịch sử báo chí xứ này trong vòng già nửa thế kỉ XX” ( Lời giới thiệu).
Cuốn sách càng tăng thêm ấn tượng về
tác giả: Vũ Bằng, một nhà văn tài năng.
Hà
Nội, tháng 12/2013
V.N
Tham luận gửi Hội thảo kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Bằng.
Cám ơn bác Vũ Nho đã có bài viết hay, cụ Vũ Bằng đã để lại cho người Bắc hiểu rõ về lối sống cách sinh hoạt trước năm 1954 mà không mấy người biết, quê em có rươi nhwng không biết món ăn mà cụ Vũ Bằng kể lại. Bác Vũ Nho và cụ Vũ Bằng có quan hệ họ hàng thực sự
Trả lờiXóaKính báo bác Đang!
XóaTôi cũng họ Vũ, nhưng quê Gia Viễn hẻo lánh. Không dám nhận họ với các cụ họ Vũ ( Võ) lừng danh!
Tôi đọc Vũ Bằng thời còn đi học ở miền Nam trước năm 1975, và đã say mê sách của ông viết. Cám ơn bác Vũ Nho bài viết về ông.
Trả lờiXóaCám ơn bác Hiệp!
XóaTôi chỉ ghi lại vài ấn tượng thôi. Quả thật nhà văn Vũ Bằng làm tôi kính nể người nghệ sĩ!
Với bu tui thì Thương nhớ mười hai đáng được gọi là kiệt tác của Vũ Bằng. Nằm ở Hà Nội đọc Thương nhớ mười hai mà vẫn nhớ Hà Nội quay quắt thế mới lạ. Còn bốn mươi năm nói láo hấp đẫn từ chữ đầu đến chữ cuối, một Vũ Bằng quá tài hoa. Sau quyển này ông Hồ Hữu Tường cho ra quyển bốn mươi mốt năm làm báo (để cho hơn VB một năm) nhưng làm sao mà hấp dẫn như Vũ Bằng đươc.
Trả lờiXóaRất tâm đắc bài viết này của bác Vũ Nho
(hihihi đọc Đôi mắt mấy mươi năm rồi ...hình như nhân vật Hoàng có nói đại ý; Tài như cụ Hồ mà lãnh đạo dân Việt Nam nó phi đi phải không bác Vũ Nho nhỉ. )
Cám ơn bác Bu đã đồng cảm. Không hẳn là như bác đã nhớ. Nguyên văn " Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho Ồng Cụ lắm"
Xóa